Những kiểu đón Giáng sinh kỳ quặc trên thế giới

Chủ Nhật, 24/12/2017, 18:32
Giáng sinh đang đến gần. Những câu chuyện được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được thêm thắt qua nhiều thế kỷ đã cho chúng ta những câu chuyện dân gian kỳ lạ về ngày lễ này.


La Befana

Những vị thần Giáng sinh có vẻ luôn thích vào nhà qua ống khói. La Befana ở nước Ý cũng là một trong những vị thần có lẽ sẽ đánh giá cao nếu bạn quét dọn ống khói sạch sẽ. Vào đêm mùng 5 tháng Giêng, La Befana, một phù thủy già đáng sợ sẽ chui qua ống khói vào nhà và phán xét tất cả những đứa trẻ trong nhà. Đoán trước chuyến thăm của mụ, tất cả trẻ em sẽ treo tất lên lò sưởi.

Nếu La Befana thấy bạn là đứa trẻ ngoan, mụ sẽ cho kẹo vào tất. Còn nếu hư, thì tất cả những gì bạn có thể mong đợi là một cục than. Truyền thuyết này có lẽ liên quan đến việc đốt lửa của phụ nữ dị giáo trong năm mới. Tuy nhiên, tên của phù thủy bắt nguồn từ Epiphany, buổi lễ Thiên Chúa giáo trong đó mụ xuất hiện. Bây giờ mụ dành thời gian của mình để đi tặng quà cho tất cả trẻ em trên thế giới.

Vị thần La Befana trong tưởng tượng.

Dê Yule

Tại Thụy Điển, ông già Noel không phải lúc nào cũng đi xe trượt tuyết do những con tuần lộc kéo. Ông đã từng được cho là cưỡi dê. Chú dê Yule có lẽ là hậu duệ của hai con dê mà thần sấm Thor từng dùng để vẽ nên cỗ xe của mình trên bầu trời.

Thay vì chở sấm sét, chú dê Yule giúp ông già Noel mang quà đến với những đứa trẻ ngoan. Những con dê nhỏ được bện bằng rơm là vật trang trí Giáng sinh rất phổ biến ở bán đảo Scandinavia. Hằng năm ở thị trấn Gavle của Thụy Điển, người dân dựng một con dê Yule rất lớn, sau đó có ai đó đốt nó.

Trong những năm gần đây, các quan chức địa phương đã cố gắng ngăn chặn truyền thống này bằng cách sản xuất loại rơm được sử dụng để bện dê Yule trở nên khó cháy hơn, đặt camera theo dõi và thậm chí cử nhân viên bảo vệ. Bất chấp những nỗ lực này, truyền thống chú dê Yule bốc cháy vẫn tiếp tục.

Gryla và chú mèo Yule

Tại Iceland, có một trong những nhân vật Giáng sinh kinh hoàng nhất thế giới-một mụ phù thủy khổng lồ ăn thịt người gớm ghiếc tên là Gryla. Gryla là một kẻ phá rối đã được nhắc đến trong văn học dân gian Iceland từ ít nhất là thế kỷ XIII.

Vào một thời điểm nào đó, mụ trở nên gắn bó nhiều hơn với lễ Giáng sinh và đã sử dụng những tài năng khó chịu của mình để quấy phá lễ hội. Gryla sẽ lén đi theo trẻ con Iceland trong mùa lễ. Nếu bắt gặp một đứa trẻ hư, mụ sẽ bỏ chúng vào bao và mang đi ăn thịt.

Như thế Gryla còn chưa đủ đáng sợ, mụ còn có một con mèo xấu xa tên là Jolakotturinn, làm việc như một nhà phê bình thời trang vào dịp Giáng sinh. Nó là một con quái vật khổng lồ sẽ đi tìm những đứa trẻ không mặc quần áo mới. Nó sẽ ăn thịt những đứa trẻ đáng thương.

Frau Perchta

Ở nhiều nơi trên nước Đức và Áo thuộc dãy Alps, bạn có thể bắt gặp một nhân vật đáng sợ đi lang thang, một người có thể tốt bụng hoặc hung ác. Nguồn gốc của Frau Perchta có lẽ là từ những người dị giáo đã thống trị khu vực này trước khi đạo Cơ Đốc giáo xuất hiện, nhưng bà ta vẫn đóng một vai trong thế giới hiện đại. Và đó là vai trò đáng sợ. Frau Perchta thường được tạo hình dưới dạng một bà già mặt thú với chiếc áo choàng dài.

Dưới chiếc áo choàng, bà che giấu lưỡi dao sắc nhọn. Frau Perchta sẽ đi từ nhà này sang nhà khác trong 12 ngày của lễ Giáng sinh. Nếu tìm thấy một đứa trẻ ngoan, bà có thể để lại một món quà nhỏ. Còn nếu tìm thấy một đứa trẻ hư, thì bà sẽ lấy dao ra.

Dê Yule.

 Kallikantzaroi

Kallikantzaroi và những linh hồn giống như vậy được tìm thấy trên khắp vùng Đông Nam châu Âu. Tạo hình của chúng là những sinh vật nhỏ, đen, vô cùng tinh ranh và lẩn trốn dưới đất. Bạn chỉ có thể nhìn thấy chúng trong 12 ngày Giáng sinh vì phần lớn thời gian chúng ẩn náu trong tâm trái đất để cố hủy diệt thế giới. Theo truyền thuyết, thế giới chúng ta được neo giữ bởi Cây Thế giới.

Các rễ và cành cây nâng đỡ trái đất và chính tại đây các Kallikantzaroi thực hiện âm mưu ác độc của chúng. Phần lớn thời gian trong năm, chúng cố gắng cưa đổ Cây Thế giới. Tuy nhiên, mỗi năm vào dịp lễ Giáng sinh, chúng sẽ từ bỏ việc cưa đổ Cây Thế giới để tràn lên tàn phá mặt đất. Điều này cho phép Cây Thế giới liền lại để các Kallikantzaroi không bao giờ thực sự phá hủy thế giới.

Nguyễn Lai
.
.
.