Những phận đời mưu sinh ... nhảy tàu

Thứ Tư, 22/03/2017, 17:07
Trong chuyến đi xuyên Việt bằng tàu hỏa, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về những phận người sống "tầm gửi" vào tàu. Họ liều mình đu bám trên các thanh sắt, trườn người qua cửa sổ mời khách mua hàng. Vì miếng cơm manh áo, có khi họ phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và máu...

1. 22 giờ, chúng tôi có mặt ở ga Quảng Ngãi cho hành trình về Đà Nẵng. Chuyến tàu đêm lặng lẽ rời ga, bỏ lại phía sau những ngôi nhà cửa đóng im ỉm, đèn tắt tối om, bên trong những đứa trẻ đang no tròn giấc ngủ để cha mẹ chúng bắt đầu một đêm nhảy tàu mưu sinh. Chúng tôi mua vé ghế cứng, loại vé rẻ nhất trong các toa tàu.

Tàu lăn bánh tầm 10 phút thì từ thành cửa, hai người đàn bà đeo chiếc giỏ nan trước ngực nhoài đầu vào khiến chúng tôi giật thót tim. Bàn tay chị bấu chặt thanh sắt, một tay đưa vài bịch bánh mì Hà Nội mời chào. Ánh sáng le lói hắt ra từ toa tàu cũng đủ để chúng tôi nhận ra khuôn mặt và hình hài của chị. Đó là một thân hình đậm chắc, cánh tay chị vạm vỡ như đàn ông, da mặt thì đen sậm đồi mồi.

Chất giọng Quảng nhanh nhảu phả trong gió, hất vào toa tàu câu được câu mất. Nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu được chị đang cố gắng mời gọi khách mua hàng. Đứng bám một lúc thì chị nhờ người đàn ông giúp chị vào trong khoang. Anh ta kéo hết cánh cửa lên, nắm tay lôi chị vào. Chị lập cập cảm ơn rồi lại rao bán bánh, giọng thánh thót như chim hót.

Nhiều vị khách đã mua bánh của chị, mặc dù bụng họ không đói, mà có đói chưa chắc họ thích loại bánh mì mềm nhũn, bẹp dí, ướt nhẹp nước được gói kỹ càng phía trước bụng của người bán. Họ mua vì thấy chị quá đáng thương.

Độ mươi phút, hơn chục ổ bánh mì của chị đã được khách mua sạch. Chị cười tươi lắm, miệng liên tục cảm ơn. Xong mắt chị dáo dác nhòm qua cửa sổ tìm điểm tiếp đất. Chị cười xởi lởi thông báo: "Tui sắp nhảy tàu rồi".
Xen giữa những hành khách hối hả cho hành trình của cuộc đời là người nhảy tàu mưu sinh.

Nghe chị nói ai cũng xởn da gà, nổi gai ốc, không hiểu bằng sức mạnh gì mà chị có thể nhảy ra khỏi tàu giữa lúc nó đang cuồn cuộn trên đường ray. Chị nói rằng, nhảy tàu với chị như một động tác tập thể dục và chị đã tập môn này được gần 20 năm rồi.

Chị sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng cạnh đường tàu, ba mẹ chị làm nghề buôn thúng bán bưng ở ga nên ngay từ nhỏ chị đã thích nghi và quen thuộc với cảnh tượng cha chú mình đu bám trên đường ray tàu hỏa bán hàng. Chị lớn lên, không nghề nghiệp rồi bập vào chồng con khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi. Hoàn cảnh đẩy đưa, chị theo nghề như một lẽ tự nhiên.

Ở xóm nhà chị cũng có vài đồng nghiệp nữ theo nghề nên chị không cô đơn, lẻ loi. Chồng chị là dân vùng khác, không biết nhảy tàu nên phụ trách khâu đưa hàng và chăm con cái. Mỗi ngày chị nhảy tàu hai lần, sáng và tối, bán bánh mì là chủ yếu và thu nhập đều đặn hơn một trăm ngàn. Công việc không mất thời gian, chỉ tập trung khoảng hai tiếng cho mỗi pha nhảy tàu, xong thì về nhà tranh thủ cắt cỏ nuôi bò.

 Chúng tôi hỏi: "Vậy thời gian mang thai chị có nhảy tàu không"? Chị vỗ đùi một cái thật mạnh, thở dài một tiếng: "Từ ngày sẩy đứa đầu tiên là sợ phát khiếp. Có bầu không dám nhảy nữa". Chuyện cách đây mười mấy năm rồi, nhưng nhiều khi nó vẫn ám ảnh, làm chị day dứt khôn nguôi.

Ngày đó chị đang mang thai tháng thứ 3, người khỏe mạnh bình thường nên vẫn nhảy tàu như sóc. Tối về thấy bụng đau dữ dội, chồng chở ra trạm y tế khám thì y tá bảo chị bị sẩy thai. Bố mẹ chồng đay nghiến, trách móc, chồng buồn quá đi uống rượu mấy ngày không về. Chị chỉ biết khóc mà thôi, dặn lòng lần sau sẽ không liều mạng nữa. Từ ngày đó, bốn lần mang thai chị đều bấm bụng ở nhà, chịu đói chịu khổ để giữ con. 

Câu chuyện của chị vẫn miên man thì hồi còi tàu hú dài giữa trạm dân cư, chị vùng dậy, bay người lên cửa sổ và chỉ kịp nói với chúng tôi một câu: "Tôi về nhé". Rồi bóng chị mất hút vào màn đêm đen đặc. Người đàn ông bán vòng tay, hộp quẹt, thuốc lá… nãy giờ ngồi im chợt lên tiếng: "Con Đẹn (Lê Thị Đẹn) nhanh lắm, thuộc hàng cao thủ ở đây. Nó từng bị gãy chân một lần, rách bả vai mấy lần do va đập khi nhảy tàu. Nó gan lì và chịu đòn không ai bằng". 

Nhà ga lặng lẽ khi đêm về.

2. Ông Huân là người cùng làng với chị Đẹn, cũng là phận buôn thúng bán bưng theo bánh con tàu quay. Ngày nào ông cũng bắt chuyến tàu đêm từ ga Quảng Ngãi về Đà Nẵng và chủ yếu bán bộ hành ở khu vực sân ga, bến xe Đà Nẵng. Chiều tối hôm sau ông lại bắt tàu về nhà. Ông Huân ngồi ghé sát cửa sổ để hút thuốc.

Mỗi lần có người nhảy tàu,  ông nhíu mày, rít một hơi thuốc thật sâu rồi quay sang nói với chúng tôi: "Vừa rồi có hai em mới nhảy, bán trái cây ở khoang giường nằm. Đi chuyến tàu này mấy chục năm rồi, ma mới ma cũ, làm ăn ra sao tôi rành hết".

Thời trai trẻ, ông cũng là một tay nhảy tàu có số má trong "phi đội" nhảy tàu đốn củi ở khu vực đường hầm đèo Hải Vân. Ông nhận định, đây là nghề phiêu lưu mạo hiểm nhất so với các nghề nguy hiểm. Phi đội tiều phu nhảy tàu năm ấy ngoài những chàng trai lực điền, còn cả phụ nữ. Họ nắm lịch hoạt động của tàu trong lòng bàn tay và thực hiện những pha đu mình nhảy tàu chẳng khác nào Tôn Ngộ Không.

Ông Huân cho biết, hễ gà gáy canh năm (5 giờ sáng) đội tập trung ở ga Kim Liên chờ thời nhảy lên. Đoạn đường "quá giang" tàu đến điểm nhảy xuống khoảng 30km đường dốc hiểm trở, nhiều khúc cua. Khi tàu gần vào tới ga Hải Vân Bắc sẽ hãm phanh chạy chậm, là lúc phi đội thực hiện cú nhào người tiếp đất nhẹ nhàng như những cánh chim trời.

Kể về thời "hoàng kim" của sức khỏe, mắt ông Huân rực sáng, giọng ông dõng dạc tràn đầy năng lượng. Nhưng rồi mặt ông chợt đăm lại, ông nheo hai khóe mắt, giơ cánh tay có vệt sẹo như lưỡi liềm kể: "Hôm ấy tôi tiếp đất đột ngột thì bị quệt vào cành cây, nó móc rách toác chiếc áo của tôi, xước vào da thịt một đường, máu chảy như nước mưa. Bạn đi cùng xé mấy chiếc áo mới cầm được máu. Ở giữa rừng không thể chạy ra ngoài đi viện được, tôi phải ngồi gần một ngày chờ tàu đến, nhưng ngặt nỗi vết thương quá sâu ở cánh tay, tôi không thể bám vào thành mà nhảy được. Bạn phải dìu tôi vượt hơn 10 cây số đường rừng ra quốc lộ bắt xe".

Từ ngày bị tai nạn, ông Huân phải từ giã nghề nhảy tàu. Trường hợp bị thương như ông Huân khá nhiều, có người đứt lìa ngón chân, người rách vai, thủng bụng… Có người tàn phế cả đời. Nhưng đau thương hơn cả vẫn là những số phận bỏ mình trên đường ray băng giá. Đó là bà Nguyễn Thị Chín và anh Lê Văn Tám. Hai con người, hai cuộc đời và rồi chịu chung số phận bi thảm trong cuộc mưu sinh đầy hiểm nguy.

Ông Huân nghẹn ngào khi nhắc về bà Chín, một người bạn tốt bụng trong phi đội nhảy tàu năm xưa. Nếu là ông, có lẽ bằng kinh nghiệm đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Nhưng bà Chín là lính mới gia nhập đội, non kinh nghiệm lại là phận đàn bà chân yếu tay mềm. Lúc ấy, tàu lao nhanh và chuẩn bị vào hầm, do lơ là tích tắc, bà Chín không kịp cúi đầu xuống nên bị hất rơi xuống đất, tử vong tại chỗ. Còn anh Tám trong lúc lấy đà nhảy xuống thì bị trượt chân, người anh lăn xuống đường ray, thân thể không còn nguyên vẹn.

Chứng kiến hai cái chết thương tâm, ông Huân và những người nhảy tàu không khỏi rùng mình, ớn lạnh. Nhưng cũng chỉ được vài hôm hoảng sợ, họ lại sốc tinh thần, đi nhảy tàu tiếp để mưu sinh...

Khi câu chuyện vẫn đang tiếp tục thì tàu cập ga Đà Nẵng, ông Huân ôm giỏ hàng lững thững bước xuống. Giữa dòng người hối hả ngược xuôi trên sân ga, chẳng ai để ý đến ông nữa. Thoáng chốc, ông lọt thỏm vào màn đêm, mất hút cùng tiếng rao khàn đặc.

Và những chuyến hàng vội vã lên toa.

3. Chúng tôi tiếp tục hành trình theo bánh con tàu và bắt gặp không ít con người nhảy tàu mang đầy tâm sự. Từ ga Diêu Trì (Bình Định) đến ga Nha Trang (Khánh Hòa), hai người đàn ông nhảy tàu lem luốc, hốc hác bán trái cây và lạc luộc mời gọi khách mua hàng cứ tha thiết, nỉ non.

Tàu chạy trong ánh nắng vàng ươm của miền Trung mùa khô, ngó qua khung cửa sổ nhìn rõ vết chân chim trên khuôn mặt của họ. Khi ông nhảy được vào toa mới thấy hết vết thương cùng những dị tật trên người. Một bên chân của ông bị cụt ngón cái, ngón tay cũng bị cụt một đốt và đôi mắt chỉ còn một bên nhìn rõ. Hỏi sao người ông thương tật nhiều thế?

Ông chỉ vào đôi mắt nói: "Cái này là bẩm sinh, còn mấy chỗ kia là hệ quả của nghề nhảy tàu". Nói rồi ông cười khì, chìa ra bịch lạc luộc mời mua. Nhìn vào ông, tất nhiên ai cũng có thể hào sảng móc hầu bao mua giúp. Ông tên là Nguyễn Tần (52 tuổi, quê Tuy Phước, Bình Định), làm nghề... nhảy tàu được hơn 30 năm.

Ông tự hào khoe: "Tôi được xem là lão làng của nghề. Thời của tôi bây giờ hầu như không còn ai nữa". Vì đa phần đều có tuổi, sức khỏe yếu nên bỏ nghề. Ông Tần bây giờ cũng không còn khỏe nữa, cộng với con mắt tèm nhem nên bị tai nạn hoài. 

Mới tháng trước, trong lúc nhảy tàu chẳng may vấp phải hòn đá trượt chân ngã đập mặt xuống đất, máu mũi máu mồm chảy rất nhiều, may mà không bị bánh tàu cuốn vào đường ray. Nhiều lúc muốn bỏ nghề, nhưng nhìn vợ bại liệt nằm lây lất ở nhà, ông hiểu mình không thể. Ông chép miệng: "Người ta có con cái nhờ vả, còn mình không có ai phải chịu thôi".

Tàu về ga Tuy Hòa (Phú Yên) vừa lúc ông Tần bán hết mấy chục bịch lạc luộc. Ông hồ hởi vẫy tay chào mọi người, không quên gửi lời cảm ơn bằng giọng Bình Định. Nhìn dáng độc hành của ông đi giữa sân ga trên đôi chân tập tễnh, chợt có điều gì đó xót xa quặn thắt. "Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui", còn ông, không biết có bao nhiêu mùa vui trên hành trình nhảy tàu đầy nghiệt ngã của cuộc đời.

Ngọc Thiện
.
.
.