Từ Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương:

Những nhà thơ nước ngoài có ngoại ngữ là tiếng Việt

Thứ Ba, 28/02/2012, 15:32
Điều đặc biệt là trong số các đại biểu Trung Quốc tại Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương, không chỉ có một người biết tiếng Việt. Nhà thơ, dịch giả Điền Tiểu Hoa của Trung Quốc cũng nói tiếng Việt khá tốt, chị đã nhiều lần đọc thơ bằng cả hai thứ tiếng. Tại liên hoan, Điền Tiểu Hoa cũng đã tiếp xúc với một số tác giả Việt Nam cả thơ và văn xuôi để thực hiện một số kế hoạch dịch thuật văn học Việt Nam ra tiếng Trung.

Với một sự kiện mang tính quốc tế, trở ngại lớn nhất vẫn là rào cản ngôn ngữ, dù tiếng Anh vẫn được coi là tiếng nói chung nhưng không nhiều người có đủ vốn liếng thứ ngôn ngữ quốc tế ấy để có thể tự tin tuyệt đối. Bởi thế nên, tại Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Việt Nam đầu tháng 2 vừa rồi, bên cạnh việc giao tiếp tốt tiếng Anh, đã có không chỉ một nhà thơ ngoại quốc có thể sử dụng thành thạo tiếng Việt, một thứ ngoại ngữ tưởng chừng như là “của hiếm” đã khiến các đại biểu tham dự, nhất là các “đại biểu nội” cảm thấy vô cùng thú vị. Phần lớn họ là nhà thơ, đồng thời cũng là dịch giả tiếng Việt, mỗi người một vẻ, nhưng họ đã góp phần làm cho Liên hoan thành công hơn.

Là đại biểu đọc tham luận đầu tiên trong phần Hội thảo, nhà thơ, dịch giả GS Chúc Ngưỡng Tu đến từ Trung Quốc đã khiến cả hội trường bất ngờ không chỉ vì ông cất giọng đọc bằng tiếng Việt thuần thục mà còn vì những hiểu biết cặn kẽ về văn hóa Việt Nam, về đời sống thi ca tại Việt Nam. Bản tham luận của ông có tên “Vài ý nghĩ về thơ và việc dịch thơ”.

Nhà thơ Phiulavanh Luangvanna, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào và nhà thơ Pornpen Hatrankool của Thái Lan cùng trình bày một bài thơ bằng tiếng Việt.

Chúc Ngưỡng Tu khiến nhiều người ngạc nhiên khi nói: “Trong tiếng Việt, thơ không những là một danh từ, mà còn chuyển nghĩa sang một tính từ, nó chỉ một cái gì đó rất đẹp, ví dụ “nên thơ”, “thơ mộng”. Tại miền Trung Việt Nam, có cả nón bài thơ hoặc nón thơ chỉ loại nón mỏng, trắng, soi thấy các hình trang trí ở bên trong, trông rất đẹp. Miền Nam Việt Nam thậm chí có cả tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ…”. Suốt những ngày diễn ra Liên hoan, Chúc Ngưỡng Tu là đối tượng săn đón của báo chí cũng vì ông quá rành tiếng Việt, các phóng viên có thể phỏng vấn trực tiếp thoải mái các vấn đề của Liên hoan, những nhìn nhận nền thơ ca Việt Nam...

Điều đặc biệt là trong số các đại biểu Trung Quốc, không chỉ có một người biết tiếng Việt. Nhà thơ, dịch giả Điền Tiểu Hoa của Trung Quốc cũng nói tiếng Việt khá tốt, chị đã nhiều lần đọc thơ bằng cả hai thứ tiếng. Tại liên hoan, Điền Tiểu Hoa cũng đã tiếp xúc với một số tác giả Việt Nam cả thơ và văn xuôi để thực hiện một số kế hoạch dịch thuật văn học Việt Nam ra tiếng Trung.

Một đại biểu khác đến từ Trung Quốc, GS Hoàng Hoa Hiến, giảng viên của Đại học Quảng Tây cũng có thể nói tiếng Việt, tuy nhiên khả năng này của anh mãi đến buổi tiệc chiêu đãi bế mạc liên hoan mới được nhiều người biết đến. Vì rành tiếng Việt nên GS, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu và nhà thơ, dịch giả Điền Tiểu Hoa cũng là những người dịch phần tiếng Việt của các nhà thơ Trung Quốc và trực tiếp đọc một số bài thơ bản tiếng Việt tại các đêm thơ trong khuôn khổ Liên hoan.

Đến đêm thơ thứ hai thì việc biết tiếng Việt đã không còn là “của riêng” đoàn Trung Quốc nữa. Dịch giả Hàn Quốc Ahn Kyung Hwan cũng có thể giao tiếp tốt thứ ngôn ngữ của nước sở tại. Cùng với thông tin ông chính là người dịch “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Hàn Quốc đã khiến báo chí, những đại biểu Việt Nam tham dự Liên hoan dành cho ông sự quan tâm đặc biệt.

Ngay ngày đầu khai mạc Liên hoan, biên tập viên Kiều Trinh của Truyền hình Việt Nam đã nhất định nhờ người phiên dịch tìm bằng được Ahn Kyung Hwan để phỏng vấn. Một số nhà thơ Việt Nam cũng có nhã ý muốn tặng sách cho ông. Bởi tìm được một người nước ngoài, lại là một dịch giả biết tiếng Việt, có thể đọc tác phẩm của mình bằng ngôn ngữ gốc thì còn gì quý bằng. Tại Liên hoan, Ahn Kyung Hwan đã đọc lại những bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Hàn và tiếng Việt và đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ phía khán giả.

Tự tin với vốn tiếng Việt, dịch giả Hàn Quốc Ahn Kyung Hwan một mình ung dung dạo chợ gốm Bát Tràng.

Qua những buổi đọc thơ tại Hạ Long và Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng như qua giao tiếp với báo chí, nhiều người mới nhận ra việc có thể nói tiếng Việt không còn là “độc quyền” của Chúc Ngưỡng Tu như hôm khai mạc nữa. Một nhân vật khác, nữ nhà thơ, GS sử học đến từ Thái Lan, bà Pornpen Hatrankool cũng có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Việt và còn am tường lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, bà bộc lộ khả năng nói tiếng Việt của mình muộn hơn.

Trong chuyến tham quan làng gốm Bát Tràng, tôi thấy Pornpen Hatrankool đi lại như… ma xó. Một mình bà len vào các quầy hàng xem xét, nâng lên đặt xuống chẳng khác nào một người Việt đi… chợ trời. Các đại biểu khác thì luôn đi theo đoàn hoặc có “bạn shopping” là các nhà thơ khác mới quen tại Liên hoan, đồng thời chú ý lắng nghe tiếng loa gọi của Ban Tổ chức để không bị lạc, còn nữ nhà thơ đến từ xứ sở Chùa Vàng cứ thản nhiên thăm thú khu chợ, ngó cái này, ngắm cái kia mặc dù có vẻ bà chẳng có ý định mua bán gì nhiều, đến khi các đại biểu đã ra xe hết bà mới lững thững bước ra cổng và ngó nghiêng xem xe của đoàn đỗ ở hướng nào.

Thấy bà đi nhầm đường, tôi chạy lại chỉ, nhìn tôi đeo máy ảnh bà hỏi bằng tiếng Việt: Cháu là phóng viên hả? Tôi đã ngạc nhiên vô cùng, hỏi chuyện mới biết hóa ra Pornpen Hatrankool đã học tiếng Việt được… ba chục năm. Là người Thái Lan nhưng bà sinh ra tại Trung Quốc, lớn lên tại Nhật Bản. Cũng chính hãng Toyota của Nhật đã tài trợ để bà học tiếng Việt. Là nhà thơ, dịch giả, đồng thời cũng là GS sử học nên trong chuyến thăm chùa Thầy, bà đã chăm chú tìm hiểu, hỏi han, ghi chép rất kỹ các thông tin về ngôi chùa cổ.

Tại buổi giao lưu đọc thơ tại chùa Thầy, Pornpen Hatrankool mới chính thức thể hiện khả năng nói tiếng Việt của mình. Và điều đặc biệt là, bà cùng với một nữ nhà thơ khác cũng nói được tiếng Việt cùng trình bày một bài thơ, bà thì hát, sau đó bạn diễn đọc lại bằng tiếng Việt. Bạn diễn của Hatrankool là nhà thơ Phiulavanh Luangvanna của Lào.

Chị Phiulavanh Luangvanna hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Lào, chị tâm sự coi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng mẹ đẻ. Đoàn nhà thơ Lào tham dự Liên hoan cũng không chỉ một mình Phiulavanh Luangvanna nói được tiếng Việt. Vì thế, trong đêm thơ thứ hai tại Hạ Long, dù chương trình đọc thơ chưa kết thúc, đoàn các nhà thơ đến từ đất nước Triệu Voi đã rủ nhau “trốn” đi dạo phố mà chẳng cần kè kè phiên dịch như các đoàn khác. Trong Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu, một nhà thơ Lào biết tiếng Việt khác, ông Pheng Phacul Con cũng đã trình bày bài thơ trùng tên với một bài hát nổi tiếng của Việt Nam, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Campuchia, nhà thơ Sim Vanna cũng nói tiếng Việt chẳng khác nào ngôn ngữ mẹ đẻ. Ngay khi vừa xuống sân bay, do bộ phận đón tiếp đứng ở cửa dành cho các chuyến bay quốc tế nên đã để lọt đoàn đại biểu đến từ xứ sở Angkor, bởi đoàn này lại sang TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ, sau đó mới bay tuyến nội địa từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Khi được cán bộ Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam thông tin, nhà văn Nguyễn Đình Tú, người được phân công đón đoàn Campuchia, tất bật chạy lại cửa nội địa tìm thì chỉ thấy có 2 đại biểu trong khi danh sách là 3. Hóa ra Sim Vanna đang tranh thủ ra ngoài gặp con trai và con rể, con trai anh đang học tại Việt Nam, còn con rể là một chàng trai Hà Nội chính cống.

Chạy ra tìm thì thấy vị trưởng đoàn Campuchia đang lích kích đồ đạc, bộ phận đón tiếp đành đứng chờ anh trao quà, quần áo và dặn dò con ở sảnh một lát rồi mới cùng đoàn ra xe về khách sạn. Hóa ra, vị Chủ tịch Hội Nhà văn Campuchia mang hàm Phó Quốc Vụ khanh đã từng có thời gian học tập tại Việt Nam nên anh chẳng lạ lẫm thung thổ nước chủ nhà cho lắm. Ngay khi đến Hạ Long, buổi tối hôm ấy dành cho các đại biểu nghỉ ngơi nhưng tôi đã thấy Sim Vanna cùng đoàn Campuchia tiếp đón một vị khách lạ sau bữa tối, hỏi Sim Vanna mới biết đó là một người bạn Việt Nam của anh ở Quảng Ninh biết tin anh có mặt tại khách sạn Grand Hạ Long nên đến thăm.

Những đại biểu tham dự Liên hoan biết tiếng Việt là một thuận lợi lớn trước hết cho chính bản thân họ. Không chỉ sử dụng tiếng bản địa để đọc thơ của chính mình, thơ do mình dịch, họ còn sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, trả lời phỏng vấn báo chí, ngoài ra còn tham gia vào phần thể hiện thơ bằng tiếng Việt của đồng nghiệp các nước khác tham dự Liên hoan. Cũng nhờ biết tiếng bản địa mà họ có thể trò chuyện thoải mái với các nhà thơ Việt Nam, vốn không nhiều người có thể sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, nhất là trong việc bàn luận về… thơ ca. Hình ảnh họ trước công chúng Việt Nam và các nhà thơ Việt trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Việc theo dõi chương trình, các sự kiện diễn ra tại Liên hoan cũng vậy, bởi dù công tác tổ chức có hoàn hảo đến mấy cũng không thể chuyển ngữ tất cả những gì diễn ra sang tiếng Anh một cách kịp thời và đầy đủ.

Những đại biểu như thế đã làm được nhiều hơn phần việc của một nhà thơ đi dự liên hoan thơ, họ đã nói hộ với bạn bè về những điều Việt Nam kỳ vọng, hướng đến, những thiện chí của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cũng nhờ sử dụng tốt tiếng Việt mà trong số những bạn bè họ sẽ có thêm từ Liên hoan lần này chắc chắn, số bạn bè là những nhà thơ Việt Nam sẽ chiếm phần đa số. Nhiều người trong số họ đã nói với tôi dự định khi về nước, họ sẽ viết về Liên hoan thơ tại Việt Nam, về chuyến đi này. Họ chính là những chiếc cầu nối của văn học Việt Nam với quốc gia mình và với thế giới

Nguyễn Xuân Thủy
.
.
.