Những ‘thân cò’ lặn lội biển đêm

Thứ Sáu, 20/03/2015, 08:30
Với họ, biển cả mênh mông là nguồn sống, đời ngư phủ vui buồn theo những con sóng. Có những ngày thuyền về ăm ắp cá, xóm nghèo lại phơi phới bội thu, tiếng cười no say trên thúng cá tươi giòn. Nhưng biển cũng là nơi thường trực thảm họa và bất trắc không ai đoán biết được. Bám biển để sống là nhu cầu duy nhất. Ngoài ra họ chẳng thể làm nghề gì khác ở cái nơi sáng cá chiều tôm, một nhúm đất cũng mặn mòi mùi biển.
Chén cơm đong đầy muối biển

Ánh đèn pin le lói trên đầu, tiếng gọi nhau í ới giữa đêm, hàng chục tàu cá làng chài Long Hòa (Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh) rục rịch nhổ neo xé sóng tiến về hướng biển Vũng Tàu, Tiền Giang. Biển về đêm, sóng âm thầm giận dữ, cuồn cuộn trồi dập tưởng như nuốt chửng những con tàu khung gỗ bé nhỏ.

Bao nhiêu năm "cắm mặt" ngoài khơi, họ chỉ kiếm đủ cân gạo, hũ đường, nuôi được lũ con khỏe mạnh. Vì là tàu gỗ nhỏ, yếu, sức giãn nước bằng không nên ngư dân chỉ dám mon men đánh bắt gần bờ. Chiến lợi phẩm họ thu được chỉ là những loài tôm cá tẹp nhem, hỗn độn. Có một thứ không thể thiếu trên mỗi con tàu rách, ấy là lá cờ Tổ quốc phần phật bay ở vị trí cao nhất.

Ngư phủ Hai Bần dõng dạc nói: "Cờ Tổ quốc là một phần không thể thiếu trên mỗi con tàu trước giờ ra biển. Do sóng gió và thời tiết đặc thù nên cờ bị rách và hư hỏng rất nhanh, nhưng dù có đói ăn đi nữa, thì ngư dân chúng tôi cũng không bao giờ để thiếu lá cờ trên nóc tàu".

Vá lưới chuẩn bị ra biển.

Tôi không biết ông Hai Bần tên thật là gì, chỉ biết rằng, Hai là vị thứ trong gia đình, còn Bần là ngày xưa gia đình ông nghèo lắm. Gọi là bần cùng, khốn khổ, đến giờ đã khá hơn nhiều nhưng cái tên thì không đổi được, đã chết danh vào con người ông. Hai Bần là một trong ít ngư phủ cừ khôi ở làng chài này, ông yêu biển còn hơn cả bản thân mình. Ông đi biển từ khi còn "cởi truồng tắm mưa", muối biển ngấm vào da thịt săn lại, chắc nịch. Ông ít cười, bởi mặc cảm với hàm răng "Chí Phèo".

Nhưng hễ cười là phải như sấm. Đó là lúc ông trở về sau mỗi chuyến biển đêm, ông lao vào ôm đứa cháu nội mũm mĩm hôn ngấu nghiến, khi nào nó khóc thét lên mới thôi. Hai Bần lấy vợ ở làng chài, ba má cho của hồi môn là chiếc thuyền gỗ vừa đủ hai người ngồi. Thuyền gỗ chỉ dùng để chăn vịt, ra biển có con sóng nào lăn tăn nó đánh cho cũng chìm nghỉm.

Hai Bần tháo đáy, tháo khung gia cố thêm cho chắc rồi hai vợ chồng đi quăng chài gần bờ kiếm con tôm con tép. Vợ chèo, chồng quăng. Có lần mải mê với cá tôm quá mà vợ chèo lỡ tay ra xa bờ biển, một cơn sóng ào đến đánh úp chiếc thuyền xuống biển, hai vợ chồng nhanh chân nhảy ra, bơi vào bờ thoát thân.

Cá đánh về được làm sạch phơi khô để bán.

Thế là mất hết mấy ký cá, tôm, mất luôn chiếc lưới mới mua. Đợi thủy triều xuống, Hai Bần mò lặn tìm được chiếc thuyền mang về. Sau tai nạn, vợ mang thai phải ở nhà, Hai Bần đi làm thuê cho một tàu lớn, cứ hai ngày lại vào bờ. Chủ tàu ăn nên làm ra, muốn thay tàu lớn hơn đã để lại chiếc tàu cũ cho vợ chồng Hai Bần, khi nào có tiền thì trả. Có tàu, Hai Bần sung sướng không để đâu cho hết. Con lúc này đã cứng cáp, vợ chồng gửi ông bà nội trông, rồi cùng nhau cưỡi sóng ra biển.

Đêm xuống, vợ chồng Hai Bần hòa vào dòng tàu từ cửa Cần Giờ ra vùng biển Tiền Giang, Vũng Tàu đánh cá. Theo kinh nghiệm đi biển dày dạn, ngư phủ Hai Bần cho biết, vùng biển Cần Giờ hướng về Vũng Tàu, Tiền Giang có nhiều điểm xoáy rất nguy hiểm. Thủy triều lên kèm theo gió mạnh, sóng khi ấy hung dữ nhất.

Tàu của ngư dân đa phần nhỏ, yếu không thể chống cự được với những con sóng cao vài mét, phải căn giờ đi, căn gió để về. Hai Bần thở dài khi nhớ lại vụ chìm tàu năm ngoái khiến 9 người tử vong tại bờ biển Cần Giờ. Ông nhận định, có thể tàu đã đi vào vùng biển xoáy rồi gặp nạn.

Tàu chạy khoảng hơn một tiếng là tới địa điểm đánh bắt. Mỗi tàu chọn một góc rồi quần quật kéo lưới. Giữa không gian lặng thinh của biển cả, ở đâu đó là tiếng thủ thỉ, tiếng cười nói xé rách màn đêm tĩnh mịch.

Hai Bần tâm sự: "Những khi ngồi chờ cá, châm điếu thuốc hút rồi nhìn về phía thành phố Vũng Tàu thấy hàng nghìn ánh đèn lấp lánh xanh đỏ, chạnh lòng lắm. Nghĩ cùng cảnh con người với nhau mà mình thì lênh đênh ngoài biển, gió sương phủ lấy cuộc đời còn người ta thì chăn ấm nệm êm bên vợ con".Nhưng rồi những suy nghĩ ấy chợt tan theo con sóng, nhường chỗ cho mẻ cá nặng trĩu. Đánh bắt thâu đêm, tàu nào nhanh thì về cho kịp buổi chợ cá là đẹp nhất. Cá đánh bắt chủ yếu bán cho bà con địa phương, một ít khách du lịch. Số còn lại mang phơi để bán dần.

Mấy năm nay vợ Hai Bần có tuổi không đủ sức ra biển phải nghỉ ở nhà trông cháu, thằng con trai đầu thay mẹ nối nghiệp tổ tiên. Ngồi khâu tay lưới trên mũi thuyền, Hai Bần buồn rầu: "Cá tôm đánh mãi cũng cạn kiệt, lắm khi đói mà không thể bỏ nghề được, chén cơm lúc nào cũng đong đầy muối biển". 

"Muốn gặp Trâu thì cứ ra biển"

Gần 60 tuổi, đôi vai Ba Hùng ù lên, những sợi tóc đen bạc xoăn tít, bám rịt lấy da đầu, nắng gió biển khơi làm tóc ông không dài ra được nữa. Đôi tay Ba Hùng gân guốc, từng thớ thịt chai cứng trồi lên sần sùi, trắng đục. Thương hiệu "Ba Hùng" là "đặc sản" còn xót lại ở làng chài này. Lão ngư có khả năng bơi lội không ai sánh bằng, lão bơi hàng tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Ba Hùng có kiểu cười như địa chủ được mùa, khoe hàm răng trắng tăm tắp chưa bị gãy chiếc nào.

Cuộc đời Ba Hùng từ ngày cha sinh mẹ đẻ chỉ biết đến biển mà thôi. 7 tuổi, ông được cha cho theo tàu phụ nhặt rau, đun nước, nấu cơm. Lần đầu đi biển, Ba Hùng nôn ra mật xanh mật vàng, tưởng chết. Quá hãi hùng với sóng và những cơn say, Ba Hùng xin ở đất liền phụ mẹ bán cá ngoài chợ.

Cá tôm đánh mãi cũng cạn kiệt, có khi thuyền về chỉ vỏn vẹn vài ký.

Một lần đi biển về, cha mang theo cậu bé trạc tuổi Ba Hùng. Cha nói rằng, đây là cậu bé do ông cứu được của một tàu đánh cá tận Bình Định gặp nạn ngoài biển. Cậu bé đen trùi trũi, mắt xanh ngắt và không hề biết sợ trước người lạ. Chẳng biết nó tên gì, Ba Hùng gọi là Trâu, vì nó đen như Trâu. Trâu và Ba Hùng nhanh chóng trở thành bạn thân, chiều nào Trâu cũng rủ Ba Hùng ra biển chơi. Trâu bơi như rái cá, nó nhiệt tình dạy cho Ba Hùng các tư thế bơi và các kiểu bơi để sinh tồn ngoài biển.

Ngồi trên cầu cá, Trâu kể cho Ba Hùng nghe vô vàn những câu chuyện về biển. Trâu yêu biển nhiều lắm, nếu không được đi biển có lẽ Trâu sẽ nhớ mà phát điên thôi. Trâu bảo, khi đã thích thú với biển rồi thì không còn cảm giác say sóng nữa. Biển của Trâu đẹp thế, vậy mà Ba Hùng không hề cảm nhận được mặc dù đã từng đi biển vài lần. Ở đất liền được vài hôm, Trâu nằng nặc đòi lên tàu để về nhà. Cha Ba Hùng hứa sẽ mang Trâu về địa phương nhờ tìm giúp gia đình. Ngày Trâu ra biển, Ba Hùng bấu vạt áo cha gào khóc, cầu xin cha đừng cho Trâu đi.

Nỗi buồn vắng Trâu cứ thăm thẳm, Ba Hùng cảm thấy cô đơn, lẻ loi khi chiều về. Ba Hùng năn nỉ ba cho theo tàu. Những cơn say dần dịu đi, và thay vào đó là sự mong mỏi về Trâu, để rồi Ba Hùng yêu biển lúc nào không biết. Đời cha trước, đời con sau, Ba Hùng không thể rời xa con cá con tôm, dẫu cái nghề bạc bẽo, lắm gian truân. Trong lòng Ba Hùng luôn canh cánh một nỗi nhớ về Trâu. Trước khi chia tay, Trâu dặn rằng: "Khi nào muốn gặp Trâu thì cứ ra biển".

Nhưng nửa thế kỷ rồi, đầu người đã bạc như cánh sóng mà Ba Hùng vẫn chưa gặp lại Trâu. Trong suy nghĩ của lão ngư, Trâu vẫn đang cưỡi sóng ở nơi nào đó trên biển cả này. Hơn nửa cuộc đời gồng mình quăng lưới, Ba Hùng vẫn chưa thoát ra được chiếc tàu gỗ thô sơ bé nhỏ.

Hơn nửa cuộc đời vẫn chỉ quanh quẩn ở ven bờ, lúc nào Ba Hùng cũng khao khát được vươn khơi, được hòa vào biển lớn. Và niềm mong mỏi lớn nhất là tìm được Trâu, người bạn đã truyền lửa cho tình yêu biển trong Ba Hùng. Nếu Trâu còn sống thì nay đầu cũng hai thứ tóc rồi. Có lần, Ba Hùng xin theo tàu công suất lớn của một người bạn ở Vũng Tàu ra biển với mục đích đi tìm Trâu.

Trên hải trình bất tận giữa biển khơi, Ba Hùng gặp rất nhiều tàu đánh cá của các tỉnh bạn, trong đó có cả tàu Bình Định. Ba Hùng bối rối không biết phải hỏi như thế nào, bởi không biết tên thật, không có bất cứ một thông tin nào về cậu bé có biệt danh Trâu.

Giả dụ như có gặp được Trâu thì cũng không thể nhận ra, không thể lấy ký ức 50 năm trước ra để hỏi từng người được. Ba Hùng đau khổ quay trở về, cảm giác lực bất tòng tâm. Đời ngư phủ có mấy ai được giàu, nếu Trâu giàu chắc đã đi tìm ân nhân, hoặc biết đâu Trâu đã hòa mình vào biển rồi... Ba Hùng tự an ủi mình như vậy.

Mặt trời tắt nắng, bóng tối lừ lừ bao trùm làng chài, những tay lưới tươm tất đã sẵn sàng ra biển, bữa cơm tối vội vã cùng vợ con diễn ra ngay trên sàn tàu. Đó là nhịp sống quen thuộc bao năm nay của những "thân cò" quăng quật giữa biển đêm. Có những lúc tưởng đã không thể vào bờ, nhưng tình yêu biển đã ngấm vào máu thịt của họ. Chẳng may có chết, cũng xin làm ma của biển, để ngàn đời được nghe sóng vỗ.

Ngọc Thiện
.
.
.