Những cục đá đông

Thứ Hai, 07/03/2016, 15:50
Các bạn tham gia giao thông thân mến! Chắc hẳn các bạn đã biết về vụ tai nạn giao thông lúc 7h30 sáng 29/2/2016 tại Ái Mộ, Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội. Một chiếc xe Camry vượt một chiếc xe khác ở một khúc đường hẹp có chướng ngại vật đã lấn làn bằng một tốc độ kinh hoàng và không hề có phản ứng phanh đã gây ra tai nạn. Vụ tai nạn cướp đi 3 sinh mạng nhưng nó để lại một dư âm lớn với độ sốc chưa từng. Cả xã hội bàng hoàng, đau đớn và tức tưởi.


Với riêng tôi, từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc chết nhiều người nhưng chưa có lần nào lại day dứt và đau xót như lần này. Hình ảnh camera quay lại thời khắc chiếc xe hất tung các nạn nhân lên trước khi đâm vào vỉa hè là một hình ảnh nếu ai đã xem hẳn sẽ phải mang theo sự ám ảnh suốt cuộc đời. Cũng như nhiều người khác, tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến chiếc mũ len của cháu bé 6 tuổi nạn nhân rớt xuống chỗ xe đâm. Bé Gia Hân đang trên đường đến trường cùng ông nội đã không kịp hiểu vì sao cuộc đời của cháu phải dừng lại ở thời khắc đó. 

Vụ tai nạn đang được điều tra. Ai là lái xe gây tai nạn sẽ phải trả giá vì những vi phạm đã gây ra nhưng nỗi đau tử biệt sinh ly của gia đình nạn nhân thì biết đến bao năm mới có thể nguôi ngoai. Không, nỗi đau ấy khó mà khỏa lấp. Dư luận dậy sóng sau vụ tai nạn. Ngoài sự thương xót những nạn nhân xấu số, mọi người còn căm phẫn kẻ gây ra những cái chết thương tâm kia với một cách thức xuẩn ngốc khó thể tưởng tượng. Chưa phải là kết luận điều tra cuối cùng nhưng kẻ nhận mình cầm lái là một gã rửa xe không hề có bằng lái và đã uống rượu. 

Và nữa, điều mà dư luận quan tâm là sự vô cảm của một số người khi đã từ chối không chở bé Gia Hân đi cấp cứu. Sự chậm trễ có thể là nguyên nhân để cháu không còn cơ hội nhỏ nhoi ở lại với cuộc sống này. Nhà báo Đào Tuấn trong một bản tin của Báo Lao Động đã cảm thán cho rằng những con người đó là những cục đá đông.

Nỗi đau tột cùng của người phụ nữ trong chốc lát mất cả gia đình trong vụ tai nạn tại phố Ái Mộ - Long Biên - Hà Nội ngày 29-2.

Những cục đá đông. Đó là sự vô cảm. Trong bức thư này, nhân vụ tai nạn trên tôi muốn gửi đến các bạn đôi chút tâm tình để chúng ta, những người tham gia giao thông cùng trao đổi về nó. Vô cảm không chỉ bó hẹp trong việc cứu giúp người bị nạn mà rộng hơn là sự không tuân thủ pháp luật, không chấp hành các quy định giao thông, là sự vô trách nhiệm… nhiều lắm. Bởi chính sự vô cảm ấy đã dẫn đến những con số kinh khủng là hàng vạn con người ra đi vĩnh viễn mỗi năm, là lớn hơn con số ấy những người bị thương tật, bị tàn phế là gánh nặng cho gia đình và xã hội và khủng khiếp hơn cả là một thực trạng giao thông tắc nghẽn, hỗn loạn nơi thành phố.

Hà Nội thân yêu của tôi dạo nào nhỏ bé, cổ kính giờ là một thành phố mở rộng, hiện đại. Những đại lộ dọc ngang như những cánh tay chi chít vươn ra tứ phía cùng những cao ốc, chung cư bề thế khiến Hà Nội già cỗi như được hồi sinh trẻ lại. Cuộc sống đi lên, chiếc xe đạp thứ tài sản quý giá dạo nào giờ thành cổ tích với những tiện nghi thời thượng xe máy, ôtô. Ôtô cũng không còn là thứ phương tiện xa xỉ, có rất nhiều người, nhiều gia đình đang sở hữu cùng lúc mấy loại phương tiện. 

Hãy hình dung ở mỗi ngày làm việc cả biển người như nước loang tràn chảy lấp kín mọi chỗ. Một ngã tư, một đại lộ, một hẻm ngõ, ở đâu, lúc nào chỉ cần một chướng ngại bất kỳ là đoàn người (tất nhiên phương tiện) lập tức khững lại, rồi cứ thế rùng rùng di chuyển tiến về phía trước bất chấp phải trái, bất chấp luật lệ. Họ dồn cục, đối đầu trong cái thế của dê đen, dê trắng húc nhau qua cầu trong câu chuyện ngụ ngôn, chẳng ai chịu ai. Và thế là tắc, là ùn là cãi vã, là vô thiên lủng những chuyện rắc rối xảy ra. 

Điều dễ nhận biết là dân ta không sợ luật mà chỉ sợ cảnh sát, sợ phạt. Chỗ nào không có cảnh sát duy trì trật tự giao thông là chỗ đó kể cả có hệ thống đèn tín hiệu vẫn không được chấp hành. Vượt đèn đỏ, lấn làn, tranh cướp nhau từng giây đồng hồ. Không quá chủ quan khi khẳng định có đến tám, chín chục phần trăm tắc đường và tất tật các vấn nạn giao thông trong đó đứng đầu là tai nạn đều do đám đông thiếu ý thức. 

Không còn sự nhường nhịn, bất chấp luật lệ, buồn thay đó là thực trạng đã thành báo động đỏ. Đấy chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn giao thông hiện nay. Tất nhiên còn nhiều thứ khác. Nhỏ là vài ba cái biển báo đặt bất hợp lý, dăm bẩy cái ngã tư đèn tín hiệu vô tác dụng, lớn là chế tài xử phạt lỗi thời, cứng nhắc, là quỹ đường ít ỏi so với số lượng khổng lồ của phương tiện. Ti tỉ thứ khác nữa nhưng tất cả chẳng là gì so với ý thức của mọi người. Sự vô ý thức này chính là cái vô cảm lớn nhất, cục đá đông đóng tảng. Và tai nạn là điều không thể tránh.

Ý thức không chỉ ở người tham gia giao thông mà còn ở những người có trách nhiệm điều phối. Không khó khăn gì để nhìn thấy những vô lý trong phát triển giao thông. Những nút thắt cổ chai điểm đen báo chí từng chỉ tên vạch mặt vẫn mặc nhiên tồn tại. Các khu chung cư cao tầng làm lấy được theo lợi ích nhóm bất chấp hạ tầng cơ sở quá tải, bất chấp quy hoạch thành phố. Không ít công trình cầu đường chậm trễ tiến độ cản trở giao thông… Và nữa, chế tài xử phạt. 

Phạt, tất nhiên có lỗi vi phạm là phải phạt. Giấy tờ bị giữ. Phương tiện được dùng để đi đến kho bạc nộp tiền phạt sau đó quay lại nộp biên lai nhận lại giấy tờ. Vô lý! Nhanh cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ. Tại sao lại không phải là những tờ biên lai trực tiếp do cảnh sát giao thông xử lý ngay tại hiện trường (vẫn có nhưng chỉ áp dụng cho lỗi nhỏ, ít tiền). Một sự lãng phí thời gian quá lớn. Cả phiền phức nữa cho người đại diện pháp luật xử phạt và người bị phạt. Chính sự phiền phức này đã tạo ra những kẽ hở để pháp luật bị mất đi tính công minh. 

Một cú điện thoại, một tấm thẻ ngành, một nhà báo, một nghệ sĩ quen mặt, một quan hệ quen biết và ai dám đảm bảo không có sự dích dắc về tiền bạc chỗ này. Nói thẳng ra là tiêu cực là tiền không vào ngân quỹ mà vào túi người xử lý. Người vi phạm muốn tiện và lợi cho mình nên đưa tiền trực tiếp với mức nhỏ hơn lỗi vi phạm. Việc giữ phương tiện, theo tôi cũng cách rách không cần thiết. Với lỗi nặng có thể tịch thu phương tiện vĩnh viễn còn với những lỗi khác hãy tính toán sao đó quy ra tiền đánh vào vi phạm. Và như thế cần một mức xử phạt hợp lý. 

Tôi nghĩ nếu có một mức phạt đủ răn đe, hình thức phạt tiện lợi thì những hành vi nhờn luật, vi phạm luật sẽ giảm. Tất nhiên đi kèm với đó là sự công tâm của người thực thi pháp luật. Hàng trăm Cảnh sát giao thông ngày đêm bám đường bất chấp thời tiết. Sẽ chẳng có ai tiêu cực nếu họ có mức thu nhập hợp lý. Tại sao không là phần trăm cao từ những tờ biên lai phạt kia. Tiện lợi với biên lai xử phạt và người thực thi có tiền từ sự phạt ấy cộng thêm giảm phiền hà cho người bị phạt, tôi nghĩ mọi thứ sẽ sáng sủa hơn. Những quy định kịp thời bám sát diễn biến đời sống là điều nên làm.  

Trở lại với cách ví von cục đá đông của nhà báo Đào Tuấn. Sự vô cảm là có nhưng tại sao những người dân lại vô cảm với đồng loại trong khi tình yêu thương chắc chắn vẫn có? Nhiều lý do lắm. Sợ phiền phức, sợ mang họa vì vạ lây, lấy oán trả ân, sợ mất thời gian với cách thức tiếp cận của Cảnh sát điều tra tai nạn, sợ máu, sợ phương tiện bị dớp, bị dây và thêm nhiều thứ lý do khác nữa. Bản thân tôi đã ngấm với sự sợ hãi này. 

Lần đó tôi đưa một người bị tai nạn trên đường vào viện cấp cứu. Gia đình mà trực tiếp là mẹ nạn nhân cảm ơn nhưng nói thẳng vào mặt tôi là con bà mất chiếc nhẫn hai chỉ. Cách diễn đạt không khác gì nói đích danh tôi là thằng ăn cắp. Tôi thực sự bị sốc vì lần đó. Đến mức tôi viết hẳn 2 truyện ngắn về cùng sự cố ấy. Thế nên việc người dân ngần ngại không đưa những người bị nạn đi cấp cứu là tâm lý có thật. Tất nhiên cho dù là lý do gì thì đấy là điều đáng buồn và thật thương tâm.

Làm sao để không còn những cục đá đông nữa. Chỉ còn cách rã đông cho nó. Rã thế nào, tôi mới chỉ nêu ra ít điểm ở góc độ cảm xúc cá nhân còn thì phải trông đợi vào các bạn, những người tham gia giao thông trong đó có những nhà làm luật. Hy vọng vào một sự rã đông tích cực để không còn chứng bệnh vô cảm ở lĩnh vực giao thông của không chỉ Hà Nội.

Hà Nội ngày 2/3/2016

Phạm Ngọc Tiến
.
.
.