Những ngôi làng “không bé gái” ở Ấn Độ

Thứ Sáu, 02/08/2019, 07:23
Các quan chức ở Uttarkashi, bang Uttarakhand, Ấn Độ quyết định mở một cuộc điều tra vì tình trạng phá thai có chọn lọc giới tính lan rộng. Dữ liệu thống kê cho thấy, 216 trẻ em sinh ra tại 132 ngôi làng trong 3 tháng gần đây không có đứa trẻ nào mang giới tính nữ.

Tỷ lệ sinh bé gái bằng 0 trong 132 ngôi làng

Các nhà chức trách nhận định, “những gì đang diễn ra ở Uttarkashi là đáng báo động. Thực tế đặt ra câu hỏi về tình trạng phá thai lựa chọn giới tính”. Theo quy định của luật pháp Ấn Độ, bất kỳ cha mẹ nào bị phát hiện thực hiện phá thai lựa chọn giới tính sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, trong thực tế, việc lựa chọn giới tính thai nhi vẫn diễn ra phổ biến ở nước này.

Ashish Chauhan, thẩm phán quận Uttarkashi cho biết, “số liệu do cơ quan y tế địa phương thu thập nên có độ tin cậy cao. 132 ngôi làng không có bé gái nào được sinh ra trong ba tháng gần đây đã được đánh dấu màu đỏ. Điều đó có nghĩa là, các cơ quan chức năng sẽ phân tích dữ liệu một cách kỹ lưỡng hơn và nhân viên y tế được yêu cầu quan tâm đặc biệt đến khu vực này”.

Gopal Rawat, thành viên hội đồng lập pháp ở Uttarkashi nhận định, “thật đáng kinh ngạc khi có tỷ lệ sinh bé gái bằng 0 trong 132 ngôi làng. Chúng tôi rất ít khi được nghe phản ánh về sự cố liên quan đến phụ nữ mang thai trong khu vực. Tôi đã đề nghị cơ quan y tế tìm ra nguyên nhân thực sự của những con số đáng báo động này và chính quyền cần có hành động nghiêm túc để giải quyết”. Ông Gopal Rawat cho biết thêm, các nhà chức trách cũng sẽ khởi động một chiến dịch nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của việc lựa chọn giới tính thai nhi với sự phát triển của đất nước.

Năm ngoái, Cảnh sát Ấn Độ đã tìm thấy 19 thai nhi bị vứt bỏ gần một bệnh viện ở bang Maharashtra. Vụ việc được phát hiện khi các sĩ quan cảnh sát điều tra cái chết của một phụ nữ vì phá thai bất hợp pháp. Cuộc điều tra dân số gần đây nhất ở Ấn Độ diễn ra vào năm 2011 cho thấy, chỉ có 943 nữ/1.000 nam.

Do quan niệm truyền thống, tỷ lệ chênh lệch giới tính giữa nam và nữ ở Ấn Độ ngày càng gia tăng.

Giá vàng tăng, số lượng bé gái sinh giảm

“Trọng nam” vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Ấn Độ. Trẻ em nam được coi là trụ cột gia đình, có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ khi về già. Trong khi đó, con gái bị coi là “những khoản nợ phải trả” do cha mẹ phải chịu áp lực trả tiền hồi môn khi lấy chồng. 

Của hồi môn - một truyền thống cổ xưa, phổ biến ở Tây Âu thời trung cổ, dù đã “biến mất” ở hầu hết các quốc gia trên thế giới nhưng vẫn tồn tại ở một số quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka. Ở Ấn Độ, quy định này bị cấm từ năm 1961.

Của hồi môn gây áp lực nặng nề với các gia đình có con gái đến tuổi kết hôn. Ước tính, số tiền này cao gấp sáu lần thu nhập trung bình hằng năm của các hộ gia đình ở Ấn Độ. Mặc dù yêu cầu của hồi môn bị cấm và có thể bị truy tố nhưng các gia đình ở Ấn Độ vẫn thường tiết kiệm của hồi môn ngay khi bé gái chào đời.

Sự biến động của thị trường, đặc biệt là giá vàng, tưởng chừng như không liên quan gì đến vấn đề sinh nở nhưng ở Ấn Độ lại khác. Nhiều người nói rằng, giá vàng tăng, ít bé gái sống sót hơn do áp lực từ của hồi môn.

Một nhóm chuyên gia đã tiến hàng thống kê, phân tích dữ liệu giá vàng quốc tế trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến năm 2005 và so sánh xem sự thay đổi giá vàng có ảnh hưởng đến tỷ số giới tính khi sinh, sự sống sót của bé gái sơ sinh đến một tháng tuổi hay không. Hơn 100.000 ca sinh trong thời gian này đã được đưa vào phân tích. Kết quả là, trong những tháng giá vàng tăng, khả năng bé gái sống sót qua thời kỳ sơ sinh thấp hơn đáng kể so với bé trai.

Từ năm 1972 đến 1985, giá vàng tăng 6,3% mỗi tháng, tỷ lệ thuận với sự gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh nữ là 6,4%. Trong cùng thời gian, không có thay đổi đáng kể về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh nam. Từ năm 1986 đến 2005, công nghệ siêu âm xác định giới tính thai đã trở nên phổ biến trên khắp Ấn Độ. Kết quả khảo sát cho thấy, trong thời kỳ này, việc phá thai mang giới tính nữ cũng  gia tăng.

Các chuyên gia nhận định rằng, bằng cách này hay cách khác, cha mẹ dường như đang phản ứng với việc giá vàng tăng bằng cách cố gắng giảm cơ hội sống sót của con cái. Do tầm quan trọng của vàng ở Ấn Độ, giá vàng thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mọi người cũng luôn nói về chi phí của hồi môn. Việc thực thi quy định cấm của hồi môn ở Ấn Độ dường như không hiệu quả vì quy tắc xã hội khiến các gia đình ủng hộ truyền thống và vi phạm pháp luật. 

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.