Những ngọn lửa ký ức

Thứ Ba, 20/03/2012, 15:00

Tôi là người quê. Những ký ức ấu thơ còn tươi rói. Những ký ức cuộc đời thao thiết và đẹp đẽ nhất chính là vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống quê làng, vẻ đẹp của một vùng văn hóa. Ấy là một vùng quê trung du hạ lưu sông Đà. Nhìn sang sông về hướng Nam, núi Tản (Ba Vì) sừng sững hắt bóng xuống dòng sông thu trong xanh, thanh thản duỗi mình. Cũng hướng ấy, ngay bên kia sông bờ hữu là làng Khê Thượng, quê cụ Tản Đà.

Thường sau một năm, nhất là những giờ khắc năm cùng tháng tận, chuẩn bị sang năm mới, vận hội mới, người ta hay ngồi nhớ lại một năm làm ăn, sinh kế, kiểm lại việc nhà, đo việc thiên hạ. Người phận hẩm, gặp năm làm ăn khốn khó, nhiều xui xẻo thì buồn nẫu, co kéo làm sao cho cái tết rồi cũng qua mau; và có lúc ngồi nghĩ mãi không ra, vì sao mình nghèo khổ, thậm chí đầu óc mình đâu có thua kém ông nọ đầu làng, bà kia cuối phố. Người khéo lo khéo liệu, biết kéo ngân lượng từ túi thiên hạ về mình hoặc gặp may đường nghiệp kế, quan lộc thì hỉ hả việc họ việc làng, việc nương trên tựa dưới, du hí tươi cười, hớn hở đợi ngày mai sáng sủa, hoạnh phát hơn. Người hiểu được việc đời, thiên thời thì ung dung tự tại, mỉm cười, nhìn thiên hạ…

Ấy là trường đoạn ngắn câu chuyện của một con người. Đến một tuổi nào đó, người ta hay nhớ lại những kỷ niệm từ năm nọ, tháng kia bùi ngùi như thế. Ngẫm ra, có biết bao điều trong cuộc đời, từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành; cả quá trình sống và trải nghiệm thì kể sao hết buồn vui, thăng trầm, mơ ước và hy vọng của một vòng nhân sinh. Nó dường như không mất đi mà được lưu cả lại trong hộp ký ức, tạo nền tảng của cảm thức và tư duy trong con người ta, tùy mức độ đậm nhạt khác nhau.

Tôi là người quê. Những ký ức ấu thơ còn tươi rói. Những ký ức cuộc đời thao thiết và đẹp đẽ nhất chính là vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống quê làng, vẻ đẹp của một vùng văn hóa. Ấy là một vùng quê trung du hạ lưu sông Đà. Nhìn sang sông về hướng Nam, núi Tản (Ba Vì) sừng sững hắt bóng xuống dòng sông thu trong xanh, thanh thản duỗi mình. Cũng hướng ấy, ngay bên kia sông bờ hữu là làng Khê Thượng, quê cụ Tản Đà.

Bỗng lại nhớ cái khí thơ, được cho là của cụ: “Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Câu thơ của thi sĩ tài danh, bất đắc chí, đầy kiêu bạc, và ngông, có thể người ta hiểu nhiều cách… Còn tôi, tôi thì cứ ám ảnh cái khí thơ và nghĩ, ta phải biết lớn, cái khác nhau là biết lớn, lớn ngay từ những ký ức bình dị nhưng sâu nặng về con người mà thắp lên các ý tưởng của mình.

Cũng ở lưu vực và vùng văn hóa này, truyền thuyết về cuộc đại thủy chiến Sơn Tinh, Thủy Tinh sau cuộc thi kén rể của Vua Hùng và những chuyện cổ tích khác mà bà nội và mẹ tôi thường kể, còn in đậm trong tâm hồn tuổi thơ. Ngược bờ tả con sông từng là nơi thủy chiến của Sơn Thần, vùng thượng huyện còn ngôi đền Mẫu Đức Thánh Tản ở Lăng Xương (nay là Xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ). Ở sân đền có cái giếng Ngọc, nước trong văn vắt, soi tận đáy trời. Bên giếng có phiến đá in đậm hình một bàn chân Giao Chỉ, tương truyền đó là phiến đá Mẫu vẫn ngồi giặt áo và nuôi Tản Viên lúc thiếu thời. Lạ kỳ thay, bàn chân lõm đá giang san ấy đã sinh thành một vị Thánh được tôn thờ trong thiên hạ, mà không cần phải hô hào, kêu gọi gì. Thuở đi học cấp 3 trường huyện nơi sơ tán chiến tranh phá hoại, bọn tôi đi hái củi vẫn thi thoảng qua đền, nghỉ ngơi và vãn cảnh. Người ta truyền bảo ngôi đền linh lắm!

Động Lăng Xương, theo truyền thuyết còn là quê hương và nơi ông bà Đế Lai sinh thành Quốc mẫu Âu Cơ, người tiên nữ giáng trần đẹp như nét hội tụ tinh túy của trời đất, trường tỏa thơm ngát như hương hoa lạ. Bà kết duyên cùng Lạc Long Quân sinh ra bọc trứng một trăm trai đinh. Ngày nọ, họ chia nhau năm mươi người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, năm mươi người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng mở mang bờ cõi. Rừng và biển Việt Nam đã có từ thủy tổ của tri thức và tâm hồn người Việt, như một lẽ tự nhiên là thế.

Người con cả theo mẹ, dừng lại lập đô ở núi Nghĩa Lĩnh (Đền Hùng ngày nay), cách Lăng Xương về phía Bắc, bên kia sông Thao (sông Hồng) chừng hơn hai chục cây số, truyền ngôi được 18 triều vua. Nghĩa Lĩnh, Thủ đô đầu tiên của nhà nước Văn Lang, bàn thờ tối linh Quốc Tổ… Có thể nói, đó là một vùng quê đẹp, vùng của những truyền thuyết lung linh về những người khai thiên lập địa. Vùng có đủ hợp lưu những con sông lớn ở Bắc Bộ; những suối ngòi, hồ ao, bãi mía, nương dâu, vườn chuối, đồi ruộng; có mùa ổi, mùa bưởi, mùa mít, mùa dứa vàng thơm; có triền đê, bãi sông, đồng cỏ thả diều; có bóng đa, mái đình làm nơi trú ngụ những ngày mưa nắng chăn trâu trên đồng, vui chơi ngày lễ hội; có ngôi chùa cổ làm bằng gỗ lim, thưng bằng gỗ mít, mà tuổi nhỏ tôi vẫn theo bà nội lên chùa ăn lộc oản, cháo hoa và tò mò xem các cụ cầu kinh…

Tất cả những ảnh hình quê kiểng và thân thuộc ấy ngồn ngộn trong những tầng của hộp ký ức tâm hồn đứa trẻ quê nơi tôi. Một đứa trẻ quen với phù sa, những sải bơi trong dòng lũ sông Đà. Một đứa trẻ quen với mùa cá rô rạch ngược mưa rào, mùa cá chép, cá chuối vật đẻ bùng nhùng trong đám cỏ lúp xúp nước; mùa mò cua úp cá đồng sâu. Một đứa trẻ ùa ra đồng cùng đàn sẻ và bầy sáo sậu líu ríu trên lưng trâu.

Và những cánh buồm nâu thong dong xuôi ngược sông Đà, hay những buổi sáng mùa đông tê tái, nhìn từng đàn sếu từ phương Bắc bay qua sông về phương Nam, đã mang theo tâm hồn mơ mộng và lãng mạn tuổi thơ theo những đôi cánh nhấp nhóa trời cao, mang mang tưởng tượng về một phương trời lạ đầy bí ẩn, về mùa chim di trú, cánh chim như đời sống chuyển dịch của chính con người trong thiên tạo vần xoay. Mỗi lưu ảnh và nghiệm trải thiếu thời, không đơn giản là sự tích tụ của ký ức, của những kinh nghiệm sống, chính nó đã làm nên cấu trúc tâm hồn, làm nên hình hài văn hóa quê làng, tồn tại ngàn đời của nền văn minh lúa nước và đời sống cư dân nông nghiệp Việt. Nói to tát hơn, nó là văn hóa Việt, là tâm hồn Việt.

Nhớ khi còn nhà sử học, Giáo sư Trần Quốc Vượng, mỗi lần nói chuyện về văn hóa làng, ông vẫn gọi Hà Nội là cái làng góp. Cho đến bây giờ, nó vẫn chỉ là cái làng góp, tứ chiếng sinh cơ mà thôi. Văn hóa đô thị, văn minh đô thị vẫn lổn nhổn và mờ nhạt bởi sự pha trộn tứ chiếng ấy nó còn khá mỏng manh, manh mún, chia cắt, vón cục, còn lâu mới thành nền, thành bền chặt như văn hóa làng; nó chỉ là phái sinh kẻ chợ, chưa thành nếp thị dân, nếu không có một bản lĩnh xướng, một quốc sách xây dựng để thành người Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Tất nhiên, ký ức quê làng còn mang theo bao nỗi buồn tủi của những năm đói kém cơ hàn, thèm cơm nhớ cháo. Những năm mà phải đợi đến bữa tất niên ngày 30 Tết bọn trẻ chúng tôi mới được một bữa lòng sốt, được bố chia sớt một miếng tiết canh lợn mà sung sướng, hả hê nhường nào. Những năm mà việc họ, việc lớn của nhà phải đợi dịp trâu toi, lợn ốm mới được phép chính quyền cho mổ, lấy thịt mà liên hoan. Những năm mà đa số phụ nữ quê phải may quần, may áo bằng bao bột mì viện trợ của nước ngoài, nhuộm đen, gọi là quần phíp. Quần phíp mỏng và thưa trước gió, hoặc ngược sáng, trông nó “nhạy cảm” lắm!

Rồi lại nhớ cái tết năm học lớp 6, vải chẳng có, mà cũng không có tiền để may quần tây, bố may vội cho cái quần gụ bổ đũng, thắt dây rút. Diện bộ “củ” ra ngõ với đôi dép lốp cao su tụt bì bạch mà tủi, chạy vội về nhà nằm, nước mắt cứ ứa ra vì thẹn với mấy đứa bạn gái tóc đuôi gà. Đó là chiếc quần bổ đũng cuối cùng trong ký ức cậu học trò tinh nghịch, mà cũng có lúc nao lòng, mềm yếu. Nhưng ngay tất cả những niềm đắng đót, thân phận ấy cũng là dấu khắc để ta tạc dạ, ghi lòng, mà tìm cách thoát phận lớn lên, kẻo cụ Tản Đà lại cứ ngoái đầu nhìn lại giễu ta, ai người lớn?!

Chính từ cái quần thể xóm thôn, những con đường quê chân chỉ, đan nhau dưới mái làng bình yên, người quê mời nhau bát nước chè xanh, chung điếu thuốc lào, giúp nhau lợp mái dựng nhà, chia sẻ cùng nhau những khi tắt lửa tối đèn, lá lành đùm lá rách mà bền chặt ý thức cộng đồng, tình thương đồng loại, giữ nếp gia phong, biết ơn nguồn cội… giúp ta đi qua biết bao cơn thăng biến cuộc đời, bao lần sóng gió của vận nước.

Xem ra, thì vẫn là những chuyện cũ từ đời nảo đời nào. Nhưng nhiều chuyện cũ, nét đẹp quê làng xưa đã biến thiên, phai nhạt hoặc trống vắng biết bao khi ta gặp quá nhiều phiền toái, bất an, lộn xộn… của đời sống đương đại, không chỉ ở đô thị, mà ngay ở nhiều ngôi làng thuần khiết của ngày xưa. Sự ly tán, bất an, hoang mang, cộng với những nghèo khó dài lâu làm không ít người ta sốt ruột tranh giành, ích kỷ, vô cảm, băng hoại đạo đức, nhạt nhòa thuần phong mỹ tục… cộng đồng.

Trở lại cái làng quê thân thiết của tôi, giờ đã không còn những cây ruối già quả chín đỏ rực, hay hàng râm bụt xanh ngắt bờ giậu. Thay vào đó là những bức tường rào gạch cao, cổng kín. Bây giờ cũng hiếm gặp một thiếu nữ có mái tóc dài ngát hương bồ kết trên bờ đê lộng gió. Tóc dài, nếu còn sót lại đã có đội quân đi mua gom bán cho nước ngoài, làm gì kịp mọc. Không còn những bầy sếu di trú về phương Nam. Và tuyệt nhiên, lâu lắm rồi, không một bóng quạ, bóng diều hâu… chao liệng.

Cuộc sống thay đổi quá nhiều. Có những cái mất đi, có thể mất vĩnh viễn những ánh xạ của văn hóa. Mà nó, đã một thời làm nên tôi, nên bạn, nên những giá trị của cộng đồng. Khi những ý nghĩa tinh thần nguồn cội, lịch sử và văn hóa bị sao nhãng hoặc chối bỏ, những kỷ niệm đẹp của đời sống không còn được trân trọng nuôi giữ, làm sao có một cơ thể quê làng khỏe khoắn, lành mạnh để lớn lên. Ta hiểu vì sao những ảnh hình lung linh một thuở chỉ còn biết sống tù túng trong những hộp ký ức, hoặc trong câu chuyện kể về ngày xửa ngày xưa, của một lớp người mà thôi!

Trần Quang Quý
.
.
.