Những người trẻ Honduras tìm "giấc mơ Mỹ" ngay tại quê nhà

Thứ Tư, 21/08/2019, 14:27
Nasarette Alonzo làm giao dịch viên tại một ngân hàng ở San Pedro Sula, cô là một trong những người trẻ ấp ủ khát vọng thay đổi trên ngay chính mảnh đất quê hương mình.


Năm ngày mỗi tuần, Nasarette Alonzo làm giao dịch viên tại một ngân hàng ở San Pedro Sula. Mỗi buổi tối và đôi khi vào cuối tuần, cô đến Đại học Công nghệ Honduras để theo học chuyên ngành Quan hệ quốc tế. Cô là một trong những người trẻ ấp ủ khát vọng thay đổi trên ngay chính mảnh đất quê hương mình.

Những người trẻ "đi ngược xu hướng"

"Tôi sống cùng với mẹ. Mẹ khuyên tôi tiếp tục học để lấy bằng thạc sỹ. Tôi đi làm để nuôi mẹ và kiếm tiền trang trải việc học tập", Alonzo, 28 tuổi, mặc chiếc áo màu đỏ thẫm và đeo khuyên tai nói. Khi hàng ngàn người Honduras, cả trẻ và già rời bỏ đất nước để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở Mỹ, Alonzo dường như đang đi ngược lại xu hướng. Cô muốn có cuộc sống tốt hơn ở đây.

Người dân ở Honduras nói rằng, yếu tố chính khiến họ di cư đến Mỹ là thiếu cơ hội tốt, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Nhiều người khẳng định, họ sẵn sàng ở lại đất nước nếu có việc làm, ít bạo lực hơn và tình trạng tham nhũng được kiểm soát.

Đại học Công nghệ Honduras (UTH), một tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận có 11 cơ sở trên cả nước, do Roger D Valladares thành lập vào năm 1987. Đây là nơi thu hút khá đông sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu và lao động theo học. Các khóa học cử nhân được thiết kế trong thời gian học bốn năm với mức học phí 1.250 USD/năm.

Con trai của ông Valladares - Roger Enrique Valladares - Phó Chủ tịch điều hành UTH say mê nói về việc tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi. "Cha tôi xuất thân từ một gia đình rất nghèo. Sau khi tạo được chỗ đứng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông mong muốn làm việc gì đó truyền cảm hứng để giúp đỡ người khác", Valladares nói.

Valladares nói thêm rằng, Honduras đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như đây là một trong những tuyến đường vận chuyển ma túy vào thị trường Mỹ hay vấn nạn tham nhũng. 

"Bạn không thể sống với đôi mắt nhắm nghiền nhưng những quốc gia khác như Guatemala và El Salvador cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Tuy nhiên, tôi thấy tiềm năng to lớn của đất nước. Đó là du lịch, đầu tư nước ngoài, thương mại. Hãy tìm kiếm cơ hội", Valladares nói.

Christian Forno, người đã có 6 năm học tập tại Mỹ, trong đó có thời gian theo học tại trường ẩm thực ở Florida nói rằng, anh quyết định trở lại quê hương vì tìm được cảm hứng, muốn giúp đỡ mọi người. Christian Forno có một nhà hàng pizza tên là "Forno" ở San Pedro Sula. 

"Nhiều người làm việc trong cửa hàng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên tôi đã dạy họ. Tôi đã chọn trở lại quê hương và không hối hận về quyết định này. Có rất nhiều cơ hội để thử nghiệm và cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây", Christian Forno nói.

Nhiều sinh viên tại trường Đại học Kỹ thuật Honduras mong muốn thực hiện "giấc mơ Mỹ" ngay trên mảnh đất quê hương.

Chính phủ cần phải hành động nhanh hơn và đầu tư mạnh vào giáo dục

Oscar Ramirez, 25 tuổi, đang nghiên cứu về marketing nói rằng, Chính phủ của Tổng thống Juan Orlando Hernandez phải làm nhiều hơn để giúp các doanh nghiệp địa phương. "Chính phủ đang nỗ lực thay đổi nhưng chúng tôi cần câu trả lời ngay bây giờ. Những người trẻ tuổi, doanh nhân với ý tưởng tốt sẽ đi đến các quốc gia khác nếu ở đó có cơ hội phát triển tốt hơn", Oscar Ramirez nói.

Theo Oscar Ramirez, Chính phủ cần phải hành động nhanh hơn và đầu tư mạnh vào giáo dục. Trong thời gian dài, lĩnh vực y tế và giáo dục chưa được đầu tư đúng mức. "Nếu cung cấp nền giáo dục tốt cho một đứa trẻ, bạn có thể thay đổi cuộc sống của chúng. Nếu không có giáo dục, các em sẽ tiếp tục đến Mỹ", Ramirez nói.

Theo thông tin từ tờ The Guardian (Anh), chi tiêu cho giáo dục và văn hóa ở Honduras đã giảm từ khoảng 33% ngân sách xuống còn khoảng 20% trong 10 năm qua. Đồng thời, chi tiêu cho an ninh và quốc phòng đã tăng từ khoảng 13% lên 15%.

Tại một trong nhiều cửa hàng cà phê cao cấp ở San Pedro Sula, nhiều người đang trò chuyện hoặc truy cập internet trên máy tính xách tay như thể đang ở London, Seattle hoặc Tokyo, doanh nhân Eduardo Facusse nói rằng, thách thức chính của Honduras là nền kinh tế tăng trưởng 3,5% trong năm 2018, không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông nói rằng, có tới 100.000 người Honduras không thể tìm được việc làm mỗi năm.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Honduras được công bố ở mức 6%. Trong khi đó, hệ số đo lường sự bất bình đẳng Gini xếp hạng Honduras đứng thứ 15 thế giới. Kiều hối mà người dân Honduras chuyển về từ nước ngoài là 4,75 tỷ USD vào năm 2018, chiếm khoảng 20% GDP.

Theo ông Eduardo Facusse, mấu chốt của vấn đề là sự bất ổn chính trị. Doanh nhân quyết định đầu tư hay không phụ thuộc vào sự ổn định, không nhất thiết là ổn định kinh tế mà là ổn định chính trị. "Chính phủ không tạo được niềm tin từ phía người dân. Cùng với đó là nạn tham nhũng tràn lan. Đây là những vấn đề khiến các nhà đầu tư rất quan ngại", ông Eduardo Facusse nói. 

P. Tường (Tổng hợp)
.
.
.