Những nhà báo quyên góp làm đường xóa thế ốc đảo ở Đồng Mậm

Thứ Tư, 29/06/2016, 11:25
Nghe người bạn kể về hành trình kêu gọi, quyên góp để xây dựng con đường Đoàn Kết dài 20km nối ốc đảo Đồng Mậm nằm giữa lòng hồ Cấm Sơn đến trung tâm xã của một số nhà báo ở Hà Nội, chúng tôi đã tìm về xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để trải nghiệm với người dân khi có con đường mới.

Khỏi phải nói họ vui đến thế nào bởi bao đời nay cuộc sống nơi ốc đảo luôn tối tăm vì không điện, không đường, không trạm y tế. Cả thôn duy nhất chỉ có một điểm Trường Tiểu học Sơn Hải, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, con đường duy nhất gắn kết họ với đất liền là những chiếc thuyền trên lòng hồ.

Ốc đảo hoang vu đã được khai sáng

Rất tiếc cho chúng tôi hôm về Sơn Hải trời mưa to nên không được đi trên con đường mới mở mang tên Đoàn Kết, mà phải mượn thuyền để vào Đồng Mậm. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải – ông Giáp Hồng Đăng cho biết: “Con đường này mới chỉ là đường đất, hễ mưa là lầy lội, đất trên núi sạt lở xuống không đi vào được”. 

Giải thích cái tên Đoàn Kết, ông Đăng hào hứng: “Vì nó có sự chung tay đóng góp của nhiều người, nhất là các nhà báo ở Hà Nội đã quyên góp được gần 800 triệu cùng với các nguồn khác thành gần 1 tỷ đồng để làm đường”. 

Thuyền vào Đồng Mậm không phải lúc nào cũng có sẵn nên anh cán bộ địa chính xã phải chạy đi chạy lại tới vài lần mới mượn được. Cấm Sơn là hồ thủy lợi lớn thứ tư trên cả nước, nằm ở địa bàn 4 xã của huyện Lục Ngạn. Duy nhất trên lòng hồ chỉ có thôn Đồng Mậm thuộc xã Sơn Hải là có con người sinh sống. Những năm gần đây, do mực nước hồ Cấm Sơn liên tục dâng cao, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Các em học sinh phải đi thuyền mất gần 2h mới tới điểm trường. Mà hồ thì rất rộng, tổng diện tích khi nước dâng là 3.000 ha, lòng hồ nơi sâu nhất đến 30m.

Các nhà báo đi trên con đường Đoàn Kết.

Chỉ cách Hà Nội hơn 100km mà chúng tôi phải mất nửa ngày mới tới được Đồng Mậm. Ốc đảo nằm biệt lập ở giữa hồ Cấm Sơn. Không điện, không đường, không trạm, bao năm nay người dân ốc đảo sống bằng tự cung, tự cấp. Đi vào trong thôn, lác đác mới nhìn thấy bóng nhà, hai bên đường là ruộng lúa xanh mướt và rừng vải thiều đang ra quả. Càng vào sâu, chúng tôi mới hiểu vì sao Đồng Mậm lại được xếp là một trong 36 thôn nghèo nhất cả nước. 

Bí thư chi bộ thôn – anh Giáp Văn Phụ nói: “Bao đời nay, người dân Đồng Mậm sống trong cảnh “3 không”. Con đường duy nhất để nối chúng tôi với đất liền là những chiếc thuyền kia. Hôm nào mưa dông, gió bão thì đành chịu, có đau ốm cũng không vào bờ mà chữa bệnh được”.

Thôn Đồng Mậm được hình thành từ khi nào không rõ, nhưng theo anh Phụ thì ban đầu chỉ có 5-7 gia đình làm nghề chài lưới sống trên lòng hồ, đời này qua đời khác, Đồng Mậm đã đông đúc như ngày hôm nay với 101 hộ, trên 500 nhân khẩu. Giọng nói oang oang, anh Phụ bắt đầu kể: 

“Trẻ con ở đây đứa nào cũng biết chèo thuyền để đi học hết. Thứ 2 thuyền đưa giáo viên vào đây dạy học, chiều thứ 6 lại đón về. Chúng tôi đã từng làm cầu gỗ bắc qua vài đoạn hồ, nhưng nước lên đã nhấn chìm cầu. Mơ ước bao đời nay của chúng tôi là có một con đường, nhưng dân thì nghèo quá, không có tiền. Muốn làm đường phải xẻ nhiều dãy núi, lấp nhiều chỗ lội… May mắn chúng tôi được các nhà báo quyên góp làm cho con đường dài 20km. Niềm vui này không gì diễn tả nổi”. 

Nét mặt hồ hởi, anh xúc động khoe tiếp: “Từ khi cha sinh mẹ đẻ tới giơ, tôi mới biết ánh sáng của đèn điện. Có điện, nhiều nhà sắm tivi, tủ lạnh, quạt chứ trước kia chỉ thắp đèn dầu, đèn ắc quy thôi. Tháng 9-2014, nhờ con đường, Điện lực Bắc Giang mới có chỗ để trồng cột điện và đưa điện về thôn, khiến cuộc sống của chúng tôi thay đổi rất nhiều. Nhưng quan trọng nhất, có đường trẻ em đi học không còn phải tròng trành trên những con thuyền nguy hiểm nữa”.

Những nhà báo làm nên kỳ tích

Có thể gọi đây là một kỳ tích mà những nhà báo đã đem đến cho nhân dân Đồng Mậm, giúp họ thỏa mãn mơ ước bao đời nay. Nhớ lại thời điểm đó, cô giáo Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hải cho biết: 

“Tâm nguyện của riêng tôi cũng như giáo viên, học sinh và nhân dân Đồng Mậm khát khao có một con đường bộ đi lại cho bớt nguy hiểm. Rất may hồi đó có phóng viên ở Hà Nội lên, tôi đã trình bày nguyện vọng và ý tưởng, không ngờ được chị Phạm Hà (Báo Nhân dân), anh Hải Đăng (VTC16) cùng anh chị phóng viên ở Thông tấn xã Việt Nam nhiệt tình chia sẻ, kêu gọi sự giúp đỡ, quyên góp của bạn bè và mọi người chung tay làm con đường dài gần 20km đến thôn Đồng Mậm”.

Điểm trường Đồng Mậm.

Trong một buổi chiều Hà Nội nắng như đổ lửa, tâm sự với nhà báo Phạm Hà (Báo Nhân dân) về chặng đường vận động xây dựng con đường Đoàn Kết của nhóm phóng viên mà chúng tôi không khỏi cảm động. 

Nhà báo Phạm Hà được coi là người “đứng mũi chịu sào” trong nhóm nhà báo quyên góp mở đường tâm sự: “Lúc đầu, khi làm đường con đường này, quả thật nhóm bọn mình không hình dung là sẽ huy động được bao nhiêu. Con đường không có dự toán, không có thiết kế, bạn bè ủng hộ được bao nhiêu thì đưa lên cho xã làm đường”. 

Theo chị Hà thì ý tưởng làm con đường Đoàn Kết xuất phát từ cuối năm 2013, khi nhà báo Hải Đăng (VTC16) đăng phóng sự về trẻ em nghèo Đồng Mậm hàng ngày phải chèo đò mấy giờ trên hồ nước sâu đến trường. 

“Đăng có nói thế này, Báo trả cho em nhuận bút 1 triệu đồng, em để dành cho Đồng Mậm, chỗ đó được 2 giờ máy xúc. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao lại giờ máy xúc”, Đăng giải thích rằng dân khao khát có con đường quá đã thuê xe ủi san núi, nhưng hoàn toàn vay nợ, đợi đến mùa lúa, mùa vải có tiền thì trả, nhưng qua hai vụ lúa ngập sâu mất trắng, dân không có tiền, nên tôi đã quyên góp tiền giúp dân. Cuộc quyên góp này trở thành việc chung của tôi với nhà báo Đoàn Ngọc Thu”.

Đợt một, chị Hà ủng hộ 100 giờ máy xúc. Sau đó, nhờ sự sẻ chia của các nhà báo, nhiều tấm lòng đã ủng hộ xây đường. Kể với tôi, chị Hà cho biết: “Khó khăn nhất là xin tiền. Tôi vận động anh em, bạn bè, mỗi người một ít. Tết năm 2015, họa sĩ Bùi Hoài Mai là bạn của tôi bảo cho Hà một bức tranh và mấy thùng đồ gốm, bán đi mà làm đường. Nhà báo, nhà văn Đoàn Ngọc Thu ra mắt tập thơ “Vé một lượt”, chúng tôi đã biến buổi ra mắt thành buổi bán đấu giá, bạn bè quyên góp thêm nhiều thứ nữa, thu về gần 200 triệu, riêng tranh của anh Mai bán được 5.000 USD. Rồi lại được Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam VIDIFI hỗ trợ 100 triệu qua Báo Thời nay. Nhà báo Hồng Trâm đã huy động cả nhà, bạn bè được gần 100 triệu”. 

Đến ngày 16-12-2014, con đường xóa thế ốc đảo Đồng Mậm đã mở sơ khai được khoảng 16km, vét rãnh được 8km. Chị Hà lại nhận được thư của cô giáo Thạo khẩn thiết nói nguyện vọng của nhân dân muốn mở thêm gần 2km đường xuống bến sông để học sinh đi học sẽ đi một đoạn trên hồ khoảng 100m bằng thuyền có dây cáp để kéo. Việc này sẽ giúp các em không phải chèo thuyền hơn 1 giờ tới điểm trường nữa… Các nhà báo lại tiếp tục kêu gọi và được một vài doanh nghiệp ủng hộ gần 300 triệu nữa để mang lên Đồng Mậm. Tháng 5-2016, con đường Đoàn Kết đã được bàn giao cho chính quyền và nhân dân nơi đây.

Đoàn Kết đã trở thành con đường xóa thế ốc đảo, đưa người dân Đồng Mậm thoát khỏi tăm tối bao đời, mở ra một chân trời mới cho trẻ em và nhân dân lòng hồ. “Những chuyến xe ôtô chở vật liệu xây dựng đầu tiên đã tới được thôn. Trước đây, chúng tôi phải vận chuyển vật liệu bằng thuyền, sau đó lại phải đưa trâu hoặc sức người ra kéo về, chi phí đắt gấp 4-5 lần so với ôtô chở bằng đường bộ. Tôi mỗi tháng 3 lần ra xã họp, toàn phải mượn thuyền để đi, giờ đi bằng xe máy tiện lắm”- anh Giáp Văn Phụ hào hứng khoe. 

Theo ông Giáp Hồng Đăng thì con đường Đoàn Kết vẫn là đường đất, để hoàn thiện nốt cần rất nhiều kinh phí như làm cống, làm rãnh, hạ đèo cao xuống thấp, thảm mặt… Tuy đi lại còn khó khăn nhưng trẻ em từ Đồng Mậm ra trường cấp II đã được bố mẹ đèo bằng xe máy 40 -60 phút, thay vì phải chèo thuyền 3h như trước kia. Trẻ em trong thôn hứng khởi khi đi học bằng con đường mới, sang nhà nhau chơi không phải chèo thuyền nữa. Niềm vui này không gì so sánh nổi, nhất là người dân Đồng Mậm được tiếp cận với ánh sáng văn hóa khi điện về đến thôn. 

“Nhân dân chúng tôi vô cùng cảm kích trước đồng cảm, tâm huyết và nhiệt tình của các nhà báo”- anh Giáp Văn Phụ xúc động nói.

Qua bao trăn trở, vất vả, giờ đây khi kể lại chuyện làm đường, nhà báo Phạm Hà chỉ nói: “Lý do của chúng tôi chỉ là giúp bà con thôi”. Đồng Mậm đi lại khó khăn là thế, nhưng chị Hà và các đồng nghiệp đã bao lần tới nơi đây, mang từng gói bánh, quyển vở, quần áo cho các em học sinh. 

Dù con đường đã bàn giao cho chính quyền xã, nhưng trăn trở với nó vẫn luôn đau đáu trong lòng nhà báo Phạm Hà: “Mùa mưa bão sắp đến, đường thì chưa hoàn thiện, chưa có cống thoát nước, nếu đất đá sạt lở xuống thì học sinh và nhân dân sẽ đi lại ra sao? Tôi rất mong Đồng Mậm nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh Bắc Giang cũng như của nhiều nhà hảo tâm để hoàn thiện nốt cho cư dân lòng hồ một con đường nối với đất liền”.

Các nhà báo đi trên con đường Đoàn Kết.

Điểm trường Đồng Mậm.

Trần Hằng
.
.
.