Những người mẹ mùa xuân không về

Thứ Năm, 04/02/2016, 07:00
Những tiếng gào khàn, khô khan như đứt từng cuống họng. Ngỡ rằng người đàn bà này khốn khổ vì con, nuôi một đàn lúc nhúc như gà. Nhưng bà bảo: "Đời tôi đứt gánh hai lần, còn sức đâu mà đẻ nhiều thế. Là cháu ngoại cả đó, mẹ nó xuân này lại không về".


Người đàn bà khổ hạnh

Những ngày này, đường phố TP Hồ Chí Minh lấp lánh sắc màu, người người hối hả làm nốt những công việc cuối cùng của năm cũ, thì người đàn bà bán cơm vệ đường Lê Thị Hiền (55 tuổi) vẫn đang gồng mình với trăm nỗi lo. Bà bảo, mấy năm trước, Tết đến còn mong ngóng con cái trở về, nhưng càng mong càng biền biệt nên giờ chỉ có lo thôi.

Nhà bà Hiền ở đảo Thái Lan, nghe tên có vẻ  hơi oách nhưng thực chất đó là khu nghĩa địa đầy rẫy tệ nạn xã hội. Ở đó, bà có túp lều căng bạt dựa lưng vào hai ngôi mộ. Nó như một địa chỉ chết tên từ lâu lắm rồi, nên giờ ai hỏi cứ nói là ở đảo Thái Lan (thuộc phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Quê bà ở Bình Đại (Bến Tre), ngay bên dòng Ba Lai đổ ra cửa biển. Bà khoe rằng, cha mẹ bà là cán bộ cách mạng, một trong số ít người đến khai khẩn cù lao Bảo trước ngày giải phóng. Nhưng rồi vật đổi sao dời, khi cha mẹ mất, thì cũng mất hết, con cái không được hưởng lợi gì. Thủa thiếu thời, bà Hiền là một trong những thôn nữ xinh nức tiếng xứ dừa.

Nhiều người thương hoàn cảnh của bà cháu, thường cho gạo để bà nấu cơm bán.

Chẳng đợi tuổi, bà lấy chồng từ năm 15, lúc ấy không biết yêu là gì nhưng vẫn sinh được ba cô con gái, đẻ con như một bản năng. Ông chồng bà làm thì ít mà ăn chơi nhậu nhẹt thì nhiều. Rồi con chưa kịp lớn thì chồng bỏ theo gái, biền biệt từ đó. Cảnh mẹ góa nuôi con, bà lao ra đời đi buôn đi bán đủ thứ nghề trên đời. Nhưng cái duyên bán mua không hợp nên bà bị người ta lừa cháy túi hết lần này đến lần nọ. Bà ôm con lên TP Hồ Chí Minh, dựng lều lán ở đảo Thái Lan trốn nắng trốn mưa.

Thương bà lam lũ vất vả, một nách nuôi ba đứa con, người đàn ông góa vợ mang theo 7 đứa con riêng nguyện cùng bà vun đắp, hùn hạp vốn liếng và cùng nhau nuôi con. Lúc đầu bà e dè, trông đàn con nhung nhúc như cá mòi của ông ấy bà thấy ngán, thấy nặng gánh như trời sập. Nhưng bà lại thương, thương cảnh "gà trống nuôi con" nên gật đầu. Cô đơn lâu ngày được sưởi ấm bằng thứ tình cảm "mót lại", nhưng vẫn khiến bà rạo rực hẳn. Bà khao khát được yêu đương, được sống trọn vẹn ở cái tuổi hồi xuân, nhưng gánh nặng về đàn con đã đè bẹp tinh thần.

Cháu ngoại bà Hiền lăn lóc ngoài quán cơm lề đường.

Suốt 4 năm chung chạ, bà quần quật như con trâu, đầu tắt mặt tối ngày đêm, cùng lúc phải chiều chuộng một  ông chồng "chí phèo" đã quần nát thân xác mình. Sau một trận đánh te tua, bà không chịu nổi nữa. Vậy là chuyến đò thứ hai lỡ bến. Đã quá đau đớn với hai lần sang ngang, bà Hiền quyết tâm không lấy chồng nữa, ở vậy nuôi con. Bà mở một quán cơm nhỏ bên vệ đường, bán cho người lao động và công nhân. 

Xuân này mẹ lại không về…!

Trong số 3 chị em trong gia đình, thì Nguyễn Thị Hương (SN 1978) được bà Hiền yêu thương nhất. Thủa cơ hàn, Hương rất ngoan, chăm chỉ phụ giúp mẹ làm việc. Hương tỏ ra tháo vát từ nhỏ, việc gì cô cũng hăng hái làm. Nhưng, bà Hiền không ngờ rằng, chính sự tháo vát ấy đã nhen nhóm vào tâm hồn đứa con gái máu ham chơi. Hương mê đỏ đen lúc nào không hay, và hệ lụy là cô thường lén lút bớt xén tiền bán hàng của bà Hiền để mỗi chiều ném vào cờ bạc, bầu cua tôm cá.

Trò đỏ đen ngấm vào máu, học mới lớp 6, Hương tự ý bỏ học để ngày đêm lún sâu vào những cuộc ăn chơi cùng lũ bạn. Hương lang bạt khắp nơi, đi kiếm tiền bằng mọi việc. 17 tuổi, Hương thoát xác thành thiếu nữ mang một vẻ đẹp mượt mà và vô cùng quyến rũ. Nhiều lớp trai từ vùng này vùng nọ ngỏ ý cặp kê nhưng đều bị Hương cong môi từ chối. Bà Hiền cũng chưa muốn cho đứa con gái ngổ ngáo lấy chồng sớm, mà muốn nó thay tính đổi nết trước.

Nhưng rồi, một ngày nọ có bà mai dẫn mối người đàn ông Đài Loan sang ngỏ ý được cưới Hương. Sính lễ cưới, cùng một khoản tiền "bù đắp" đi kèm đã đánh gục bà Hiền. Bà đồng ý để con làm dâu ngoại quốc. Hương cắn răng theo chồng về Đài Loan. Sau năm năm biền biệt xứ người, bỗng một ngày, Hương ôm đứa con đầu bù tóc rối trở về sau những tháng năm sống tủi hổ, nhục nhã ở quê người. Giao con cho bà Hiền, Hương lại đi tìm miền đất hứa, nhưng chẳng biết là đi đâu. Gần 10 năm rồi chưa bén mảng về thăm con một lần.

Gia tài quán cơm của bà cháu bên lề đường.

Đứa thứ hai Nguyễn Thị Hảo (SN1981) chưa kịp lớn đã nối gót chị gái. Hảo nhanh chóng tấn công vào những nơi hào nhoáng. Mới đầu, Hảo thường tụ tập bạn bè trong các quán nhậu hay chầu chực tại những tụ điểm ăn chơi. Vì không có tiền nên những kiểu chơi bời của đám bạn Hảo chỉ mang tính chầu rìa. Một lần đi uống cà phê với bạn, Hảo đã lọt vào mắt xanh của một đại gia có nhà ở quận 7. Vẻ đẹp lấp lánh, non dại của Hảo như tiếng sét cắt ngang con tim gã công tử kia. Sau vài lần hẹn hò, tâm sự tỉ tê, Hảo đã "bật đèn xanh" cho người đàn ông  đi vào cuộc đời cô. Đảo Thái Lan lại một lần náo loạn khi nghe tin con gái thứ hai của bà Hiền lên xe hoa với một đại gia thứ thiệt.

Về làm dâu đại gia, Hảo không ngờ rằng, người chồng yêu chiều của mình lại là gã ăn chơi không có điểm dừng. Bàng hoàng hơn, Hảo phát hiện anh ta thường lui tới các vũ trường và chơi ma túy. Đêm nào anh ta lết xác về nhà đều trong trạng thái "như chết". Chồng Hảo ngày càng chìm đắm trong những cơn phê thuốc, anh ta còn công khai mang cả ma túy về nhà hút.

Những khi lên cơn, anh ta bắt Hảo đi mua thuốc, nếu không ắt sẽ có chuyện. Hảo cắn răng chiều chồng, riết rồi quen. Một vài lần Hảo hút thử cái bột trắng ấy và nghiện lúc nào không hay. Đến lúc không cần chồng sai bảo nữa, mỗi khi lên cơn, Hảo đã quen đường tìm đến những tụ điểm bán thuốc. Tiền gia đình chồng kiếm được có chất cao như núi rồi cũng cạn kiệt khi phải đáp ứng nhu cầu dùng thuốc ngày càng cao của hai vợ chồng. Tiền hết, tình tan, vợ chồng Hảo kéo nhau ra tòa ly hôn. Cô ôm đứa con hơn một tuổi về cho bà Hiền nuôi. Chuyến đò của đứa con gái thứ hai khép lại trong ê chề nhục nhã.

Đứa con gái thứ 3 không vội yêu sớm, ngoài 30 tuổi cô mới phải lòng "phi công trẻ" ít hơn 5 tuổi. Gã trai này tuy không giàu có nhưng được cái bảnh bao, dẻo mỏ, "hót hay" khiến Nguyễn Thị Hoài điêu đứng. Họ nhanh chóng "góp gạo thổi cơm chung", sống "già nhân ngãi non vợ chồng". Biết tin Hoài có thai, "phi công" hoảng hốt "bỏ của chạy lấy người". Hoài ôm bụng chửa vượt mặt về khóc thảm thiết với mẹ. Bà Hiền đã quá quen với tình cảnh này, chẳng còn nước mắt đâu mà khóc, thôi thì cứ bình tĩnh để đón đứa cháu ngoại tiếp theo.

Căn nhà rách ở đảo Thái Lan.

Một nách ôm ba đứa cháu ngoại, bà Hiền vẫn mong một ngày không xa mấy đứa con gái đi làm ở đâu đó sẽ mang tiền về, để bà nuôi cháu. Tết năm ngoái, Hương đột ngột trở về lại ôm thêm đứa con nữa. Bà Hiền sốc quá, khóc đến ngất phải đi cấp cứu. Hương trình bày rằng, đứa trẻ này có cha đàng hoàng, nhưng cô phải ôm con chạy trốn vì người cha kia muốn bắt con đi bán. Không biết từ khi nào, bà Hiền trở thành người mẹ vị tha nhất, bà vơ hết đàn cháu về mình, sống đờ đẫn như ngây như dại và phó mặc cho dòng xoáy cuộc đời.

Bây giờ, bà Hiền không dám mơ mộng, trông cậy vào con cái nữa. Bà lầm lũi kiếm tiền lo cho đàn cháu. Quán cơm bụi của bà ở bên vệ đường, chỉ có một chiếc dù rách che lên, còn lại là bao bạt luộm thuộc, mốc xỉn. Những ngày công nhân nghỉ, bà xách xe ba gác đi lượm ve chai. Chiếc xe ấy, đêm về là nơi ngủ của bà và một đứa cháu, còn hai thằng nhỏ nhất được đặc cách về "nhà" ở nghĩa địa ngủ. Hiện, trong bốn đứa cháu ngoại của bà Hiền thì chỉ có đứa lớn nhất 16 tuổi đang phụ tiệm hàn tiện được nuôi ăn. Đứa thứ hai 13 tuổi học hết lớp 4 phải nghỉ, nhưng tinh thần bất ổn do bị điện giật thừa chết thiếu sống. Giờ chỉ còn một thằng con trai đang học lớp 2 nhưng bà Hiền bảo, có lẽ sang năm phải cho nghỉ để thằng em nó vào lớp một.

Mùa xuân đã về, nhưng ngoài đường, bà Hiền vẫn dãi nắng dầm mưa trong lòng chiếc khung xe ba gác, nhặt từng miếng ve chai. Cháu ngoại bà nhếch nhác, đứa bám vạt áo, đứa níu chân quần, mắt mong ngóng những người mẹ đi biền biệt nơi xa sẽ sớm trở về.

Ngọc Thiện
.
.
.