Những người nâng cánh ước mơ

Thứ Hai, 02/01/2017, 16:35
Phía sau cánh cổng trại giam là hàng ngàn con người với hàng ngàn số phận khác nhau. Cho dù họ đã phạm lỗi lầm, thậm chí là gây tội ác nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn là những nhung nhớ, tha thiết lo toan cho cha mẹ, vợ (chồng), đặc biệt là những đứa con của mình.


Liên tục lấy tay quệt nước mắt, chị Nguyễn Thị Liên ở Móng Cái, Quảng Ninh khiến mọi người thật sự xúc động về câu chuyện của mình. Chị vốn sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng nhưng phiêu bạt về tận Móng Cái, Quảng Ninh sinh sống.

Ở đó, chị có một quán nước nhỏ, cạnh bờ sông Ka Long lần hồi buôn bán kiếm sống qua ngày. Chị lấy chồng, lần lượt sinh 3 đứa con, 2 gái 1 trai. Cuộc sống phức tạp vùng biên khiến chị không giữ được hạnh phúc lâu dài. Người chồng đã tìm hạnh phúc mới, để lại cho chị 3 đứa con nhỏ dại.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Liên (thứ 2 bên trái) với ân nhân là chị Đặng Thị Thanh Bình.

Trong 1 lần bán nước, có khách hàng nhờ chị vận chuyển một bọc ma tuý sang bên kia biên giới với giá cao. Đang khó khăn, túng quẫn, chị nhắm mắt làm liều. Không ngờ, cái lần đầu tiên và duy nhất đó, chị bị bắt, bị kết án 15 năm tù.

Chị Liên nhớ như in cái ngày cuối năm 2012, khi Công an khám xét nhà, cả ba đứa con, đứa lớn nhất chưa tròn 14, đứa bé lên 8 tuổi khóc thảm thiết, níu lấy chân mẹ. 4 mẹ con ôm chặt lấy nhau không muốn rời xa. Nhưng, rồi chị cũng hiểu không thể tiếp tục chăm sóc con nữa, chị bấu vai các cán bộ có mặt ở đó, nhờ chăm sóc con giúp mình.

Khi chị bị đưa đi rồi, Công an TP Móng Cái, Công an phường Trần Phú nơi chị sinh sống cùng với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH) làm thủ tục đưa các cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội vì các cháu đều đang ở tuổi trẻ em, không còn người thân nào khác.

Nhưng, cả 3 đứa trẻ, dù còn rất bé nhưng chúng đều ý thức được tình mẫu tử thiêng liêng, chúng không muốn đi Trung tâm bảo trợ, muốn được ở nhà tiếp tục bán nước đợi mẹ về. Là cán bộ Phòng LĐ, TP và XH chị Đặng Thị Thanh Bình cùng các đồng chí Công an có mặt hôm đó không ai cầm được nước mắt.

Cũng là người mẹ, chị thương những đứa trẻ không còn nơi nào bấu víu đang nức nở bên cạnh mình nên chị quyết định sẽ đỡ đầu cho bọn trẻ, bàn với các cán bộ Công an về thủ tục nhận nuôi các cháu.

Trước khi về, chị dặn "các con có nguyện vọng ở nhà thì phải có người bảo trợ vì cả 3 đều là trẻ em. Bác sẽ bảo trợ cho các con, nhưng bây giờ bác phải về cơ quan báo cáo và làm thủ tục đã. Quan trọng là các con phải ngoan, nghe lời bác, tự bảo ban nhau thì mới có thể ở nhà được".

Nghe thế, bọn trẻ gạt nước mắt, cậu con trai út nhảy lên vì sung sướng. Ngay chiều hôm đó, chị Bình làm đơn, xin xác nhận của cơ quan và chính quyền địa phương để được đỡ đầu, chính thức trở thành người mẹ thứ 2 của bọn trẻ.

Nói đơn giản thế nhưng là mẹ của 3 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, không nơi nương tựa, chưa được học hành quả thật không đơn giản chút nào. Hai đứa chị đã quá tuổi đi học nên chị chỉ có thể dạy chúng đọc, viết. Còn thằng cu bé mới 8 tuổi, không có giấy khai sinh.

Chị lại tất tưởi làm thủ tục khai sinh muộn cho nó, xin cho nó đi học. Có những lần bọn trẻ ốm đau, mệt nhọc, chị đều săn sóc chúng như con đẻ của mình. Chính vì thế, có bất cứ khúc mắc gì, bọn trẻ đều tâm sự, chia sẻ với chị. Hàng ngày, chị cố gắng thu xếp xong công việc nhà thật sớm để tạt qua thăm bọn trẻ, chiều về, chị lại qua cho chúng mớ rau, con cá.

Nhớ lại những ngày tháng đó, chị Bình cho biết "có lần, cháu gái lớn gọi điện cho tôi khóc thút thít "bác ơi, cháu bán hàng, khách gây gổ nên xảy ra đánh nhau, Công an gọi cháu lên, cháu sợ lắm...".

Anh Tạ Văn Thủy tặng hoa động viên vợ là phạm nhân Lê Thị Vân.

Nghe tiếng nức nở của con, tôi vội đến Công an phường Trần Phú hỏi rõ sự tình, được biết là các anh chỉ đưa đến để lấy lời khai về sự việc". Sau khi làm thủ tục, tôi đưa các cháu về, không quên dặn dò lần sau kiềm chế, không được đánh cãi nhau nữa.

Lần thứ 2, cháu Vân Anh lại nức nở "bác ơi, em cháu bỏ học, mấy hôm nay rồi". Tôi đến lớp gặp cô giáo, biết được cháu Vân Anh bỏ học vì đến muộn nên không vào lớp, bỏ học luôn". Tôi xin lỗi cô giáo rồi đưa con vào lớp. Cũng từ đó, cháu học hành chăm chỉ hơn...".

Chị Nguyễn Thị P ở Thanh Hà, Hải Dương kể lại cuộc đời như trong phim và sự nỗ lực vươn lên của mình khiến khán phòng rớt nước mắt. Chị từng làm cán bộ nhà nước, có ăn có học đàng hoàng nhưng cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, một mình nuôi 3 cô con gái.

Lúc đứa con đầu vào đại học, đứa thứ 2 vào cấp 3 và đứa út bước vào cấp 1 thì chị sa ngã. Hoạ vô đơn chí khi cô con gái đầu xinh đẹp, giỏi giang bị ốm mất đột ngột và cũng thời điểm đó hành vi phạm tội của chị bị phát giác.

Bị bắt khi mộ con gái còn chưa xanh cỏ, không người hương khói, 2 đứa còn lại còn nhỏ, mẹ già 85 tuổi không người trông nom, chị đau như cắt từng khúc ruột. Bước chân vào trại giam, chị thấy bầu trời như sụp đổ xuống. Chị từng gào khóc, than trách cho thân phận đầy hẩm hiu bất trắc của mình.

Chị còn nhớ như in những ngày đầy tuyệt vọng đó, nhớ những buổi chiều hết giờ nhưng cán bộ nán lại để hỏi thăm, động viên chị, rằng nếu chị không tự vươn lên cải tạo tốt thì các con chị sẽ không có người dạy bảo, mẹ già không có chỗ trông mong. Từ đó, chị như bừng tỉnh, nhận ra rằng chỉ có quyết tâm mới có thể sớm quay về.

Chị ngừng khóc, nén chặt lòng mình, để mỗi buổi sáng thức dậy chị có thể khoẻ mạnh nhất để lao động, làm việc hết khả năng với trách nhiệm cao nhất, luôn nghiêm khắc với bản thân mình, nỗ lực từng ngày, từng phút để được trở lại con đường sáng.

Hàng ngày, sau giờ lao động, chị dành thời gian viết nhật ký cho mẹ, cho các con. Trong đó, chị đã tự đề ra mục tiêu ngắn hạn, dài hạn đồng thời ghi lại quá trình phấn đấu của mình.

Cầm cuốn nhật ký, chị P xúc động "Tôi cảm ơn các cán bộ, nhất là cán bộ Nhuần, cán bộ Quý, cán bộ Nhân đã giúp tôi rất nhiều, từ việc trực tiếp thăm gặp con (những phạm nhân cảo tạo tốt được trực tiếp gặp người nhà, không phải nói chuyện qua cửa kính), cho tôi những miếng cơm cháy phơi lên gửi làm quà cho các con nhân ngày sinh nhật.

Bây giờ, các con tôi đã trưởng thành, ngoan ngoãn, mẹ già tôi vẫn còn sống. Con gái út học cấp 3 được đi thi tỉnh, tôi được mời dự các cuộc tuyên dương của con. Vào lại nơi này, tôi đã ôm cán bộ Nhuần khóc, nếu không có cán bộ, làm sao tôi được thế này...".

Đặc biệt, lúc chị P đi thi hành án thì chị Nguyễn Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ mẹ già và 2 con nhỏ của chị P, tạo mọi điều kiện để chị P yên tâm cải tạo; anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thị trấn Thanh Hà đã chỉ dạy cho các cháu, tạo điều kiện cho gia đình chị P được hộ nghèo để các cháu đi học không phải đóng học phí, mẹ già được chữa bệnh miễn phí...

Các phạm nhân trong buổi giao lưu thắp sáng ước mơ.

Vợ chồng phạm nhân Lê Thị Vân gây được sự thông cảm, xúc động của cả hội trường bởi sự thương yêu, chia sẻ. Chị Vân phạm tội, bị bắt khi 2 con gái còn chưa trưởng thành, cháu bé mới 9 tuổi.

Từ đó đến nay, gần 10 năm trời, anh Tạ Văn Thuỷ - chồng chị ở nhà bươn chải làm lụng để nuôi các con. Ngoài làm ruộng, anh còn tranh thủ làm thợ xây để kiếm tiền. Ngoài làm bố, anh còn làm mẹ, thay vợ nuôi 2 cô con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn, rất cần sự chỉ bảo của mẹ.

Phải nói rằng, ít có người đàn ông được như anh Thuỷ bởi sau khi vợ phạm tội phải đi tù, ở nhà vừa làm bố, vừa làm mẹ, lại chỉ có 2 cô con gái. Ở Việt Nam ta, tư tưởng có con trai vẫn đè nặng nên nếu là người khác, rất có thể họ từ bỏ người vợ tội lỗi để tìm hạnh phúc mới, vừa có thể có con trai, vừa có người chăm chút cho mình.

Nhưng, anh Thuỷ không làm vậy, anh một mực thuỷ chung với vợ, hết lòng chăm sóc các con. Chia sẻ với chúng tôi về cảm giác người đàn ông có vợ phạm tội, anh bảo: "Chả có gì xấu hổ cả, ai cũng có lúc sai lầm. Tôi không giận vợ, chỉ thương cô ấy, mong cô ấy cải tạo tốt để sớm về với bố con tôi".

Nhìn người đàn ông gầy gò, khắc khổ, bàn tay chai sạn vì những buổi xách hồ, vì quần quật trên đồng ruộng để kiếm miếng cơm, con cá cho con... nhiều người không khỏi xúc động và khâm phục.

Không thể nói hết những chia sẻ, tâm tư cũng như kinh nghiệm của các phạm nhân đang ngày đêm miệt mài học tập, phấn đấu có tương lai tươi sáng hơn. Chỉ biết rằng, những giọt nước mắt, những cái bắt tay chặt, những tiếng nức nở dưới khán phòng đã lay động trái tim của những người trong cuộc. Chính họ, những phạm nhân sẽ là người quyết định sự nỗ lực, phấn đấu cũng như trưởng thành của bản thân mình...

Phương Thủy
.
.
.