Những tục lệ đón Tết độc đáo trên thế giới

Thứ Sáu, 24/01/2020, 23:26
Tết là ngày lễ quốc gia được tổ chức vào ngày 1 - 1, ngày đầu tiên của năm mới, theo cả lịch Gregorian và Julian. Nhiều nền văn hóa kỷ niệm ngày hạnh phúc này theo cách độc đáo của riêng họ, từ việc ăn mừng với rượu sâm banh cùng nhiều loại thực phẩm khác nhau đến việc cẩn thận lựa chọn đồ lót cho buổi tối… Dưới đây là 10 cách chào đón năm mới thú vị nhất trên thế giới.


Lựa chọn màu của đồ lót

Các nước Mỹ Latinh có nhiều phong tục kỳ lạ để đón năm mới, trong đó đặc điểm chung là chọn màu sắc của đồ lót. Chẳng hạn, ở Argentina và Bolivia thì nội y màu hồng luôn được ưa chọn. Trong khi đó, phụ nữ Chile và Ecuador lại chọn đồ lót màu vàng; người Colombia và Puerto Rico thì thích màu trắng…

Riêng ở Brazil, người dân lại có cách tiếp cận phức tạp hơn một chút. Quy tắc trang phục của họ là màu trắng chung cho tất cả nhưng màu sắc của đồ lót được cho là quyết định chuyện có gặp may mắn trong năm mới hay không. Một người muốn tìm tình yêu trong năm mới thì chọn quần lót màu hồng. Với người muốn tiền bạc, giàu sang thì có thể chọn đồ lót màu vàng. Còn đồ lót màu xanh lá cây là sự lựa chọn tốt nhất cho một năm mới tràn đầy sức khoẻ.

Chưa hết, vào thời điểm Tết, thời tiết ở Brazil không lạnh nên tại các bãi biển, nhiều người thích đùa nghịch với sóng nước ném hoa xuống biển và ước nguyện điều may mắn. Người Brazil còn tin rằng, nếu nhảy qua được 7 con sóng trong khi đang cầu nguyện điều ước, mỗi điều ước một con sóng thì may mắn sẽ càng nhiều. Ngoài ra, người Brazil còn có một cách khách để cầu may mắn, đó là nhảy lò cò 3 lần bằng chân phải hoặc đứng trên một chiếc ghế đẩu rồi nhảy xuống, tiếp đất bằng bàn chân bên phải trước.

Đập vỡ bát đĩa

Là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, Đan Mạch luôn khiến nhiều người phải tò mò về văn hoá hay phong tục tập quán. Vào ngày đầu năm mới, thay vì thưởng thức những bữa tiệc với đầy thịt và rượu, người dân Đan Mạch lại xem trọng các loại rau xanh như cải bắp, cải xoăn vì với họ, màu xanh của rau giống màu của đồng tiền Đan Mạch, sẽ đem lại may mắn, sự đủ đầy và tài lộc cho một năm mới.

Người Đan Mạch còn quan niệm việc dọn dẹp nhà cửa cho nằm mới chính là lấy bất kỳ đồ sành sứ bị sứt mẻ hoặc không sử dụng và đập vỡ chúng trước cửa nhà bạn bè, gia đình để chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng. Nhà nào càng có nhiều mảnh vỡ hơn chứng tỏ họ có mối quan hệ khá thân thiết với mọi người và đó là một điều may mắn cho cả năm. Có người còn cho rằng, việc mang bát, đĩa hỏng ném đia có nghĩa là vứt đi những điều không tốt, những điều xui xẻo của một năm qua và sẵn sàng chào đón một năm mới tuyệt vời, vạn sự bình an.

Miệng đầy nho

Trong ngày đầu năm mới, người Tây Ban Nha chỉ cần ăn mừng với đồ uống và 12 quả nho trong tay. Đêm giao thừa, tất cả mọi người sẽ tập trung trước tivi hay quãng trường, ai cũng có một chén rượu đầy nho và mặc nội y màu đỏ. Truyền hình quốc gia sẽ truyền hình trực tiếp từ Real Casa de Correos- tháp đồng hồ từ thế kỷ XVIII. Khi chiếc chuông đồng hồ rung nhanh 4 hồi, sẽ có một khoảng thời gian im lặng rồi bắt đầu 12 hồi chuông đại diện cho 12 tháng trong năm. Mỗi một tiếng chuông ngân lên, người dân sẽ bỏ một quả nho vào miệng. 12 tiếng chuông là 12 quả nho may mắn sẽ được ăn và nếu ăn hết 12 quả trong 12 tiếng chuông, năm mới sẽ gặp may mắn.

Sau màn ăn nho, người Tây Ban Nha còn có thói quen thả nhẫn vàng và đồng xu vào trong ly rượu để cụng ly cầu chúc sự thịnh vượng.

Nhảy vào hồ băng

Thời tiết những ngày năm mới ở Siberia thường rất lạnh. Như cuối năm 2019 vừa qua, người dân nước này đã đón đợt không khí lạnh sâu nhất trong cả năm. Nhưng không vì thế mà những bữa tiệc năm mới kém vui. Ngược lại, bất chấp cái giá lạnh của băng tuyết, người dân Siberia vẫn tham gia vào hoạt động truyền thống là nhảy xuống hồ nước đóng băng. Khi nhảy xuống nước đóng băng, họ sẽ trồng một cây thông năm mới và sau đó mang chai rượu sâm bay xuống, lặn xung quanh cây thông trước khi trở lại mặt băng để mặc áo ấm. Ai không lặn xung quanh cây thông thì có thể bơi dưới hồ băng một lúc để cầu chúc sức khoẻ và sự may mắn.

Nhảy vào hồ băng.

Ăn 7 lần

Năm ở Bắc Âu, Estonia là quốc gia tiếp giáp với Nga và vịnh Phần Lan. Nhưng khác với các quốc gia khác trong khu vực, thay vì quyết tâm ăn kiêng và tập thể dục, người Estonia quan niệm phải ăn thật nhiều. Theo truyền thống, người Estonia tin rằng, bằng cách ăn 7 lần vào ngày Tết, họ có thể đảm bảo một năm dồi dào, thịnh vượng, giàu có. Mặc dù, truyền thống này giờ đã thay đổi đôi chút khi mà người Estonia bắt đầu ăn mừng với rượu nhiều hơn là dùng thức ăn nhưng họ vẫn giữ nguyên tắc dùng 7 bữa ăn trong ngày năm mới.

Đốt hình nộm

Truyền thống đốt hình nộm ở Ecuador vào năm mới mang tên "Ano Viejo" mang biểu tượng làm sạch những điều xấu xa, cũ kỹ của năm cũ trước khi đón năm mới. Đêm giao thừa thường là đêm sáng nhất ở Ecuador. Người dân địa phương tạo ra những hình nộm lớn, đầy giấy có thể giống với bất kỳ ai từ các nhân vật văn hóa, siêu sao nhạc pop yêu quý hay các cho đến các chính trị gia nổi tiếng và họ đặt chúng trên lửa khi đồng hồ điểm nửa đêm. Nghi thức này cho phép người dân Ecuador quên đi quá khứ và tập trung vào một năm mới tốt lành.

Pháo hoa đêm giao thừa

Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ăn mừng năm mới, người Australia khởi động các lễ hội bằng một màn bắn pháo hoa hoành tráng. Cảng Sydney là một trong những nơi có cảnh đẹp ngoạn mục nhất để đón chào năm mới. Vào những giây phút cuối cùng trước lúc nửa đêm ngày 31-12, Sydney trở thành trung tâm đón giáo thừa của thế giới khi cầu cảng Sydney bừng sáng trong màn pháo hoa. Ở Melbourne cũng vậy, pháo hoa bắn trên trời và những lễ ăn mừng diễn ra dọc sông Yarra. Riêng ở Brisbane thì người dân đón năm mới bằng một tiếng nổ lớn ở khu công viên South Bank.

Ném đồ qua cửa sổ

Trong ngày cuối cùng của năm mới, cảnh sát thành phố Johannesburg, Nam Phi khá là bận rộn bởi họ phải đi tuần tra liên tục để cảnh báo người dân và du khách về nguy cơ bị đồ đạc cũ rơi từ trên trời xuống. Nguyên do là vì cư dân ở Johannesburg có một truyền thống kỳ lạ và đầy nguy hiểm là ném tất cả các đồ đạc cũ, hỏng như chai lọ, tủ lạnh, giường ngủ, lò vi sóng, tivi, máy tính qua cửa sổ vào đêm giao thừa để gột bỏ những thứ chưa tốt, tiêu cực của năm cũ, đón những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Thậm chí, việc ném đồ này diễn ra cả đối với những cư dân sống trên các toà nhà cao tầng.

Chọn người xông nhà

Giống như ở Việt Nam, người dân Scotland và một số vùng khác của vương quốc Anh rất quan trọng việc chọn lựa người xông nhà trong ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, nếu người Việt quan tâm đến tuổi tác, ca chi ngũ hành của người xông nhà có hợp với gia chủ hay không thì yêu cầu của người Scotland lại khá đơn giản. Theo họ, điều may mắn nhất là người đầu tiên đặt chân vào nhà trong ngày đầu năm mới phải là một người đàn ông cao, tóc đen, có đeo đồng xu to bên người, mang theo một món quà là than đen, bánh mỳ muối… để đảm bảo sẽ có không thiếu thức ăn hoặc hơi ấm trong gia đình. Vào ngày 1-1, trẻ em Scotland dậy sớm và thăm hàng xóm và hát những bài hát để được tặng tiền xu, bánh nướng thịt băm, táo và các loại đồ ngọt khác…

Gia Nam (tổng hợp)
.
.
.