Những chuyến hàng xuyên đêm vào dịp cuối năm

Thứ Hai, 21/12/2020, 07:13
"Nửa đêm ân ái cùng chồng. Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi", câu cửa miệng của dân buôn để nói rằng, những ngày cuối năm, họ hối hả ngược xuôi, buôn đầu sông bán cuối sông. Đó là thời cơ vàng trong năm, cho những chuyến hàng "vét vụ".


Hàng Thái, hàng Nhật từ Campuchia

Không biết các đầu nậu bên Campuchia lấy hàng bằng cách nào nhưng khi "tuồn" sang Việt Nam đều rất rẻ. Vợ chồng chị Hoàng Thị Kim Lan (45 tuổi, ngụ Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) chuyên bán đồ mỹ phẩm có nhãn hiệu Thái Lan, Nhật Bản tại cổng Khu Công nghiệp Tân Bình (Q. Tân Bình) và Khu Chế xuất Linh Trung II (Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh).

Đối tượng chính là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, mặt hàng vừa túi tiền. Một chai dầu Thái Lan 80cc chỉ có giá 25.000 đồng, trong khi ở siêu thị hoặc shop thì phải 75.000 đồng; một hộp kem trắng da 5 trong 1 khối lượng 100 gam của Thái Lan chỉ bán ra 120.000 đồng, trong khi hàng cùng nhãn hiệu bán tại cửa hàng là 650.000 đồng. Để thực hư, chị Lan sẵn sàng tháo hộp ra cho khách xem nhãn mác ghi chữ Thái, chữ Nhật. Hàng xịn, giá lại "hạt dẻ" khiến người mua nườm nượp chọn lựa.

Hàng điện tử cũ đổ đống trên vỉa hè TP. Hồ Chí Minh được chào bán với giá rất rẻ.

Chị Lan không ngần ngại tiết lộ về con đường "nhập khẩu" các lô hàng của mình. Chị cho biết, để lấy được hàng "ngoại" số lượng lớn, giá bèo bọt như thế này, cánh lái buôn như chị đều có "đường dây", có "bang hội" bài bản. "Đi buôn hàng này, làm một mình thì không bao giờ thành công", chị Lan thẳng thắn.

Vào 2 tháng giáp Tết, vợ chồng chị Lan đi cửa khẩu Tho Mo (Đức Huệ, Long An) thường xuyên. Để an toàn cũng như không muốn gặp rắc rối về mặt pháp luật, chị Lan chấp nhận "ăn nước hai", tức nhập hàng từ dân buôn lậu trực tiếp, gọi là "nước một".

Những chuyến "đi hàng" dịp cuối tuần thường từ TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng chị Lan thuê một chiếc xe ôtô 4 chỗ chạy thẳng tới cửa khẩu Tho Mo. Hàng được bốc dỡ, kiểm đếm vào ban đêm tại kho nằm giữa cánh đồng chỉ cách đường biên giới vài trăm mét. Nơi này không có điện, lái buôn trao đổi với nhau qua ánh đèn pin và đèn điện thoại. Trời tối nhập nhoạng có ảnh hưởng đến số lượng mặt hàng, nhưng điều đó không làm cho bên bán lẫn bên mua bận tâm. Họ đều có suy nghĩ "chín bỏ làm mười", có thiếu hay thừa vài thứ cũng chẳng sao, tất cả đều vui vẻ.

Hai vợ chồng chị Lan cùng 3 tài công hì hục đếm hàng từ 12h đêm cho tới 4h sáng mới xong. Đóng bao, khuân vác xuống ghe mất hơn một tiếng nữa nhưng vẫn chưa thể xuất phát được vì mắc thủy triều. Đoàn buôn phải đợi đến khi nào triều lên chòng chành cây cỏ, lấp lánh con nước thì mới khởi hành được. Vợ chồng chị Lan chia ra, mỗi người lên một ghe để bảo vệ hàng về tới điểm tháo dỡ. Sông Vàm Cỏ Đông là tuyến đường vận chuyển huyết mạch của những chuyến hàng. Mỗi lần đi lấy hàng, chị Lan điều 2 ghe, mỗi chiếc có trọng tải hơn 1 tấn nhưng chỉ chở tối đa 300 -500kg để bảo đảm an toàn. 

Con nước Vàm Cỏ Đông mùa này xúng xính vơi đầy, nhưng lục bình rất nhiều nên ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của ghe hàng. Hơn 5 giờ ghe mới vào kênh Lò Gốm  trên sông Sài Gòn, đây cũng là điểm cuối của chặng hành trình.

Để có được mối làm ăn béo bở như vậy, chị Lan cũng như các bạn buôn khác luôn nhắc về người đàn ông tên Tiến "cò" (35 tuổi), là một trong những đầu nậu khét tiếng trong giới dân buôn khắp TP. Hồ Chí Minh và miệt Tây Ninh, Long An. Rất ít người biết lai lịch rõ ràng của Tiến, nhưng biệt danh "cò" không phải là môi giới hay cò mồi. Tiến vốn xuất thân từ đồng ruộng, tuổi thơ gắn liền với con sông Vàm Cỏ Đông của Thủ Thừa (Long An). Thời thanh niên, anh này là cao thủ bẫy cò nên có biệt danh Tiến "cò".

Chiếc ghe xuôi sông Vàm Cỏ Đông chở hàng về bán Tết.

Cũng chính nhờ những ngày phiêu bạt sông nước, đi khắp các xó xỉnh mà Tiến phát hiện ra con đường mòn vận chuyển hàng hóa cực kỳ thuận lợi trên các nhánh sông, kênh rạch. Rồi Tiến tham gia đưa người qua casino bên Campuchia đánh bạc. Qua lại khu vực biên giới thuần thục, thông thạo nên Tiến tìm hiểu được nghề "xách hàng", gọi là buôn lẻ. Mỗi lần qua Campuchia, Tiến xách vài món đồ, chủ yếu hàng trang sức, nước hoa, mỹ phẩm Thái Lan rồi qua Việt Nam bán lại cho người chơi bạc. Nghề dạy nghề, dần dà, Tiến trở thành đầu nậu lớn, chuyên cung cấp hàng hóa cho các lái buôn ở TP. Hồ Chí Minh.

Công việc xuôi chèo mát mái, Tiến bỏ nghề "cò" Casino để trở thành ông chủ của hàng chục "bang hội" thương buôn.

Những dân buôn "gạo lẻ" như chị Lan đều dưới trướng của Tiến, phụ thuộc hoàn toàn vào Tiến về mặt hàng hóa, thời gian, cũng như giá cả. Tiến hô bao nhiêu thì đó chính là giá gốc. Trong giới thương buôn, mọi người đều "phục" và quý mến Tiến, bởi anh ta ăn bát cơm thì cũng để cho người khác bát cháo, không bao giờ đẩy giá quá cao, cũng không bao giờ o ép khách hàng. Là nhân vật "đứng mũi chịu sào", Tiến sẵn sàng chịu trách nhiệm một khi việc làm ăn bị rủi ro.

Nghề "mổ xác" điện tử

Các mặt hàng mỹ phẩm có ưu thế là hạn sử dụng rất dài, dễ bảo quản nên không lo hư hỏng. Bán ế năm này, qua năm sau bán tiếp... Bởi vậy mà cái nghề nó không sôi nổi, không căng thẳng, chị Lan quyết định nhập thêm hàng điện tử cũng được quảng cáo có xuất xứ từ Nhật Bản. Giá mặt hàng này rẻ đến không ngờ. Một chiếc tivi 21 inch, màn hình phẳng hay cong giá cũng đồng hạng 800.000 đồng, tivi loại xách tay giá 130.000 đồng/cái. Xe đạp leo núi có hai loại, có loại 700.000 đồng, có loại giá 1.200.000 đồng. Máy tính xách tay có cái chỉ 400.000 đồng máy đời cũ. Tuy nhiên, giá rẻ thì cũng có cái giá của rẻ. Mua mặt hàng này, dù chỉ một cái cũng không được thử, không đổi. Nó là hàng "hên xui".

Để chuẩn bị cho mẻ làm ăn lớn, anh Tuấn, chồng chị Lan đã bỏ ra 3 tháng đi học lớp vỡ lòng sửa chữa điện tử. "Mình mua lô, không được thử nhưng mang về Việt Nam thì bán lẻ từng cái một và phải cho khách thử, phải chạy tốt thì người ta mới lấy", chị Lan cho biết.

Chuyến hàng đầu tiên vào dịp Tết 2019, chị Lan đầu tư 50 triệu đồng, thuê hẳn một xe tải 3 tấn hàng điện tử... rồi thuê khu đất bỏ hoang ở xã Đa Phước (Bình Chánh) đổ hàng. Sau đó, lại thuê người dựng lều bạt để anh chồng và đội thợ "ăn dầm nằm dề" cả tháng trời "phẫu thuật" đống hàng điện tử.

Đội sửa sẽ lấy từng cái ra, thử từng cái một. Cái nào chạy tốt, chỉ cần phủ một lớp sơn vào là như hệt hàng mới. Cái nào "tịt tò" thì phải bới móc, phanh thây mổ bụng ra, kiểm tra từng cái giây điện, từng mao mạch, đầu nối... Có cái tivi mà đội sửa mất hơn một ngày mới tìm ra bệnh, rồi phải mất 300.000 đồng mua dây về thay thì mới hoạt động được. Lại có chiếc điện thoại Iphone 8 nhìn thì trơn láng, đẹp bắt mắt nhưng bên trong đã bị phù nề pin. Muốn máy hoạt động được, ít nhất phải thay cục pin có xuất xứ từ Trung Quốc với giá 350.000. Nói chung, buôn hàng điện tử giá rẻ là như thế.

Hai tháng trời, đội thợ của chị Lan mới hoàn thành xong đống điện tử đồng nát. Tính sơ cũng được 60% hàng chạy tốt, 30% phải sửa lại và 10% thay mới. Tiền trả công thợ hết 20 triệu, tiền mua phụ tùng thay thế hết hơn 10 triệu. Tổng đầu tư cho chuyến hàng là 80 triệu. Mùa tết đó, vợ chồng chị Lan bán được 120 triệu.

Con đường mòn băng qua cánh đồng sát biên giới, nơi cánh thương nhân tụ tập lấy hàng từ Campuchia.

Theo dự định, sang đầu tháng 1-2021, vợ chồng chị Lan sẽ đầu tư "vố hàng khủng" về điện tử với tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng. Vì đã có kinh nghiệm "ăn hàng" như năm trước nên chị Lan không lo rủi ro. Nếu chẳng may không bán hết mùa Tết này thì qua năm bán tiếp.

Những ngày này, trên khắp đường phố, vỉa hè, cổng chợ, cổng khu công nghiệp, khu chế xuất bắt đầu xuất hiện hàng Tết "ngoại nhập". Người bán không ngừng hô hào, gào thét quảng bá sản phẩm. Người mua, vì tham rẻ, sính ngoại cứ bất chấp mà lao vào mua sắm.

Chẳng ai có thể biết, hàng đó xuất xứ thật từ đâu, chất lượng ra sao. Nguy hiểm nhất phải kể đến các thiết bị điện tử cũ, hư hỏng thì nguy cơ cháy nổ là rất cao. Kế đến là hàng mỹ phẩm, chỉ dựa vào vài dòng chữ Thái, chữ Nhật dán trên nhãn mác không thể nói lên điều gì. Rất nhiều vụ dị ứng với mỹ phẩm giả, trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hệ lụy để lại có thể nguy hiểm đến tính mạng người dùng.

Ngọc Thiện
.
.
.