Những chuyến đi mùa xuân

Thứ Bảy, 23/01/2016, 16:18
Ngày càng nhiều bạn trẻ muốn khám phá bản thân mình bằng những chuyến đi xa. Trào lưu đổ về thượng nguồn các dòng sông dịp xuân trở nên phổ biến, cho dù các cung đường luôn là hành trình gian khó. Thật lạ, miền đất ấy, tạo ấn tượng cho bất kỳ ai bởi những điều kỳ diệu và nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống.


1.Còn nhớ, mùa xuân 2008 tôi xa nhà, đón tết cùng bà con vùng thấp huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Xuân ấm, bà con đi hội, khai nương, cũng là khai xuân những “bến tắm” kỳ diệu. Tôi đã miên man ngắm những con suối róc rách chảy cả đêm ngày, ngắm thượng nguồn dòng Nậm Na nối với sông Miềng La của Trung Quốc, và hợp lưu với sông Đà ở thị xã Mường La. Nơi đây, bà con dân tộc Thái và Lự chọn cách sống gần gũi với thiên nhiên, hòa hợp với mọi người. Khách xa đến thì khỏi nói, trong túi bạn không có một xu nào, vẫn được đồng bào nuôi. Những phong tục tập quán đón xuân đặc sắc, luôn khiến khách xa hồ hởi.

Cụ Chẻo Văn Dùng, người dân xã Nậm Cha (huyện Sìn Hồ), cho biết, Sìn Hồ theo tiếng bản địa là nhiều suối. Đó là một thứ tài sản mà thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây. Suối bắt với thượng nguồn Nậm Na, suối dẫn nước nuôi đồng, nuôi nấng con người, cho cây trái xanh tươi, cho mùa màng trên ruộng nương bội thu. Có một điều thú vị khác, là Sìn Hồ có nhiều  “bến tắm”- nơi nam nữ có thể thoải mái tắm bên suối. Những con suối trữ tình, với nhiều nơi thiếu nữ bản ra tắm, tạo thành những “bến tắm” độc đáo và trữ tình. 

Thiếu nữ dân tộc Thái da trắng tóc dài, hay lam hay làm. Thiếu nữ dân tộc Lự có nụ cười hoang dại của núi rừng, đôi mắt đen láy, đôi môi đỏ tươi. Và đặc biệt, người con gái Lự ở vùng này ngoài nổi tiếng xinh đẹp ra, lại rất mắn đẻ, vòm ngực cao, mông nở, khéo chiều chồng. Hay nhìn bề ngoài thiếu nữ dân tộc Dao đầy nữ tính. Tất cả đã tạo nên “vùng nhan sắc” Sìn Hồ đầy hấp dẫn.

Thượng nguồn sông Mã hôm nay.

Bây giờ thì dân “phượt” đã biết đến Sìn Hồ với lãng đãng mây, với gờn gợn núi và biết bao cung đường gian nan. Điều đó không hề làm khó được họ tổ chức những chuyến đi. Có khi chỉ để thử cảm giác xuân xa nhà, có khi là những hành trình thiện nguyện, kết nối vòng tay yêu thương cho các mảnh đời còn thiệt thòi. Có nghĩa là một công đôi việc. Vừa trải nghiệm, đón xuân, mà không tách rời mục đích từ thiện. Tự bao giờ, giới trẻ đã có sáng tạo ấy?

Ở cung đường này, mê mải ruổi rong vùng Lai Châu, chúng tôi cũng dấn thân về huyện Mường Nhé, xa xôi hẻo lánh với những cái tên xã nghe đã thấy heo hút: Thu Lũm, Pa Ủ, Mù Cả, Bùm Tở… Một điều quan trọng nữa, đó cũng là thượng nguồn, nơi sông Đà chảy vào đất Việt. Xa lắm, những chuyến đi luôn để trong chúng tôi niềm nhớ, bởi thể nào cũng có đoạn đường cả nhóm phải khiêng xe máy, hoặc nhờ bà con đặt lên bè chở qua suối. Có khi cả nhóm không ai thoát khỏi cảnh “vồ ếch”. Thật may là chẳng ai bị thương nặng. Tất thẩy đều được bà con nhiệt tình, cho thuốc thoa bóp. 

Có người nói, nhiệt tình là thứ đặc sản của bà con Hà Nhì nơi đây. Có lẽ, đó cũng là lý do mà Mường Tè là nơi đón tết cổ truyền sớm nhất cả nước. Ngay từ tháng 12 dương lịch, người Hà Nhì Mường Tè đã bắt đầu đón năm mới. 

Bạn Lê Văn Nghĩa, thành viên nhóm “Phượt Hà Nội” chia sẻ: “Giới trẻ ngày nay không còn phải tính toán chuyện ăn chuyện mặc vào ngày tết. Mà họ tìm cách xách ba lô lên đường du hí. Người Hà Nhì ở Mường Nhé vô cùng hiếu khách. Nhưng từ trong cuộc sống lạc quan, vui vẻ, nhiệt tình ấy, chúng em nhận ra họ còn thiếu nhiều thứ quá. Mùa xuân đến với mảnh đất này, nhưng đâu trọn vẹn. Dưới Hà Nội, mọi thứ đủ đầy, chúng em đi và nhớ Hà Nội, nhưng cũng thương bà con. Và những cái bắt tay, những gói quà khiến chúng em vui hơn vì mình đã biết chia sẻ”.

2.Trên bao hành trình, mê mải ngắm và trải nghiệm, có những khi áp mặt vào mà nghe sông reo, suối hát. Cũng có khi gặp một cơn cựa mình bạo liệt của sông, được biểu hiện qua thác dữ. Bao chuyến trải nghiệm, nhận ra rằng đất nước mình nơi đâu chẳng có những dòng sông. Từ Nam tới Bắc, những dòng sông từ biên giới chảy về, với bao giá trị, bao tầng lớp văn hóa dồn nén, bao con người dạn dày mưa nắng đã làm nên tên tuổi của đất, của sông và biết bao khúc hát. Và khi đứng trước dòng sông Mã, tôi đã tự hỏi, sông nào lãng mạn nhất nước ta? Dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược ở Lạng Sơn? Sông Vàm Cỏ Đông, sông Đắc Krông, sông Chu hay sông Lô?

Đó là sông Mã. Sông Mã đẹp, hung dữ, cũng được mệnh là con sông lãng mạn nhất. Sông bắt nguồn từ dãy hoa cương Phu Huổi Long hùng vĩ (cao 2.178m) thuộc huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), chảy vào xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La). Sông Mã mở cuộc hành trình 102km trên đất Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào) trước khi trở về đất Việt, qua xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) rồi ào ạt cuốn phăng mọi trở lực để vươn ra biển lớn, kết thúc chuyến phiêu lưu vô tiền khoáng hậu dài 512km của mình tại cửa biển Hội Trào (huyện Hoằng Hóa). 

Do dòng chảy phức tạp, không phải ai cũng có điều kiện khám phá, nhưng cổng trời Pá Thoóng của xã Mường Lèo với nhiều truyền thuyết về một vùng đất nhiều con gái xinh đẹp thì dân phượt biết rõ. Giờ đây, bà con vẫn truyền tai nhau câu chuyện về Nàng Huổi, những người đã chống lại thú dữ, khai khẩn đất hoang tạo nên một vùng đất trù phú. Chinh phục cổng trời Pá Thoóng, đón xuân trên những ô ruộng ngập tràn mây, và đón bữa tiệc sắc màu khi ánh mặt trời rọi xuống những con suối trong vắt của Mường Lèo, luôn là một điều thú vị.

Xuân chợ nổi.

Tôi xin mách các bạn rằng, dù không thể cứ xuôi sông Mã mà về xuôi, từ miền Tây về miền Đông xứ Thanh, nhưng có thể xuôi sông Mã từ Mường Lát. Cửa khẩu Tén Tằn đã thay da đổi thịt, những con người kiên cường bám đất, bám rừng, làm nghề đánh cá trên sông. Họ thết đãi khách bằng tấm lòng hồn hậu và những sản vật từ rừng, từ sông. Sau khi hòa cùng các phiên chợ Mường Lát, chúng ta có thể mang không khí ấy, đi dọc sông, xuyên qua những cánh rừng luồng bằng đường mòn. Bạn sẽ cảm nhận được, đất nước ta rộng và dài đến thế nào. Rồi khi chia xa, nụ cười của họ tỏa sáng. Những thiếu nữ nép bên cánh cửa, vẫy tay chào, nụ cười hút hồn để lại cho ta dư vị lãng đãng chẳng biết bao giờ nguôi quên.

3.Có người hỏi tôi, sau bao chuyến đi nhọc xác, nhọc lòng, tôi nhận về cái gì? Nhiều thứ lắm, đâu chỉ một vài câu nói và trả lời trọn vẹn. Bao chuyến đi mùa xuân, là bấy nhiêu trải nghiệm nghĩa tình, nơi chúng ta nối dài cánh tay với đồng bào và thêm ấm đượm mỗi khi nghĩ về các hành trình. Và bạn tin không, nếu một ngày nào đó, bạn lên thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông (tỉnh Tây Ninh), sẽ thấy cảm nghiệm sâu hơn lời tôi nói. Tình nghĩa người dân nước ta, với người dân Campuchia bền chặt. Không khí giao thương thoải mái, tự do. Những chuyến phà chở hàng hối hả giục lòng hướng về mùa xuân mới.

Trên phà, bao câu hát cứ ngân lên trên dòng sông, những cuộc đời lam lũ, nhỏ nhoi giữa mênh mông sông nước, nhưng không hề cô độc. Họ sống lạc quan, yêu đời, và coi dòng sông như nguồn sữa mẹ chẳng bao giờ vơi cạn. Bao thuyền hoa xuôi ngược đã bắt đầu hành trình đi gieo khí xuân từ đầu tháng 12 âm lịch. Đi cùng những thuyền hoa ấy, tôi cảm nhận được khí xuân ngay từ cái bắt tay nhau thật chặt, từ tấm áo bà ba mới của thiếu nữ xinh xắn. 

Nụ cười của người dân, sẽ khiến bạn thêm ấm, dù còn có gió lạnh mênh mang. Tiếng cười ấy, đã bao đời thả trên lòng sông, in hằn cả những vạt hoa lục bình, áng mây xanh trôi cùng mùa về xuôi… Và trong ngày nhè nhẹ để trôi về bến Trí Bình, tôi phần nào lý giải được lý do nhạc sĩ Nguyễn Nam sáng tác bài hát hay đến thế về sông Vàm Cỏ Đông: “Đi trên sông Vàm một đêm trăng rằm/ Mái chèo khua nhẹ tựa sóng vỗ lòng anh/ Mê say em hát mắt sáng long lanh/ Mà cả dòng sông là hương lúa ngọt lành…”.

Đi không bao giờ là đủ. Đi rồi lại muốn đi nữa và hành trình nối tiếp hành trình. Hàng nghìn bạn trẻ chào xuân 2016 bằng những chuyến đi từ dịp Tết Dương lịch. Khi tiết xuân đang ấm đượm trên từng cuống hoa và một điều gì đó đang lớn dần lên trong lòng mình. Chỉ có những chuyến đi, mới giúp chúng ta mở rộng thế giới, và thêm yêu người, yêu đời, yêu từng dẻo đất nhỏ biên cương, từng dòng sông và khúc hát.

Nguyễn Văn Học
.
.
.