Những con đường nối biển mặn chè xanh

Thứ Hai, 11/05/2015, 16:00
Tuần rồi gặp hai em “Tây ba lô” người Do Thái (Israel) tại một quán cà phê trên tuyến đường ven biển Bà Rịa-La Gi, bây giờ gọi là quốc lộ 55. Cả hai em Tây vừa tốt nghiệp đại học ngành Marketing (tiếp thị) đang chờ nhận việc nên quyết định tổ chức một chuyến đi Việt Nam. Biết tôi là dân ở xứ chè xanh đang trên đường về, nên các em xin theo để trải nghiệm chuyến đi nối biển và rừng.

Ở Nam Tây Nguyên không phải nhiều người biết tại cao nguyên B’Lao là giao lộ của tuyến biển rừng bởi đường 55. Cũng tại đây, ở phía Bắc có đường 28 bắt đầu từ Phan Thiết lên Di Linh nối liền quốc lộ 14 tại Đắk Nông. Trong tương lai nếu hai tuyến quốc lộ này được nâng cấp, B’Lao sẽ trở thành trung tâm văn hóa nghề chè của hai anh em Kinh - Thượng, là điểm đến từ các vùng duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.  

Quốc lộ 55 bắt đầu tại thị xã Bà Rịa, qua các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Hàm Tân, thị xã La Gi, nhập vào quốc lộ 1 đến 10km rồi rẽ sang Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), Bảo Lâm và kết thúc tại ngã ba Đại Bình hội nhập vào quốc lộ 20 (tỉnh Lâm Đồng). Đây là con đường nằm theo trục Đông - Tây liên kết các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên dài 229km.

Ở Lâm Đồng có ba quốc lộ 27-28-55 nối biển và rừng dài gần bằng nhau, tính chất giống nhau, cả ba cùng được “ăn theo” con đường khác. Quốc lộ 27 khá đặc biệt nối dài từ Ninh Thuận, Lâm Đồng đến Đắk Lắk. Điểm đầu tiên bắt đầu tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đi về hướng tây vượt qua đèo K’Rong K’Pa đến ngã ba Finom rồi mất tên vì ăn theo quốc lộ 20 trên 10km, đến ngã ba Liên Khương rẽ phải mới có tên lại. Con đường này qua các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Lắk và kết thúc tại quốc lộ 14 đoạn vào thành phố Buôn Ma Thuột, tổng chiều dài gần 300km.

Dọc đường gió bụi 

Quốc lộ 55, đoạn từ ranh giới Bình Thuận lên cao nguyên xuống cấp đến mức tồi tệ, có những nơi mặt đường bị bóc lớp nhựa, hiện nguyên hình đá cục 4x6 một cách nham nhở. Nhiều đoạn ổ gà, ổ voi cộng với mùa khô gió bụi thổi rát nên mặt lữ khách đường xa gần giống như người đi xuyên sa mạc. Tuy nhiên hai em Do Thái vẫn thể hiện sự vui vẻ đầy thích thú.

Có lẽ do nền giáo dục hình thành tố chất, vai trò con người của mỗi quốc gia khác nhau nên phong cách giao tiếp và tầm nhìn cũng không giống nhau. Thanh niên người Việt sau khi có chuyến đi xa về thường kể lể nơi này xinh, nơi kia đẹp, món ăn lạ, ngon, đắt, rẻ. Còn hai em Do Thái, người đồng hành với tôi khi đi qua cánh đồng trồng bắp ở Tà Pao, cánh đồng lúa ở Tánh Linh hoặc rừng điều ở Tà Pứa đều nhăn mặt hỏi tôi rằng: Sao nơi này không xây dựng vùng chuyên canh với hệ thống thủy lợi, sao không làm nhà máy chế biến củ quả tại chỗ, sao không mở các tour du lịch canh nông để quảng bá sản phẩm, vì bán sản phẩm thô mang lợi nhuận rất thấp, không khuyến khích người lao động… Các em nhìn quốc lộ 55 con đường nối biển và rừng một cách thèm thuồng.

Đi hết những cánh đồng phì nhiêu ven bờ sông Đạ Rnga của huyện Tánh Linh, chúng tôi lên độ cao trên một ngàn mét, phong cảnh chuyển sang cây trồng công nghiệp. Nhìn những đồi chè, cà phê bạt ngàn, các em có vẻ thoải mái hơn. Khi vào quán nghỉ chân ở phố núi nhìn ra hồ nước mênh mông, tôi hỏi: “Trông các em có vẻ độc lập trong suy nghĩ cách nhìn nhận, đánh giá cũng như sử dụng tiếng Anh lưu loát. Vậy khởi nguồn ý tưởng đi Việt Nam bắt đầu từ đâu và chi phí đi trải nghiệm xa như thế này là tiền của ai tài trợ?”.

Eretz, người đồng hành trả lời một cách vui vẻ: “Tuy Việt Nam và Israel đã có quan hệ cấp đại sứ từ năm 1993 nhưng báo chí trong nước đưa tin về Việt Nam chỉ rõ nét hơn vào năm 2010. Lớp trẻ chúng tôi biết được Việt Nam khoảng hai năm nay, một đất nước đầy tiềm năng. Nhìn trên bản đồ, bờ biển Việt Nam như một bao lơn khổng lồ nhìn ra Thái Bình Dương có cả núi rừng và biển cả. Chúng tôi thích đi một nước nào có địa hình như thế để trải nghiệm phong cảnh, xây dựng những tour du lịch sau này. Về chi phí chuyến đi, tuy chúng tôi chưa đi làm nhưng vẫn có tiền riêng hoặc vay cha mẹ”.

“Sao lại phải vay gia đình?”, tôi tò mò hỏi.

David, bạn của Eretz cho biết: “Ở Israel, nền giáo dục đã xây dựng tính cách con người nhất là việc sử dụng tiền bạc được hình thành từ bé. Trong chương trình thi SAT (Scholastic Aptitude Test - thi đại học) có môn Road Map (bản đồ hành trình đời người). Môn thi này có 4 câu hỏi, câu thứ I: Tại sao bạn thi vào đại học này? Câu thứ II: Trong những năm học đại học, bạn sẽ sử dụng nguồn tiền nào: Vay chính phủ - vay cha mẹ - tự lao động? Câu thứ III: Bạn sẽ trả lại tiền vay trong khoảng thời gian nào?

Nhiều học sinh, các môn tự nhiên xã hội rất giỏi nhưng bị trượt môn này, vì không có kế hoạch dài hơi cho cuộc hành trình độc lập của mình. Mục đích của chính phủ ra môn thi như thế để xây dựng trách nhiệm con cái trong gia đình và hình thành bổn phận của một công dân trong quốc gia. Ai cũng phải làm việc để tự mình tồn tại, cũng như trách nhiệm xây dựng đất nước từ trí tuệ và năng lực của mình. Chắc chú cũng biết đất nước Israel nằm trên hoang mạc trên bờ Địa Trung Hải khô cằn, vì thế chính phủ rất cần những phát minh để xây dựng đất nước. Trung bình ở đất nước của cháu có 74 phát minh cấp quốc gia trên 1 triệu dân, các phát minh này được chính phủ bảo vệ tuyệt đối quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì thế đất nước chúng cháu được thế giới đánh giá là thung lũng Silicon thứ hai trên thế giới…”.

Nghe hai em Do Thái trải lòng về trách nhiệm của một người dân với quốc gia mình, tôi cảm thấy buồn buồn khi nhìn thế hệ trẻ và kể cả người lớn dành quá nhiều thời gian ngồi quán cà phê hoặc tập trung rượu chè chém gió, rồi cùng nhau gào thét “zô zô” rát cổ họng bằng tiền không phải đổ mồ hôi nước mắt để chứng tỏ là mẫu người sành điệu. Giá mà đất nước mình có khoảng 20 phát minh trên 1 triệu dân thì mỗi năm Việt Nam có được 180 công trình quốc gia làm giàu cho đất nước.

Israel chỉ rộng 22.072km2 với dân số 7.653.600 người. Tuy nằm cạnh Ai Cập khổng lồ nhưng vẫn thể hiện là một quốc gia hùng mạnh đã làm cho xóm giềng nể sợ. Đất nước nằm trên hoang mạc này không những có tiềm lực kinh tế (GDP 26.200 đôla/đầu người) còn là một quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông.

Nhìn trên bản đồ, Israel nằm nép mình ven bờ Địa Trung Hải, tôi lại liên tưởng đến hoàng đế Jumong, một trong những vị vua Hàn Quốc đã đưa ra chủ thuyết giữ nước bằng tự chủ về kinh tế và khí tài quân sự, kết quả lá quốc kỳ mang hình con chim 3 chân phụng hoàng lửa vẫn còn bay phấp phới đến tận bây giờ.

Lữ khách cao nguyên

Tôi tình cờ quen với một thương gia Nhật sau lễ hội trà mùa đông năm ngoái. Lúc ấy khoảng 10h sáng, vị lữ khách ngồi một mình tại quán cà phê nhìn ra mặt hồ một cách lặng lẽ. Hôm ấy quán vắng đến nỗi nghe cả tiếng gió rập rờn vọng vào cửa kính. Người đàn ông mắt một mí, da hơi ngăm, tóc gợn sóng. Trong tâm thức của tôi, người có mái tóc xoăn tự nhiên thường là những người thông minh, có cuộc sống gia đình đau buồn và gần như đều trải qua một thời kiếm sống gian khổ. Ông ta tuổi ngoài năm mươi mang kính trắng, gương mặt hằn lên vẻ sóng gió cuộc đời, có lẽ là một cư dân có học lớn lên từ miền trung du.

Ngồi một mình cũng buồn nên tôi mang ly cà phê sang bàn của ông để góp chuyện: “Xin lỗi, ông là người Hàn Quốc!”. Tôi hỏi một câu tiếng Anh thay lời chào. Ông nhìn tôi mắt sáng lên, trả lời bằng tiếng Anh giọng Bắc Mỹ đặc sệt: “Không, tôi là người Nhật. Ông có phải chờ ai không? Nếu không chúng ta ngồi với nhau chuyện trò, tôi cũng ngồi một mình mà!”. Ông đứng dậy chủ động bắt tay tôi với phong cách như một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Ông tên là Kinatako, quê ở miền trung du, cả gia đình của ông làm nghề du lịch từ trà. Riêng ông, được bố mẹ gửi sang Mỹ học thêm ngành thời trang để sau này cộng hưởng nghề nghiệp gia tộc. Kinatako đã nhiều lần đến B’Lao để tư vấn về mẫu mã, đường nét trên sản phẩm lụa tơ tằm. Trong công việc của mình ông đã đi nhiều nước, điều ông cần là tìm kiếm ý tưởng mới cho bộ y phục trong văn hóa trà đạo Nhật Bản.

Nhưng cuối cùng ông xác tín như lời kết: “Trong trà đạo: Nhật là Nhật, Trung Quốc là Trung Quốc và Việt Nam là Việt Nam. Văn hóa của một đất nước là di sản nghìn năm của một dân tộc, không nên áp đặt từ nước ngoài vào. Giữ được văn hóa cội nguồn là giữ được nội lực quốc gia. Và cuối cùng đường nét của bộ kymono dành cho lễ hội cũng như áo dài của Việt Nam vẫn là một di sản truyền thống của một dân tộc văn hiến. Văn hóa trà của chúng tôi khẳng định ý thức dân tộc của người Nhật. Mỗi buổi sáng chỉ cần nhìn ly trà nóng tỏa mùi hương, người Nhật có thể nhìn thấy trong làn khói mờ ảo ấy là cả một giang sơn hùng vỹ mà tiền nhân đã đổ máu giữ gìn”.

Là dân xứ trà, nhưng khi nghe Kinatako giới thiệu về trà đạo, tôi chợt rùng mình, tròn xoe mắt. Tuổi trẻ chúng tôi lòng yêu nước chỉ được hâm nóng khi Tổ quốc có giặc ngoại xâm. Lúc ấy cả nước chít khăn tang lên đầu ra trận sống chết với kẻ thù, chứ gần như không để ý đến hồn nước qua một làn khói chập chờn tỏa lên từ một ly trà bé nhỏ…

Sau khi tiễn hai em David và Eretz rời đường 55 lên Đà Lạt, tôi gặp Kinatako tại một trà thất ở B’Lao. Đó là không gian mang hồn trà đầy sáng tạo của một chủ nhân người Huế. Liểu Hạ là tên làng của ông, một làng quê xa ngái tận miền Trung. Thất trà này do ông thiết kế và xây dựng bằng vật liệu từ phế tích của đình làng Konhinh với kiến trúc độc đáo vừa kết hợp với những nét cổ kính của xứ Thần Kinh và những di vật sinh tồn dựa vào thiên nhiên của các bộ tộc Tây Nguyên. Vào phòng trà người ta nhận ra được mùi hương khói của nhang trầm hòa vào tiếng đại hùng chung chập chờn ngân nga từ CD. Trên vách vài cây chà gạc, cung nỏ, bình nước bằng quả bầu khô của người K’Ho tiêu biểu trong thời hái lượm.

Lần này Kinatako trở lại B’Lao, còn thêm Kosi, con gái của ông đang học Đại học Quốc gia Hà Nội. Kosi hiện thân của thế hệ trẻ hội nhập đầy năng động, cô nói tiếng Việt với âm sắc Hà Nội khá lưu loát. Gặp tôi tại thất trà, Kinatako rất mừng. Ông nói: “Sự hiện hữu của một thế giới trà đạo đã có mặt tại cao nguyên Việt Nam, cái hồn Samurai ở thế kỷ XXI không còn bó hẹp ở đất nước mặt trời mọc nữa”.

Có lẽ từ sự xúc động giữa cảnh vật có hình bóng quê nhà, bố con Kinatako uống cầm trà hai tay một cách trịnh trọng rồi nhỏ nhẹ tham gia nghề trà như tâm sự với chính mình: "Lâm Đồng của các bạn được thiên nhiên ưu đãi, người Pháp đã không nhầm khi chọn B’Lao là vương quốc trà từ năm 1927. Nhìn thổ nhưỡng khí hậu và các cơ sở trà, tôi tin là nghề trà các bạn sẽ có địa chỉ. Người Việt rất giỏi, tuy nhiên các bạn chú ý quá nhiều về số lượng xuất khẩu hằng năm, nhưng ít chú ý về sản phẩm vô hình mà trong thương trường gọi là hậu mãi.

Nếu chỉ tính doanh số bán ra trên khắp thế giới, ở đâu người ta cũng làm được, họ chỉ cần mua sản phẩm thô của trà Việt sau đó thay đổi hương liệu, nhãn mác, trà của các bạn sẽ có mặt ở thị trường Trung Đông, châu Âu hoặc Nam Mỹ. Nhưng doanh số vô hình lại mở rộng thương hiệu thay vì chi phí quảng cáo 15 đến 18% tổng doanh thu. Vì vậy đầu tư trà trực tuyến là quảng cáo thương hiệu tốt nhất. Đó là đầu tư tham quan trải nghiệm, như ông biết! Nơi nào có phong cảnh đẹp đi lại thuận lợi, nơi đó có các dịch vụ kèm theo.

Là một xứ sở chè ở phía Nam nhưng tôi chưa phát hiện các chương trình du lịch khám phá trên mạng cũng như thực tế. Nếu Bảo Lộc có điểm đến thăm đồi chè, các cơ sở chế biến mở cửa để du khách đến thưởng ngoạn thì quá lý tưởng. Nơi đó khách có thể đi dạo vườn, tự tay hái chè tươi, rồi tự pha trà tạo thành một tour du lịch sinh thái.

Trong khuôn viên vườn trà có cả nhà nghỉ tại chỗ dành cho khách quốc tế và nội địa. Đối với món ăn nên chăng sử dụng các loại thực phẩm địa phương kết hợp với chè tươi tinh khiết mới gây được ấn tượng chuyến đi. Ông có thể tưởng tượng áo dài Việt Nam với đường nét màu xanh của chè, bộ bàn ghế bằng tre bên trong nhà nghỉ với không gian là vườn chè tĩnh lặng, tự nó làm giảm đi hội chứng stress cho con người.

Những sản phẩm kết nối từ chè còn gọi là sản phẩm hữu hình, đó là khu nghỉ dưỡng chữa bệnh từ chè xanh dành cho độ tuổi từ 40 trở lên. Những căn nhà này thiết kế mang dáng trà thất được trang trí bằng các bộ hoành phi, hay thư pháp hoặc một cảnh quang gì đó rất Việt. Về dụng cụ pha chế, gốm sứ Bình Dương và Bát Tràng hoàn toàn có thể thay thế hàng Trung Quốc, dụng cụ pha chế này sẽ được chào bán cùng với trà”.

Mấy ngày trước, nghe David - Eretz nói chuyện về sự hình thành trách nhiệm con người ở Do Thái, gai ốc tôi đã nổi lên. Bây giờ gặp thêm vị khách lữ hành này lại làm tôi ngơ ngác. Không phải là mình sùng ngoại, nhưng họ có điều gì hay mình có thể học để làm.

Người Nhật là thế, họ đến từ một nước xa xôi, nhưng có thể giới thiệu chi tiết về địa phương ngay trong xứ mình với những con số biết nói, trong khi chính người Bảo Lộc đã và đang tồn tại trên khu đất vàng chỉ nghĩ đến doanh thu lợi nhuận từ nguyên liệu sơ chế, công lao động phổ thông và tài nguyên đi lên từ đất. Thời hội nhập là thế giới phẳng mọi biến động từ quốc gia này đến quốc gia khác được thông tin cập nhật tính bằng đơn vị phút giây. Bạn chỉ cần vài phút gõ vào trang Google thế giới sẽ nằm trong tay bạn.

Kinatako khởi động bàn phím bằng vi tính xách tay, mở trang web chè Việt Nam chỉ vào màn hình với rừng chữ tiếng Anh chi chít. Hiện nay trên trang web bằng tiếng Anh giới thiệu về trà Việt còn khá đơn điệu. Đến thế kỷ xa lộ thông tin toàn cầu, nhưng còn rất nhiều quốc gia chưa biết đến. Trong chiến thuật quảng cáo trực quan, nên chăng ngay các giao lộ nối biển mặn chè xanh như đường 1, 20, 55, 27, 28 có thể xây dựng một tượng đài chào đón khách hàng của vương quốc hoa và chè. Dưới tượng đài có một trang web đầy ấn tượng dễ nhớ để truy cập.

Ông tắt máy vi tính ôm mặt, rồi đập nhẹ vào vai tôi: Trên thế giới hiện nay, con người đối mặt với cuộc sống số. Người ta đã quá mệt mỏi khi phải sống chung với sự ồn ào ô nhiễm và khẩn trương. Vì vậy họ rất cần một nơi nào đó để thư giãn lấy lại sinh lực. Khách nước ngoài hay người Việt có thu nhập cao đi nghỉ dưỡng không phải tìm đến khách sạn 5 sao để ăn thức ăn nhanh. Họ chỉ muốn tìm nơi yên tĩnh, không khí thiên nhiên trong lành, đầy ắp không gian cây lá với những món ăn chưa bao giờ được trải nghiệm trong đời. Vùng đất B’Lao của các bạn sẽ là điểm đến tuyệt vời, nếu các bạn biết khai thác.

Từ đầu năm đến nay, người Nhật và người Do Thái đến Lâm Đồng nhiều hơn, họ mang theo các ý tưởng công nghệ cao về trồng và chế biến nông sản. Kết quả của sự đàm phán với chính quyền địa phương là các trang trại rau quả, hoa, nhà kính của họ mọc lên. Theo thống kê cho biết ở Lâm Đồng doanh thu trên 1ha chè được 320 triệu, cà phê 350 triệu và hoa 700 triệu.

* * *

Hai ngày trước, theo chân mấy anh em cựu chiến binh K’Ho về thăm lại chiến trường xưa trong dịp lễ 30 tháng 4. Đứng trên đỉnh Pin Hatt của rặng Rowas cao 1.756m ở Đức Trọng nhìn về hướng những quốc lộ 27-28-55 nối biển mặn - chè xanh, tôi lại nhớ những thanh niên Do Thái, nhớ hai cha con người Nhật. Trong họ ai cũng đề xuất ở xứ hoa, trà Lâm Đồng nên phát triển nghề du lịch canh nông, vì chính những lữ khách trong và ngoài nước kia là người sẽ kể lại điều mắt thấy tai nghe “nặng ký” hơn những tờ Brochure (quảng cáo) vô hồn.

Ký sự: Trần Đại
.
.
.