Những chiếc cầu già ở Tây Nguyên

Thứ Năm, 21/08/2014, 16:00

Tháng 7 ở Tây Nguyên là mùa mưa dầm, những cơn mưa lê thê kéo dài cả tuần làm cho mực nước sông suối dâng cao. Theo chân mấy anh em KHo đi xúc cá suối mỗi khi nươc lũ về, chúng tôi được dịp lên cầu treo trong cơn mưa như trút. Đó là chiếc võng sắt của bà con trồng chè, cà phê đang lắc lư trên suối, trông vừa đẹp lại vừa lạ. 

Ngày 7/5/2014, Bộ Giao thông Vận tải triển khai đề án cầu treo cho các tỉnh miền núi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong chương trình quốc gia này, Bộ sẽ xây dựng 186 cầu treo dân sinh giai đoạn 1 và 7.500 cầu giai đoạn 2 cho 28 tỉnh, thành phía Bắc và Tây Nguyên. Trước mắt Bộ sẽ hoàn thành 186 cầu treo trong 6 tháng cuối năm 2014. Đó là tin mừng cho bà con ở miền núi. Có được chủ trương lớn này, bà con ở vùng sâu, vùng xa cũng phải cám ơn VTV1 phát lại hình ảnh cô giáo Tòng Thị Minh và học sinh ở xã Nà Hì, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) vượt suối đến trường bằng túi nilon. Con người ở giai đoạn khó khăn nào cũng phải tìm ra lối thoát để tồn tại. Và nếu như dự án của Bộ Giao thông Vận tải trở thành hiện thực, có lẽ vài năm sau những chiếc cầu hoang và cầu treo ở Tây Nguyên sẽ trở thành ký ức.

Cứ mỗi lần chạy xe máy đường dài ở Tây Nguyên, ngồi nghỉ mệt, nhìn những cây cầu hoang chuyển sang gam màu nâu sẫm rong rêu đứng lặng lẽ trơ trọi một mình, tôi lại hình tượng đất và người 300 năm trước. Ở đất nước mình, chiếc cầu nào cũng vậy, dù mới hay cũ cũng trở thành chiếc hộp đen lưu giữ những sự kiện hàng ngày. Chúng ghi lại sự thật của người, của xe, của sông, của suối và của đôi bờ cây lá. Gần như những cây cầu hoang hay cầu treo đang nằm trơ xương ở nơi heo hút Tây Nguyên bên cạnh đều có miếu hoang, có nghĩa là nơi đây đã từng có người chết do chiến tranh, do tai nạn giao thông hoặc do bế tắc cuộc sống người ta tìm đến cái chết. Cho dù con người từ giã cõi đời bằng hình thức gì cũng để lại nỗi đau cho gia đình dòng tộc. Tại những cây cầu nơi tôi đã đến hai bên bờ mọc đầy lao trắng phất phơ theo chiều gió như những linh hồn của người xấu số chưa được siêu thoát ở nơi hoang vắng này.

Cầu hoang một thời vang bóng

Ở Tây Nguyên, tôi có kỷ niệm nhiều nhất với 4 cây cầu già. Đó là Đạ Quay, Đạ Lào, Dran và Sêrôpok, những cây cầu được dựng lên cùng thời vào đầu thế kỷ thứ 20, lúc mà người Pháp bắt đầu chuyển sang “ăn rừng” ở cao nguyên trung phần (ngày ấy chưa gọi vùng này là Tây Nguyên). Tôi không hiểu nhiều về kiến trúc cầu đường nhưng nhìn những chiếc cầu thế kỷ với dáng đứng uy nghi mang chứng tích của nền văn minh châu Âu nằm ở vùng đất bazan đã làm tôi ngả mũ cúi đầu. Ở Tây Nguyên, mỗi cây cầu xưa đều mang hình tượng khác nhau. Trên quốc lộ 20, người Pháp thiết kế mái vòm, mang dáng cầu vòng với những bệ đỡ như những cánh tay trần ôm giữ bầu trời, có nơi như hai vách nhà bê tông cốt thép. Ở đường 14, thành cầu Sêrôpok phong sương uốn lượn như chiếc vương miện của hoa hậu chứ không phải công trình giao thông… Hình ảnh ấy đã chứng minh rằng kiến trúc cầu đường ngoài tái hiện sự kiện đương đại còn để lại nền văn minh cho đời sau. Đó là một hình thái văn hóa chứ không đơn thuần chỉ là kết nối hai bờ thảo mộc. Ở thân cầu, người ta cũng thiết kế từng góc bẻ, vai, nhịp, lưng vách, mái... Hơn 100 năm qua, cái thời mà sắt thép, xi măng chưa phải dư thừa, khoa học còn giới hạn, điều kiện thi công giữa rừng luôn đối mặt với thú dữ và thổ phỉ, nhưng vóc dáng và chất lượng cây cầu cho đến nay vẫn bền chắc, phong lưu, lại có cả mỹ thuật lẫn thi ca... 

Sau cuối những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế nước mình khá hơn. Vì vậy Tây Nguyên cũng như cả nước dần dần thay thế bằng những chiếc cầu mới hiện đại, rộng hơn, trọng tải nặng hơn. Hình ảnh hai chiếc cầu mới và cũ tượng trưng cho hai nền văn minh cùng nằm song song trên quốc lộ 20 và 14 còn minh chứng thêm nhiều chuyện khác. Cây cầu gần 100 năm tuổi phong sương rêu mốc nhưng gần như còn nguyên vẹn. Trái lại chiếc cầu mới bên cạnh, vừa thông xe một vài năm đã nứt nẻ xuống cấp hớ hênh. Chả lẽ công nghệ cầu đường sau 100 năm lại tồi tệ hơn trước hay trách nhiệm thuộc về thiết kế thi công. Trên đất nước hình chữ S này, hiếm có chiếc cầu mới xây nào có khắc chữ ngày khởi công, hoàn thành, tên kỹ sư thiết kế và đơn vị thực hiện. Vậy mà ngày xưa vào đầu thế kỷ thứ 20, gần như cây cầu nào được xây dựng trên quốc lộ này, người Pháp cũng khắc chữ in sâu vào bệ cầu như là một nhân chứng vật chứng. Vậy tại sao bây giờ ngành cầu đường người Việt không làm được! Đó cũng là nguyên nhân những cây cầu mới thông xe vài tháng đã có dấu hiệu xuống cấp mà không đơn vị thi công nào có trách nhiệm để trả lời trước đồng tiền đóng thuế của nhân dân hàng tháng.

Qua cầu, nhớ lại kỷ niệm đẹp, nhớ đến thăng trầm lịch sử. Tận mắt thấy được quê mình thay đổi từng ngày, nhưng cũng chạnh lòng khi tài nguyên của ông cha để lại ở tận núi rừng xa xôi kia lần lượt đội nón ra đi không có lời chào tái ngộ. Cầu của Pháp xây cất lấy từ nguồn tài nguyên thuộc địa lên bán, cầu của Mỹ lấy từ tiền thuế của dân. Còn cầu bây giờ mang theo nỗi ám ảnh nợ nước ngoài từ nguồn vốn ODA. Trong ánh mắt của người qua cầu thì mỗi cây cầu đều là một công trình lớn ở địa phương, là tài sản vật chất từ mồ hôi của con người. Tôi nhớ có lần gặp vài ba phụ nữ xì xụp lạy tại miếu hoang đầu cầu. Họ mang chuyện làm ăn, chuyện hạnh phúc gia đình kể lể, tâm sự, không biết các linh hồn kia có giúp được gì không nhưng cây cầu vẫn là điểm tựa cho những người đang ở tâm trạng bế tắc, bẽ bàng.

Những chiếc võng sắt 20-30 năm tuổi

Tây Nguyên vùng đất của sông suối, mùa khô nhiều dòng khô cạn nhưng đến mùa mưa mực nước dâng cao chảy cuồn cuộn gầm thét, chỉ nhìn đã thấy rợn người. Người Tây Nguyên gần như ai cũng nhìn thấy cầu treo hoặc đã từng bò 4 chi trên cầu. Cầu treo ở vùng cao có 3 loại: Loại ở khu du lịch dùng để quay phim, chụp ảnh cho các đôi tình nhân dìu nhau sánh bước… được thiết kế một cách khá an toàn vừa đẹp vừa mang dáng hoang dã của núi rừng. Loại quốc doanh do nhà nước xây dựng vừa chắc vừa khang trang, còn loại lên vườn, rẫy gọi là cầu tập thể được người dân chung tay tự làm không cần bản vẽ, ai có tiền giúp tiền, ai ít tiền giúp công. Vì thế, hầu hết những tai nạn thương tâm thường xảy ra ở loại làm bằng tay này. Nhìn những chiếc cầu treo dân sinh bắc ngang qua suối mới thấy sự can đảm ngang tàng của người vùng sâu, vùng xa. Đối với các nhà thơ hay nhạc sĩ họ hình tượng cầu treo dân sinh là những nốt nhạc hay bản anh hùng ca miền sơn cước đầy thi vị. Còn đối với chuyên gia về kỹ thuật cầu đường, họ ngỡ ngàng khi nhớ đến các bài lý thuyết trên giảng đường đại học, họ rùng mình liên tưởng đến sự chết chóc đang treo lơ lửng trên dòng suối đá. Cho dù con người hình tượng nốt nhạc, ý thơ hay treo nhân mạng thì chiếc cầu treo dân sinh cũng đã góp phần tiếp sức cho người qua lại vườn chè, cà phê bao mùa mưa nắng.

Tháng 7 ở Tây Nguyên là mùa mưa dầm, những cơn mưa lê thê kéo dài cả tuần làm cho mực nước sông suối dâng cao. Theo chân mấy anh em KHo đi xúc cá suối mỗi khi nươc lũ về, chúng tôi được dịp lên cầu treo trong cơn mưa như trút. Đó là chiếc võng sắt của bà con trồng chè, cà phê  đang lắc lư trên suối, trông vừa đẹp lại vừa lạ. Chiếc võng tập thể này do bà con KHo và người Kinh góp tiền làm nên chiếc cầu treo thơ mộng. Có lẽ, đó là một trong những chiếc cầu nguy hiểm mà chúng tôi đã đi trong năm 2014 tại núi rừng heo hút này. Tính về thời gian, chiếc cầu mang tên Prẻo này cũng đã 30 năm có lẻ, còn về độ an toàn chỉ mới nhìn đã nổi gai ốc. Mặt cầu được lắp bằng gỗ tạp nứt nẻ được vá thêm vài tấm mới, đứng trên cầu nhìn xuống chân thấy dòng nước đục ngầu lướt qua vùn vụt. Cả 4 trụ ở hai bên đầu cầu đều buộc vào thân cây rừng với đường kính khoảng vài chục cm và được gia cố chằng chịt bằng tất cả những gì mà người dân kiếm được, có đoạn bằng sắt có đoạn bằng dây rừng. Cầu dài 30m nhưng chỉ được treo bằng những sợi cáp hoặc sợi sắt tròn mỏng manh. Hiện tại, những tấm ván tạp trên mặt cầu đã mục và rơi rụng nhiều. Riêng thành cầu chỉ là vài sợi thép nhỏ đan xen nhau để làm bệ đỡ cho người vịn khi qua cầu. Chúng tôi phải lần mò từng bước, hai tay giữ chặt vào những sợi thép mới có thể qua được phía bên kia. Thế nhưng, cả chục năm nay, bà con vẫn phải đánh đu với số phận để qua lại chiếc cầu này. Hiện nay, người dân đã không thể và không dám chạy xe qua cầu nữa. Để đi được vào vườn, họ phải để xe bên này cầu và đi bộ qua. Chiều tối, nếu có chè hoặc cà phê thì phải vác bộ ngược về. Anh KPrìn người dẫn chúng tôi đi xúc cá cho biết: “Sợ thì cũng rất sợ, nhưng đi mãi cũng thành quen. Khổ nhất là vào mùa mưa, cầu trơn trượt nhưng ngày nào cũng phải vác phân bón sang và vác chè, cà phê về, cũng phải đi tạm chớ biết đi đằng nào bây giờ”.

Cách cầu KPrẻo vài cây số, còn có cầu treo khác cũng khá nguy hiểm. Cầu dài gần 70m được treo trên dầm chủ bằng cáp, sàn làm bằng sắt được hàn tạo lưới. Khi bước trên cầu, cảm giác rất chông chênh làm người đi chao đảo. Thế nhưng, hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt người qua lại, vì đây là con đường độc đạo vào vùng chè, cà phê của người dân. Một người dân qua cầu gặp chúng tôi, chia sẻ: “Những người có vườn đi lại trên cầu này, hàng năm đều phải đóng góp tiền để tu sửa lại cầu. Mỗi năm chúng tôi đóng tiền sửa chữa 2 lần, số tiền quy theo diện tích đất sản xuất của mỗi gia đình. Vào cao điểm mùa cà phê, mỗi ngày có từ 500-700 lượt người vận chuyển qua lại. Ở đây đã có 2 người bị rơi xuống sông khi chở cà phê qua cầu. Biết rằng qua lại trên chiếc cầu này là rất nguy hiểm, nhưng người làm vườn chúng tôi không còn lựa chọn nào khác nên đành chịu!”.

Năm 2012, chúng tôi tìm về con suối đen, nơi có gần 100 trẻ em nam tuổi từ 10 đến 13 đuối nước nằm giữa ranh giới Bảo Lộc và Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Khi đến gần cầu treo, một người đàn ông trung niên đi xe máy chở cà phê chỉ vào mặt chúng tôi hằn học: “Bộ mấy ông muốn chết hả! Mò vô đây làm gì? Ra đi, tui nói thiệt đó!”. Nghe người đàn ông thật lòng, chúng tôi cảm thấy lo. Con suối đen chưa thấy nhưng trước mặt chúng tôi là chiếc cầu treo như tấm áo rách vá chằng chịt, thân cầu như chiếc võng trời lắc lư cách mặt nước đến gần 20 mét. Lúc đến nửa cầu gặp được người phụ nữ KHo đang địu con qua cầu, bà ấy cảnh báo: “Năm trước có bà chửa lọt xuống đó! Coi chừng mấy ông lọt luôn đó!”. Người đàn bà địu con bước đi thoăn thoắt không cần vịn thành cầu. Chúng tôi đứng thẳng người với gương mặt ngơ ngác há hốc nhìn theo, đến khi bóng bà ấy khuất trong vườn cà phê mới nghĩ bà ta là người thật.

Những chiếc cầu treo ọp ẹp, biến dạng theo thời gian bắc ngang những con suối lớn. Ai cũng biết là mối nguy hiểm đợi chờ, nhưng vì kế mưu sinh, ngày ngày, người làm vườn vẫn bất chấp mối nguy hiểm qua lại trên những chiếc cầu mà không biết khi nào đến lượt mình làm diễn viên đóng thế.

Cầu treo của ông già “râu bạc”

Hơn 10 năm trước, ở vùng sâu vùng xa của Nam Tây Nguyên, nhiều người biết đến cặp vợ chồng ông già râu bạc người châu Âu, chuyên làm cầu treo cho dân nghèo, xây trường học, theo tài trợ của chính phủ Đan Mạch. Nghe nhiều người kể rằng: “Ông già này làm việc nghiêm túc lắm, ổng cũng ăn cơm như người Việt tại hiện trường. Đặc biệt ổng quản lý vật tư rất nghiêm ngặt. Đố ai ăn cắp được chứ chưa nói tuồn ra để bán!”. Trân trọng nghĩa cử cao đẹp và trách nhiệm cao của một người nước ngoài đối với bà con mình ở vùng sâu, tôi đã chủ động tìm gặp ông tại nơi ông đang xây dựng khu nhà vệ sinh cho Trường Trung học cơ sở Lê Thị Pha ở Bảo Lộc. Ông già “râu bạc” là người Đan Mạch, tên đầy đủ là Kurt Lender Jensen, khoảng gần 70 tuổi (năm 2001). Ông Kurt dẫn tôi đi thăm ngôi nhà vệ sinh của trường do ông trực tiếp thiết kế, xây dựng. Lúc ấy đang là mùa hè nên vợ chồng ông ở luôn trong một phòng học, kiêm nhà kho đầy xi măng sắt thép. Bằng tiếng Anh mang âm sắc Đan Mạch, ông kể tôi nghe những công việc mà ông đã làm tại Tây Nguyên. Ông cho biết mình đã làm được trên 20 chiếc cầu treo và 5 trường học tại hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Để chứng minh công việc của mình ông cho tôi xem một số ảnh. Ngày hôm sau, ông dẫn tôi ra suối Đại Lào (Bảo Lộc, Lâm Đồng) nơi ông vừa hoàn thành một chiếc cầu treo vào tháng trước. Trong chiều dài câu chuyện ông luôn luôn mang theo một âm sắc buồn buồn. Ông Kurt chép miệng: “Vợ tôi là người Việt, tên là Tiêu Thị Ngọc Sang. Chúng tôi đến với nhau như là duyên nợ kiếp trước. Quê bà ấy ở tận Lý Sơn, Quảng Ngãi nhưng mua bán chôm chôm ở Sài Gòn. Sau khi lấy nhau chúng tôi về Đan Mạch nhưng vẫn thích sống ở Việt Nam. Năm 1996 khi đến Bảo Lộc, chúng tôi yêu khí hậu ở đây nên mua đất trồng cà phê, mỗi lần vào thăm vườn, thấy bà con mình tội quá đi lại qua suối rất cực khổ. Bảo Lộc là một vùng đất hẻo lánh, những con suối đầy nước hung dữ nhưng không có cầu, người dân đối mặt với nhiều khó khăn nguy hiểm. Chính vì thế, tôi gặp đại sứ vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam xin trợ giúp làm cầu treo cho bà con. Tôi là dân xây dựng nên bắt tay vào lĩnh vực này không khó. Tuy nhiên tiền tài trợ thì ít nhưng nhu cầu cho bà con thì nhiều, vì vậy tôi vừa đi xin sắt thép, dây cáp từ nước mình gửi qua theo đường biển để có thể làm được nhiều cầu nhỏ qua suối. Tính đến nay tôi đã làm được trên 20 chiếc cầu treo cho bà con, mỗi cầu trị giá khoảng 5.000 USD (100 triệu vào năm 2001). Các cây cầu treo nơi tôi đã xây dựng tuy không bề thế nhưng đã góp phần giảm bớt sự cực nhọc và nguy hiểm cho bà con đi hái chè và cà phê khi lội qua suối sâu. Ông biết mỗi lần những chiếc cầu cáp thành công, nhìn gương mặt vui mừng hớn hở của bà con mình cảm thấy như được đền đáp. Tôi nhớ có lần sau 25 ngày thi công, chiếc cầu treo dài 65 mét và ngang 1,2 mét hoàn tất với tổng chi phí là 4.500 USD. Khi cầu được khánh thành, một bà cụ đến nắm tay tôi bảo dẫn qua cầu. Cụ bà này đã bật khóc vì vui sướng và tâm sự rằng, “đã 20 năm nay, tôi chưa bước qua được sang bên này đồi”. Hạnh phúc của người làm cầu là niềm vui của người dân nơi ấy ông ạ!”.

Nơi gặp gỡ của tôi và ông Kurt là địa điểm bệ đỡ của chân cầu treo. Lúc ấy gần 11 giờ trưa, lúc bà con đi vườn về. Mọi người, ai gặp ông Kurt cũng vui  mừng như người thân hàng xóm lâu ngày gặp lại. Ông già Đan Mạch vui vẻ tay bắt mặt mừng, nói với bà con bằng tiếng Việt lơ lớ. Ông Ba Hùng ở gần chân cầu nói với tôi: “Ông này là người có tâm và có trách nhiệm, suốt ngày lăn lóc với công trình. Lúc làm cầu ngày nào tôi cũng ra xem, thấy người ta làm mà mình nghĩ tới mấy ông nhà giàu chạy đến chắp tay sau đít đi tới đi lui với gương mặt vô cảm”. Ông Kurt còn nhớ được khuôn mặt của những thanh niên  KHo có vườn thường qua lại cây cầu hàng ngày.

Lâu rồi tôi không gặp được ông nhưng vẫn trân trọng con người thiện nguyện. Mới đây nghe tin ông dừng chân tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận, ông lại làm nhà vệ sinh cho người đi đường. Người có tâm đi đâu cũng vậy.

 * * *

Nam Tây Nguyên, vùng cao nguyên cuối cùng của phía tây Trung Bộ nơi chuyển tiếp xuống đồng bằng. Nơi của những anh em KHo, Mạ, Chu Ru, Chơ Ro, Mông.. và Kinh sống với nhau trong yên bình mấy trăm năm nay. Người Kinh bây giờ nói được thổ ngữ, ăn lá bép rau rừng, chia nhau từng bó rau, tí bột ngọt, giúp nhau trong khốn khó. Màu da của người miền xuôi cũng đã cùng màu với dân miền ngược. Ngay cả tôi một người Kinh chính hiệu nhưng khi đi chơi, đi làm mang gùi cùng với anh em KHo nói rặt tiếng bản địa đã có nhiều người ở phố lầm tưởng. Người Tây Nguyên bây giờ là thế như anh em một nhà, no đói có nhau. Việc chính phủ đầu tư xây dựng cầu treo cho bà con là quốc sách đúng đắn, tuy muộn vẫn còn hơn không. Hôm qua tôi điện thoại cho KPrẻo, người bạn thân của tôi bằng tiếng KHo báo rằng “Đường vô rẫy nhà ông sắp có cầu treo mới do nhà nước làm cho bà con đi. Năm sau ông vô vườn chạy xe máy một mạch tới luôn, không gởi xe ở rẫy thằng KPrỉn nữa”. KPrẻo vỗ tay đôm đốp trả lời bằng tiếng Kinh: “ĐM, vậy là ngon rồi, khi nào có cầu treo thiệt, tui báo ông vô, ông chịu bia, tui chịu mồi, kêu thằng KPrỉn nữa. Ba thằng mình ăn mừng, bây giờ làm rượu cần chờ lâu thấy mẹ!”

Trần Đại - Nghiêm Truật
.
.
.