Những con đèo vàng rực màu hoa

Chủ Nhật, 04/01/2015, 15:42
Cuối tháng 12/2014, Lâm Đồng tổ chức hai lễ hội lớn là Festival hoa và trà. Tính từ năm 2004, cứ vào cuối đông năm chẵn, lữ khách về Đà Lạt nhiều hơn. Họ đến để tham dự Festival hoa, trải nghiệm xứ lạnh, hay hưởng tuần trăng mật của các cặp vợ chồng mới cưới. Được đến thành phố ngàn hoa này, người miền xuôi phải vượt qua 2 trong 4 đèo: Blao, Sông Pha, Hòn Giao và Prenn. Vào thời điểm này, hoa dã quỳ vàng rực rải thảm từ giữa lưng chừng đèo như chào đón mọi người.

Dã quỳ là loài hoa “di cư” có hình dáng như cúc vàng, mọc hoang theo các triền đồi, thân cao hơn 2m; do người Pháp mang đến trồng ở Đà Lạt vào đầu thế kỷ thứ XX để trị bệnh ngoài da cho người và làm phân xanh bón lót cho các loại hoa trồng khác, rồi dần dần phát tán đến mức nhuộm vàng cả Tây Nguyên. Ở Lâm Đồng, người ta còn gọi là hoa báo nắng, vì khi dã quỳ nở là dứt mưa, nắng vàng hơn và khí trời lạnh hơn. Đã bao đời nay, cứ vào cuối thu, màu vàng rực của hoa dã quỳ như ngọn lửa nhóm lên sưởi ấm ven đường chào đón người mới, người cũ trở về Đà Lạt.

Đèo Blao - con đường nối Nam Bộ

Mỗi năm vào mùa đông và mùa xuân, những người thích ngắm thiên nhiên vẫn thường kéo nhau đến lưng chừng đèo ngồi uống cà phê để nhìn hoa dã quỳ nở ven đường, nhìn những con người lên xuống với đôi mắt đăm chiêu. Dường như những lần ngồi trong quán heo hút đường đèo này, tôi chưa từng thấy nụ cười sung mãn của các tài xế xe tải, xe khách hoặc xe máy chạy đường dài. Thật ra cười sao nổi, vì chỉ cần sơ ý vài giây là có thể trở thành “công dân vĩnh cửu” dưới thung lũng rợn người kia.

Quốc lộ 20 dài 233km, khởi đầu từ ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai và kết thúc tại Đà Lạt. Để lên được vương quốc trà Blao và xa hơn là thành phố bốn mùa hoa nở này người và xe phải vượt qua đèo Bảo Lộc cao 932m. Đèo dài 10km, gồm có 108 khúc cua tọa lạc ở cây số 97-107 được các kỹ sư cầu đường người Pháp thiết kế theo triền núi, một bên là núi đá dựng đứng, một bên là vực thẳm nhìn muốn rợn người. Vào mùa mưa, những vách đá ven đường nở đầy hoa thạch thảo như bức tranh thủy mạc hút hồn du khách, đặc biệt vào cuối thu hoa dã quỳ nở rộ vàng ươm chấp chới ven đường. Đèo Blao vừa mang dáng hoang dã, vừa kỳ bí, nhất là sáng sớm và chiều muộn dầy đặc sương mù lấp đầy thung lũng, làm cho con người tưởng chừng đang đứng trên cõi hư không.

Lịch sử đèo BLao gắn liền với con đường dẫn đến khu nghỉ dưỡng Đông Dương vào đầu thế kỷ trước, tiền thân của quốc lộ 20 ngày nay. Con đường nối liền giữa cao nguyên và đồng bằng này ban đầu rộng 4m, trải đá, được khởi công vào tháng 11/1926 và hoàn thành ngày 31 tháng 5/1927 dưới thời toàn quyền Varenne. Để bảo đảm thông đường trong vòng 8 tháng, công binh Pháp đã sử dụng 400 phu dịch làm việc ngày đêm, số lượng culi bao gồm: người KHo, Chro, Mạ, Stiêng và phu đồn điền người Kinh.

Trong 200 ngày đêm sống giữa rừng thiêng nước độc, nhiều người phu đã bỏ mạng vì bệnh tật, tai nạn hoặc bị thú dữ ăn thịt, xác của họ bị vùi lấp ở dọc đường. Một số những người phu ấy sau này được Việt Minh giác ngộ, đã trở thành những tay súng cừ khôi chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật ngay tại đường đèo Bảo Lộc. Thủ lĩnh KKíu (dân tộc KHo) là nhân vật điển hình. Ông là người có sáng kiến bố phòng trận địa bằng bẫy đá và cây rừng từ trên đồi cao dội xuống. Ông đã đi vào sử sách về cuộc kháng chiến của quân và dân Lâm Đồng vào thời cận đại như một huyền thoại.

Sử liệu địa phương ghi rằng: Ngày 9/11/1945, Ban Chỉ huy Quân sự Việt Minh ở Nam Trung Bộ nhận định quân Nhật sẽ chiếm Đồng Nai Thượng qua đường 20 nên đã điều Trung đội Mười Mè và vận động ông KKíu trấn giữ đường đèo. Lúc bấy giờ, Trung đội chỉ có vài khẩu súng, còn chủ yếu là cung tên, giáo mác. Ông KKíu từng là culi làm đèo Bảo Lộc, biết rõ vị trí nguy hiểm ở các tuyến đường cua tay áo. Vì vậy, ông đã vận động bà con dân tộc của mình cùng với bộ đội Mười Mè chất đá và cây rừng buộc trên địa hình cao, nơi có thể trực tiếp đổ xuống đường đèo và dùng hệ thống báo động bằng cách buộc các lon sữa bò (cách nhau 100m) kéo dài từ chân đến đầu đèo.

Đúng như nhận định, quân Nhật chiếm Đồng Nai Thượng. Dẫn đầu là xe bọc thép cùng với 40 xe quân sự chở 300 lính. Đợi vào ổ phục kích, ông Mười Mè ra hiệu lệnh giật lon báo động. Từ trên cao, trận mưa gỗ, đá, lửa và cung tên lao thẳng xuống đường đèo cùng với tiếng reo hò, tạo thành một thế trận hỗn loạn. Trận ấy, nhiều lính Nhật bị tiêu diệt. Tuy nhiên, là một quân đội viễn chinh nhà nghề, quân Nhật đã đánh bọc hậu, Trung đội trưởng Mười Mè hy sinh cùng với 20 đồng đội Kinh, Thượng. Ông KKíu sau này bị Pháp bắt. Họ đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, hăm dọa, nhưng vẫn không mua chuộc được người thủ lĩnh KHo tài trí này. Cuối cùng, vào năm 1947, người Pháp đã xử bắn ông công khai tại Di Linh. Trước pháp trường, ông dõng dạc tuyên bố: “Tao không sợ chết! Tao chết nhưng đồng bào của tao còn sống tiếp tục đánh mày! Tao chết trước, mày sẽ chết sau!”…

Chiến công đường đèo năm 1945, ngoài quyết tâm giành độc lập dân tộc, còn thể hiện tinh thần đoàn kết chung lưng đấu cật giữa hai anh em Kinh - Thượng. Sự kiện ấy lại được tiếp nối trong cuộc kháng chiến chống My. Năm 1972, nữ anh hùng Lê Thị Pha và hai đồng đội người KHo - Mạ khi chết cùng nằm chung một nấm mồ. Đường đèo còn lưu lại kỳ tích của các nhà tư sản dân tộc ở miền Nam đã tiếp tế lương thực, thuốc men cho quân giải phóng bằng những chuyến xe tải. Họ đã góp công, góp của vào công cuộc  thống nhất đất nước.

Đường 20 bây giờ đã khác xưa, mặt đường rộng 12m, được đổ bê tông nhựa nóng phẳng lì, ven đường tại các khu dân cư đèn cao áp sáng trưng. Con đường càng ngày càng đẹp, quán xá mọc lên, những bãi đậu xe rộng thênh thang ven theo núi rừng hùng vĩ.

Đèo Ngoạn Mục, đường về với biển

Con đường này tôi đã đi trên dưới 20 lần. Lần đầu tiên vào năm 1976 lúc tiểu đoàn chúng tôi đóng quân ở chân đèo để bảo vệ thủy điện Đa Nhim. Thời trai trẻ bốc đồng, có lúc 3-4 thằng rủ nhau đi bộ cả ngày lên lưng chừng đỉnh, rồi mang hoa dã quỳ và vài cành thông về làm vật chứng cho chúng bạn xem.

Đèo KRông KPa, hay còn gọi Ngoạn Mục, cao 980m, dài 18km, là ranh giới của Ninh Thuận và Lâm Đồng, nằm trên quốc lộ 27 nối liền duyên hải với Lâm Đồng. Đây cũng là một trong những con đèo thơ mộng và nguy hiểm. Thuật ngữ KRông theo tiếng Êđê là sông nước, KPa là tên riêng. Vậy KRông KPa có nghĩa là con sông Pa, nhưng  người địa phương chuyển thành Sông Pha cho dễ phát âm. Còn người Pháp lúc khảo sát khai thông tuyến đường này, nhìn cảnh đèo nên thơ giữa biển và rừng nên đặt tên là BelleVue mang nghĩa Việt là đèo Ngoạn Mục.

Theo tư liệu cũ, sau khi bác Sĩ Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt năm 1893, đến 1897, người Pháp quyết định biến cao nguyên này trở thành khu nghỉ dưỡng cho quân viễn chinh và viên chức Pháp tại Đông Dương. Theo kế hoạch ấy, Toàn quyền Doumer đã cử đại uý Thouars chỉ huy một nhóm khảo sát thực địa mở tuyến đường từ Phan Rang lên Đà Lạt dài 122km. Con đường được phác thảo theo hai lộ trình đường bộ và đường sắt răng cưa chạy gần nhau. Đến năm 1903, đường bộ được khai thông trước. Đây là một công trình gian khổ đầy hiểm nguy, hằng ngày phải đối mặt với bệnh tật, sự rình rập của thú dữ cũng như những toán thổ phỉ giết người cướp của. Thời ấy, không ít cư dân bản địa và quân nhân Pháp thi công tuyến đường này đã nằm lại giữa rừng già không mộ chí.

Hơn một thế kỷ trôi qua, đường đèo Sông Pha được nhiều lần nâng cấp qua các thời kỳ lịch sử. Hiện nay, quốc lộ 27, từ Ninh Sơn đến thị trấn Dran là con đường mới tu sửa khá đẹp, đoạn đường lãng mạn đầy chất thơ của dốc đèo, núi rừng hùng vĩ. Nơi ấy khí hậu từ nóng chuyển sang lạnh chỉ cách nhau vài bước chân người. Điều đáng nói, chỉ khoảng cách 200m, thân và hoa dã quỳ đã khác biệt nhau. Dưới khí hậu nóng thân, cành  và hoa nhỏ, càng lên vùng Dran, cành lá xum xuê hơn. Năm nay 2014, trên đỉnh đèo đến Đơn Dương, các vườn hồng đầy quả lắc lư theo gió. Ở Đơn Dương có thông lệ khách vào vườn hồng vào thời vụ chín được phép ăn thoải mái mà không tính tiền. Còn nếu mua mang đi với giá 3 ngàn đồng 1 ký. Ở Dran bây giờ, biệt thự vườn đã dần thay thế những căn nhà ton rỉ sét thưng ván thông ẩn hiện trong vườn hồng hay dưới tán thông xanh.

Đèo Hòn Giao, con đường nối biển và hoa

 Những năm gần đây, tôi đã đi xe máy vài lần trên cung đường này. Đèo Hòn Giao còn có tên là Khánh Vĩnh, dài 33km, dài nhất Việt Nam (sau đèo Pha Đin 32km). Đây là con đèo nối liền 2 thành phố du lịch vừa được đưa vào sử dụng cách đây vài năm. Từ cao độ 1.500m tại Đà Lạt lên cao độ 1.700 ở Lạc Dương rồi xuống đồng bằng dài 140km, con đường tựa như con rắn bò vắt ngang theo các sườn núi. Nơi đây, khách lữ hành đi trong sương mù, một ngày hai lần sáng sớm và chiều muộn. Đứng trên đỉnh đèo này, bạn cảm nhận được một phần non sông gấm vóc của quê mình.

Đường được khởi công ngày 20 tháng 4 năm 2004 và chính thức hoàn thành vào cuối năm 2007. Đi trên tuyến đường này, du khách sẽ có cảm giác được tắm mình trong làn sương mờ ảo. Ở đây đến 8h sáng sương mù vẫn còn bao phủ và buổi chiều, khoảng 3, 4h giờ trở đi, chúng lại sà xuống con đường. Đèo Hòn Giao là bức tường chắn gió thiên nhiên từ hướng đông thổi vào. Vì thế, khi mùa mưa đến, bất kỳ cơn bão hay áp thấp nào hình thành từ biển đổ bộ vào đất liền đều bị bức tường này chặn lại. Do địa hình như thế nên tại đây thời tiết rất lạ. Vào các tháng khô hạn cũng đều xuất hiện mưa, có lúc mưa dầm, Những cơn mưa nhỏ chập chờn giăng giăng. Để rồi sau cơn mưa, trời lạnh hơn, sương mù nhiều hơn phủ lên cánh rừng già trắng xóa.

Ai đã từng đi trên 3 con đèo Hòn Giao, Sông Pha, Bảo Lộc để đến Đà Lạt đều nhận ra sự khác biệt của cũ và mới. Thời Pháp thuộc, kỹ sư thiết kế cầu đường thường né tránh khi đường phải vượt qua các con đồi. Nhưng hiện nay, đối với những con núi đá nhỏ, người Việt cho nổ mìn cắt ngang trở thành con mương đá có nơi dài vài trăm mét. Đó là một sự bứt phá lớn để lại âm vang hậu thế của ngành cầu đường Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XXI.

Prenn, con đèo huyền thoại của những chuyện tình

Muốn lên đến địa phận Đà Lạt từ phía Đông và Nam còn phải vượt một con đèo đầy hoa dã quỳ nữa là Prenn. Con đèo này được người Pháp mở đường từ năm 1903 theo lộ trình từ Phan Rang lên.

Đèo Prenn dài 11km, bắt đầu từ chân núi kéo dài đến khu dân cư đầu tiên hướng Đông Đà Lạt. Thác Prenn bắt nguồn từ con suối ở khu vực đường Hùng Vương (Đà Lạt) chảy dọc đèo Prenn, khi đến chân đèo gặp khúc gãy của nền đá tạo thành thác. Người Lạch (dân bản địa) gọi suối Prenn là Đạ Prền và thác Prenn là Liang Tarding. Theo tư liệu của Henry Maitre, nhà thám hiểm người Pháp cho rằng: Thuật ngữ Prenn dựa theo hai truyền thuyết. Truyền thuyết thứ nhất cho biết: Ngày xưa, ở phía Bắc dòng thác này có một buôn lớn của người KHo Lạch, gọi là BonPreàn. Preàn là tên một người phụ nữ được dân làng kính trọng, nhưng thuật ngữ Preàn còn có nghĩa khác là trái cà đắng. Truyền thuyết thứ hai mang sự kiện chiến tranh bộ tộc: Vì theo tiếng Chăm, Prenn là “Vùng xâm chiếm”. Vào thế kỷ XVII, Vua Chiêm là Pôrômê đã sử dụng sức mạnh quân sự để xây dựng một vương triều hùng mạnh. Vì thế, vua Chiêm đưa quân đến Đà Lạt để chiếm đất của người KHo nhằm mở rộng lãnh thổ về hướng Tây. Cuộc chiến tranh này kéo dài nhiều năm. Núi Prenn được chọn là biên giới phân chia lãnh thổ; còn các tộc dân bản địa như Lachr, Chinhk, Sré lại gọi kẻ xâm lăng là “người Prenn”. Vì vậy, người bản địa gọi Prenn để phân biệt biên giới hai bên.

Mới đây, tôi lang thang đến đèo Prenn, ghé thăm ngôi nhà ma (cũng là nơi kết thúc một chuyện tình) ở lưng chừng đèo rồi đi bộ xuống xóm trồng hoa bất tử dưới triền. Bất tử là tên loài hoa lạ, khi hoa lìa cành vẫn giữ được hình dáng và màu sắc cả năm. Là người Lâm Đồng, nhưng vào mấy năm trước, tôi cứ ngỡ hoa bất tử được trồng ở Lạc Dương, nhưng thật ra loại hoa này được trồng ngay tại chân đèo, thuộc tổ dân phố 19, phường 3, Đà Lạt.

Trước đây, xóm này sinh sống bằng nghề trồng súp lơ, cải thảo hoặc cây ăn trái, nhưng từ khi Đà Lạt có đông đảo du khách thăm, người dân ở đây có thêm nghề trồng hoa bất tử. Anh Lê Văn Thi, người đã trồng hoa bất tử nhiều năm cho biết: “Hiện cả xóm có khoảng 20 gia đình trồng hoa này, có nhà trồng đến 2 sào. Theo tôi biết, chỉ có bà con ở xóm đèo trồng để cung cấp cho thị trường Đà Lạt. Hoa bất tử rất lạ, về hình dáng giống như hoa cúc nhưng mang biểu tượng tình yêu chung thủy. Với vẻ đẹp mộc mạc và giản dị của mình, hoa bất tử đã góp phần vào sắc màu lung linh của thành phố, giúp Đà Lạt ngày càng đẹp hơn trong lòng du khách thập phương. Nếu đã đến Đà Lạt, nên mua vài bó hay những giỏ hoa bất tử mang về làm quà thay cho những lời nói yêu thương của mình”.

Được hỏi vì sao hoa mang cái tên dữ dội thế! Anh Thi giải thích: “Nghe ông bà kể: Ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Một ngày nọ, người con gái nghe nhiều người nói trên đỉnh núi có loài hoa quý nên ước có được để xem. Để chiều lòng người yêu, chàng trai lặn lội đi tìm. Chàng tập trung sức lực trèo đèo vượt suối. Cho đến lúc kiệt sức không thể trèo được nữa, chàng trai quỳ xuống nhìn về đỉnh núi rồi tắt thở. Và kì lạ thay, nơi chàng trai ngã xuống đã mọc lên một chùm hoa đỏ thắm như máu con tim, nhưng đóa hoa vươn về phía đỉnh núi mù xa. Vì thế, để kỷ niệm mối tình bất diệt của chàng, người ta đã đặt là hoa bất tử”.

Cũng thật kì lạ, khi phơi những đóa hoa ấy dưới nắng thì các đài hoa se lại và màu thêm tươi thắm. Người dân thường kết từng chùm như những chiếc lá giả tạo thành những cành hoa và tặng nhau vào những dịp lễ hội.

Có nơi gọi hoa bất tử là hoa tình yêu. Dẫu với tên gọi nào thì nó vẫn luôn mang trong mình một ý nghĩa cao đẹp: Tình yêu là bất tử, loài hoa không bao giờ chết trong gian khổ khó khăn.

Ngay tại đường đèo Prenn có ba loài hoa theo mùa: dã quỳ, bất tử và mimosa. Mỗi loại hoa được con người hào phóng xây dựng lên truyền thuyết, nội dung đều là những câu chuyện buồn nhưng có hậu của tình yêu trai gái. Đó là những bài học cho những ai đến với tình yêu. Vì tình yêu chân chính xuất phát từ nhịp đập trái tim, nơi ấy không có tiền vàng, chức phận hay địa vị cao sang.

Trước năm 1960, Đà Lạt mang tên thành phố anh đào. Vì thế, trong những năm qua, con đèo Prenn, cửa ngõ vào Đà Lạt được Hạt Kiểm lâm trồng 7.000 cây hoa anh đào và Yỉnh đoàn phát động thanh niên trồng 3.000 cây mimosa. Rừng mai anh đào và mimosa khổng lồ này kéo dài từ đầu đèo Prenn đến giáp ranh phường 3 (TP Đà Lạt). Mai đây, ven con đèo này sẽ phủ đầy hoa anh đào, mimosa và hoa dã quỳ vàng rực mang thêm nhiều chuyện tình lãng mạn của thành phố ngàn hoa này.

 * * *

Năm 2014 là lần thứ sáu Lâm Đồng tổ chức lễ hội hoa Đà Lạt và chè BLao để tôn vinh những người làm vườn, những nhà khoa học và quảng bá thương hiệu của mình. Hằng năm, tại thành phố du lịch Nam Tây Nguyên này có 4 triệu người đến thăm. Không biết chủ và khách đi trên những con đèo thơ mộng vàng rực, hay đỏ thắm từ các loại hoa kia, có ai nhớ đến những người cu li làm đường và có ai mơ hồ nghe được những tiếng reo hò từ đỉnh núi cao... Nhưng chắc một điều là bạn và tôi, chúng ta những người đang sống, mỗi lần đến cao nguyên đều tự hào: Tài sản của cha ông để lại đã được con cháu giữ gìn và tôn tạo đẹp hơn.

Trần Đại
.
.
.