Những người đàn bà đạp sóng vươn khơi

Chủ Nhật, 22/05/2016, 12:35
Họ, dù đã cười thật tươi nhưng không giấu hết nỗi nhọc nhằn sau một đêm mưu sinh ngoài biển. Dù ngoài kia, sóng vỗ ầm ào xô bờ cát, ánh bình minh tinh tươm tỏa rạng thúng tôm cá tươi giòn, thì đâu đó vẫn hằn những lo toan thường nhật và nỗi buồn giông bão. Hình ảnh bi hùng ấy chúng tôi bắt gặp ở những người đàn bà "đạp sóng vươn khơi".


1.Sớm tinh mơ, sương mù dày đặc ôm trọn làng cá Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), đã nghe tiếng gọi nhau í ới của chị em đi biển trở về. Trong màn sương trắng đục, gần chục nữ ngư phủ hùng hục bốc cá từ dưới khoang tàu vào những chiếc thúng để cánh đàn ông đội lên bờ.

Mùi cá, mùi mực nhập nhụa vào mớ tóc rối bung của các chị, bám chặt vào bộ quần áo lao động màu xanh xám. Nghe có người hỏi thăm, chị Nguyễn Tú Lệ ngẩng mặt lên nhìn rồi nhoẻn miệng cười, để lộ hàm răng ố vàng bởi cà phê và thuốc lá.

Cá về cảng, chị em chuẩn bị thu gom.

Ở đây, đàn bà đi biển có thói quen uống cà phê và hút thuốc lá. Họ "nghiện" chẳng khác nào đàn ông. Một anh cửu vạn ở cảng cá, cho biết: "Họ hiền khô à. Đi biển mà không có thứ ấy thì làm sao chống chọi được cơn buồn ngủ. Tôi giật mình, để ý thật lâu mới cảm nhận được sự hiền khô trên khuôn mặt những người đàn bà này.

Nhìn thật lâu vào đôi mắt, thấy rõ những vết chân chim xẻ ngang xẻ dọc, vết trầy xước ẩn sâu trong mớ tàn nhang như ruộng cháy. Và bàn tay trắng bợt, nhăn nhúm như người chết trôi. Uống cạn ly cà phê đen đặc, chị Lệ nhảy phóc xuống boong tàu, lau chùi, dọn dẹp sàn tàu, xếp lại tay lưới và những thứ hầm bà làng bày biện ngổn ngang sau một đêm kiếm cá ngoài khơi.

Đêm hôm qua, vợ chồng chị Lệ đánh bắt được ngót một tạ cá tôm các loại. Vừa vào tới bờ đã có đầu nậu chực sẵn để thu mua. Chị Lệ cho biết, bán rẻ một chút để về nhà lo cơm nước, chăm sóc con cái. Mấy tháng nay trời thương, biển ít "nổi giận" nên việc mưu sinh cũng "xuôi chèo mát mái".

Bữa cơm gia đình chị Lệ không còn chan đầy nước mắt như mùa bão lũ năm ngoái. Kể đến đây chợt nước mắt chị Lệ trào ra, dường như nỗi đau lại ập về. Đêm tháng mười biển đen kịt, tàu vợ chồng ngư phủ vừa găm neo, bủa lưới thì sóng lớn mai phục từ bao giờ bất thình lình "tấn công" khiến con người không kịp trở tay.

Con sóng cao tầm năm mét đánh văng mọi thứ, hất tung hai vợ chồng xuống biển. Anh Đen nhanh tay vồ được chiếc vỏ can 50 lít làm giá đỡ cho chị Lệ. Hai vợ chồng chấp chới giữa biển đêm, kêu gào khản cổ cầu cứu. Hơn 3 giờ ngâm mình dưới nước lạnh, chị Lệ sức đã tàn, lực đã kiệt. Chị thều thào dặn chồng: "Anh cố gắng sống để nuôi con. Chúng mình không thể chết cùng nhau được".

Mỗi chuyến ra khơi, chị Hạnh để lại vài con cá làm thức ăn cho gia đình.

Anh Đen ôm chặt lấy vợ, giữ không cho chị buông tay. Trời mờ sáng, một chiếc tàu câu mực của bạn làng chài đến cứu hai vợ chồng đưa về bờ. Sau đận chết hụt ấy, hai vợ chồng chị Lệ tay trắng. Không có tiền ra khơi, anh Đen đi làm phụ hồ, chị Lệ đi nhặt cá thuê sống lây lất qua ngày. Ba đời ông bà cha mẹ bám biển, mùi cá tôm lâu ngày không dính vào người như thiếu thứ gì gần gũi, thân thương lắm.

Sáng nào anh Đen cũng lặng lẽ ra bến thuyền, rồi "thèm thuồng" ngắm những con tàu chở nặng cá tôm cập bến. Lòng anh xót xa, khắc khoải. Anh bàn với vợ: "Hay là mình liều mạng một phen, mang sổ đỏ căn hộ đi cắm lấy tiền đóng tàu".

Chị Lệ chờ câu nói này của chồng từ rất lâu rồi, không cần suy nghĩ, chị gật luôn. Có tàu mới, hai vợ chồng hăm hở vươn khơi, quyết tâm giành lại những gì đã mất. Sau một năm quay lại nghề, vợ chồng chị đã gom được số vốn hòm hòm, cứ đà này vài tháng nữa sẽ đi chuộc lại tấm sổ đỏ.

2.Tàu của vợ chồng chị Hạnh chuyến đi này "chiến lợi phẩm" đìu hiu hơn nhà chị Lệ nên chủ nhân ngồi thừ ra, không muốn về nhà. Chị rít một hơi thuốc thật dài, khói cuồn cuộn tỏa vào màn sương đặc quánh, khuôn mặt chị trầm mặc, hằn rõ nỗi buồn.

Chị buồn vì cả một đêm vắt kiệt sức kéo lưới mà "cốc mò cò xơi" vì tay lưới bị thủng một lỗ to bằng cái thúng. Cá vào đằng trước luồn ra đằng sau, kéo lên toàn thấy rong rêu và mấy con cua rẻ tiền. Hai vợ chồng đốt đèn khâu vá nhưng không ăn thua vì sóng biển mạnh đánh cho tan tành, vết rách càng to thêm.

Anh Chiến nhìn vợ buông câu chửi thề vô hồn vào không trung rồi quăng tay lưới bỏ đi. Cá thu về không đủ tiền dầu thì lấy đâu sắm tay lưới mới cả chục triệu đồng. Thua lỗ, nhưng không đi thì chẳng biết làm gì ở làng biển này. Đi biển đã thành thói quen, ăn vào nếp sống từ bao đời nay, nhiều khi đi chỉ vì nhớ thôi. Hơn nữa, ăn con cá biển tự tay mình đánh bắt được cũng sướng cái bụng.

Công đoạn phân loại cá tôm tốn rất nhiều thời gian.

Thời con gái, chị Hạnh nào biết biển là gì, lấy chồng làm nghề cá thế là thành ngư phủ luôn. Ông bà nội cho chiếc tàu cũ, hai vợ chồng tự vươn khơi mà sống. Ngày đầu tiên ra biển, chị Hạnh say thừa chết thiếu sống, nôn ra cả mật, không làm gì nổi. Ngày thứ hai, thứ ba cũng vậy.

Say đến nỗi, chị đã từng bỏ chồng về nhà mẹ đẻ. Mẹ chị chửi một trận rồi đuổi về. Ngẫm câu nói của mẹ, chị thấy tim thắt lại: "Từ trước đến nay chưa có ai say sóng mà chết cả. Mày đi lấy chồng có chết ngoài biển cũng phải theo chồng". Những chuyến biển sau, chị Hạnh bớt say sóng dần.

Chị tâm sự: "Do câu nói của mẹ cay đắng quá, làm mình mạnh mẽ hơn. Chồng vất vả nhiều, cũng là động lực để mình quên đi sóng gió". Chị tập uống cà phê thật đặc, thật đắng nhằm làm cho cơ thể lâng lâng, say say. Say sóng gặp say cà phê, hai cái say sẽ đánh tan nhau. Đó là kinh nghiệm đối với bản thân chị.

Tàu nhỏ, vợ chồng chị đánh cá gần bờ, cứ 12 giờ đêm dong tàu vươn khơi, 4 giờ sáng đánh tàu về cảng là vừa. Hai đứa con của anh chị lúc nhỏ gửi ông bà trông. Năm 2011, nhà nước "đổi" túp lều tôn bên mép biển của anh chị bằng căn hộ chung cư sáng sủa, gọn gàng.

Nhớ lại đêm đầu tiên ngủ trong nhà mới, chị Hạnh đã không thể chợp mắt bởi niềm sung sướng tột cùng. Nhiều khi giật mình thức dậy vẫn chưa tin đó là sự thật, vẫn quờ quạng xung quanh xem có còn tấm tôn phập phùng, kêu reng réc mỗi đợt gió lùa.

Từ ngày có nhà mới, thằng con đầu lên 6 tuổi, anh chị yên tâm để ở nhà trông em. Sáng cha mẹ về cho ăn cơm rồi đi học. Những hôm tàu gặp sóng lớn vào bờ muộn, hai đứa nhỏ nhà chị Hạnh nhịn đói dắt nhau đi học. Chúng hiểu hoàn cảnh của cha mẹ nên không quấy khóc, cũng không đòi hỏi điều gì.

Thân đàn bà lênh đênh giữa biển, oằn vai kéo lưới, đến nỗi cơ bắp các chị cuồn cuộn săn chắc. Hầu như chị nào cũng bơi rất giỏi và có khả năng lái tàu thay đàn ông. Đàn bà đi biển, thiệt thòi đủ thứ, suốt ngày dầm dề với cá mú tanh tưởi. Chị Hạnh tâm sự: "Về nhà ôm con vào lòng cho đỡ nhớ mà nó bịt mũi đẩy ra, bảo người mẹ toàn mùi cá, bẩn lắm. Mình chỉ biết ngậm ngùi quay đi, ứa nước mắt đấy chứ".

Cảng cá Nại Hiên Đông sáng sớm sương mù vẫn chưa tan hết.

Vất vả, hiểm nguy không làm nữ ngư phủ ở làng cá này nao núng. Ngày mai, những mẻ lưới nặng trĩu vẫn sẽ có bàn tay của người đàn bà kéo lên. Biển cả mênh mông có một phần mồ hôi nước mắt của họ, chỉ có niềm hăng say lao động là vượt lên tất cả.

Ngọc Thiện
.
.
.