Những mảnh đời đơn độc tựa vào nhau

Thứ Năm, 20/10/2016, 13:05
Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau trước khi đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh. Ở đây họ đã tìm thấy tình yêu thương, những sẻ chia và sự chăm sóc chu đáo trong "ngôi nhà" của mình…  


1.Đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh có trụ sở tại TP Uông Bí, bất kì ai cũng cảm nhận được cuộc sống yên bình nhưng không kém phần "sôi động" của những người cao tuổi (NCT). Người đi bộ trong khuôn viên, người đứng nhìn những tia nắng hoàng hôn vàng rực qua kẽ lá, hay ai đó đang ngắm nhìn những quả non mới nhú… Có khi, bên thềm mấy cụ bà ngồi thủ thỉ chuyện ngày xưa, trong phòng phục hồi chức năng mấy cụ đang kiên trì luyện tập!. Tất cả tạo nên một cuộc sống nhẹ nhàng, giản dị mà ấm áp.

Hiện Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh đang nuôi dưỡng 87 đối tượng, trong đó hơn 65 đối tượng xã hội, 22 đối tượng tự nguyện. Những năm gần đây, nhằm nâng cao điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc NCT, Trung tâm đầu tư sửa sang, xây mới nhiều hạng mục tạo nên cảnh quan thoáng mát, sạch sẽ yên tĩnh phù hợp với NCT.

Ngoài nguồn ngân sách của tỉnh, Trung tâm còn được sự quan tâm chia sẻ của các đơn vị, cá nhân hỗ trợ từ thiện nên đời sống vật chất tinh thần của các đối tượng luôn ở mức cao hơn quy định.

Từng có thâm niên 10 năm sống ở Trung tâm, cụ Nguyễn Thị Nga, 87 tuổi, vừa được đi châm cứu hơn một tháng ở bệnh viện về chia sẻ: "Số tôi cả đời đơn độc. Lúc bé mồ côi mẹ, bố phải đi làm thuê để nuôi các em. Tôi cũng đi ở, hay bị người ta cốc vào đầu, giờ hay đau đầu lắm!. 

Lớn lên chút tôi biết đi làm thuê, dải truyền đơn, dẫn cán bộ qua sông… Đến lúc lấy chồng lại không có con. Ông nhà tôi mất rồi. Người ta khổ một nỗi, còn tôi khổ hết đời. Lúc nào cũng đơn độc một mình!". Trước khi vào Trung tâm, cụ Nga ở với người em trai và cháu, nhưng em trai của cụ cũng già yếu rồi.

Khám chữa bệnh cho người cao tuổi.

Ở cùng phòng với cụ Nga là bà Nguyễn Thị Tươi. Trong câu chuyện, bà Tươi cười hồn hậu bảo: "Chả ai lấy bà nên cả đời một mình, bà được vào đây sống là mãn nguyện lắm rồi!".  Trên đầu giường chỗ bà nằm là tấm kỉ niệm chương thời kháng chiến, trong có lồng thêm vài bức ảnh thời con gái xa xưa. Tuy tuổi cao nhưng bà vẫn ăn no, ngủ kĩ, cùng các cụ khác tự làm vệ sinh nhà tắm, lau dọn phòng ở.., lúc rảnh ngồi xem báo, xem tivi, thỉnh thoảng đi chợ ăn quà, thích gì thì mua sắm thêm cho mình.

Khác với nhiều người, ông Lê Văn Phấn 76 tuổi và  bà Đào Thị Lành, 71 tuổi được lãnh đạo Trung tâm xếp phòng ở cùng từ năm 2003 vì thấy hai người hợp nhau. Khi đó cả hai người đều mới vào Trung tâm. Ông Phấn bị mù nên bà Lành luôn là người kề cận giúp đỡ, hằng ngày bà dắt ông đi ăn cơm, lấy nước cho ông tắm hay dắt ông ra ngoài đón nắng...

Cuộc sống của hai người càng vui hơn khi họ biết lắng nghe nhau và chia sẻ những vui buồn. Cùng phòng với ông Phấn bà Lành còn có bà Nông Thị Bình 76 tuổi, quê Cẩm Phả và ông Xíu Dì Tình, dân tộc Dao, quê ở Ba Chẽ - Tiên Yên.

Trước khi vào Trung tâm, bà Bình ở cùng chị dâu. Bà được 2 người con gái, một đã mất, người con gái thứ hai lấy chồng Trung Quốc. Trong kí ức bà chỉ còn lờ mờ nhớ một người đàn ông dẫn con gái mình đi từ khi nó còn rất trẻ. Và từ đó đến nay bà chẳng bao giờ gặp lại con gái nữa.

Còn ông Tình năm nay 70 tuổi, ông có vợ và 3 con, nhưng ông bảo họ sang Trung Quốc lâu rồi, ông không thể  nhớ nữa. Giống như ông Phấn, đôi mắt ông Tình cũng  không nhìn được nên bà Bình tự nguyện giúp đỡ ông trong sinh hoạt.

Có cùng cảnh ngộ nên hai ông bà dễ cảm thông và chia sẻ với nhau. Ông Tình bảo, được vào sống ở đây ông thấy vui và yên tâm, nhưng trong lòng luôn canh cánh một nỗi buồn: "Nhiều người ở đây thường về quê vào những dịp tết. Tôi vào Trung tâm được 6 năm nhưng chưa về quê lần nào, tôi buồn lắm. Ở quê vẫn còn anh, em trai, họ cũng già hết rồi. Thỉnh thoảng họ gọi điện hỏi thăm chứ đâu có đến thăm tôi!".

Có đến Trung tâm Bảo trợ  xã hội tỉnh Quảng Ninh mới hiểu, chia sẻ và cảm thông với những hoàn cảnh đặc biệt, như bà Nguyễn Thị Phương mồ côi từ nhỏ, sống ở Trung tâm gần 20 năm nhưng bà bệnh tật đau yếu, chỉ nằm một chỗ, các nhân viên phải phục vụ tại giường.

Bà Thảo không có con, nhận nuôi một người con gái, nhưng chị bị bệnh não úng thủy suốt hơn 40 năm. Khi không thể tự mình chăm sóc con gái nữa, hai mẹ con xin vào Trung tâm. Còn bà Lai, dân tộc Sán Dìu chỉ biết con gái mình lấy chồng xa lắm, vất vả với công việc nương rẫy, chưa một lần đến thăm mẹ. Rồi ba bố con ông Lê Văn Đếnh đều bị tâm thần có khi dồn đuổi nhau chạy khắp Trung tâm….

Tuy nhiên, tất cả họ đều được hội tụ về đây, trong ngôi nhà Trung tâm có khuôn viên đầy bóng mát với nhiều cây trái ngọt lành như thanh long, chuối, cam.., để được chăm sóc và chia sẻ những giá trị tình cảm, tinh thần âu đó cũng là niềm an ủi động viên lớn với mỗi người.

2. Song song với việc nuôi dưỡng và chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, năm 2014, Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Ninh được UBND tỉnh phê duyệt đề án thí điểm nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện. Dự án ban đầu đón tối đa khoảng 20 NCT, nhưng qua hai năm chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên cùng với mức đóng góp chỉ từ 3,6 đến 4,2 triệu đồng/ tháng, đến nay đã có 22 NCT tự nguyện xin vào đây…

Theo dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, đối tượng thuộc diện có thể đăng kí vào sống tại nhà dưỡng lão là những NCT, người khuyết tật không thuộc diện bảo trợ xã hội có nhu cầu tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí.

Hiện tại, Trung tâm có hai dãy nhà với không gian thoáng mát, cảnh quan hài hoà, cơ sở vật chất trang thiết bị bố trí phù hợp, tiện lợi dành cho sinh hoạt của NCT. Cùng với nhà ăn tập thể vệ sinh sạch sẽ, rau củ quả đa số tự trồng được, Trung tâm còn có khu phục hồi chức năng để NCT tập dưỡng sinh, vật lý trị liệu hàng ngày.

Theo chị Phạm Thị Ngoan, cán bộ Trung tâm cho biết, NCT tình trạng sức khoẻ không giống nhau, phần lớn mang bệnh, đặc biệt là bệnh về xương khớp và bệnh lẫn của tuổi già. Trung tâm đã bố trí các đối tượng sinh hoạt trong phòng ở khép kín và đảm bảo thoáng mát.

Môi trường khuôn viên đầy cây xanh là nơi lí tưởng để các cụ thư thái dạo mát ngắm cảnh. Mỗi một đối tượng đều có phác đồ cũng như cách thức chăm sóc riêng phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ và tính cách của từng người. Đối với một số cụ bị tai biến nhẹ có khả năng phục hồi, Trung tâm có hệ thống máy tập kết hợp xoa bóp để phục hồi chức năng, giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ...

Bị tai nạn gãy chân, bác Trịnh Văn Lợi vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển điều trị, nhưng khi ra viện chân bác rất yếu chưa thể tự đi lại được. Bác Lợi xin  vào Trung tâm để có điều kiện nghỉ ngơi. Sau một tháng chịu khó luyện tập cùng với sự hỗ trợ của các dụng cụ và nhân viên, chân của bác đã đi lại bình thường.

Còn ông Đỗ Quang Thanh khi người nhà cho vào Trung tâm, ông phải đóng bỉm, ăn nằm tại giường. Sau 8 tháng nghỉ ngơi tập luyện giờ sức khỏe  của ông đã hoàn toàn hồi phục, đi lại bình thường. Ông xin ra để về quê chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi.

Công tác chăm sóc người cao tuổi.

Trong các đối tượng tự nguyện có lẽ cụ Trần Thị Mai, 80 tuổi ở TP Hạ Long là người vui nhất vì nhiều con cháu thường xuyên đến thăm. Cụ có lương 3 triệu, con cháu cho thêm để đóng vào Trung tâm. Tuy tuổi cao nhưng cụ vẫn khỏe, cụ thường ghé các phòng thăm hỏi, chuyện trò cùng mọi người. Cụ bảo ở nhà đâu có được nhiều bạn như ở đây.

Cụ Phạm Thị Gái 87 tuổi, có 8 người con, đến nay đều đã trưởng thành. Cụ bảo rất hài lòng vì được chăm sóc chu đáo, các bữa phong phú và đầy đủ dinh dưỡng. Cụ tâm sự: "Chúng tôi ở đây vui lắm, có cả CLB văn nghệ, người đàn, người hát, người ngâm thơ. Có tối ngồi xem ti vi, chia sẻ đủ thứ chuyện vui buồn, chuyện ngày xưa, chuyện con cháu...

Bác Nguyễn Văn Đĩnh 76 tuổi kể: "Nhiều người hỏi tôi, tại sao khỏe mạnh vậy lại xin vào đây, con cái thế nào, nhà cửa có không?. Với tôi những thứ đó có hết, hai con trai đã xây dựng gia đình, một lái xe, một bộ đội biên phòng. Vợ tôi mất rồi, hằng ngày con cháu đi làm, đi học còn một mình ở nhà buồn lắm! Lúc đầu nói chuyện xin vào Trung tâm các con tôi không đồng ý.  Tuy nhiên, sau khi đến khảo sát cả hai đã đồng ý và bây giờ chúng yên tâm công tác thỉnh thoảng đưa con đến thăm ông. Ở trong này tôi sống vừa vui vừa thoải mái…".

Vào Trung tâm được 9 tháng, bác Đĩnh còn quản lí 2 dãy nhà NCT tự nguyện.  Ngoài tham gia luyện tập và CLB văn hóa văn nghệ, bác còn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của NCT, từ đó góp ý với lãnh đạo Trung tâm để kịp thời trợ giúp.

Bác cho biết, thường mỗi phòng ở 2 - 3 người,  tùy vào sức khỏe tính tình mỗi cụ, có phòng chỉ một người. Các cụ đọc báo vào chiều thứ tư, thứ sáu; thứ ba, thứ năm xem phim và các chương trình sống vui, sống khỏe của NCT. Nhiều người không hiểu, nghĩ vào đây là trại tế bần, trại dưỡng lão cho những người cô đơn, vô gia cư.., những đối tượng tự nguyện khác. 

3.Mô hình chăm sóc đối tượng tự nguyện dưới sự quản lí của Nhà nước như mô hình của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh bước đầu tạo được niềm tin đối với những gia đình gửi thân nhân chăm sóc theo mô hình tự nguyện và đang dần xây dựng hình ảnh bền vững cho tương lai. Tuy nhiên, để mô hình này đi vào hoạt động có hiệu quả cũng còn nhiều khó khăn.

Theo Giám đốc Trung tâm Phạm Minh Tứ: "Tôi nghĩ nhu cầu của xã hội là rất lớn. Ở Hà Nội và TP Hồ Chí minh nhiều cơ sở tư nhân phụng dưỡng NCT rất phát triển. Nhưng ở Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, nhiều gia đình muốn đưa cha mẹ vào đây để được chăm sóc nhưng còn e ngại vì theo tư duy truyền thống là con cái phải chăm sóc bố mẹ tại nhà, họ sợ mang tiếng!.

Thực sự ở Trung tâm NCT được chăm sóc sức khoẻ một cách chuyên nghiệp, sinh hoạt điều độ đúng giờ cùng với đời sống tinh thần thoải mái. Sống trong môi trường tập thể, các cụ có những người bạn mới, dễ chia sẻ, tâm sự".

Việc Quảng Ninh có nhà dưỡng lão tự nguyện là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc NCT hiện nay. Vấn đề là làm sao để mô hình ngày càng được mở rộng phù hợp với nhiều nhóm đối tượng NCT khác nhau.

Tin rằng trong tương lai không xa những mô hình nhà dưỡng lão của Nhà nước và của nhân dân sẽ phát triển mạnh mẽ và song hành để xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chính những mô hình đó sẽ tạo môi trường sống phù hợp và ý nghĩa cho NCT, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Kim Long
.
.
.