Những chuyện tình trên sông Tiêu Tương

Thứ Năm, 30/10/2014, 11:00

Trước kia, sông Tiêu Tương chảy qua đất Kinh Bắc bắt đầu từ một nhánh sông Hồng. Khởi nguồn là cửa sông Đuống, dòng Tiêu Tương chảy tới Phù Lưu, kéo qua Đình Bảng, dọc Tương Giang, rồi Lim, Xuân, Ô… và hòa nhập sông Cầu. Xưa còn có một nhánh chảy về Phật Tích, Tiên Du. Sông Tiêu Tương uốn lượn như những đài hoa tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, kỳ thú. Nhưng giờ đây con sông Tiêu Tương chỉ tồn tại như một dòng sông huyền thoại với những chuyện tình bất tử cùng những làn điệu dân ca Quan họ xao xuyến lòng người.

Khối tình Trương Chi

Đến bất cứ một khúc sông Tiêu Tương còn sót lại, chạy dọc con đường quốc lộ A1 cũ, bao giờ cũng lung linh vẻ đẹp huyền ảo của câu chuyện nàng Mỵ Nương rơi lệ xuống chén ngọc. Nàng nhớ tiếng hát của Trương Chi, cùng với tình yêu say đắm của chàng đã đi xuống tuyền đài. Khi tôi đi dọc đoạn sông còn sót lại, chạy dọc còn đường làng Đình Bảng ra tới Đền Bát Đế, vẫn còn nghe một bà bán bánh đa vừng kể chuyện như hát lại bi tình sử này: “Ngày xưa có anh Trương Chi. Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay. Cô Mỵ Nương ở Lầu tây. Con quan thừa tướng ngày ngày cấm cung. Trương Chi chở đò ngoài sông. Cất lên tiếng hát động lòng Mỵ Nương…”. Thế rồi bà dẫn tôi ra tận một cổng sông ở kề xóm Bà La, Đình Bảng và kể rằng, người ta đã vớt xác Trương Chi lên ở đây, nhưng chỉ còn lại trái tim đã kết lại thành một khối ngọc trong vắt.

Trương Chi chết đi vì sự đau khổ tột cùng của tình yêu. Còn Mỵ Nương lại mất đi tiếng hát của Trương Chi, một khối tình sầu cảm làm rung động tâm hồn nàng. Đó là khối tình trong mộng, với vẻ đẹp của giọng hát làm say đắm con tim Mỵ Nương. Mất nó nàng còn đau khổ hơn. Trái tim chan chứa tình yêu của chàng đã hóa ngọc để ban đến cho nàng một vẻ đẹp thuần khiết nhất. Hình ảnh chàng lái đò và tiếng hát trong trẻo ngọt ngào lại vang lên từ trong lòng chén ngọc được đúc nên từ trái tim chàng. Và khi giọt nước mắt nhớ thương của nàng rớt xuống làm chén ngọc tan biến, đó cũng là lúc giọt tình đã được trao. Trương Chi chàng đã thoát vào cõi hư vô với tình thương yêu của nàng Mỵ Nương.

Những khúc sông Tiêu Tương còn lại ở xã Tương Giang.

Người dân Kinh Bắc tự hào nói tiếng hát của chàng Trương Chi, giờ đã được cha ông truyền lại muôn đời qua các làn điệu dân ca Quan họ. Người ta còn kể, Lầu tây nơi mà Mỵ Nương ngồi bên sông Tiêu Tương chảy qua là đồi Hồng Vân (Lim). Phải chăng để chia sẻ mối tình bi thảm ấy, mà hằng năm cứ đến ngày 13 tháng Giêng, trai gái khắp vùng về đây trẩy hội và hát giao duyên. Và, cũng chính vì thế hầu hết trong nhiều lời ca và giai điệu Quan họ bao giờ cũng phảng phất nỗi buồn, nhất là những bài về tình yêu giữa liền anh và liền chị. Và thường họ chẳng mấy khi nên duyên vợ chồng. Hẹn thế đấy những rồi mùa hội nào cũng vậy. Cho dù có níu giữ, cho dù có dan díu, nhưng rồi lại hẹn đến xuân sau.

Khi đến đây, tôi lại chợt nhớ đến trường ca “Trương Chi” của cố nhạc sĩ Văn Cao, vẫn vẳng bên tai từ hồi thơ bé. Bố tôi hát nghe buồn đến rụng rời con tim, khi đến đoạn: “Đò trăng giữa dòng sông vắng. Gió đưa câu ca về đâu? Nhìn xuống đáy nước sông sâu. Thuyền anh đã chìm đâu. Thương khúc nhạc xa vời…”.  Sau này còn hàng chục nhạc sĩ khác cũng đã từng về đây để sáng tác, với những cảm xúc sâu sắc và chia sẻ cùng nỗi đau muôn thuở, tình nghệ sĩ nghèo. Có lẽ vậy, bởi nhạc sĩ Văn Cao, lúc sinh thời đã nói mình chính là Trương Chi đó mà…

Một mối tình bí ẩn vĩ đại

Gần đây tôi trở lại chùa Tiêu, trên núi Tiêu nhìn xuống dòng sông Tiêu Tương xưa, vì nghe nói nơi này không hề có hòm công đức. Đó là chuyện hiếm hoi từ xưa tới nay. Thật sự ngạc nhiên, nếu không nói đây là chùa cổ duy nhất và cũng là một trung tâm Phật giáo từ lâu đời, ở xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh không đặt hòm công đức bao giờ. Thậm chí các ni sư ở đây thường hái thị chín trên cây đem ra chợ làng bán để phụ thêm tiền sắm hương lễ. Hiện ở chùa có mấy cây thị cổ rất lớn, quanh năm xanh tốt và đậu quả thơm lừng. Nghe cũng ngỡ như chuyện cổ tích thời nay vậy. Khó tin nhưng có thật.

Nhưng nghe cô bán nước ngay chân chùa kể chuyện, thì câu chuyện tình của mẹ vua Lý Thái Tổ, bên sông Tiêu Tương này mới thấy còn bí ẩn hơn câu chuyện giữa Trương Chi và Mỵ Nương. Nhìn về phía xa con hồ trước mặt, chính là một khúc sông Tiêu Tương chảy qua chân núi, cô gái kể… Vào khoảng năm 959 chùa Tiêu do thiền sư Lý Vạn Hạnh, người làng Đình Bảng chủ trì. Khi đó ngài mới 21 tuổi, xuất gia tu học ở chùa Lục Tổ, nhưng đã tinh thông phật pháp và binh pháp, vì được rèn luyện, học tập từ nhỏ. Ngài còn có người em trai là Lý Khánh Văn, cũng trụ trì ở chùa Cổ Pháp (còn gọi là chùa Dận) cách đây một chuyến đò cùng bên kia bờ sông Tiêu Tương.

Một hôm, có người đàn bà ôm đứa con trai mới đẻ đến đặt ở cửa tam quan chùa Cổ Pháp, rồi bỏ đi. Thiền sư Lý Khánh Văn nghe thấy tiếng trẻ khóc, thấy xót lòng bèn bế vào chùa nuôi nấng và đặt tên là Lý Công Uẩn. Đó là vào năm 974. Thời gian trôi đi, Lý Công Uẩn lớn lên khỏe mạnh và tỏ ra có khí chất khác thường từ bé, học hành sáng dạ. Khi đến năm tuổi Lý Công Uẩn được cha nuôi đưa sang chùa Tiêu Tương để học thày trụ trì chùa Tiêu là Lý Vạn Hạnh. Từ đó sự nghiệp của Lý Công Uẩn được thiền sư Lý Vạn Hạnh gây dựng cho đến mấy chục năm sau trở thành vị vua đầu triều nhà Lý, lấy niên hiệu là Thuận Thiên và danh xưng là Lý Thái Tổ, lên ngôi năm 1009.

Nhưng trong suốt những năm tháng ấy, câu chuyện về người mẹ sinh một đứa con hoang trở thành một ông vua, được bàn dân thiên hạ khắp nơi tò mò. Cha của vua là ai? Vì sao người mẹ lại phải bế đến chùa. Có chuyện tình oan trái hay cay đắng gì đây. Sau này người ta xác định được người đàn bà ấy chính là Phạm Thị Ngà, người ở Dương Lôi. Nhưng người chồng hay người tình phản bội kia là ai vậy? Thực ra dân tình cũng đã bàn đến chuyện người con bị bỏ ở chùa Cổ Pháp. Chuyện kể người đàn bà họ Phạm kia có thời gian làm việc ở chùa, và đã quan hệ gần gũi, thân thiết với sư thày. Khi thấy người con gái có thai, thày bèn đuổi đi. Nhưng đến ngày sinh nở, người mẹ đã trả lại con cho nhà chùa. Họ còn đặt vè trong dân gian thế này: “Con ai đem bỏ chùa này. Nam mô di phật con thày, thày nuôi”.

Lại có chuyện kể, người cha của đứa bé là một người làm thuê ở chùa Tiên Sơn và đã gặp người con gái xinh đẹp làng Dương Lôi. Hai người có lòng yêu mến nhau. Khi người con gái có mang, thì người làm thuê kia bị đuổi ra khỏi chùa. Cả hai dắt díu nhau vào rừng không có nơi ăn chốn ở và đói khát cùng đường. Người chồng đã uống phải nước giếng độc bị chết trong rừng. Lúc đó người vợ chỉ còn một con đường đến ăn mày cửa Phật. Sau khi sinh con xong để lại cho nhà chùa nuôi, người mẹ đã ra đi. Chuyện này còn được thêu dệt lên cùng những tình tiết huyền tích khác như, trong một đêm nằm ngủ thiền sư Lý Khánh Văn thấy mộng báo, sáng mai hãy đón hoàng đế đến chùa. Khi thiền sư ra chỉ thấy một người đàn bà sắp đẻ nên cưu mang giúp đỡ. Và người con được sinh ra sau này chính là vua Lý Thái Tổ.

Tượng thiền sư Vạn Hạnh.

Nhưng có lẽ còn ly kỳ hơn, khi có chuyện kể chính thiền sư Lý Vạn Hạnh mới là cha đẻ thực sự của vua Lý Thái Tổ. Trước đó, khi xảy ra chuyện ngài đã nhờ Lý Khánh Văn gánh vác hộ, nhận đứa bé làm con nuôi để lấy họ Lý. Chính vì thế mà Lý Vạn Hạnh đã dồn toàn bộ tâm trí và tài năng để dạy dỗ, tạo dựng nghiệp lớn cho con trai tiếp nối lý tưởng trị vì thiên hạ của mình. Thiền sư còn tạo dựng những thế lực trong triều Tiền Lê, cùng những lời sấm truyền trong dân gian để chớp thời cơ cho Lý Công Uẩn đoạt ngôi vua như mệnh trời sắp đặt. Và có thể nói triều họ Lý chính do một tay ông dựng nên. Thậm chí, chuyện vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Thăng Long năm 1010, cũng bắt đầu từ ý tưởng của Lý Vạn Hạnh. Hơn nữa, sau này vua Lý Thái Tổ đã về quê nội ở Đình Bảng để chọn đất thờ và trở thành lăng mộ hiện nay ở đền Bát Đế, lại càng thêm khẳng định cha ngài chính là sư tổ Lý Vạn Hạnh!?

Ghi trên đỉnh núi Tiêu

Tôi cứ mơ màng trong câu ca xưa từ đâu đó trên không trung cất lên: “Con trời chẳng biết mặt cha. Lớn lên trung dũng tài ba khác thường. Ai về bên bến sông Tương. Chớ gần cô tiểu mà vương phải bùa”. Và, một buổi sớm tôi lên núi đúng vào giờ tụng kinh của các sư chùa Tiêu. Được một ni sư chỉ đường lên đỉnh cao, ở đó có tượng sư tổ Vạn Hạnh bằng đá trắng sừng sững trên trời xanh. Tôi chậm bước lên từng bậc đá và chợt nghĩ trong cái hiện hữu lại có cái hư vô đến lạ kỳ. Sắc sắc không không là vậy. Tình yêu là suối nguồn của sức mạnh luôn luôn hiện hữu và vô hình ở khắp mọi nơi trên thế gian này. Việc một người đàn bà thử ướm chân vào vết chân thần ở ngoài vườn mà sinh ra Thánh Gióng, quả là chuyện tình kỳ ảo, và hiện hữu bao la. Bao đời nay người đời tôn thờ và tưởng nhớ đến: “Ai ơi mùng chín tháng tư. Không đi hội Gióng cũng hư mất đời”. Cái vô thường nghĩ cho cùng lại là hữu hạn tự ở con người. Mối tình kia đã hóa về trời. Con trời đã được trao cho kiếp làm người trên trần thế, để đem lại hạnh phúc cho chúng sinh. Đó là nút kết của câu chuyện tình bí ẩn nhất, vĩ đại nhất của kho tàng cổ tích, trên dòng sông Tiêu Tương

Cảnh Linh
.
.
.