Những lời đồn tận thế

Thứ Ba, 08/01/2013, 11:01

Một người đàn ông tại Nha Trang vừa tự tử, để lại một lá thư tuyệt mệnh đẫm nước mắt. Lá thư nói rằng anh không thể sống thiếu vợ con và thêm nữa không chịu nổi những lời đồn ác nghiệt của người đời hướng về mình sau khi vợ và hai con gái mình bị chết cháy mấy tháng trước. Người ta đồn rằng anh là người giàu có, và ham muốn con trai, nên đã cố tình tạo ra vụ hoả hoạn để có cơ hội đi tìm vợ mới.

1. Xót xa - đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi được một người đồng nghiệp thông báo vụ việc này. Nhưng cùng với sự xót xa thì tôi cũng thầm trách chủ nhân của vụ tự tử và lá thư tuyệt mệnh, bởi tại sao lại phải chọn một giải pháp đầy bế tắc và đau đớn như thế? Tại sao phải kết thúc cuộc đời chỉ vì những lời đồn thổi vô luận chứng, vô căn cứ của những người xung quanh?

Những gì đã trải qua, đã trả giá, đã thấm thía… dạy tôi một điều quan trọng rằng: ở đời, trong rất nhiều trường hợp, cần  phải học cách vô cảm với dư luận. Bởi trong rất nhiều trường hợp thì dư luận - cái dư luận hiện hữu ngay trong cơ quan mình, khu phố mình, thậm chí không loại trừ cả họ hàng mình… thường hướng búa rìu về phía mình không hẳn vì mình sai, mà vì mình thuận lợi hơn họ, giàu có hơn họ, tài năng hơn họ, đẹp hơn họ nữa, tóm lại là muốn sở hữu những thứ giá trị mà họ có khao khát cả đời, cả kiếp cũng không sao có được.

Nhưng rồi ngẫm đi ngẫm lại, tôi thấy rằng tất cả cũng chỉ là suy nghĩ và tâm thế của cá nhân tôi. Mà dĩ nhiên không thể so sánh cái tâm thế cá nhân ấy với tâm thế của một anh chàng kia đã phải trải qua nỗi đau mất vợ con, giờ phải tiếp tục trải qua nỗi đau của một người bị dư luận đồn thổi những điều cực kỳ ác nghiệt, cực kỳ phi nhân tính.

2. Thật ra thì vụ tự tử của người đàn ông nói trên chỉ là một trong rất, rất nhiều những vụ tự tử xuất phát từ những lời đồn thổi nghiệt ngã, vô căn cứ của người đời. Vậy thì từ những vụ tự tử đầy xót xa, đau đớn ấy, cần phải đặt ra câu hỏi: Tại sao trong xã hội chúng ta lại tồn tại những lời "đồn thổi giết người" như thế?

Tại vì chúng ta lớn lên từ một nền văn minh lúa nước, và bên cạnh rất nhiều những điểm ưu việt, đáng tự hào của nền văn minh này thì những mặt trái của nó như "con người cảm tính", "con người số đông", "con người suy diễn", "con người tọc mạch"… đã sản sinh ra một thứ văn hoá đồn thổi như thế hay chăng? Và cho đến thế kỷ thứ 21 này rồi - cái thế kỷ mà sự giao thoa văn hoá khiến chúng ta trở nên sòng phẳng, lý tính hơn trong các ứng xử xã hội thì việc triệt tiêu thứ "văn hoá đồn thổi" nguy hiểm ấy vẫn là điều không thể? Tôi không tin là không thể. Bởi chẳng riêng gì nền văn minh lúa nước của chúng ta, nền văn minh, văn hoá nào cũng có mặt trái của nó, và đã có rất nhiều dân tộc, bằng cách này hay cách khác đã khắc phục thành công những mặt trái ấy để khoẻ khoắn, lành lặn vươn lên.  

Trở lại với văn hoá đồn thổi đã làm khốn khổ con người - dân tộc chúng ta trong cả chục, cả trăm, cả ngàn năm qua, thứ văn hoá nguy hiểm ấy sẽ không thể tồn tại nếu trước khi đưa ra một lời đồn vô căn cứ chúng ta nghĩ đến những nạn nhân đã vì những lời đồn vô căn cứ mà bỏ mạng. Và hãy tự hỏi mình: Khi người ta phải bỏ mạng như thế thì chúng ta liệu có vì thế mà hả hê, sung sướng được không?

3. Tôi viết lá thư tuần này trong thời  điểm mà rất nhiều người Việt Nam (và cả thế giới) đang khắc khoải bàn tới một ngày gọi là "ngày tận thế" của nhân loại. Và tôi chợt nghĩ: Ngày tận thế có không không biết, nhưng chẳng cần đến ngày ấy (nếu nó có thật) thì chúng ta cũng đã tự giết hại những đồng bào của mình bằng những "lời đồn tận thế" mất rồi.

Nghiệt ngã thay!

Phan Đăng
.
.
.