Những người đàn ông độc thân mắc kẹt trong trại tị nạn ở Hy Lạp

Thứ Năm, 30/08/2018, 14:43
Một năm trước, Fahed (không phải tên thật của nhân vật) rời nhà ở Damascus, Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, anh lên một chiếc thuyền cao su để di chuyển đến đảo Lesbos của Hy Lạp. Rất nhiều người đàn ông độc thân giống như Fahed đang mắc kẹt trong những trại tị nạn ở Lesbos, mòn mỏi chờ đợi cơ hội được tị nạn chính thức ở Hy Lạp.


Những người đàn ông tị nạn độc thân đang bị bỏ rơi

“Ở Syria, chúng tôi luôn phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Tôi rời bỏ Syria vì muốn tìm đất nước ổn định để bắt đầu cuộc sống mới. Tôi rất kỳ vọng tương lai tươi sáng hơn ở phía trước nhưng khi đến đây, việc tôi phải làm lúc này là chờ đợi”, Fahed, một người đàn ông 27 tuổi nói. Anh là một trong số hơn 4 triệu người đã rời bỏ quê hương mình trong bảy năm qua.

Không giống như hầu hết những người tị nạn khác, hiện nay, Fahed vẫn sống trong một trại tị nạn trên đảo Lesbos. Ngay từ khi đặt chân đến Hy Lạp, Fahed đã được cơ quan cung cấp dịch vụ tị nạn Hy Lạp phỏng vấn để xác định xem có đủ điều kiện xin tị nạn ở Hy Lạp hay bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Từ đó đến nay, Fahed vẫn chưa nhận được bất kỳ câu trả lời nào từ các cơ quan chức năng Hy Lạp. Tình trạng của Fahed cũng là tình trạng chung mà nhiều thanh niên tị nạn độc thân khác đang phải đối mặt.

Tình trạng quá tải, bạo lực trong các trại tị nạn gây tổn hại lớn đến sức khỏe tinh thần của người tị nạn.

“Tôi không biết sẽ phải sống ở đây một tuần, một tháng hay một năm nữa. Chưa ai đưa ra câu trả lời và tôi cũng không biết khi nào có câu trả lời chính thức. Nếu không có tư cách pháp lý, tôi không thể tìm việc làm hợp pháp ở Hy Lạp. Quá trình chờ đợi kéo dài khiến đôi khi tôi cảm thấy như bị tra tấn", Fahed nói.

Theo thống kê, số lượng người tị nạn đến Hy Lạp đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Kể từ đầu năm 2018, gần 15.000 người tị nạn đã đến Hy Lạp, phần lớn đến từ Syria. Những người di cư sống trong trại tị nạn trên đảo chờ đợi phán quyết của các nhà chức trách cho tị nạn ở Hy Lạp hay trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tình trạng quá tải, bạo lực gây tổn hại lớn đến sức khỏe tinh thần của người tị nạn. Những người tị nạn thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chẳng hạn như phụ nữ mang thai, người lớn tuổi hoặc gia đình có con nhỏ sẽ được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết sớm hơn so với những người đàn ông độc thân. Những thanh niên trẻ như Fahed thường phải chờ đợi lâu hơn. Nhiều người cảm thấy bị bỏ quên hay mắc kẹt. Những người đàn ông tị nạn độc thân đang bị bỏ rơi”, Eva Cossé, chuyên gia của Tổ chức giám sát nhân quyền nhận định.

Xuất hiện nhóm đối tượng thiệt thòi mới

Eva Cossé cho biết thêm, việc phân loại người tị nạn dễ bị tổn thương và không dễ bị tổn thương đã vô tình tạo ra một nhóm đối tượng bị thiệt thòi mới. 

Giờ đây, để ra khỏi những trại tị nạn trên đảo, một người đàn ông như Fahed phải có gia đình đã định cư ở một nước châu Âu hoặc chứng minh được rằng, mình là nạn nhân bị tra tấn hoặc lạm dụng tình dục, là đối tượng dễ bị tổn thương. Nếu không, Fahed và những người đàn ông tương tự có thể mắc kẹt thời gian dài trên đảo và không có lựa chọn nào khác ngoài chờ đợi.

Nhiều người cho rằng, những trại tị nạn trên đảo Lesbos giống như những nhà tù ngoài trời vì tình trạng quá tải với điều kiện sống không đảm bảo. Tình trạng thất nghiệp, sử dụng ma túy, bạo lực diễn ra phổ biến. Chính vì vậy, việc sống quá lâu trong các trại tị nạn sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người tị nạn.

Một người đàn ông tị nạn trên đảo Lesbos, Hy Lạp.
Bên cạnh đó, khả năng bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất cao và đây cũng là “cơn ác mộng” với những thanh niên trẻ xin tị nạn ở Hy Lạp. Alan, 21 tuổi, một người tị nạn đến từ Syria nói rằng, trước khi đến Hy Lạp, anh đã có thời gian dài sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

“Tôi đã sống ở Thổ Nhĩ Kỳ nhiều tháng trước khi đến Hy Lạp. Tôi có thể bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ bất cứ lúc nào và tôi không bao giờ muốn điều này xảy ra. Không phải ở Thổ Nhĩ Kỳ thiếu cơ hội việc làm cho người Syria như tôi, cũng không phải tôi không đủ tiền để sinh sống ở đó mà do những bất ổn chính trị. Tôi thực sự lo sợ rằng, mình có thể thiệt mạng bất cứ lúc nào”, Alan nói. 

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.