Những điều chưa biết về đội vệ sĩ chạy bộ của Chủ tịch Triều Tiên

Thứ Tư, 06/03/2019, 07:47
Ở Triều Tiên, đội vệ sĩ chạy bộ không đơn thuần chỉ là một lực lượng bảo vệ, mà đây còn là nguồn "sức mạnh" của Chủ tịch Kim Jong -un. Dàn vệ sĩ này thuộc biên chế của hai đơn vị quân đội và là lớp bảo vệ thứ nhất trong đội bảo vệ ông Kim Jong-un, được gọi tên là "vệ sĩ thân cận".

Trong khoảng thời gian từ 26-2 đến 2-3, khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 và thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, người dân Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế một lần nữa lại được chứng kiến màn chạy bộ theo xe ôtô đầy ấn tượng của đội vệ sĩ thân cận bảo vệ Chủ tịch Kim Jong-un. 

Theo ghi nhận của phóng viên, có tới 4 vòng bảo vệ cho Chủ tịch Kim Jong-un, trong đó có đội vệ sĩ chạy bộ là lớp bảo vệ thứ nhất. Thông thường, họ đi theo dàn gồm 12 thành viên, mỗi người đều được phân công cụ thể các vị trí đảm bảo an ninh cho Chủ tịch Triều Tiên. 

Chẳng hạn như tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4-2018 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần thứ nhất ở Singapore vào tháng 6 cùng năm, trong quá trình hộ tống Chủ tịch Triều Tiên, các vệ sĩ này đã tạo thành một vòng bao quanh nhà lãnh đạo với chu vi bảo vệ có tầm nhìn 360 độ để đảm bảo bao trùm hết vị trí và những người gần nhất. 

Khoảng 3 đến 5 vệ sĩ di chuyển phía trước đoàn hộ tống. 4 đến 6 vệ sĩ khác di chuyển hai bên gần ông Kim Jong-un, cùng khoảng 4 đến 5 vệ sĩ đi phía sau. Sau khi chạy bộ một quãng dài, họ mới lên xe riêng của mình để đi theo bảo vệ Chủ tịch Kim Jong-un.

Đội vệ sĩ gồm 12 thành viên luôn theo sát bảo vệ an ninh cho Chủ tịch Kim Jong-un.

Đến nay, thân thế của dàn vệ sĩ chạy bộ này vẫn là một ẩn số với thế giới. Theo tờ DongA Ilbo, dàn vệ sĩ của nhà lãnh đạo Triều Tiên thuộc biên chế của một đơn vị quân đội thuộc Sư đoàn 963. Sư đoàn này được thành lập năm 1963 và thuộc quân đội nhân dân Triều Tiên dưới thời kỳ lãnh đạo của ông Kim Nhật Thành. 

Những năm đầu khi được thành lập, đơn vị này có khoảng 10.000 người (với tên gọi Cục Bảo vệ) và đến năm 1974, nó có quy mô lên tới 30.000-40.000 người và được đổi tên thành Tổng cục Bảo vệ. Sau khi ông Kim Jong Il lên nắm quyền, có giai đoạn, số lượng thành viên trong tổng cục này lên tới 70.000-80.000 người. 

Năm 2012, sau khi ông Kim Jong Il qua đời, đơn vị này quay trở lại tên gọi cũ Cục Bảo vệ nhưng sức mạnh đã tăng lên với số thành viên lên tới 120.000 người. Cũng theo tờ DongA Ilbo thì đội vệ sĩ này đã tham gia bảo vệ an ninh cho gia đình Chủ tịch các đời ở Triều Tiên và những quan chức cấp cao khác trong chính phủ. "Ở Triều Tiên, lực lượng vệ sĩ này không đơn thuần chỉ là một lực lượng bảo vệ mà đây còn là nguồn sức mạnh của Chủ tịch Kim Jong-un", tờ báo viết.

Trong khi đó, nhà phân tích Michael Madden đã hé lộ câu chuyện phía sau những vệ sĩ này trên một bài báo được hãng BBC đăng tải như sau: "Tiêu chí lựa chọn đội "vệ sĩ cận vệ" bao gồm chiều cao tương đương với nhà lãnh đạo và không có khiếm khuyết về thị giác. Họ cũng phải đạt được những thành tích nhất định hoặc có năng khiếu, trình độ cao trong các kỹ năng, bắn súng và võ thuật. 

Vấn đề lý lịch cũng rất quan trọng, các thành viên được lựa chọn phải qua vòng kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt. Thậm chí để đảm bảo an ninh, Triều Tiên tuyển chọn nhiều nhân sự có liên hệ với gia đình ông Kim Jong-un hoặc thuộc tầng lớp ưu tú ở nước này. 

Khi được tuyển dụng trở thành vệ sĩ, họ phải tuân thủ một chương trình đào tạo và huấn luyện chuyên sâu, riêng biệt. Bên cạnh các khóa đào tạo về súng ngắn, phòng vệ và võ thuật, họ còn phải trải qua những thử thách về sức bền, khả năng phản xạ và bài tập thể lực nghiêm ngặt…".

Nhà phân tích Michael Madden khẳng định, những vệ sĩ này là những công dân Triều Tiên duy nhất được mang súng đã lên đạn khi đi bên cạnh ông Kim Jong-un. Cách phòng thủ chính của đội vệ sĩ dựa vào kỹ năng quan sát và vô hiệu hóa mọi mối đe dọa bằng tay và cơ thể. 

Các vệ sĩ thường mặc những bộ vest tối màu và cà vạt kiểu phương Tây, như từng thấy ở Singapore, hay bộ đồ Tôn Trung Sơn như các quan chức trong đảng. Lái xe của ông Kim Jong-un luôn đeo găng tay bằng vải lanh hoặc da để cầm vô lăng. Họ cũng sử dụng tai nghe và bộ đàm để liên lạc nội bộ. 

Hãng Channel A thì bổ sung, ngoài các thành viên của Sư đoàn 963, một số cận vệ của Chủ tịch Triều Tiên còn là thành viên của Sư đoàn 974 (đươc thành lập từ năm 1974). Những người này được gọi "lá chắn sống" cho Chủ tịch Kim Jong-un và họ thường phải có thân hình to lớn, cao khoảng 1,9m.

Phương Linh
.
.
.