Những cụ bà thường xuyên đi trao cơm cho người bệnh

Thứ Năm, 28/06/2018, 16:27
Họ là những người đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, mái tóc đã bạc, chân đi cũng không còn vững nhưng trong nhiều năm liền, họ vẫn đồng hành cùng nhau trong hành trình trao những suất cơm, cháo từ thiện cho các gia đình, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đó cũng là cách để họ thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, truyền cảm hứng thiện nguyện cho nhiều người, nhất là với những bạn trẻ.

Từ một ý nghĩ

Nói về hoạt động từ thiện của nhóm mình, "trưởng nhóm" là bà Ngô Thị Khánh (82 tuổi, trú tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đây là nhóm "đồng tu", tức là những người tu theo nhà Phật không phân biệt lứa tuổi. 

Nói về việc thành lập nhóm, bà Khánh cười, cho biết: "Gọi là nhóm cho đông thế thôi nhưng thực ra chúng tôi làm việc từ thiện xuất phát từ ý nghĩ thiện tâm của mình, không có tổ chức quy củ cho lắm. Mọi việc bắt đầu từ khi tôi vào bệnh viện, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, những gia đình đến bữa cơm cũng ăn không đủ no nên tôi quyết trích một phần thu nhập của mình để giúp đỡ họ".

Thời điểm ban đầu, bà Khánh chỉ làm từ thiện một mình với những sự hỗ trợ, giúp đỡ nhỏ lẻ đến một số người. Sau đó, hành động đẹp này của bà Khánh được nhiều người dân sống xung quanh biết đến, họ bắt đầu ngỏ ý được góp tiền để cùng bà làm từ thiện. 

Còn có những người là bạn đi chùa, cùng tham gia những khóa tu với bà Khánh, khi nghe đến hoạt động từ thiện này, nhiều người đã hưởng ứng tham gia. Điều đáng nói, những thành viên ban đầu ấy chủ yếu là những cụ bà, người trẻ nhất đã trên 70 tuổi.

Bà Ngô Thị Khánh và quyển sổ ghi chép đóng góp.

Từ một ý nghĩ làm việc thiện ấy, sau nhiều năm hoạt động, có người dừng bước nhưng cũng có người tiếp tục theo đuổi nghĩa cử cao đẹp này. 

Có những tháng, nhóm của bà Khánh chỉ có vài người đi tham gia phát cơm, phát cháo, giữa cái nắng chói chang có khi lên tới 40 độ của mùa hè Hà Nội, những bà cụ già ấy vẫn thay nhau đóng hộp cơm và múc cháo cho người bệnh. 

Nhưng cũng có những thời điểm, nhóm có hơn chục người nên mọi việc cũng trở nên dễ dàng. Nhất là đã có những người bạn trẻ, là con, là cháu của các bà khi biết đến công việc ý nghĩa này nên đã xin tham gia. Riêng với gia đình bà Khánh, mỗi khi các cháu nội, cháu ngoại của bà được nghỉ học lại xin bà cho đi cùng để phát cơm, cháo từ thiện cho người bệnh gặp khó khăn.

Chọn Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương làm điểm đỗ cho hành trình từ thiện của nhóm mình, bà Khánh nói: "Trước đây, tôi thường xuyên đến Bệnh viện Hà Đông nhưng rồi một thời gian sau, chứng kiến những cháu bé tại hai bệnh viện này mang bệnh hiểm nghèo, gia đình lại toàn những người có hoàn cảnh khó khăn quá nên tôi mới chuyển sang đây làm. Có những gia đình, họ ăn một bữa chỉ vài nghìn đồng hoặc một ngày chỉ ăn một bữa, tôi thấy thương, thấy họ khổ lắm. Mình cũng không phải có nhiều nên giúp được đến đâu thì giúp".

Cháu gái bà Khánh cũng theo bà đi phát cơm thiện nguyện.

Mỗi ngày chỉ ăn 10 ngàn

Nói về cách tích cóp tiền để làm từ thiện của mình, bà Khánh cho biết, bà từng làm ở Phòng tài vụ của Tổng cục địa chất, sau gần 20 năm công tác, bà về hưu với mức lương chỉ khoảng 2 triệu đồng. 

Ngoài ra, bà còn được hưởng một số ít tiền do chồng từng tham gia cách mạng, có nhiều công lao đóng góp. Với mức lương ít ỏi, số tiền chính sách và thêm tiền các con các cháu biếu, bà Khánh có thể tự trang trải cho cuộc sống hàng ngày của mình một cách đầy đủ. Thế nhưng, để có thể làm từ thiện, bà cụ đã ngoài 80 này phải ăn uống chi tiêu một cách dè xẻn.

"Tôi ăn chay nên có những ngày tôi chỉ mua 10 ngàn đồng đồ ăn, về nấu thêm một ít cơm là có thể ăn cả ngày. Như vậy mỗi tháng, cộng thêm tiền điện, nước phải chi trả thì tôi cũng để ra được một khoản kha khá. Cùng với số tiền các con cho, tôi cất đi để đưa vào quỹ đi làm từ thiện, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn hơn mình", bà Khánh cười nói.

Cũng nhờ tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp ấy mà nhiều người hàng xóm láng giềng khi biết chuyện, biết mỗi ngày bà chỉ tiêu 10 ngàn đồng cho việc ăn uống, còn lại dành làm tự thiện nên đã chung tay góp sức mỗi người một chút vào quỹ từ thiện của bà Khánh. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại nghĩ rằng, bà Khánh đang tự làm khổ mình, nhịn ăn nhịn mặc để mua cho người khác suất cơm 20 ngàn, bằng 2 ngày tiền ăn của chính bà.

Nhóm bà Khánh phát cháo cho các bệnh nhân.

Còn các con của bà, họ đều là những người thành đạt nên khi biết chuyện, đều tỏ ra thương cảm và ủng hộ hành động của mẹ. Các con bà Khánh cũng chung tay nhau, mỗi tháng góp tiền gửi cho bà Khánh, để mẹ mình không cần phải ăn uống quá tiết kiệm và vẫn có tiền làm từ thiện, giúp đỡ người khác. 

Nói về việc này, bà Khánh cười: "Các con tôi ủng hộ việc này lắm nhưng lại lo cho mẹ ăn uống không đầy đủ. Tôi cũng nói, tôi già rồi, ăn uống cũng chỉ được như vậy thôi. Với tôi, việc đi trao cơm từ thiện đã trở thành thói quen, nếu tháng nào không đi được là chúng tôi thấy không yên lòng, áy náy vô cùng. Người ta thường nói thiện nguyện đem lại niềm vui cho người khác, nhưng thật ra là còn mang lại niềm vui cho chính mình. Mỗi lần đi về, tôi thấy vui và khỏe hơn hẳn".

Và có lẽ niềm vui, sự thanh thản khi được giúp đỡ những người khác đã khiến những bà cụ có thêm sức khỏe. Dù ngày nắng hay ngày mưa, nhóm từ thiện của bà Khánh lại bắt xe bus từ khắp mọi nơi, tập trung tại bệnh viện vào lúc sáng sớm để làm việc với Phòng Công tác xã hội, kí sổ bàn giao số tiền mua cơm cho người bệnh gặp khó khăn. 

Sau đó, Phòng dinh dưỡng của bệnh viện sẽ giúp nhóm chuẩn bị những suất cơm từ thiện này và nhờ các bà đi trao cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, được phát thẻ cơm trước đó.

Còn với bà Khánh, để đến được bệnh viện, thông thường bà phải bắt 2 chuyến xe bus, sau đó đi bộ vài trăm mét từ bến xe bus vào viện. Sau một buổi trưa phát cơm mướt mải mồ hôi, mọi người lại chia tay nhau ai về nhà nấy và chuẩn bị tích cóp tiền cho buổi phát cơm kế tiếp. 

Khi về thì bà Khánh lại nhờ một người nào đó chở ra bến xe bus để lên xe về nhà. Cũng nhiều lần, các nhân viên y tế thấy bà Khánh đợi xe bus trong những ngày nắng nóng vất vả, ngỏ ý muốn gọi taxi cho bà về. Đáp lại đề nghị đó, bà Khánh nói rằng hãy để tiền taxi đó để làm từ thiện vì bà vẫn còn sức khỏe, vẫn có thể đi lại bằng đôi chân của mình.

"Tiền đi taxi ấy cũng mua được mấy suất cơm, giúp cho mấy người có thêm sức khỏe để trông nom người nhà, các cháu cũng có thêm cháo để ăn nên nhiều lần có người ngỏ ý giúp tôi lại khuyên ngược lại họ để tiền làm từ thiện. Mình có sức khỏe là mình vẫn may mắn hơn rất nhiều cháu nhỏ đang phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo đang nằm điều trị tại bệnh viện rồi. Cũng hy vọng rằng, sức khỏe của tôi sẽ mãi ổn định để có thể đi quyên góp tiền làm từ thiện cho các cháu", bà Khánh nói. 

Và cứ mỗi tháng, tại hai bệnh viện nói trên, người ta lại thấy một bà cụ tóc bạc phơ, cùng một nhóm người hầu hết là các cụ bà đến để phát hàng trăm suất cơm cho người nghèo tại bệnh viện. Ngoài phát cơm, cháo, nhóm của bà Khánh còn thường xuyên tập hợp quần áo, đồ dùng cá nhân để trao tặng cho những người bệnh ở xa, thiếu thốn. 

Cũng đã nhiều lần, nhờ những bộ quần áo, chăn gối cũ của nhóm bà Khánh trao tặng mà nhiều bệnh nhân ở xa đưa người nhà đi cấp cứu có thể ngủ ngon trước cái lạnh của mùa đông khi phải nằm bên ngoài ban công trong những ngày bệnh viện quá tải.

Theo các cán bộ Phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho biết bà Khánh là một trong những người cao tuổi nhất thường xuyên đến phát cơm cho người nghèo ở viện. Đó cũng là một hình ảnh đẹp về việc chia sẻ lòng thương yêu đối với những bệnh nhân nghèo khó và tạo cảm hứng cho nhiều người trong việc làm thiện nguyện.

Phòng Công tác xã hội cho biết, tính đến tháng 5/2018, Ngân hàng suất ăn dinh dưỡng từ thiện của Viện Huyết học truyền máu Trung ương đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của trên 100 đơn vị, cá nhân hảo tâm với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, tương đương 48.470 suất ăn, đã hỗ trợ được cho 16.838 lượt người bệnh. 

Tuy nhiên, nhu cầu cần hỗ trợ suất ăn từ thiện dinh dưỡng của người bệnh điều trị tại viện ngày càng lớn, chính vì vậy Viện luôn hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân hơn nữa. 

Phong Hiền
.
.
.