Những công chúa Arab

Thứ Ba, 22/09/2020, 11:38
Sống trong nhung lụa, giàu có là điều người ta thường nghĩ về những người phụ nữ hoàng gia. Nhưng xứ Arab là một thế giới hoàn toàn khác. Hầu hết phụ nữ ở đây đều sống trong cảnh bị phân biệt đối xử, nên tầng lớp quý tộc cũng không phải ngoại lệ.


Đi tìm tự do

Tháng 2-2018, nàng công chúa xứ Dubai có tên Sheikha Latifa nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ thực hiện một cuộc đào thoát ngoạn mục đến Pháp. Ít ngày sau đó, ông hoàng Mohammed Bin Rashid Al Maktoum đã nhanh chóng cử một đội đặc nhiệm tới ngay đất nước hình lục lăng. Việc duy nhất của họ là đưa cô công chúa kia trở về nhà trong thời gian nhanh nhất có thể.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như tất cả mọi thứ được giữ trong im lặng, nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Cô công chúa 33 tuổi bí mật ghi hình lại toàn bộ cuộc đào thoát của mình, từ lúc đến Pháp tới khi bị bắt trở lại Dubai. Tất cả được tổng hợp trong một video kéo dài 33 phút cùng lời mở đầu đầy u ám của nhân vật chính.

"Hãy cẩn thận trước khi xem video này vì nó chẳng tốt đẹp gì. Tôi có thể chết, hoặc ở trong tình trạng tồi tệ hơn cả cái chết", công chúa Latifa chia sẻ với những người muốn chứng kiến hành trình của cô. Những lời người phụ nữ này tiên đoán dường như đã trở thành sự thật. Gia đình đưa cô vào diện quản thúc tại gia, luôn có vệ sĩ đi kèm và không được xuất hiện trước công chúng.

Bỏ mạng che mặt trước đám đông là việc tối kỵ của phụ nữ Arab.

Latifa có thể thất bại, nhưng câu chuyện của cô là một tư liệu quý giá giúp chúng ta biết nhiều hơn về tầng lớp quý tộc xứ Arab. Tại đây, những công chúa, bà hoàng có vẻ không phải lúc nào cũng sung sướng sống trong cảnh giàu sang như chúng ta vẫn thấy khi đọc Nghìn Lẻ Một Đêm. Trái lại, thực tế với họ cũng diễn ra phũ phàng như bất kỳ phụ nữ Arab nào khác.

Phần lớn phụ nữ Arab gần như không giao thiệp với thế giới bên ngoài vì truyền thống gia đình và luật Hồi giáo. Những gia đình lâu đời như Hoàng gia Dubai lại càng xem trọng lễ giáo gia phong, nên quy định dành cho Latifa lại càng khắt khe hơn nữa. Cô không được tự do tìm kiếm người chồng tương lai, không được tự quyết chuyện học hành... Ngay cả chuyện dùng mạng xã hội cũng phải được người khác gật đầu.

Ở chiều ngược lại, từ quy mô gói gọn trong gia đình, xu hướng trọng nam khinh nữ dần được mở rộng công khai ở các địa điểm công cộng trên khắp xứ Arab. Đại học Quốc gia UAE thậm chí còn có quy định nghiêm cấm nữ sinh theo học tại đây mang điện thoại di động có gắn camera. Khu ký túc xá nữ sinh nằm cách biệt với phần còn lại bằng một bức tường cao cùng dây thép gai chăng kín mít.

"Chúng tôi phải sống tách biệt với phần còn lại, kín cổng cao tường, lại luôn có hàng chục nhân viên an ninh đứng canh gác 24/24", một nữ sinh giấu tên ở Đại học Quốc gia UAE bí mật chia sẻ. Những ai muốn rời ký túc xá ngoài giờ học cần phải thông báo trước cho bảo vệ và được đồng ý mới có thể tận hưởng chút thời gian tự do đi lại. Tuy nhiên cũng không có nhiều người làm được chuyện đó.

Bí mật được giữ kín

Ở thời buổi công nghệ thông tin hiện đại, mạng xã hội ở khắp mọi nơi, tất nhiên những nàng công chúa Arab không thoát khỏi việc chìm trong mê đắm bởi Facebook, Twitter... Gần như ai cũng có tài khoản mạng xã hội để tìm đến cuộc sống tự do của thế giới bên ngoài theo một cách khác, nhưng bạn chắc chắn sẽ không tìm được họ theo cách thông thường. Lý do rất đơn giản: Họ phải dùng một cái tên giả để không bị gia đình phát hiện ra.

Những vụ đào thoát như của Latifa không nhiều, nhưng chỉ cần vi phạm nội quy một lần, hình phạt chờ đợi họ không nhẹ chút nào. Người đàn ông trong gia đình có quyền quyết định xem nên xử lý vợ, con gái, hoặc chị em trong gia đình họ theo hình thức ra sao. Quản thúc tại gia là một trong những hình phạt nhẹ nhất nếu đem so sánh với việc bị cầm tù hay hành vi "giết người vì danh dự".

Một phụ nữ Arab thông thường có thể bị chính người thân trong gia đình mình sát hại nếu bị phát hiện ở bên cạnh người đàn ông khác. Điều đó cũng không phải ngoại lệ với những bà hoàng, công chúa thuộc tầng lớp quý tộc. Ở chiều ngược lại, một người đàn ông có thể lấy 4 vợ theo luật Hồi giáo, lại còn được tự do làm những điều mình muốn mà không sợ bị ai cấm cản.

Điều trái khoáy là những ông hoàng Arab, bên ngoài tuyên bố chống lại bạo lực gia đình và đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, thực tế lại nhất mực muốn bảo vệ những thứ họ gọi là lễ giáo gia phong. Họ luôn kiểm soát vợ, con gái và những người chị em cùng nhà trong một vòng kim cô theo quy định có từ hàng trăm năm trước. Những ai vi phạm có thể bị làm nhục công khai mà không ai dám đứng ra ngăn cản.

Vậy những nàng công chúa Arab làm cách nào để vươn tới cuộc sống tự do ngoài kia bên cạnh việc lướt mạng xã hội với một cái tên giả? Họ tìm đến những ngôi trường tư, nơi có điều kiện bớt hà khắc hơn cho phụ nữ. Mỗi chuyến đi ra nước ngoài cũng là cơ hội vàng giúp họ có thêm cơ hội để kết bạn. Sống trong cảnh như họ mới cảm thấy có những thứ ngay cả tiền cũng khó mua được.

Với những người khát khao tự do như Latifa, họ sẵn sàng đào thoát, không chỉ một lần, để có cơ hội tìm đến thế giới văn minh. Năm 16 tuổi, Latifa cũng từng có một lần chạy trốn không thành công khỏi gia đình. Cô đến Oman nhưng bị bảo vệ bắt lại. Cô gái ở lứa tuổi teen khi ấy trở về trong cảnh bị giam hãm, đánh đập, thậm chí chịu nhiều vết thương trên người mà không hề được chăm sóc y tế.

Không giống phụ nữ, nam giới Ả Rập có thể tự do làm nhiều điều họ muốn.

Hiệu ứng lan tỏa

Một vài ngày sau khi video về cuộc đào thoát của Latifa được đăng tải lên mạng xã hội, mọi người mới biết hóa ra chuyện các nàng công chúa trốn nhà diễn ra như cơm bữa ở xứ Arab. Việc này không đến một cách hoàn toàn tự phát, mà đến sau khi Latifa chứng kiến chị gái mình, công chúa Shamsa làm điều tương tự. Không giống Latifa, Shamsa bị bắt giữ trở lại trong im lặng và phải sống trong tù nhiều năm.

Không chỉ có xứ Dubai, ngay cả Hoàng gia Saudi Arabia cũng tràn ngập những người phụ nữ muốn bỏ xứ ra đi. Năm 2013, bốn cô con gái của Hoàng đế Abdullah đã bí mật liên hệ với một tổ chức xã hội để dàn xếp giúp họ chạy trốn trong im lặng. Tuy nhiên việc làm này không thể qua mắt các nhân viên an ninh. Họ bị bắt lại và quản thúc tại gia. Để ngăn vụ việc tương tự tái diễn, 4 nàng công chúa không được sống cùng nhau nữa.

Sau khi Hoàng đế Abdullah băng hà và người em trai Salman lên kế vị, mọi chuyện còn diễn ra tồi tệ hơn. Những người từng giúp 4 nàng công chúa chạy trốn, từ cảnh vẫn nắm được thông tin về họ thường xuyên, nay mất liên lạc hoàn toàn. Chẳng ai biết số phần họ như thế nào. Họ có thể bị gả cho một gã đàn ông Arab giàu có nào đó, hoặc vẫn đang phải sống cảnh giam lỏng cho đến cuối đời. Trốn nhà cũng có nghĩa là từ bỏ cuộc sống nhung lụa của một nàng công chúa Hoàng gia để trở thành người bình thường, nhưng họ vẫn sẵn sàng đánh đổi tất cả. Với những ai quá khát khao cảnh tự do đi lại ở thế giới bên ngoài, việc không còn người giúp việc, không còn tiền tiêu thoải mái cũng là chuyện đáng để thử sức. Latifa có thể thất bại, nhưng cô đã truyền cảm hứng đến những người nung nấu thực hiện chuyến đào thoát tiếp theo.

2 năm trôi qua kể từ ngày Latifa thành hiện tượng mạng xã hội, Rahaf Mohammed trở thành người hiếm hoi đào thoát thành công. Cô con gái rượu của Thống đốc Sulaimi, vùng đất rộng lớn nằm ở phía Bắc Saudi Arabia, trốn đến Thái Lan bất chấp việc có thể bị trục xuất trở lại cố hương. Khát khao tìm đến tự do, cô liên tục đăng bài trên mạng xã hội để gây sự chú ý nhằm tìm kiếm người giúp đỡ. Cuối cùng, Đại sứ quán Canada đồng ý tiếp nhận cô.

Giọt nước tràn ly khiến Rahaf quyết định bỏ nhà ra đi nghe qua khá nực cười: cô không được cắt tóc theo ý mình. Gia đình muốn Rahaf tiếp tục để tóc dài vì "trông nữ tính" còn cô chỉ mong cắt ngắn đi để thể hiện phong cách cá nhân. Hậu quả của việc tự cắt tóc theo ý muốn bản thân là Rahaf bị giam lỏng tại nhà vô thời hạn. "Tôi có tiền, có đồ hiệu, có người hầu kẻ hạ, nhưng không có tự do", cô gái trẻ lên tiếng chia sẻ. "Tôi không cần tiền, chỉ cần tự do và bình tâm mỗi ngày, thế nên tôi nhất quyết ra đi".

Hải Sơn (tổng hợp)
.
.
.