Những câu chuyện huyền thoại về gia đình Hoàng gia Lào mang một nửa dòng máu Việt

Thứ Sáu, 20/02/2015, 07:00
Ở Lào, dòng họ Souphanouvong là dòng họ hoàng gia nổi tiếng và cũng được yêu mến nhất. Đó cũng là dòng họ mà sự tồn tại qua nhiều thế kỷ đã để lại rất nhiều giai thoại mang màu sắc huyền thoại.

"Vị thần hộ mệnh" của xứ sở hoa Champa

Khi biết tôi có ý định thực hiện một chuyến đi dọc nước Lào, những cựu học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã nói: Khi đến Vientiane, nhất định phải tìm gặp Xu Chính, Xu Đại, nhắn là bạn bè Việt Nam lúc nào cũng nhớ…

Xu Chính, Xu Đại – là những cái tên dí dỏm mà những lính Trỗi vẫn gọi những người con của Hoàng thân Souphanouvong, khi họ cùng trải qua những năm tháng thơ ấu trên đất Việt. Nhờ đó, tôi đã có cơ hội bước vào ngôi nhà của một trong những gia đình Hoàng gia danh giá nhất nước Lào; được những người con của Hoàng thân đón tiếp như những người thân trong gia đình đi xa mới về; được thắp hương cho vợ chồng Hoàng thân, và thấy mình lặng đi vì xúc động trong khoảnh khắc khi nhận ra bức ảnh thờ Hoàng thân Souphanouvong là bức ảnh ông chụp chung với Bác Hồ giữa chiến khu Việt Bắc những ngày gian khó nhất của Cách mạng hai nước.

Những người con của Hoàng thân đều thờ cha mình và Bác Hồ bằng bức ảnh chụp chung đó trong nhà riêng của họ. Với gia đình Hoàng gia ấy, đó là lời nhắc nhở con cháu đời sau dù thế nào cũng không được quên mối thân tình gắn bó với đất nước Việt Nam; dù thế nào cũng không được quên trong huyết quản của mình có một nửa là dòng máu Việt…

Những ngày ở Thủ đô Vientiane của Lào, anh Vinaythong Souphanouvong ( tên Việt là Nguyễn Văn Chính), đã dành nhiều ngày trời đưa chúng tôi đi thăm những nơi vẫn còn lưu lại dấu ấn về lịch sử gia đình mình, một dòng họ quý tộc nổi tiếng lâu đời.

Hoàng gia Lào thời phong kiến do 3 dòng họ quản lý, gọi là Tiền Cung, Chính Cung và Hậu cung. Gia đình Souphanouvong là những người thuộc dòng dõi Tiền Cung, với biểu tượng là con rắn Chúa đầy sức mạnh. Tuy dòng Chính Cung mới có những vị Vua cai trị đất nước, nhưng người dân Lào lại kính trọng, tôn thờ dòng Tiền Cung hơn cả. Bởi dòng Tiền Cung chính là dòng họ luôn đảm đương nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, bờ cõi và sự bình yên của nhân dân Lào từ đời này qua đời khác. Khi lãnh thổ Lào bị giặc xâm lăng, dòng họ Tiền Cung với sứ mạng của mình, lại xả thân vì đất nước. Từ nhiều đời trước, quân Xiêm đã chiếm của Lào một phần lãnh thổ rộng lớn (chính là toàn bộ vùng Đông Bắc Thái Lan hiện nay). Chính ông nội của Hoàng thân Souphanouvong là người đã lấy lại được 2 tỉnh cho nước Lào.

Tin rằng dòng Tiền Cung là những người được tổ tiên trao cho sứ mệnh bảo vệ dân tộc Lào, nên người dân Lào có một sự yêu kính, tin tưởng đến gần như trở thành tín ngưỡng với dòng họ Souphanouvong. Khi triều đại phong kiến ở Lào bị Pháp lật đổ, anh trai của Hoàng thân (ông Souvana Phouma) là người được nhân dân Lào ủng hộ lên làm Thủ tướng đầu tiên. Khi Hoàng thân Souphanouvong lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong sự hoan nghênh và mừng vui khôn xiết của nhân dân.

Đến tận bây giờ, khi mà triều đại phong kiến ở Lào đã kết thúc gần 100 năm, người Lào vẫn tin vào sự bảo vệ, che chở của những người thuộc dòng máu Tiền Cung. Không như ở Việt Nam, người Lào ở Vientiane có một thói quen rất văn minh: dù đường phố đông đến mấy, họ cũng hầu như không dùng còi xe.

Hoàng thân Souphanouvong và bà Kỳ Nam.

Có người còn nói, Vientiane là Thủ đô không tiếng còi. Nhưng có một điều kỳ lạ là mỗi buổi sáng sớm, trên con đường chạy qua Nhà Lưu niệm Hoàng thân Souphanouvong, cũng là nơi Hoàng thân sống lúc sinh thời, các lái xe qua đây không ai bảo ai đều đồng loạt ấn một hồi còi dài. Người Lào giải thích, hồi còi đó là hồi còi chào và tưởng nhớ Hoàng thân, mong muốn ông che chở, bảo vệ, giúp họ an toàn trên đường. Trên xe của người Lào còn để cả ảnh của Hoàng thân Souphanouvong và Hoàng thân Phouma như một tấm bùa hộ mệnh.

Ở phía Đông bắc Lào, trên con đường đi về cửa khẩu Cầu Treo, có một cây cầu mang tên Hoàng thân Phouma. Nghe kể rằng, khi ngài Phouma còn sống, có lần nghe kể cây cầu bắc qua con sông đó bị lời nguyền, không ai dám lái xe qua đó. Vậy là ông Phouma đi qua đó một chuyến. Chẳng biết ông đã làm gì, nhưng sau đó, không còn ai than thở về cây cầu. Và cây cầu mang tên ông từ đó. Dù những câu chuyện này có thể chỉ là truyền thuyết, nhưng nó chứng tỏ một điều, đến tận bây giờ, dòng họ Souphanouvong vẫn luôn là dòng họ hoàng gia được yêu mến nhất ở Lào.

"Lời tiên tri" trong cung điện và chuyện tình của ông Hoàng nước Lào với hoa khôi nước Việt

Trong gia đình Hoàng thân Souphanouvong lưu truyền một câu chuyện: khi Hoàng thân Souphanouvong còn bé, trong cung điện Xuxavanna mà gia đình ông sinh sống có một nhà chiêm tinh đã "tiên tri" về số phận của hoàng tử Souphanouvong: Khi lớn lên, ông sẽ trở thành một danh nhân lớn và sẽ lấy một người vợ là dân thường ở xứ sở ngoại bang. Đó là người con gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, yêu màu hồng và thường mặc áo màu hồng. Trong lần đầu tiên giáp mặt Hoàng thân, người con gái đó cũng mặc áo màu hồng. Sau này, đúng như "lời tiên tri" ấy, ông trở thành một nhà lãnh đạo nổi tiếng ở Lào và kết hôn với bà Nguyễn Thị Kỳ Nam, một cô gái Việt Nam xinh đẹp sinh trưởng trong một gia đình tư sản giàu có đất Nha Trang.

Có một sự trùng hợp là trong khi Vua Bảo Đại của Việt Nam kết hôn với Hoa khôi Nam Kỳ - Nam Phương Hoàng hậu, thì ông Hoàng nước Lào lại lấy vợ là hoa khôi Trung kỳ. Nhưng hai con người đều có xuất thân hoàng tộc đó lại chọn những con đường khác nhau và đi theo những ngã rẽ khác nhau của số phận: một người phản bội Tổ quốc, bán mình cho thực dân, cuối cùng phải sống kiếp lưu vong ở xứ người, chìm đắm trong những cuộc tình không hồi kết.; một người chọn con đường gian khổ - con đường giải phóng dân tộc, cuối cùng trở thành lãnh tụ, thành người Anh hùng trong mắt nhân dân, sống cuộc đời vinh quang, hạnh phúc bên người phụ nữ mà mình yêu chung thủy suốt đời.

Năm 1937, sau một thời gian dài du học ở Pháp, Hoàng thân Souphanouvong về Nha Trang, Việt Nam, với công việc đầu tiên là làm công chức cho Pháp. Xuống sân ga Nha Trang, cái đập vào mắt ông đầu tiên là biển hiệu "Bon Air Hotel" - nghĩa là "không khí trong lành". Ông đã quyết định chọn nơi này là nơi lưu trú trong suốt thời gian ở Nha Trang. Quyết định đó đã cho ông cơ hội gặp gỡ người phụ nữ của đời mình - bà Nguyễn Thị Kỳ Nam.

Bà Kỳ Nam là con gái ông Nguyễn Văn Sung, ông chủ của khách sạn Bon Air, vừa nổi tiếng xinh đẹp khắp Trung kỳ, vừa là nữ sinh Đồng Khánh được học hành, giáo dục theo lối Tây học. Nghe kể rằng, khi cuộc thi Hoa khôi Trung kỳ được tổ chức, tiểu thư Kỳ Nam chỉ đến cổ vũ cho một người bạn tham gia cuộc thi. Nhưng ban giám khảo khi phát hiện một nhan sắc quá kiêu sa, rực rỡ dưới hàng ghế khán giả đã mời cô tham gia cuộc thi và cuối cùng chọn cô là hoa khôi năm đó.

Vynaythong Souphanouvong (tên Việt là Nguyễn Văn Chính).

Hoàng thân Soupha gặp người bạn đời tương lai của mình ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân vào khách sạn Bon Air. Khi nhìn thấy cô tiểu thư áo hồng duyên dáng, xinh đẹp đứng sau quầy lễ tân, nhớ đến lời tiên tri xưa, ông đã lập tức tin rằng đây chính là người con gái ông sẽ lấy làm vợ. Những ngày ở trọ tại khách sạn Bon Air đã giúp Hoàng thân Souphanouvong và tiểu thư Kỳ Nam nhanh chóng chuyển từ tình bạn sang tình yêu. 6 tháng sau cuộc gặp đầu tiên, ông bà trở thành vợ chồng.

Ông đặt cho bà một cái tên mới là Viêng Khăm Souphanouvong – nghĩa là bức Thành vàng quý giá của dòng họ Soupha. Chỉ cái tên đó cũng đủ thấy ông yêu và trân trọng cô gái Việt mà ông chọn làm vợ đến nhường nào. Kể từ đó cô hoa khôi xứ Trung Kỳ đã từ bỏ cuộc sống an nhàn của một cô tiểu thư nhà giàu ở đất Nha Trang, chấp nhận dấn thân theo con đường của chồng – con đường mà ngay từ khi cưới nhau, Hoàng thân đã nói rõ với người vợ yêu của mình “sẽ là con đường của đấu tranh giành lại đất nước Lào thực sự độc lập cho người Lào” - một con đường mà chưa đi đã biết sẽ nhiều chông gai, vất vả hơn mọi con đường khác.

Nhưng Hoàng thân đã không chọn nhầm người để cùng chia sẻ gánh nặng đó. Bà Viêng Khăm Kỳ Nam có đầy đủ đức tính hi sinh của một người phụ nữ Việt Nam. Là cô gái ngoại bang về làm dâu trong gia đình hoàng gia danh giá nước Lào, bà Viêng Khăm Kỳ Nam đã trọn vẹn đạo vợ chồng với Hoàng thân Souphanouvong. Ngay cả khi hoàng thân Souphanouvong gặp biến cố, bị bắt đi tù, hay trong những ngày kháng chiến gian khổ, bà Viêng Khăm vẫn luôn ở bên chồng.

Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có không ít thời điểm, bà Viêng Khăm Nguyễn Thị Kỳ Nam phải một mình nuôi con, đưa các con đi sơ tán mà không có Hoàng thân Souphanouvong bên cạnh. Khi Hoàng thân bị chính quyền phản động Lào bắt giam, bà Viêng Khăm đã bất chấp cả tính mạng khi giấu tài liệu vào người cậu con trai mới vài tháng tuổi để tuồn vào cho chồng trong mỗi lần vào ngục thăm nuôi ông. Cũng chính bà là người đã dắt cả đoàn con nhỏ lặn lội từ Lào sang Thủ đô Hà Nội để tìm gặp Bác Hồ, nhờ Người giúp đỡ giải cứu Hoàng thân.

Sau này, khi là vợ của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, nhưng bà Viêng Khăm sống rất giản dị. Bà vẫn đích thân vào bếp nấu cho chồng con các món Việt Nam. Bà còn học các món ăn Lào để nấu ăn cho Hoàng thân mỗi khi ông thích. Bà dạy những người con của mình nói được cả tiếng Việt và tiếng Lào, dạy các con về tình đoàn kết hai nước Việt – Lào. Những lúc Hoàng thân Souphanouvong bận rộn hay mệt mỏi, căng thẳng vì việc chính sự, bà Viêng Khăm thường đưa ra những lời khuyên bổ ích cho Hoàng thân.

Cuộc sống giản dị trong gia đình hoàng gia

Tình yêu của Hoàng thân và vợ là mối tình khiến nhiều người ngưỡng mộ, nhưng cũng khiến không ít kẻ gièm pha, ghen tị. Vì Hoàng thân rất tin tưởng vào kiến thức, vào sự thông minh và bản lĩnh của vợ, nên thời còn làm Chủ tịch nước Cộng hòa DCND Lào, ông thường xuyên tham khảo ý kiến của bà trong nhiều vấn đề lớn và thường được bà cho những lời khuyên đúng đắn. Khi những lời đồn đại, lên án ông, cho rằng ông quá nghe lời vợ và để vợ "giật dây" đến tai, Hoàng thân Souphanouvong đều bảo vệ vợ.

Có lần, ông đã trả lời rất thẳng thắn một người Lào tên là Ca-tay, khi ông này có lời lẽ xúc phạm bà Kỳ Nam: "Việc vợ tôi có góp phần một cách tích cực và công khai vào công việc chính trị thì việc đó chỉ lạ với những kẻ có đầu óc cổ hủ và sai lầm. Tôi sẽ ủng hộ vợ tôi đến cùng, nếu những đóng góp của bà ấy có ích cho đất nước, cho nhân dân Lào. Rồi đây cả phụ nữ và đàn ông đều phải có trách nhiệm như nhau trong việc xây dựng một nền chính trị mới".

Cuộc hôn nhân của Hoàng thân và bà Viêng Khăm Kỳ Nam là một cuộc hôn nhân trải qua nhiều gian khổ nhưng vẫn đầy mật ngọt tình yêu. Đó một phần là nhờ những đức tính tốt đẹp của bà Viêng Khăm khi sang xứ người làm dâu - nơi mà lúc nào, bà cũng cố gắng hòa nhập để trở thành một người vợ xứng đáng của "ông hoàng đỏ" nước Lào.

Vợ chồng Hoàng thân là những người sống rất giản dị, khiêm nhường. Thời còn đi làm cách mạng, dù là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, có người phục vụ hậu cần, nhưng Hoàng thân thường tự giặt quần áo, tự nấu cơm. Anh trai ông khi đó là Thủ tướng nhìn thấy đã tỏ vẻ không hài lòng và yêu cầu Hoàng thân để việc đó cho người giúp việc làm, nhưng ông hoàng Đỏ gạt đi: Những chuyện này em làm được cả. Cá nhân chúng ta có là gì. Chúng ta phải đặt đất nước Lào, nhân dân Lào lên trên hết”. Bữa cơm của Hoàng thân cũng rất đơn giản, chỉ cần có nắm cơm nếp và 1 vài con cá suối nhỏ to bằng đầu ngón tay là xong. Sau này khi nghỉ hưu, Hoàng thân vẫn giữ nếp sống bình dị như thế. Ông ăn uống đơn giản, ngày ngày đọc sách và đi dạo quanh những khu rừng quanh nhà cùng bà Viêng Khăm Nguyễn Thị Kỳ Nam.

Bàn thờ gia đình anh Chính.

Bước vào căn phòng làm việc của Hoàng thân, dễ thấy một tinh thần Hồ Chí Minh bao trùm tất cả. Phòng làm việc của vị nguyên thủ quốc gia và phu nhân bài trí rất đơn sơ. Ngoài phòng khách, một bộ bàn ghế song mây đơn giản, chiếc tủ gỗ mộc mạc, trên nóc trang trọng đặt chân dung Bác, phía trước là bát hương nhỏ với đôi chân nến bình thường. Hoàng thân thường ngồi ở đây, ngay dưới tấm chân dung của con người mà ông coi như người cha tinh thần của mình.

Phòng làm việc của Hoàng thân chỉ có vài chiếc tủ đựng tài liệu. Bàn làm việc không có cái vẻ gì là của một yếu nhân hoàng tộc, nguyên thủ quốc gia. Trong số những đồ vật ít ỏi bày trên đó, có một cuốn trong bộ Tuyển tập Hồ Chí Minh. Phòng làm việc của phu nhân Nguyễn Thị Kỳ Nam còn đơn sơ hơn nữa. Trên chiếc kệ thờ của bà là tượng nhỏ của Hai Bà Trưng. Khi trở thành Chủ tịch Lào, chính phủ Lào đề nghị ông vào sống và làm việc ngay trong tòa nhà Phủ Chủ tịch, tòa nhà khang trang nằm ngay giữa trung tâm Vientiane. Nhưng ông từ chối và chọn một ngôi nhà hết sức bình thường. Noi gương ông, các đời chủ tịch sau này đều không sống trong Phủ Chủ tịch.

Những người con của Hoàng thân Souphanouvong và bà Viêng Khăm Kỳ Nam đều nói: cha họ dạy cho họ cảm giác về trách nhiệm của một người thuộc dòng họ Supha với đất nước, với nhân dân; còn mẹ họ dạy cho họ sự dịu dàng, nhân ái và tình ruột thịt không thể chia tách với đất nước Việt Nam.

Vợ chồng Hoàng thân có 10 người con. Tất cả 10 người con đều được đặt tên Việt Nam, đều biết tiếng Việt và từng đi học ở Việt Nam, gắn bó với người dân Việt Nam. Có những người con của Hoàng thân Xuphanuvông tiếp tục lấy vợ Việt Nam. Những người cháu của Hoàng thân cũng nối tiếp con đường đó, sang Việt Nam học để trở về Lào xây dựng quê hương, đất nước. Tất cả họ đều nói, trong họ có một nửa dòng máu là người Việt Nam và họ tự hào về điều đó.

Người con gái thứ 5 của Hoàng thân tên là Nhotkeomani Souphanouvong (tên Việt là Kiều Nga) – kế thừa vẻ đẹp thuần khiết của mẹ - bà Viêng Khăm Nguyễn Thị Kỳ Nam. Bà Nhotkeomani Souphanouvong là Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, Phó trưởng văn phòng Trung ương Đảng. Bà từng theo học ở Việt Nam nên nói tiếng Việt giỏi như người Việt trên đất Việt.

Từ khi còn nhỏ, bà đã được mẹ là bà hoàng Viêng Khăm Kỳ Nam dạy cho cách nấu các món ăn Việt. Mỗi khi có khách từ Việt Nam sang chơi, bà thường nấu những món rất Hà Nội như bún chả, phở, canh cua mùng tơi ăn với cà pháo, khéo léo không kém bất cứ người phụ nữ Việt đảm đang nào, khiến những người Việt sang Viêng Chăn vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngợi. 

Con gái bà Nhotkhammani cũng được bà cho sang học ở Học viện Ngoại giao Việt Nam. Cô bảo vệ luận văn thạc sĩ tại đây với đề tài Tình đoàn kết hai nước Lào – Việt và khẳng định rằng trên thế giới này khó có mối quan hệ nào gắn bó đặc biệt như “quê ngoại” và “quê nội” của cô..

Vynaythong Souphanouvong (tên Việt là Nguyễn Văn Chính) – người con trai thứ 3 của vợ chồng Hoàng thân kể rằng: “Chính tôi nhiều lúc cũng không thể nhận ra mẹ tôi là phụ nữ Việt hay Lào? Dường như bà vừa là cả hai – vì bà sinh ra đã thế và vì tình yêu với cha tôi. Sáng nào cũng vậy, dù khi là đệ nhất phu nhân, nhưng bà vẫn dậy rất sớm như bao phụ nữ Lào khác, tắm rửa sạch sẽ, mặc bộ Cà Piêng đẹp nhất rồi bước ra khỏi nhà, quỳ rạp bên đường, chờ đoàn sư khất thực đi qua và cung kính dâng lên các nhà sư lễ vật của gia đình mình trong nghi lễ không thể thiếu của người Lào mỗi ngày. Đó là lý do vì sao mẹ tôi luôn được người dân Lào yêu quý, dù bà là một bà Hoàng có xuất xứ ngoại lai.

Mỗi ngày, bà luôn tự tay chăm sóc dạy dỗ con cái, tự tay chế biến những món ăn ngon nhất cho cha tôi, dù lúc nào xung quanh ông cũng không thiếu người phục vụ. Những ngày cha tôi ốm nặng, rồi khi ông qua đời, mẹ tôi suy sụp hẳn. Bà khóc mỗi ngày trong nỗi thương nhớ ông và cứ kể đi, kể lại, kể mãi về cuộc gặp định mệnh của họ thời trẻ.

Bà thường đi lại quanh ngôi nhà, những nơi vẫn còn in dấu ấn cha tôi. Những lúc sức khỏe cho phép, bà đi dọc những con đường mà bà và cha tôi thường đi dạo mỗi buổi chiều hoàng hôn bên dòng MeKong. Kể từ buổi gặp gỡ đầu tiên năm 1937 đến năm 1995, khi cha tôi mất đi, ông luôn là người đàn ông duy nhất trong lòng bà, là người bà dành cho một tình yêu và sự kính trọng tuyệt đối".

Tùng Khanh
.
.
.