Những ngày ở nước Nhật

Thứ Năm, 26/12/2013, 11:00

7h tối một ngày giữa tháng mười, trời mưa xối xả khi tôi vừa ra khỏi ga tàu điện Shinjuku. Tôi đang đi tìm chỗ ở của một người bạn – hay đúng hơn là một người tôi chỉ vừa mới quen trên mạng. Đó là một phụ nữ Nhật kinh doanh dịch vụ homestay (cho thuê chỗ ở tại gia), vốn dĩ đã có thể là host (chủ nhà) của tôi ở Tokyo nếu không phải vì một khách du lịch khác đã nhanh tay đặt chỗ trước tôi chỉ vài phút trên một trang web du lịch.

Người Nhật hiếu khách

Mari, tên người phụ nữ ấy, cảm thấy áy náy vì đã không thể cho tôi thuê chỗ ở, nên đã mời tôi đến dùng bữa cùng gia đình cô ở khu Shinjuku. Lời mời của Mari khiến tôi bất ngờ, bởi vốn dĩ chúng tôi là những người hoàn toàn xa lạ. Thế nhưng do tò mò muốn biết người Nhật ăn tối và tiếp khách như thế nào, tôi đã quyết định nhận lời đến nhà cô. 

Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, nên tôi ghé vào một cửa hàng văn phòng phẩm để trú nhờ trong giây lát, nhân tiện hỏi đường mấy anh chàng bán hàng trong cửa hiệu. Mấy anh chàng này mù tịt tiếng Anh, nhưng khi tôi đưa mẩu giấy có địa chỉ của Mari, một trong số họ đã tìm cách tra địa điểm trên Google và in một tờ bản đồ chỉ dẫn chi tiết ra giấy cho tôi. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của họ, chỉ vài phút sau, tôi đã thấy mình đứng trước cửa căn hộ của Mari trong một khu chung cư cao tầng. Vừa hay, tôi gặp ngay Mari vừa đi chợ về, đầy háo hức với giỏ đồ trên tay. Có vẻ như cô đã mua rất nhiều đồ để thết đãi tôi một bữa tiệc ra trò! Và khi tôi vào nhà, chồng cô, anh Ken bèn ra cửa, đon đả chào khách với nụ cười rất tươi.

Ken còn chu đáo dẫn tôi vào phòng tắm để lau rửa chân tay. Căn hộ của hai vợ chồng tuy khá nhỏ, như rất nhiều căn hộ khác ở Tokyo đất chật người đông, nhưng rất sạch sẽ và ngăn nắp. Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món bánh xèo Okonomiyaki, hay người ta vẫn gọi là “pizza Nhật Bản” ngon tuyệt cú mèo nhờ tài nấu ăn của Mari.

Vợ chồng Mari và Ken là những người đặc biệt hiếu khách và hay cười. Trong suốt bữa ăn, dù hai vợ chồng chỉ nói được lõm bõm tiếng Anh, họ luôn lắng nghe mọi lời tôi nói và pha trò mỗi khi tôi tỏ ý không hiểu. Mari khoe rằng cô từng đến Việt Nam và rất mê trang phục áo dài cùng các món ăn Việt.

Sân chơi ngoài trời tại Osaka.

Chúng tôi đã trò chuyện rất lâu về văn hóa Nhật Bản lẫn văn hóa Việt Nam trước khi tôi xin phép ra về để khỏi trễ giờ tàu, và trước khi tạm biệt, Mari đã tặng tôi một món quà rất đẹp: một chiếc hộp nhỏ xinh có trang trí họa tiết hoa anh đào. Cô còn nhắc tôi ngày mai đi chơi thì nhớ mặc áo ấm vì dự báo thời tiết nói trời sẽ trở rét.

Cuộc gặp gỡ với gia đình Mari không phải là trải nghiệm đẹp duy nhất mà tôi có về con người Nhật Bản thân thiện. Trong suốt chuyến đi mười ngày của mình ở Nhật, tôi đã có dịp kết bạn – một cách hoàn toàn ngẫu nhiên – với nhiều người bạn Nhật trên đường đi. Dù hầu hết những cuộc gặp chỉ diễn ra chóng vánh, nhưng lòng tốt và sự hào phóng của người dân xứ hoa anh đào đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai mờ, bên cạnh phong cảnh hữu tình và sự phát triển công nghiệp đáng nể của đất nước ấy.

Thật ra, người Nhật dễ kết bạn đến lạ lùng, khác với vẻ ngoài tưởng chừng khép kín, khó gần mà họ thường tạo ra trên tàu điện ngầm – nơi hầu hết mọi người đều giữ phép lịch sự bằng cách giữ trật tự, ai lo việc người nấy. Một lần, khi tôi đang tìm đường đến quận Ashiyama, nơi có rừng tre đẹp nổi tiếng ở Kyoto, một cô bạn đi cùng tàu điện đã cố gắng dẫn tôi đến tận nơi vì cô cho biết nhà mình ở gần đó. Cô còn khao tôi món tôm chiên bán ngoài phố tuyệt ngon, dứt khoát không cho tôi trả tiền và giải thích là người Nhật thích khao đồ ăn như vậy. Biết cô bạn ở gần, lại không bận rộn gì hôm đó, nên tôi đã rủ cô cùng đi tham quan rừng tre với mình luôn. Thế là chúng tôi vừa đi vừa tán gẫu suốt quãng đường, còn tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm cùng nhau nữa. 

Một cuộc làm quen chóng vánh khác diễn ra khi tôi đang ngồi trong phòng sinh hoạt chung ở một khách sạn tại Kyoto. Thấy tôi đang loay hoay tìm cách vào internet bằng máy tính của khách sạn, một cậu bạn tên Ryota đã bắt chuyện và giúp tôi đổi font chữ từ tiếng Nhật sang tiếng Anh. Ryota có vẻ ngoài sáng sủa, cao ráo. Gương mặt cậu toát lên vẻ trí thức và tự tin, nhưng lại không dễ đoán, như thể cậu bước ra từ một cuốn sách của Haruki Murakami, nhà văn nổi tiếng Nhật Bản vậy. Cậu đang học đại học ở Osaka, nhưng làm việc ở khách sạn này tại Kyoto – nơi cách Osaka chỉ 30 phút đi tàu, để được ở trọ miễn phí. Té ra, Ryota đã chú ý đến tôi từ lúc tôi mới đến khách sạn lấy phòng vì cậu rất yêu quý Việt Nam. Cậu nói Việt Nam là điểm đến ngoài nước đầu tiên cách đây vài năm, cũng là nơi cậu yêu thích nhất. Tôi khá bất ngờ trước chia sẻ của Ryota bởi cậu đã từng đến những địa điểm du lịch rất hấp dẫn như Hy Lạp, Ấn Độ,... vậy mà cậu lại nói thích Việt Nam nhất.

Vì thế, tôi liền tìm cách “thử” cậu: “Thôi mà, không cần phải tỏ lịch sự đâu”. Thế nhưng cậu lắc đầu, sau đó bắt đầu kể chuyện về chuyến du lịch của cậu đến Việt Nam, như việc cậu thích thú trước nhịp sống náo nhiệt, chộn rộn ở Sài Gòn và yêu vẻ đẹp thanh bình của Mỹ Tho như thế nào. Cứ thế, cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài đến nửa đêm cho đến khi tôi bất giác nhìn đồng hồ và phát hiện ra đã quá muộn, bèn cáo lỗi về phòng.

Cũng ở Kyoto, tôi đã tham gia một buổi walking tour (đi dạo tham quan) hoàn toàn miễn phí do khách sạn điều phối. Buổi tham quan có sự hướng dẫn của các nữ sinh đến từ các trường đại học ở Kyoto. Không những chỉ đường, các em còn nhiệt tình kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị về những ngôi đền cổ ở Kyoto. Dù còn là sinh viên nhưng tôi có thể thấy các em rất chững chạc, dạn dĩ và tự tin trước khách du lịch nước ngoài, và chúng tôi đã trò chuyện thật tự nhiên, thoải mái như những người bạn.

Quốc gia an toàn nhất thế giới

Người Nhật cầu nguyện ở đền Fushimi Inari, ngôi đền nổi tiếng linh thiêng tại Kyoto.

Các fan của những bộ truyện tranh nổi tiếng như Conan – Thám tử lừng danh hay Death Note dễ có ấn tượng sai lầm rằng Nhật Bản là đất nước nguy hiểm với hàng loạt vụ án mạng mỗi ngày và sự lộng hành của các băng đảng mafia. Thế nhưng sự thật về Nhật Bản lại trái ngược hoàn toàn với những tác phẩm hư cấu ấy. Nhiều năm qua, Nhật Bản được xếp vào danh sách các quốc gia an toàn nhất thế giới, với tỷ lệ tội phạm khá thấp.

Website hướng dẫn du lịch wikitravel thậm chí còn viết rằng đi dạo lúc nửa đêm tại Nhật là một trải nghiệm an toàn, dễ chịu và không đáng lo ngại với khách du lịch. Một người bạn của tôi ở Nhật còn nói đùa (nhưng cũng chẳng xa sự thật là bao) rằng khác với nhiều quốc gia, nghề cảnh sát ở Nhật khá nhàn nhã. Anh nói, công việc chính hàng ngày của cảnh sát Nhật là chỉ đường cho những khách bộ hành đi lạc.

Cuộc sống an toàn dường như khiến người Nhật ít cảnh giác. Biểu hiện cụ thể chính là việc những căn nhà homestay mà tôi thuê ở Nhật thậm chí không dùng đến khóa cửa. Mỗi khi ai đó ra ngoài, người đó thường chỉ phải đóng cửa lại, chứ không cần đến khóa. Các phòng thì chỉ có cửa kéo kiểu Nhật, nên đương nhiên không có chốt.

Là một du khách ở nước ngoài, dù đã biết Nhật rất an toàn nhưng quả thật tôi vẫn cảm thấy đôi phần e ngại khi ở trong phòng không khóa. Dẫu vậy, trong thời gian ở Nhật, tôi không hề nhớ mình đã từng bị mất bất cứ một thứ đồ gì. Sự tận tình, chu đáo của những người chủ trọ cũng khiến tôi cảm thấy yên lòng và thoải mái như đang ở nhà vậy, dù tất nhiên để được họ tiếp đãi nhiệt tình - tôi cũng phải chú ý tuân thủ nội quy nhà trọ, vì người Nhật rất coi trọng quy củ và nguyên tắc. Những yêu cầu của họ thật ra cũng đơn giản: không gây ồn ào ban đêm, tắt đèn khi ra khỏi phòng (người Nhật rất biết tiết kiệm), không bày bừa ở khu vực sinh hoạt chung…

Rời khỏi Nhật, tôi đã kịp trao đổi địa chỉ email, Facebook với một số người bạn Nhật mến khách và vẫn còn giữ liên hệ với nhiều người cho đến giờ. Tôi tự nhủ, nếu có bao giờ các bạn đến Việt Nam, tôi sẽ hết sức giúp đỡ để họ có một khoảng thời gian thật đẹp ở nước mình, như cái cách họ đã tận tình giúp đỡ tôi những ngày một mình trên đất Nhật

Minh Thi
.
.
.