Những điều chưa biết về robot đầu tiên được công nhận là công dân

Thứ Năm, 19/07/2018, 17:44
Mới đây, Sofia - quán quân sáng tạo của UNDP, robot công dân đầu tiên trên thế giới đã tới Việt Nam để tham dự một triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì.

Sự có mặt của Sophia được xem là một sự kiện đặc biệt với làng công nghệ Việt Nam khi mà cách mạng công nghiệp 4.0 là chủ đề được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua. 

Trong cuộc gặp gỡ báo chí hôm 13-7, Sofia đã trả lời một số câu hỏi trong đó nhấn mạnh: "Việt Nam cần những sáng tạo về công nghệ qua đó tận dụng những cơ hội mang lại từ Bigdata, IoT ... sẽ tạo ra những bước nhảy vọt về kinh tế và năng suất lao động. 

Chính phủ cần phải làm việc với các khu vực để có những cơ chế nhằm đảm bảo công nghệ như thế này có thể mang lại lợi ích cho tất cả người Việt Nam. Trí tuệ nhận tạo phát triển là giải pháp để đạt được những mục tiêu trên". 

Sofia đã tham dự rất nhiều sự kiện lớn trên thế giới.

Thậm chí, khi được hỏi về những tác động tiêu cực, cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các quốc gia như Việt Nam, Sofia đã nói: "Cách mạng công nghiệp 4.0 luôn luôn là thách thức với vấn đề việc làm trong xã hội. Việt Nam cần khuôn khổ chính sách cho sự phát triển của công nghệ. 

Chính phủ cần làm việc với tư nhân, cộng đồng để đảm bảo lợi ích của công nghệ tới được với tất cả xã hội. Những chính sách cũng cần phải có sự hỗ trợ toàn diện để công nghệ có thể mang lại được lợi ích cho cả những thành phần "dễ bị tổn thương" như những người dân ở vùng sâu, vùng xa và những người nghèo trong xã hội. 

Vì vậy, để tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, con người cần phải trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa nhập. Công nghệ giúp chúng ta có những lợi ích, mang lại sự phồn vinh và cũng là cơ hội cho người nghèo trong xã hội. Công nghệ không cướp đi việc làm mà tạo ra việc làm. Việt Nam sẽ là mô hình đi đầu về công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ sẽ mang đến nhiều việc làm hơn. 

Chẳng hạn smartphone đang tạo ra thêm việc làm cho những lái xe truyền thống, có thể làm các công việc như lái Uber, Grab, hay công nghệ cũng giúp con người thực hiện những công việc phức tạp như thực hiện phẫu thuật trình độ cao, hỗ trợ và giúp đỡ cho trẻ em...".

Vậy Sofia là robot như thế nào và có vai trò gì tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0? Theo hãng tin AP, ngày 25-10-2017, tại Hội nghị thượng đỉnh công nghệ Future Investmnet Initiative (FII), Sophia được công nhận là robot đầu tiên trong lịch sử có đầy đủ quyền công dân của Arab Saudi. 

Mọi người khó có thể nhầm Sophia là người thật, vẻ mặt và cách nói chuyện của cô đặc biệt giống người. Thậm chí, cô nàng robot này còn có thể mỉm cười hoặc cười phá lên hay nói đùa. 

Hãng tin Reuters đưa tin, Robot Sofia được kích hoạt vào tháng 4 năm 2015. Cha đẻ của cô là David Hanson, một chuyên gia nghiên cứu về robot của Mỹ, đồng thời là CEO của công ty Hanson Robotics do chính ông thành lập  có trụ sở đặt tại Hong Kong. 

David Hanson tâm sự là từ lâu ông đã muốn chế tạo một robot hình dáng giống người, cử động như con người và có trí thông minh nhân tạo có ý thức và sự sáng tạo xuất chúng. Vì thế, khi cho ra đời Sofia, ông đã lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của nữ minh tinh người Anh Audrey Hepburn (1929 - 1993) để tạo nên gương mặt cô. 

Sophia xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong sự kiện thường niên SXSW về tương tác truyền thông, âm nhạc, lễ hội... tại Austin, bang Texas, Mỹ. Sau đó, cô nàng càng trở nên nổi tiếng và xuất hiện tại nhiều hội nghị lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới. 

Cô sở hữu một hộp sọ bằng nhựa, trông không bắt mắt nhưng thực sự thông minh. Cơ chế máy học có thể lưu trữ rất nhiều đoạn hội thoại, cố gắng phân tích chúng để đưa ra câu trả lời sống động theo thời gian thực. 

Sophia cũng có camera và AI để "tương tác bằng mắt" và nhận ra con người. Robot này còn có tính năng nhận diện giọng nói và ngày càng thông minh khi trò chuyện với con người.

Linh Oanh
.
.
.