Chiếu chèo Lê Hồ: Những câu hát đi cùng năm tháng

Thứ Hai, 27/06/2016, 13:06
“Năm xưa tên gọi là Đàn Tây/ Mà nay đây lúa tốt ngô xanh tràn đầy/ Mái đình cổ kính đẹp sao/ Anh linh di tích tự hào nào hơn/ Quê mình thôn Thượng là đây” - những làn điệu chèo cổ tồn tại hàng trăm năm đã ghi lại lịch sử hào hùng cùng sự phát triển đổi thay của một vùng quê chiêm trũng.


Tỉnh Hà Nam nằm trong vùng trũng của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nơi đây được coi là cái nôi sản sinh ra những danh chèo nức tiếng của dải đất hình chữ S như Huy Toàn, Bạch Trà, Ngọc Viễn, Lương Duyên...

Thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là một trong những địa phương tiêu biểu về phong trào hát chèo, hát dân ca truyền thống. Những người nông dân chân chất, một nắng hai sương có thể say sưa luyện tập, hát chèo cả ngày. Họ hát bằng tình yêu, bằng cả niềm đam mê với “môn nghệ thuật” đồng quê này.

Câu hát mộc mạc mà sâu sắc

“Lê Hồ ơi, biết mấy tự hào/ Khúc hát dân ca đi cùng năm tháng/ Dâng lên Đại hội ngàn hoa thắm hồng/ Nguyện chung sức, chung tay vươn tới/ Xóa đói nghèo cuộc sống văn minh/ Lê Hồ ta vững bước trên đường...”.

Đó là những câu hát mới nhất, những câu hát chào mừng Đại hội Đảng XII, với niềm hi vọng cuộc sống sẽ ấm no, hạnh phúc, văn minh và tốt đẹp hơn.

Hát chèo - niềm đam mê của những người nông dân chân lấm tay bùn.

Những làn điệu chèo Lê Hồ thường có nội dung về tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương đất nước. Qua lời bài hát, đôi trai gái tự tình, trao duyên bằng những lời lẽ ý nhị mà sâu sắc.

Dân gian đã có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” nên ngay trong những tình khúc giao duyên miếng trầu luôn là lời chào, lời mời thậm chí là lời tỏ tình, mượn miếng trầu để nối một mối duyên tình: “Ăn một miếng trầu, lại đây ăn một miếng trầu/ Không ăn cầm lấy, không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng/ Trầu này trầu tính trầu tình/ Ăn vào cho đỏ, ăn vào cho đỏ, môi mình môi ta”.

Nhưng cũng có khi chỉ là “Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần/ Anh còn son, em cũng còn son...”. Chỉ cái liếc mắt thôi, cũng đã đủ gửi tình...

Quê hương đất nước đã đi vào thơ ca, ăn sâu vào những điệu hò, câu hát. Làn điệu chèo cũng không hề ngoại lệ, đất nước trong những câu hát chèo bình dị, giản đơn, ngắn gọn mà sâu sắc: “Quê hương có tự bao đời/ Bát ngát điệu chèo í ị ì i..i..i/ Bên sông lúa mừng reo í í i..i..i/ Nơi lũy tre xanh trăng ngà soi bóng/ Lễ hội mừng vui/ Trống chèo văng vẳng hỏi ai không thấy lòng xốn xang í ị ì i...”.

Ông Hoàng Hởi – người được bà con nơi đây gọi với cái danh “đạo diễn nhà nông”, gần nửa cuộc đời gắn bó, vực dậy và nuôi dưỡng chiếu chèo quê hương. Giờ đã ngoài 70 tuổi nhưng chưa khi nào người “đạo diễn nhà nông” này ngơi nghỉ. Ông đau đáu làm sao sáng tác được những câu hát hay nhất, sống động nhất.

Ông cho biết, yếu tố làm chiếu chèo Lê Hồ phát triển và gìn giữ được đến ngày nay là bởi “Nơi đây có một tổ hợp đầy đủ đạo diễn, diễn viên, biên kịch và nhạc công. Do không có nhiều nhân lực nên một người phải kiêm nhiều nhiệm vụ, vừa đạo diễn vừa biên kịch, vừa là diễn viên vừa là nhạc công, tài năng lắm...”.

Cô Hoàng Thị Uyên, người con gái thứ ba của ông Hởi đã nối nghiệp cha từ khi mới 12 tuổi. Nói về những làn điệu chèo quê hương, cô tâm sự: “Hồi nhỏ, chèo ở quê mình thịnh vượng lắm. Nhà nhà mở chèo, người người hát chèo. Trẻ con lớp 4, lớp 5 cũng đã thuộc lòng vài điệu ru, lắp bắp những câu hát giao duyên rồi”.

Bản thảo của những bài hát chèo do ông Hoàng Hởi sáng tác.

Chia sẻ về cái duyên với nghề, người “đạo diễn nhà nông” cho hay: “Ngay từ lúc nhỏ đi nghe những làn điệu chèo đã biết mê mẩn, rồi những câu hát cứ thấm vào người, vào máu thịt. Khi đi bộ đội những năm 60, ông vẫn hát, vẫn sáng tác chèo. Ông bảo hát để cổ vũ tinh thần đồng đội, hát để quên đi những nhọc nhằn, hiểm nguy”.

Ra đời từ... cây lúa

Về thôn Phương Thượng ta nghe được những tâm hồn nghệ thuật của những người nông dân chân chất, một nắng hai sương. Họ hát chèo ngay trên đồng ruộng, những lời ru à ơi của bà, của mẹ cũng xuất phát từ làn điệu chèo truyền thống.

Chiếu chèo Lê Hồ luôn hiện hữu, ăn sâu trong tâm thức của mỗi người con bản xứ. Không ai chắc chắn được chèo Lê Hồ có tự bao giờ. Theo các bậc cao niên trong làng, trong cuốn thần phả của đình làng có ghi những năm 1945 -1946, làn điệu chèo bắt đầu được manh nha bởi các cụ Nguyễn Thị Đại, Nguyễn Hữu Phiếm, Nguyễn Văn Học...

Thời điểm này, các “nghệ sỹ” thường giao lưu với các trùm chèo như bà trùm Bách, ông trùm Phàm, ông Hai Chưng và các câu lạc bộ chèo trong huyện, và các huyện  Thanh Liêm, huyện Thanh Thủy, huyện Bình Lục...
Người “đạo diễn nhà nông” Hoàng Hởi với một sáng tác chào mừng đại hội Đảng XII.

Những năm 1951 - 1980 nổi lên một loạt các thế hệ mới gồm những “nghệ sỹ nông dân” Tạ Văn Phát, Tô Văn Dũng, Tạ Văn Hiệp, Nguyễn Triệu Khải.., rồi đến những lớp trẻ mới nổi như Hoàng Thị Uyên, Hoàng Thị Nhạn, Nguyễn Trần Vích...

Trong cuốn thần phả còn ghi lại hằng năm cứ vào 6/1 dân làng làm lễ kỷ niệm ngày sinh của Thành Hoàng làng Nguyễn Phúc Tịnh (cháu gọi bà Trưng bằng mợ) có biệt hiệu “Phúc Tính Khang Tĩnh Cư Sĩ Đại Vương”.

Tục truyền rằng, hằng năm cứ vào ngày 6/1, làng lại mở hội làng, kỷ niệm ngày sinh của Thành Hoàng làng. Hội kéo dài 3 ngày, sau những nghi thức cúng lễ truyền thống, là đến phần hội. Ngoài những trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, thi nấu ăn... đặc biệt là cuộc thi hát chèo, đã thu hút đông đảo các “nghệ sỹ” không chuyên tham gia.

Mỗi đội thi hát chèo có 5 thành viên, sau những phần thi như hát đối, hát giao duyên, các đội sẽ cử người thi cá nhân. Đội nào hát hay, trang phục đặc sắc, nhận được số điểm cao từ Ban giám khảo, đội đó sẽ giành chiến thắng.

Cứ sau mỗi một cuộc hội làng, lại có một vài thành viên được bổ sung vào câu lạc bộ chiếu chèo truyền thống của quê hương. Cứ như vậy, lớp sau tiếp nối, tre già măng mọc, những câu hát chèo được bà con nơi đây lưu giữ, lan truyền đến tận bây giờ và cho mai sau.

Chiếu chèo Lê Hồ còn bắt đầu từ câu chuyện truyền miệng của bà con nơi đây. Họ truyền nhau rằng, những câu hát chèo còn có nguồn gốc từ chính những... cây lúa – một sản vật, một của quý trời ban.

Theo bà con nơi đây, xưa kia khi còn bị đô hộ, những người nông dân nghèo không có ruộng, họ thường phải đi cấy thuê, gặt thuê, quanh năm vất vả mà công sá chẳng được bao.

Những giờ lao động trên cánh đồng dài đằng đẵng, vất vả, mệt mỏi, niềm khát khao tự do đã khiến những người lao động chân lấm tay bùn cất lên những câu hát, xóa đi những mệt mỏi, để tiếp tục hăng say lao động, vì một ngày mai tươi sáng.

Sau những giờ tập luyện, những lúc biểu diễn, những người nghệ sỹ này lại quay trở về là một người nông dân chân chất, chân lấm tay bùn.

Nỗi lo... thất truyền

Chiều tháng 6, nắng như đổ lửa, bên chiếu chèo ngoài sân đình, mọi người vẫn hăng say tập luyện. Khuôn mặt của người “đạo diễn nhà nông” mồ hôi chảy không dứt nhưng vẫn tràn đầy tâm huyết, say mê. Ẩn sâu sau những nếp nhăn chằng chịt, những giọt mồ hôi mặn chát kia là cả một nỗi lo, niềm đau đáu... thất truyền.

Chia sẻ về nghiệp hát chèo, ông bảo “Sợ nhất là chờ vào lòng đam mê”. Ông cho biết, chiếu chèo còn tồn tại được đến ngày hôm nay là nhờ vào những lòng đam mê, hăng say của người diễn.

Sân đình luôn là sân khấu của các nghệ sĩ nhà nông.

Họ say mê tập luyện, say mê hát, mỗi diễn viên ở chiếu chèo Lê Hồ đều có thể diễn nhiều vai từ biên kịch, nghệ sỹ đến nhạc công rồi cũng có khi là đồng đạo diễn. Họ đa nghề cả. Việc gì cũng làm được nên chiếu chèo Lê Hồ mới tồn tại và bền vững cho đến ngày nay.

Hiện tại là thế, còn câu chuyện tương lai về nghiệp chèo thì lại khiến tóc ông bạc thêm mấy phần. Theo ông, lớp trẻ bây giờ nhiều tài năng lắm, nhưng người có niềm đam mê với hát chèo thì ... “như lá mùa thu”. Ông thẳng thắn, lớp trẻ bây giờ mê điện tử, mê chơi bời hơn là văn nghệ quần chúng.

Trẻ con thì đi học ngày đêm, lớn hơn chút nữa thì học đại học, cao đẳng. Ra trường lại tất bật, hối hả xin việc. Hơn nữa, xã hội đổi mới, lớp trẻ trong làng đi xa lập nghiệp, ít người ở lại gắn bó với mảnh đất chiêm trũng này. Vì thế người đam mê hát chèo cũng hiếm.

Hơn nữa, chính sách đãi ngộ dành cho những “nghệ  nhân” hát chèo không nhiều nên không thu hút được thế hệ mới.

Cô Hoàng Thị Uyên chia sẻ: “Hát chèo thực chất để mọi người thỏa mãn niềm đam mê ca hát.

Chứ sống bằng hát chèo thì sao nổi. Hằng năm chỉ có vài cuộc thi tổ chức ở cấp huyện, cao hơn nữa thì cấp tỉnh. Không phải lần nào đi thi cũng đạt giải cao, mà có khi giải thưởng cũng không nhiều.

Tiền hỗ trợ của UBND xã dành cho chiếu chèo lại càng ít, cũng chỉ đủ để mua sắm dụng cụ, chè nước sau mỗi lần biểu diễn. Vậy nên, hát chèo chủ yếu là “phục vụ” bản thân, tiếp sau đó là giúp mọi người trong thôn thư giãn sau một tuần lao động mệt mỏi”.

Chia sẻ những trăn trở về hát chèo quê hương, người “đạo diễn nhà nông” Hoàng Hởi cho biết: Chiếu chèo Lê Hồ, chèo làng Khuốc tỉnh Thái Bình hay những chiếu chèo không chuyên chưa được Nhà nước quan tâm, đầu tư, phát triển.

Đa số những chiếu chèo không chuyên phải tự duy trì, bảo tồn. Đất diễn cho những chiếu chèo không chuyên còn hạn hẹp do đó những nghệ nhân chưa có điều kiện phát huy hết tài năng thiên bẩm của mình.

Ông bảo, mặc dù tinh hoa của chèo Lê Hồ, chất chèo Lê Hồ vẫn tiếp tục được các nghệ sĩ bảo lưu, gìn giữ song có phần mai một. Người dân làng bảo nhau: “Giá đội chèo của làng, niềm đam mê ca hát luôn được phát huy như ngày nay, thì chiếu chèo Lê Hồ sẽ còn vang mãi”. Đó không chỉ là trăn trở của ông mà còn là nỗi lo của nhiều người yêu thích, đam mê với chèo.

Hoàng Hòa
.
.
.