Những nhân vật "truyền cảm hứng" trong năm 2019

Chủ Nhật, 19/01/2020, 14:13
Sau một hành trình dài bình chọn với thông điệp " Điều bình thường nhỏ bé", top 5 nhân vật "truyền cảm hứng" trong năm 2019 đã được công bố. Họ là những con người dám thay đổi, dám theo đuổi đam mê của mình và có những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.


1. Ông Bùi Công Hiệp - "Ông bụt" tặng hơn 100 tỷ cho trẻ mồ côi ở TP Hồ Chí Minh

Câu chuyện của ông Bùi Công Hiệp giống như  một "cổ tích giữa đời thường" khi ông quyết định dành tặng khối tài sản hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho các em nhỏ mồ côi. Nhiều người ngạc nhiên đến mức hoài nghi cả hành động cao đẹp đó của ông, bởi họ không hiểu vì sao ông có thể có những hành động "khác người" như vậy. Còn với ông Hiệp, số tiền đó đâu lớn bằng sự trưởng thành và niềm hạnh phúc của những em nhỏ mà ông nuôi dạy.

Ông Hiệp đặt tên căn nhà nơi mình nuôi dạy những em nhỏ mồ côi là Mái ấm Thiên Thần. Mái ấm này là tâm nguyện của ông từ những ngày còn làm bộ đội, khi ấy ông chiến đấu ở chiến trường Campuchia, nhìn thấy những đứa trẻ không cha không mẹ nằm bơ vơ ở bên đường nên nguyện là nếu trở về, làm ăn có tiền thì sẽ xây nên một ngôi nhà dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Những em nhỏ tại mái ấm của ông Hiệp không chỉ được ông chăm sóc ăn ở mà còn được cho đến trường. Ông Hiệp luôn chú trọng bồi dưỡng kiến thức và tâm hồn cho các em nhỏ. Người đàn ông ngoài 60 tuổi ngày ngày vẫn tự tìm hiểu sách nấu ăn để các con ăn uống đủ chất. Tự mình tìm tòi giáo trình trên thế giới để đem đến phương pháp học tập hiệu quả.

Những ngày đầu thành lập mái ấm, ông Hiệp gặp phải rất nhiều lời phản đối, bởi chuyện tự đứng ra mở một cơ sở nuôi dạy trẻ là không hề đơn giản. Cũng có lúc kinh tế không dư dả khiến việc duy trì mái ấm gặp nhiều khó khăn. Nhớ lại khoảng thời gian đó ông Hiệp vẫn luôn biết ơn gia đình đã luôn đứng phía sau ủng hộ. Với ông, chuyện đi một con đường dài cùng các em nhỏ không chỉ cần có tình yêu thương mà còn phải kiên trì và hy sinh.

2. Anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng

Chị Hoàng Thị Minh Hồng là một nhân vật để lại nhiều dấu ấn trong năm 2019, được Tạp chí Fobes bình chọn là 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Chị là nhà hoạt động môi trường người Việt Nam được Tổng thống Mỹ Barack Obama chia sẻ là một trong các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho ông trong năm 2018.

Chị là người phụ nữ lĩnh xướng các sáng kiến ở Đông Nam Á, thúc đẩy bảo tồn năng lượng. Chị hiện là giám đốc, người sáng lập tổ chức CHANGE với sứ mệnh cổ vũ nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường trong giới trẻ. CHANGE nghĩa là sự thay đổi. Chị Hồng chia sẻ thay đổi chính là cốt lõi của mọi quá trình tiến hoá, mọi cuộc cách mạng, mọi phát minh của nhân loại.

Thay đổi chính là khả năng con người có được, để ngày mai của mình sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Qua rất nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường, chị "ngộ" ra rằng các vấn đề môi trường của Việt Nam sẽ có thể được giải quyết nếu như mỗi cá nhân có khả năng thay đổi: thay đổi nhận thức và hành vi, thay đổi cách suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tập thể.

Đối với chị, thách thức lớn nhất trong hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn chính là nhận thức. Mọi người vẫn thường nghĩ các vấn đề môi trường không có tính cấp bách, hoặc biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa.

Nhưng trên thực tế, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường, thì sau cùng cũng là để con người có không khí sạch hơn để thở, có môi trường an toàn hơn để sinh sống, và con em mình trong tương lai sẽ được sống trong một hệ sinh thái trọn vẹn và hài hoà với thiên nhiên. Với những đóng góp của mình, chị được Climateheroes.org công nhận là Anh hùng Khí hậu (Climate Hero).

3. Khang A Tủa - chàng trai người Mông đầu tiên học ở Đại học Fulbright

Câu chuyện về chàng trai người H'Mông đầu tiên đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội, học được 2 năm, và xin nghỉ học và sau đó trở thành chàng trai  người Mông đầu tiên học ở Đại học Fulbright đã trở thành một nhân vật truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ. Dám từ bỏ, dám thay đổi để theo đuổi ước mơ của mình, đó chính là thông điệp mà Khang A Tủa mang đến.

Hành trình đến với Đại học Fulbright của Khang A Tủa giống như một câu chuyện cổ tích của Mù Cang Chải - một câu chuyện không bắt đầu từ đồng lúa, mà bắt đầu từ cậu bé Mông 5 lần 7 lượt bỏ học, có ông bố mù chữ và nghèo, nhưng nhẫn nại tột cùng để đưa con đến Đại học Fulbright.

Ngày Tủa đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội, bố Tủa rút ra 2 triệu đồng nhăn nheo, nhàu nhĩ, là toàn bộ số tiền mà ông đã tích cóp cả đời. Ông dặn dò con trai: "Đó là toàn bộ những gì bố có. Con cầm nó đi học, rồi sau này phải tự tìm cách lo cho mình".

Cậu bé người Mông xuống Hà Nội với 2 triệu bố cho, nhập học rồi tự lăn lộn mưu sinh theo mọi cách mà cậu có thể, kể cả việc đi mua từng thùng mì tôm về bán dạo trong ký túc xá. Sau hơn 1 năm học thì Tủa sớm nhận ra Đại học Bách Khoa Hà Nội dù vẫn luôn là một trường đại học hàng đầu, nhưng lại không hề phù hợp với Tủa.

Sau 2 năm học tại Đại học Bách Khoa, một nhà tuyển sinh của Đại học Fulbright Việt Nam đã vô tình bắt gặp Tủa trong một dự án xã hội và khuyến khích Tủa nộp đơn vào Đại học Fulbright Việt Nam.

Trong hồ sơ trúng tuyển của Tủa, Hội đồng FUV ghi rõ: "Tủa được chọn vì đã kể một câu chuyện thuyết phục và thể hiện được đích xác những phẩm chất mà Fulbright tìm kiếm ở các sinh viên đồng kiến tạo, đó là tinh thần ham học hỏi, tính tiên phong, hướng tới cộng đồng và nỗ lực bền bỉ".

4. Vì Quyết Chiến - cậu bé đạp xe 103km xuống Hà Nội thăm em

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ rằng: "Tôi chọn câu chuyện của Chiến (Vì Quyết Chiến) và mong các bạn cũng bình chọn cho Chiến, không phải vì những gì to lớn vĩ đại, chỉ đơn giản vì tình yêu mà cậu ấy đã dành cho em trai mình. Một câu chuyện không có hậu, nhưng dư âm để lại làm chúng ta trân trọng và suy ngẫm".

Vì Quyết Chiến là cậu bé 13 tuổi, sống ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Em của Chiến, Vì Văn Lực, bị viêm gan do rối loạn chuyển hoá, viêm phổi, vàng da ứ mật, suy dinh dưỡng nên phải nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Trước đó lúc xe cứu thương đi qua nhà, chuyển Lực cấp cứu sau sinh từ Bệnh viện huyện Mộc Châu xuống Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, Chiến chỉ kịp nhảy lên xe mấy giây, ngó thấy em nằm thoi thóp bên trong.

Suốt từ đó, Chiến nuôi hy vọng và quyết tâm xuống gặp em trai. Chiều 25-3-2019, Chiến cất cặp sách vào bàn, xin ông nội 10.000 đồng, giả vờ xuống trạm ăn quà, nhưng thực chất cậu băng qua đường bản Bướt, lén tìm cách ra quốc lộ 6, hướng thẳng Hà Nội. Chiến đạp một mạch không nghỉ, không mệt, không đói. Đi qua 15 con đèo lớn nhỏ, Chiến mệt lả ở Hoà Bình.

Không biết đường, cậu bé cứ chọn tuyến đường lớn mà đi, đoạn nào không biết thì hỏi. Đôi chân sưng vù, hai chiếc dép rách bươm. Mỗi lần đổ dốc hay qua đoạn đường khúc khuỷu, cậu bé phải lấy chân làm phanh "bất đắc dĩ", mùi dép chảy nhựa "khét lẹt" bốc lên.

Đoạn nào khó đi, Chiến xuống xe dắt bộ. Đêm 25-3, Chiến do quá mệt và đói nên nằm dưới cống nước tại địa phận tỉnh Hoà Bình để nghỉ, định là sáng hôm sau sẽ tiếp tục đạp xe xuống Hà Nội gặp em.

Lúc này, chiếc xe khách đi qua đã nhìn thấy cậu bé, qua một hồi hỏi han đã giúp Chiến liên lạc với bố mẹ, đồng thời đưa em xuống Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Trong đêm 25-3, lần đầu tiên trong đời Chiến được nhìn ngắm khuôn mặt xinh xắn, thân hình bé hạt tiêu của em út Vì Văn Lực.

Xúc động trước hành trình của Chiến, rất nhiều ''Mạnh Thường Quân'' đã đến nhà em ở Chiềng Yên, Sơn La để tặng quà và những chiếc xe đạp mới. Ngày 4-4, chiếc xe đạp không phanh của Chiến đã được một doanh nghiệp ở Quảng Nam mua lại với giá 103 triệu đồng, đúng bằng quãng đường Chiến vượt đèo, đổ dốc xuống Hà Nội thăm em trai.

5. 1977 Vlog - Con đường theo đuổi đam mê

977 Vlog, kênh Youtube chuyên sản xuất với những clip được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học Việt Nam, gây ấn tượng với thành tích giành được nút Vàng Youtube cùng 1 triệu subscribes sau 4 clip. Ngay cả Trung Anh - Việt Anh, cặp sinh đôi là cha đẻ của 1977 Vlog cũng không khỏi "choáng váng" trước sự thành công ngoài sức mong đợi này.

Những đại sứ “truyền cảm hứng” trong năm 2019.

Trước khi 1977 Vlog tỏa sáng, họ vẫn chỉ là những anh chàng bình thường, thật thà, hiền lành và nhút nhát. Và họ đã dám thử theo đuổi đam mê của mình. Cách của 1977 Vlog tỏa sáng đã truyền thông điệp về sự táo bạo và kiên trì theo đuổi đam mê cho các bạn trẻ.

Lan Tường (ghi)
.
.
.