Những món quà đầy ắp tình người

Thứ Năm, 25/08/2016, 08:29
Nhiều người bảo rằng người Sài Gòn thời nào cũng vậy, luôn có bản tính hào hiệp, phóng khoáng. Những năm gần đây, người dân và du khách gần xa đến TP HCM cảm thấy ấm lòng khi biết nơi đây có những nét đẹp "ít nơi nào có được" như: ban đầu là trà đá, sửa xe, bánh mì miễn phí rồi đến sửa nón, sửa giày, xe ôm miễn phí cho người già và người khuyết tật, phát gạo, nấu cơm miễn phí, nay còn có thêm tủ thuốc, quần áo miễn phí… Tất cả được người dân chia sẻ với nhau một cách thoải mái, tự nguyện trong cuộc sống thường nhật.


"Ai cần thì lấy, ai thừa thì cho"

Là chủ một cửa hàng bán đồ của mẹ và bé, chị Lê Huyền Trang (27 tuổi, ngụ đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) có cơ hội tiếp xúc với nhiều gia đình và các bà mẹ, đặc biệt là trong các lần chăm sóc cho khách là các gia đình có điều kiện sử dụng dịch vụ của cửa hàng, chị thấy nhiều nhà dư rất nhiều quần áo trẻ em, mà chủ yếu là đồ tốt và còn mới vì các bé chỉ dùng trong vòng một thời gian ngắn. Ngược lại, có nhiều nhà không có điều kiện để mua sắm cho con. Vì thế, chị Trang có suy nghĩ, số quần áo còn tốt và mới kia nếu được chuyển lại cho một số gia đình còn thiếu thốn chắc chắn sẽ rất hữu ích.

Từ suy nghĩ đó, chị về bàn với chồng đặt một tủ đồ miễn phí trước nhà. Và sau đó vợ chồng chị quyết định lấy bớt một chiếc tủ vốn dùng để bày hàng để trước nhà rồi lấy một tấm bìa các-tông tự tay viết dòng chữ "Tủ đồ miễn phí tặng mẹ và bé…" để bên trên tủ.

Chị Huyền Trang chia sẻ, ban đầu chị cũng lo sẽ không được các bà mẹ ủng hộ. Nhưng khi chia sẻ ý tưởng trên trang cá nhân, chị đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ các bà mẹ. Hầu như mọi người đều hào hứng và cảm ơn vì ý tưởng đó. Có được động lực ban đầu, chị và chồng bắt tay ngay vào việc xây dựng tủ đồ miễn phí (đặt ở đường Cộng Hòa) với phương châm: "Ai cần thì lấy, ai thừa thì cho".

Ngay sau đó, tủ đồ miễn phí cho mẹ và bé này đã gây được sự chú ý của nhiều người. Thực tế thì lúc đầu vợ chồng chị cùng với họ hàng mình chính là những người đầu tiên đóng góp cho tủ đồ. Chị Trang cho biết để tủ đồ được gọn gàng, sạch đẹp, làm cho người đến lấy cũng thoải mái, không ngại ngần, nên sau khi nhận được quần áo của ai đó đưa tới, chị đều giặt sạch, ủi phẳng rồi phân loại riêng để lên kệ gọn gàng. Ai cần lấy món nào thì lấy. Điều thú vị là nhiều người đến đây lựa đồ cũng đồng thời mang theo đồ của nhà mình không dùng nữa cho tủ đồ miễn phí. Cũng có người do quá bận nên đã gọi điện thoại để chị tới nơi lấy về cho tủ đồ.

Khi tìm đến tủ đồ này để chọn quần áo, lúc đầu nhiều người cũng có vẻ e ngại nên chị Trang đã ra tận nơi để mời vào; cũng có người vào chọn đồ rồi mới hỏi là có cho miễn phí thật không…

Tủ đồ miễn phí của chị Huyền Trang.

Theo chị Trang thì hiện tại, ngoài quần áo, đồ bầu cho mẹ và bé thì tủ đồ còn có cả quần áo, mũ nón cho người lớn nói chung do các gia đình mang tới "đóng góp". Nhiều người còn tranh thủ xin đồ của những gia đình xung quanh rồi chở đến chỗ chị Trang.

Với họ, đó là một việc làm tốt đẹp. Và có người kinh doanh quần áo trẻ em, khi thanh lí đồ để chuyển nghề đã ôm nguyên một bọc quần áo qua tủ đồ để đóng góp. Đáng quý hơn, nhiều người trước khi mang đồ đến chỗ chị Trang đã giặt giũ sạch sẽ và gấp cẩn thận gọn gàng. Điều này cho thấy cái tình của người gửi và chúng là động lực để chị Trang tiếp tục nhân rộng, phát triển thêm tủ đồ của mình ở những nơi khác.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Oanh (nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình) vui vẻ cho biết, con gái chị có nhiều đồ dù đã mặc qua nhưng vẫn còn rất mới và đẹp, giờ mặc không vừa nữa hoặc dư ra nên đã vài lần đưa quần áo tới tủ đồ này. Và khi tới tủ đồ chị cũng không quên lựa một vài món phù hợp cho con mình. "Đây là một việc làm dù nhỏ nhưng đầy ý nghĩa của chị Trang, chắc chắn sẽ giúp được nhiều gia đình", chị Oanh tâm đắc.

Theo quan sát của chúng tôi, ở tủ đồ của chị Trang, thỉnh thoảng lại có chị em vào chọn lựa quần áo với tâm trạng khá thoải mái. "Tôi đi bán vé số, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, biết có tủ đồ miễn phí này nên tôi cũng vào xin mấy bộ quần áo mang về cho con. Tôi nghĩ các con tôi sẽ rất thích. Cũng phải nói thêm là tới tủ đồ này tôi không thấy mặc cảm vì không phải trả giá hay lo thiếu tiền khi mua đồ và nhất là thái độ vui vẻ và gần gũi của chủ cửa hàng", chị Mỹ Linh - một người bán vé số dạo tâm sự.

Chia sẻ cảm xúc với chúng tôi về việc làm đầy ý nghĩa của mình, chị Trang tỏ ra khá ngần ngại bởi theo lời chị thì việc làm này rất nhỏ bé, chị chỉ là cầu nối để các bà mẹ hay nói rộng ra là mọi người có thể chia sẻ, hay trao đổi các món đồ với nhau… Tuy vậy, có chứng kiến những người tìm đến với tủ đồ miễn phí này với tâm trạng thoải mái, vui vẻ thì có lẽ mới thấy hết được ý nghĩa sâu sắc của việc làm này. Đến nay nhiều người đã biết đến và thực sự xem tủ đồ của chị Trang là một cầu nối đầy nhân ái, nơi để các bà mẹ, các gia đình chia sẻ với nhau những món đồ.

Đẹp thay những tấm lòng

Cũng với cách thức gần tương tự, nhưng sạp quần áo từ thiện ở đường Nguyễn Hoàng (phường An Phú, quận 2) là dành cho tất cả các đối tượng tới để chọn những bộ quần áo, đôi giày dép… ưng ý mang về dùng. Sạp này do ông Tuyên (mọi người thường gọi là chú Ba) lập ra để tặng người nghèo.

Và theo đó, cứ vào ngày thứ tư và thứ bảy hàng tuần, những người nghèo lại rủ nhau tìm đến sạp quần áo từ thiện này. Sạp quần áo là chiếc bàn dài với đống quần áo cũ ngổn ngang, kế đó là chiếc bàn nhỏ bày đủ thứ giày, dép, ví, túi xách cũ… Và dĩ nhiên, các món đồ bày biện ở đây không bán, chỉ để tặng, ai có nhu cầu thì cứ lấy.

Theo người dân, quanh khu vực này có nhiều lán công nhân xây dựng và khu tạm cư, có nhiều người lao động nghèo. Do vậy, sạp của chú Ba thường có nhiều người tìm đến để lựa quần áo, giày dép mang về cho bản thân và gia đình sử dụng. Thấy sạp quần áo từ thiện của chú Ba thực sự có ý nghĩa "nhường cơm sẻ áo" cho người nghèo nên nhiều bà con trong khu phố và cả những người ở nơi khác đã mang quần áo và một số món khác tới góp tặng.

Cứ thế nghĩa cử cao đẹp của chú Ba và nhiều người được nhân lên và mang niềm vui đến cho không ít hoàn cảnh nghèo khó không có nhiều điều kiện để mua sắm, đỡ một phần gánh nặng chi tiêu cho bản thân và gia đình.

Việc làm ý nghĩa là vậy nhưng khi được hỏi về bản thân, chú Ba lại xua tay tỏ ý không muốn nói về mình. Ngay cả chuyện cho biết đầy đủ họ tên thật của mình chú cũng không muốn nói và chú cũng từ chối khi ai đó chụp ảnh mình.

Tủ thuốc từ thiện ở "hẻm từ thiện" số 96 Phan Đình Phùng.

Nhưng theo tìm hiểu thì chú Ba từng là bộ đội phòng không không quân, giờ đã nghỉ hưu và làm nghề mua bán chậu và cây kiểng. Do lu bu công việc và cũng chỉ có một mình lo cho sạp quần áo từ thiện nên một tuần chú Ba chỉ có thể mở cửa cho người nghèo đến nhận vào thứ tư và thứ bảy. Vậy nhưng, ngoài sạp quần áo tặng người nghèo, hàng ngày chú Ba còn đặt thùng bánh mì và bình trà đá miễn phí trước cửa nhà (ở số 1544 đường Nguyễn Hoàng) để giúp người nghèo…

Có thể nói, những việc làm của chị Trang hay chú Ba thật đáng trân trọng! Nhưng nhiều người cũng biết rằng từ mấy năm trở lại đây, người Sài Gòn đã không còn lạ lẫm với hình ảnh những bình trà đá miễn phí bên hè phố, những tủ bánh mì từ thiện, xe cơm từ thiện hay những tủ thuốc từ thiện... Đó đều là những việc làm đầy nhân nghĩa.

Cũng cần phải nhắc đến câu chuyện về một con hẻm nhỏ nhưng tập trung nhiều dịch vụ miễn phí như: trà đá, tủ thuốc, dịch vụ mai táng... cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn - nơi được nhiều người nghèo gọi bằng cái tên thân mật -"Hẻm từ thiện" số 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận.

Đến con hẻm này, mọi người sẽ được biết về chiếc "tủ cấp cứu từ thiện" chỉ to tương đương một tủ thuốc gia đình, trong đó chứa đủ mọi loại tân dược từ thuốc đau đầu, đau bụng, ho, sổ mũi, cho đến chai dầu, bông băng… Với tủ thuốc này, nhiều người bị tai nạn xây xát, chảy máu, ngất xỉu đã kịp thời được người dân trong hẻm sơ cứu trước khi đưa tới bệnh viện.

Để duy trì tủ thuốc này, theo ông Đỗ Văn Út (54 tuổi, một người chạy xe ôm và vá sửa xe ở đầu hẻm), từ khi được tạo lập đã có nhiều người tới gửi các loại thuốc khác nhau. Và mỗi lần ai gửi thuốc, ông đều phân ra từng loại cho vào tủ, để khi nào mọi người cần thì có thể đưa cho họ ngay. Và mỗi lần sử dụng thuốc, mọi người trong hẻm thay phiên nhau "trực" để mở tủ đưa thuốc. Có khi là ông Út, có khi lại là chị bán bánh ướt, hay vợ chồng anh chị bán nước giải khát… Cứ thế mọi người vui vẻ thay nhau làm.

Ngoài tủ thuốc, ngay tại đầu hẻm, người dân khu phố còn đặt một bình nước trà đá đậm đà miễn phí. Đến lấy nước chủ yếu là những người bán vé số, người ăn xin và một số ít người đi đường. Người phụ trách khâu châm nước, rửa bình vẫn là ông Út. Ông Út cho biết, bình nước này đã duy trì được hàng chục năm nay và mỗi ngày ông phải châm gần 50 lít nước mới đủ phục vụ. Bản thân ông từng bôn ba kiếm sống, thấu hiểu nỗi vất vả của những người lao động đường phố nên giữa tiết trời nóng nực mà có một ly trà đá mát lạnh thì quả là chẳng còn gì bằng...

Nghe kể về người đàn ông này, nhiều người không khỏi thán phục bởi ông Út chính là người khởi xướng ý tưởng làm từ thiện cho con hẻm. Từ công việc hàng ngày chạy xe ôm và vá xe, với tấm lòng nhân ái, ông Út còn thường sửa hay vá xe miễn phí cho những người khuyết tật. Đặc biệt, ông Út còn là người vận động thực hiện dịch vụ mai táng miễn phí cho người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Trong con hẻm từ thiện này, ngoài ông Út, một số người khác cũng sẵn sàng ra tay giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó. Người tốt, việc tốt cứ thế được nhân lên như một tấm gương đầy nhân nghĩa.

Có thể nói, như chính những người kể trên thừa nhận họ chỉ làm những việc rất nhỏ, nhưng quả thật rất hiệu quả và đầy ý nghĩa. Bởi, giữa thành phố nhộn nhịp này, đâu đó vẫn còn những con người với tấm lòng hết sức dung dị, nhân ái âm thầm làm việc, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình bớt đi một phần nào gánh nặng và lo toan trong cuộc sống hàng ngày. TP Hồ Chí Minh là thế, con người nơi đây là thế, lúc nào cũng ấm áp, bình dị và thật dễ thương!

Phú Lữ
.
.
.