Những thân phận xoay quanh tờ vé số!

Thứ Hai, 27/07/2015, 09:15
"Cuộc sống của chúng tôi bây giờ phụ thuộc hoàn toàn vào những tờ vé số", ông Ngô Văn Tiến chia sẻ. Ông Tiến cùng hơn 20 người già, đa số bị tật nguyền hoặc đau bệnh đều tìm vào Sài Gòn đi bán vé số kiếm tiền sinh nhai. Họ, mỗi người một thân phận, một hoàn cảnh riêng nhưng cùng chung sống trong một căn nhà thuê rộng chừng 25m2 giữa trung tâm Sài Gòn để sớm tối trợ giúp nhau làm nghề… Câu chuyện về nghề, về gia cảnh ẩn chứa nhiều điều rất đáng suy ngẫm.
Căn nhà với những thân phận đặc biệt

Tôi tìm đến căn nhà "đặc biệt" này đúng vào bữa cơm chiều của cả nhà để chuẩn bị cho một buổi làm thường ngày từ khoảng 16h chiều cho đến giữa đêm hoặc rạng sáng hôm sau. Dù còn thiếu vài thành viên chưa đi bán vé số về, nhưng bữa cơm khá đầm ấm vui vẻ, mọi người ngồi quây quần bên nhau.

Đồ ăn chỉ là hai đĩa trứng chiên, hai miếng thịt nhỏ rim cùng hai tô canh bí nấu không và hai thố cơm trắng. Thật sự với số lượng gần 20 người ngồi ăn nhưng với những đĩa thức ăn ít ỏi, khiêm tốn thì quả là quá đạm bạc, nhưng nhìn ai cũng cười nói, vui vẻ. Bữa cơm nhanh chóng kết thúc lúc 15h15, mọi người chuẩn bị mọi thứ cho một đêm dài lội bộ len lỏi khắp đường phố Sài Gòn để mưu sinh.

Theo quan sát thì căn nhà này có một trệt một gác nằm khuất trong một con hẻm nhỏ (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1), có lẽ do lâu ngày không được tu sửa nên nó khá cũ kỹ, các vách tường bám bẩn đen đúa… Căn nhà nhỏ này được thuê với giá 5 triệu đồng/tháng. Thời điểm đông nhất có đến 30 người cùng chung sống (hiện có khoảng 21 người đang ở căn nhà).

Bữa cơm chiều đạm bạc nhưng đầy úp nhưng tiếng cười.

"Muốn có chỗ ăn ở tại trung tâm thành phố thuận lợi cho công việc của mình, nếu chỉ vài người lao động nghèo như chúng tôi thuê giá như vậy thì không thể nào kham nổi và bám trụ được. Do đó, chúng tôi quây quần với nhau, ở đông mỗi người một ít chia nhau, chịu khó sẽ tiết kiệm được chi phí. Tuy vậy, tôi chỉ nhận người cùng quê vào ở và cũng biết ít nhiều về họ để dễ gắn bó và tin tưởng", ông Ngô Văn Tiến (51 tuổi), người đứng ra chịu trách nhiệm thuê nhà, thật lòng cho biết.

Ông Tiến đứng ra "thầu" nhiều việc, từ dọn dẹp nhà cửa, đứng ra lãnh trách nhiệm lấy vé số về phân phát cho mọi người, đến chở một số cụ già yếu đến nơi bán... Chưa kể ông vẫn chăm chỉ lo công việc chính là chạy xe ôm. Trong khi đó, vợ ông Tiến lại đảm đương phần bếp núc, lo nấu cơm nước cho mọi người trong nhà. Hằng ngày, cả nhà có hai bữa cơm vào lúc trưa 11h và lúc xế chiều 3h. Trong đó, bữa cơm lúc 15h là bữa chính trước khi bắt đầu một ngày làm việc của đa số các thành viên trong nhà. Theo lời ông Tiến thì mỗi ngày chi phí cho hai bữa cơm của cả nhà hết khoảng 150 ngàn đồng.

Đúng ra đã tới giờ đi làm nhưng cụ Nguyễn Phải (76 tuổi) và em họ là bà Hồ Thị Thảo (64 tuổi) ráng nhín chút thời gian trò chuyện với khách. Chia sẻ nguyên do đôi mắt bị mù của mình, cụ Phải kể lại: "Tôi bị mù tính đến nay đã 40 năm. Hồi đó tôi còn trẻ, bị bệnh ở mắt, gia đình ở quê khó khăn không có tiền chữa trị và kỹ thuật chữa bệnh cũng chưa tiên tiến như bây giờ nên tôi bị mù cả hai mắt đến nay". Do cụ Phải bị mù đôi mắt, trong khi bà Thảo lại thường đau chân, chóng mặt, nên cả hai đã cùng "hợp tác" dìu dắt nhau trong hành trình đi bán vé số hằng ngày của mình.

"Lâu nay, hai chúng tôi hợp tác làm ăn, mà chú không biết chứ chúng tôi đi tới 5 chân chứ không phải 4 chân như bình thường, vì bà ấy chân hay bị đau nên cần thêm một cái gậy chống nữa. Dù vậy chúng tôi đi xa lắm, như từ quận Bình Tân, Tân Bình hoặc quận 8, lên các nơi đó rồi bán về tới nhà cũng là 4h sáng. Đúng ra, như người bình thường nếu đi bộ như thế thì chắc sẽ rất mệt mà chịu không nổië. Nhưng nếu đi bộ để bán vé số thì cứ thế đi rồi dần dần cũng về tới nhà, trong khoảng 8-9 tiếng đồng hồ gì đó", cụ Phải vui vẻ chia sẻ về công việc của mình.

Theo lời cụ Phải thì vợ chồng cụ có tất cả 8 người con (lâu nay vợ chồng cụ ở cùng với gia đình người con út) và họ đều đã có gia thất, dù vậy do con đông, nhà lại nghèo nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Trước Tết, vợ của cụ đã mất do bệnh tật già yếu.

Cụ Phải tâm sự: "Con trai út của tôi làm nghề đi biển, cuộc sống bấp bênh lắm vì lúc có thu nhập, lúc không. Tôi thấy mình còn sức khỏe, còn đi được nên sẽ cố gắng đi làm để tự lo cho bản thân, có khi còn giúp được con cháu chút đỉnh, chừng nào đi hết nổi, nằm một chỗ thì mới dám phiền đến con...". Cụ Phải cho biết, mỗi đêm anh em cụ bán được khoảng gần 300 vé (số tiền kiếm được chia đôi, dù còn phải trừ đi những khoản chi như tiền xe buýt, rồi ăn uống thêm dọc đường).

Dù cơ cực nghèo khó vẫn không thiếu tiếng cười

Người lớn tuổi nhất trong nhà này là cụ Võ Thị Mậu, năm nay đã 84 tuổi. Do đã quá nhiều tuổi nên đôi tai của cụ gần như không còn nghe được bình thường mà phải có máy trợ thính nhưng rồi vẫn tiếng được tiếng mất. Cụ bảo rằng mình đã ở đây 5 năm nay, do phải đi nhiều nên cụ thường bị đau nhức xương khớp.

Vậy mà chỉ trừ những khi trời mưa lớn hay đau ốm nặng, cụ mới nghỉ ở nhà. Hằng ngày, cụ được ông Tiến chở đến các địa điểm nào đó rồi để cụ xuống đi bán, khi nào hết vé, cụ lại nhờ khách gọi giùm số điện thoại của ông Tiến báo nơi cụ đang ở để tới đón về nhà.

Cụ Phải mù hai mắt - "cây cười" của cả nhà.

"Tôi không muốn con cái (cụ có tất cả ba người con, đều ở quê Phú Yên) vốn nghèo khó lại phải nuôi thêm mình nên tôi sẽ cố gắng đi làm. Nếu người mà đau nhức thì thoa dầu nóng cho bớt rồi đi bán tiếp", cụ Mậu cười tươi giãi bày.

 Ít hơn cụ Mậu 4 tuổi, cụ Nguyễn Thị Liên là người mới vào Sài Gòn được vài tháng. Do tuổi cao sức yếu nên trí nhớ của cụ lúc nhớ lúc quên, chưa kể một mắt của cụ bị mù từ nhỏ, trong khi mắt còn lại cũng đã mờ đi ít nhiều. Nói về hoàn cảnh của cụ, ông Tiến góp chuyện: "Cụ ấy khổ lắm, chồng mất sớm, do già yếu lại mắt mờ, trí nhớ không tốt nên nhiều khi đi bán, cụ hay đánh rơi vé số­­­ hoặc hay bị người mua lấy trộm vé số. Dù vậy cụ lại là một trong nhiều người bán được nhiều vé số nhất trong nhà này".

 Nghe kể về những khó khăn, mất mát trong khi đi bán, ông Nguyễn Văn Chí (63 tuổi) chia sẻ rằng mọi người trong nhà này dù hết sức cố gắng, chăm chỉ đi bán nhưng không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ, chưa kể gặp không ít chuyện xui rủi.

"Chuyện người bán vé số như chúng tôi bị giật mất vé số, hay chỉ mua 2-3 tờ nhưng có người rút cả chục tờ xảy ra không ít. Và khi rơi vào những trường hợp đó, chúng tôi chỉ biết khóc chứ chạy theo sao nổi. Với chúng tôi 1-2 triệu đồng là số tiền làm cật lực cả tháng trời, nhiều khi còn không được; hơn nữa hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó, già cả. Ai bị mất như thế thì coi như tháng đó trắng tay và cứ thế sự khó khăn lại chồng thêm khó khăn".

Kể về hoàn cảnh của mình, ông Chí bảo rằng vợ con ông ở quê, mỗi khi thu hoạch xong mùa vụ, ông lại tranh thủ một mình vào Sài Gòn đi bán vé số kiếm thêm thu nhập cho gia đình mình. Với ông thì sau cữ cơm chiều 16h ông đi bán đến 24h là về nhà nghỉ. Nếu chưa hết vé thì sáng sớm hôm sau đi bán cho hết. Ngoài những xui rủi này, ông Tiến còn chia sẻ việc nhận và trả vé số thừa. Ông kể có lần chỉ vì ngủ quên tới trả chậm vài phút đồng hồ mà ông phải chịu số tiền nợ mấy triệu đồng, khiến ông khổ sở, điêu đứng một thời gian dài…

Theo lời ông Tiến cũng như mọi người trong nhà thì do đa số thành viên đều tuổi cao, già cả nên việc đi bán thường xuyên là không thể, do việc di chuyển khó khăn. Nhiều cụ phải uống thuốc thường xuyên, nên nhiều khi số tiền kiếm được hằng ngày cũng chỉ vừa đủ tiền mua thuốc để điều trị bệnh cho mình. Chưa kể việc đi bán cũng cần có cái duyên, nhiều người tưởng dễ nên đi bán nhưng cuối cùng bán không được, nản chí đành về quê.

Cụ Liên lúc nhớ lúc quên, chưa kể bị hư một mắt và ông  Tiến - "trưởng nhà".

"Thu nhập không cao nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Một tháng trừ qua lại cũng kiếm được từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Tính ra ở Sài Gòn này, một ngày chi xài 70 ngàn chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng với số tiền này ở quê, nó rất có giá trị, nhất là với những gia đình nghèo khó như chúng tôi", ông Tiến tâm sự.

Ngoài các cụ già, trong căn nhà còn có ba mẹ con chị Nguyễn Thị Bích Đào. Là thành viên trẻ tuổi nhất, 36 tuổi, chị Đào dẫn hai con vào Sài Gòn lúc các cháu nghỉ hè để cùng nhau đi bán vé số kiếm thêm tiền mua sách vở, quần áo cho năm học mới của hai con…

"Cuộc sống của chúng tôi bây giờ phụ thuộc hoàn toàn vào những tờ vé số. Ví dụ, bán được một tờ vé số 10 ngàn thì tiền công được 1.000 đồng, số tiền này sẽ dùng chi tiêu cho tất cả các khoản trong cuộc sống của bản thân và cả gia đình. Nếu ngày nào không bán được thì coi như ngày đó phải bù lỗ. Do đó, nói gì thì nói, chúng tôi muốn làm gì đi nữa cũng chỉ trong tờ vé số thôi đó", ông Tiến buồn buồn chia sẻ.

Căn nhà chật hẹp, cũ kỹ với những điều kiện thiếu thốn dung chứa những con người có hoàn cảnh đầy khó khăn, bệnh tật. Nhưng trên hết họ vẫn luôn cố gắng làm việc, hướng đến gia đình, con cái của họ và ở đây luôn đầy ắp tiếng cười. 

Phú Lữ
.
.
.