Những đứa trẻ không có mùa hè

Thứ Hai, 18/07/2016, 16:20
Cô ơi mua giùm con tờ vé số, chị ơi mua cho em cái bánh cam… Giọng mời gọi trong veo của các em xen giữa âm thanh xô bồ, náo nhiệt của phố thị. Vào những ngày hè này, người ta dễ dàng bắt gặp những đôi chân gầy guộc lê bước khắp hang cùng ngõ hẻm mưu sinh. Và phía sau đó là mơ ước cháy bỏng về một điều… thật giản dị!


Khi trẻ thơ đi "bán" mùa hè

Chiều mưa như trút nước, tôi tấp xe vào mái hiên một ngôi nhà cao tầng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Vừa lúc ấy hai đứa trẻ mặt mày lấm lem đội mưa chạy ào vào mời vé số, bánh cam. Tấm thân mỏng manh của hai đứa trẻ lộ rõ từng nhánh xương sườn, môi chúng nhợt nhạt vì mưa.

Cơn mưa ngày một nặng hạt khiến mọi người túm tụm vào nhau, hai đứa trẻ đứng thu mình trong một góc tường, giữ khoảng cách thật xa với con người ở giai tầng khác. Đứa con gái thắt chiếc nơ màu hồng nhạt, tóc rối tung như rơm rụt rè mãi mới trả lời câu hỏi của người lớn. Em tên Trần Thị Bình Minh, 12 tuổi, quê Quảng Bình.

Những đứa trẻ lem luốc ngày hè.

Vừa học xong lớp 6, Minh theo mẹ vào Nam bán vé số. Minh thủ thỉ: "Ba em mất cách đây 5 năm. Ngày đó ba theo tàu ra biển đánh cá rồi không quay trở về nữa. Người ta bảo thuyền của ba gặp bão bị chìm rồi mất tích không tìm thấy người. Từ ngày đó mẹ gửi hai chị em ở nhà với ngoại để vào TP Hồ Chí Minh bán vé số dạo. Mỗi năm mẹ mới về thăm chúng em một lần".

Nhìn sang bên cạnh, em trai đen nhẻm, chân run, môi tím vì mưa táp vào mặt. Em có cái tên cũng thật mĩ miều, Lê Quang Sáng (10 tuổi), nhưng trông Sáng già hơn tuổi trăng non rất nhiều. Cũng như Minh, vừa được nghỉ hè là Sáng tức tốc khăn gói từ quê hương Quảng Nam vào Nam bán dạo cùng mẹ.

Em kể: "Em tự mình bắt xe vào đây, vì mẹ em bận đi bán suốt ngày nên không có thời gian về đón em được. Chúng em ở xóm trọ toàn là dân đi bán hàng dạo. Những ngày hè này không riêng gì em mà nhiều bạn cũng tranh thủ đi làm thêm nên rất đông vui".

Sáng dậy từ lúc 5 giờ theo mẹ đi lấy hàng về bán cho tới khi nào mỏi gối, chùn chân, thấy đôi mắt nặng trĩu mới chịu về phòng trọ. Do chưa thông thạo đường đi lối lại nên người lớn để cho các em bán quanh quẩn ở những con hẻm, quán cà phê gần chỗ ở.

Đói thì nhai vội ổ bánh mì hoặc ăn nhanh cái bánh rán cho lưng bụng rồi đi tiếp. Minh tâm sự: "Lúc mới vào đây em sợ lắm, phố xá cứ đan xen nhau không biết đâu mà tìm về nhà. Có lần em bị lạc đến tận gần đêm may mà có bác xe ôm tốt bụng đưa về tận ngõ".

Công trường ngổn ngang kính vỡ, người phụ nữ lăn xả lao động.

Còn Sáng kể: "Hôm nọ đi bán mệt quá, em nằm ở vỉa hè ngủ lả đi lúc nào không biết, mấy tiếng sau tỉnh dậy hoảng hồn sờ khắp người xem có mất gì không. May quá bánh mì vẫn còn, tiền gói bọc ni lông trong giỏ bánh chưa mất. Em mừng mà ứa nước mắt".

Trời vẫn còn mưa. Hai đứa trẻ co ro, cúm rúm mặc cho mưa táp vào mặt, áo quần ướt sũng nhưng vé số vẫn khô, bánh cam vẫn nóng. Minh cho biết, tiền em kiếm được trong dịp hè này sẽ để dành để em mua sách vở, nếu có dư giả nữa em sẽ mua một chiếc xe đạp để đi học.

Đây là mùa hè thứ hai, Minh rời quê đi bán vé số, chẳng thế mà trông em cứng cỏi, nhanh nhẹn mời chào, cảm ơn rồi rít mỗi khi khách mua vé số ủng hộ. Minh kể: "Năm ngoái mới đi bán còn bỡ ngỡ, bán cả ngày được có hơn chục tờ, vừa buồn vừa nhớ nhà, em khóc suốt.

May mà có mẹ ở bên cạnh động viên chứ không em bỏ về quê rồi". Ở quê đất đai không có, ông bà nội của Minh phải vất vả lắm mới nuôi nổi hai chị em có cơm ăn no. Không riêng gì Minh, trong xóm nhiều bạn còn nhỏ hơn cũng đi "bán" mùa hè. Nếu không đi làm thì vào năm học mới sẽ không có sách vở, quần áo để đến trường. Hoàn cảnh của Sáng lại càng khó khăn hơn.

Mồ côi cha từ nhỏ, trận lụt năm ngoái đã cuốn sạch nhà cửa, hoa màu của gia đình ra biển. Mẹ Sáng khóc mấy ngày liền, sau đó đành gửi con cho người em gái. Sáng học giỏi, năm nào cũng được phần thưởng.

Minh, Sáng và bao đứa trẻ khác đang mưu sinh trong những ngày hè luôn mong ước sẽ kiếm được chút ít tiền để con đường đến trường của mình đỡ nhọc nhằn hơn. Ở những đứa trẻ khác ngày hè là cơ hội nghỉ ngơi, du lịch bên gia đình, người thân, là khoảng thời gian lý thú nhất của tuổi thơ.

Nhưng ở thành phố này, có trăm ngàn những số phận, những hoàn cảnh đáng thương vẫn đang vùi chôn ngày hè bên vỉa hè, lề đường để kiếm tiền bằng chính sức lực và đôi vai nhỏ yếu của mình. Chạnh lòng vì nghĩ tới ngày mai, mùa hè kế tiếp của các em sẽ vẫn là chuỗi ngày tháng rong ruổi nơi xứ người.

Và mẹ đi "bán" mồ hôi

Một ngày làm việc trên công trường của chị Lê Thị Thành Nhàn (Quảng Trị) là nhặt nhạnh, thu gom những viên gạch vỡ, những mẩu sắt thép vụn cho vào bao đem đi đổ. Đôi tay chị thoăn thoắt, cào bới một cách dẻo dai, thuần thục. Tiếng gọi nhau của các chị bị át bởi tiếng ầm ầm của thang máy, tiếng khoan cắt, đục, khoét đinh tai nhức óc.

Một lớp học tình thương dành cho những đứa trẻ đi bán vé số.

Chị Nhàn nói trong hơi thở gấp gáp: "Làm nghề này khổ lắm, mồ hôi, sức lực phải bỏ ra nhiều. Ngày trước chị từng đi làm bảo mẫu nhưng gặp ông chủ "dê xồm" nên chị xin nghỉ. Có đứa em họ làm thợ xây ở công trường bảo có vài phụ nữ ở đây làm được, nếu chị muốn thì em xin cho.

Vậy là chị vào làm. Lúc đầu mệt, không quen bốc vác, mồ hôi đầm đìa, tối về mình mẩy, tay chân đau nhức ê ẩm". Chị Nhàn vén tay áo lên khoe những thớ thịt đỏ tấy, tím bầm sau những lần bưng bê thau hồ, bị mảnh vụn đâm phải.

Chị Nhàn có chồng và một con gái 7 tuổi. Cách đây một năm, chồng chị bỏ theo người đàn bà khác. Chị câm lặng, nén nỗi đau tự mình nuôi con. Một thời gian không có việc làm, chị gửi con ở nhà với ông bà ngoại để "tha hương".

Chạm đến nỗi cay đắng của phận đàn bà, hai hàng nước mắt chị lăn dài trên gò má rám nắng. Chị nhớ con, những ngày hè này chắc con cũng nhớ mẹ lắm, mà không có điều kiện để mẹ con gặp nhau.

Vì nhận khoán nên những "bóng hồng" không có giờ nghỉ trưa, ăn cơm xong họ vội lao vào công trường. Công việc nhẹ nhàng nhất ở công trường mà cánh phụ nữ làm được là phụ hồ, trộn xi măng, khuân gạch.

Nhìn các chị lao động, mới thấu hiểu được sức mạnh của cơm áo gạo tiền nó làm cho con người khoẻ khoắn và dẻo dai một cách đáng khâm phục. Mồ hôi ướt sũng chiếc áo công nhân bạc phếch của các chị, những giọt mưa rào bất chợt không làm dịu đi cái bỏng rát của ngày hè giữa đại công trường.

Vì sự học của con ở quê nhà, những người mẹ đã không tiếc mồ hôi nước mắt của mình để đánh đổi con chữ. Họ phải đứng trước hai sự chọn lựa, hoặc được ở gần con nhưng nghèo đói triền miên hoặc phải chia li để có chén cơm đầy.

Không có con cái để mong ngóng, chờ đợi như những người mẹ khác, Nguyễn Thị Thường (34 tuổi), quê Thanh Hóa lại phải gánh trách nhiệm nuôi hai đứa em đang học tiểu học. Lẽ ra, chị đã có một tổ ấm cho riêng mình, nhưng gánh nặng gia đình đã bào mòn nhu cầu riêng tư ấy của chị.

Có những đứa trẻ theo cha mẹ ra bãi rác mưu sinh.

Mải mê làm việc, mải mê mưu sinh, chị bỏ lỡ những chuyến đò ngang. Đôi mắt chị Thường sâu thẳm, nụ cười rất duyên lộ ra hai chiếc răng khểnh, nhiều người theo đuổi lắm nhưng chị lắc đầu nguầy nguậy vì không thể trút bỏ trách nhiệm với trẻ thơ.

Chị bảo, độc thân lâu ngày nên giờ lười yêu thương. Lo cho hai đứa em ăn học thành người là đã hạnh phúc, đã thấy thanh thản lắm rồi. Xấp nhỏ thương chị, ngày hè biết lên thành phố kiếm tiền. Chúng đã đi "bán" mùa hè từ những năm lên lớp một.

Khi nào thì những đứa trẻ không phải đi "bán" mùa hè? Bao giờ chị Nhàn về quê ở hẳn với con? Chị lặng đi một lúc rồi nói: "Chẳng biết đến bao giờ nữa". Còn chị Thường, tương lai, chồng con tính sao đây, chị chẹp miệng: "Mọi sự tùy duyên".

Ngọc Thiện
.
.
.