Những tục lệ lạ đời đón chào năm mới

Thứ Ba, 05/02/2019, 16:28
Để chào đón năm mới, người dân ở mỗi quốc gia đều có cách riêng của mình để cầu chúc tiền tài, may mắn và hạnh phúc trong những ngày đầu năm. Hãy cùng khám phá xem những tục lệ lạ đời chào đón năm mới của một số nước trên thế giới.


Đánh nhau

Cứ vào ngày 25-12, người dân thành phố Cusco, tỉnh Chumbivilcas của Peru lại cùng nhau tham gia lễ hội Takanakuy (có nghĩa là "sôi máu") tại địa phương. Mục đích của Takanakuy là giải quyết những bất bình và phẫn nộ đã tích tụ trong một năm - có thể là tranh chấp hoặc mâu thuẫn cá nhân. Tóm lại là nhịn cả năm rồi, gần Tết đánh nhau một trận để xả hết bực tức ra ngoài trước sự chứng kiến của cộng đồng. 

Cộng đồng dân cư của Chumbivilcas tin hoạt động này sẽ giúp họ xóa bỏ sự tiêu cực và sống hạnh phúc lâu bền. Bản thân các trận đánh cũng tương đối văn minh, mang nhiều nét tương đồng với võ thuật hơn là ẩu đả vô tổ chức, bởi các trận đấu đều có trọng tài điều khiển, có thể can thiệp khi phát hiện các dấu hiệu sai trái. Mỗi trận chiến Takanakuy đều bắt đầu và kết thúc với một cái ôm hoặc bắt tay.

Lè lưỡi khi gặp mặt

Không chỉ là ngày đầu xuân năm mới, mà bất kể là người lạ hay người quen, người dân Tây Tạng cứ hễ trước mặt khách là họ lại thè lưỡi ra để chào như một cách để bày tỏ sự tôn trọng và chào đón. Truyền thống kỳ lạ này lại bắt nguồn từ một truyền thuyết lâu đời. 

Truyền thuyết kể rằng, khoảng thế kỷ thứ IX, ở Tây Tạng có một vị vua vô cùng độc ác tên là Lang Darma. Người này có chiếc lưỡi màu đen. Sau khi ông mất, người dân nơi đây tin rằng, bạo chúa đó sẽ được đầu thai chuyển kiếp. Vì vậy, người dân thường chào nhau bằng cách thè lưỡi về phía đối phương như để chứng minh với mọi người rằng họ không phải là đầu thai của vị vua độc ác trên.

Nằm trong quan tài

Trước thềm năm mới, nhiều người tại Thái Lan đổ về ngôi đền Taiken ở ngoại ô thủ đô Bangkok để nằm trong quan tài, tham gia tang lễ của chính mình. Đây là một nghi lễ truyền thống tượng trưng cho sự sống và cái chết. Những người tham gia tin rằng điều này sẽ giúp họ xóa bỏ mọi điều xui xẻo của năm cũ và được “tái sinh” với nhiều may mắn cho một khởi đầu mới.

Hôn nhau

Hình ảnh du khách thường gặp nhất khi đón giao thừa trên phố hay các quảng trường ở châu Âu là các cặp đôi hôn nhau khi tiếng chuông mừng năm mới bắt đầu vang lên. Tục lệ này không chỉ là cách duy trì tình cảm mà còn được cho là sẽ đem lại một khởi đầu mới may mắn và tràn ngập yêu thương.  

Một số nhà sử học cho rằng, hôn nhau trong đêm giao thừa có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại. Thời Hy Lạp cổ đại, để ăn mừng trong các buổi lễ hội, mọi người sẽ hôn nhau dưới những cây tầm gửi. Còn với người La Mã, họ sẽ hòa giải với kẻ thù dưới cây tầm gửi, thể hiện sự hòa bình.

Cọ mũi, cụng trán

Ở vùng núi phía bắc Ấn Độ, phong tục Tết dương lịch là tục gặp nhau vào ngày đầu năm, hay để chúc tụng lẫn nhau người ta thường cọ mũi vào nhau. Cọ mũi càng mạnh thì làm ăn mới gặp nhiều may mắn, suôn sẻ... Còn thổ dân Maori ở New Zealand thì lại cụng trán để tỏ thiện chí. Cụng càng mạnh, càng đau thì càng "hên",  chắc chắn sẽ nhận được những điều may mắn tốt đẹp trong năm mới.

Cắn vai nhau

Ở một số đảo thuộc nước Philippines lại có tục khi gặp nhau vào dịp tết thì điều trước tiên là phải cắn vào vai nhau, cắn càng đau càng biểu lộ tình cảm nồng nàn, gắn bó, thiết tha... Thật đúng với câu tục ngữ: "Yêu nhau lắm, cắn nhau đau!".

Uống... lời chúc năm mới

Để chào đón năm mới, người Nga thường viết những lời chúc tốt đẹp cho năm mới lên những mẫu giấy rồi đốt nó vào đúng thời khắc giao thừa. Một chút tro của những mẫu giấy ghi lời chúc sẽ được cho vào ly sâm-panh và họ cùng nhau uống những ly rượu đặc biệt này để chào mừng năm mới.

Thổi lửa

Vào đêm giao thừa, người dân Scotland thường sử dụng những quả cầu lửa lớn trong lễ hội Hogmanay. Truyền thống này bắt đầu từ hơn 100 năm trước và nhiều người tin rằng nó dựa trên một nghi lễ cổ xưa nhằm gột rửa tội lỗi cũng như xua đuổi ma quỷ. Lễ hội thổi lửa Hogmanay nổi tiếng nhất là ở Stonehaven, nơi diễn ra cuộc diễu hành hoành tráng của rất nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp. Người dân biểu diễn với những ngọn lửa, quay những quả cầu lửa ngay phía trên đầu rồi ném xuống biển.

Trồng cây dưới sông băng

Vào đêm Giao thừa, người Siberia trồng cây dưới sông băng như một biểu tượng cho sự khởi đầu mới. Yolka là một loại cây gỗ đặc trưng trong dịp Năm mới của người Siberia đánh dấu sự xuất hiện của Vị thần mùa đông và tượng trưng cho sự khởi đầu mới. Những người thợ lặn can đảm nơi đây đã bất chấp thời tiết khắc nghiệt để trồng cây dưới hồ nước đóng băng. Bên cạnh đó, họ còn thực hiện một thử thách "khó nhằn" không kém theo phong tục truyền thống là nhảy vào hồ băng.

Thả hoa trắng xuống biển

Tại Brazil, vào đêm giao thừa, những người dân địa phương sẽ mặc đồ màu trắng rồi thả trôi những bông hoa và nến trắng xuống biển để tỏ lòng biết ơn Iemanja - nữ thần biển cả ban phước lành cho những bà mẹ và trẻ em trong truyền thuyết châu Phi. Nếu biển cả trả lại những thứ đó thì có nghĩa là nữ thần không chấp nhận chúng, tuy nhiên, con người cũng sẽ không bị "trừng phạt" vì điều này.

Sơn cửa trước màu đỏ

Vào dịp Tết Nguyên đán, người Trung Quốc thường sơn cửa ra vào và trang trí các cửa sổ bằng màu đỏ để cầu mong may mắn trong năm tới. Theo quan niệm của người Trung Quốc, đỏ là màu may mắn và hạnh phúc nhất. Do đó không chỉ trong ngày Tết, mà trong các đám cưới hỏi, người Trung Quốc cũng thường trang trí nhà cửa bằng màu chủ đạo là màu đỏ.

Nói chuyện với bò

Một trong những tập tục lâu đời để chào đón năm mới của người dân ở Romania là các nông dân sẽ trò chuyện với đàn bò của mình. Họ cho rằng nếu người nông dân không bị cắn hoặc xô ngã bởi những chú bò thì năm mới của họ hứa hẹn sẽ bội thu và thành công.

Ăn trộm lấy may

Đó là một phong tục lâu đời của dân tộc Lô Lô - một tộc dân sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang, Việt Nam). Với họ, chuyện đi ăn cắp một thứ gì đó mang về nhà vào đêm 30 Tết sẽ giúp gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới. 

Tuy nhiên, nói thì nói vậy chứ thực chất đa số những người Lô Lô tham gia hoạt động ăn cắp đầu năm này chỉ mang tính thủ tục, người ta chỉ lấy những thứ nho nhỏ, không có giá trị cao. Có khi là củ tỏi, củ hành, lá rau, bắp ngô, đáng giá nhất chắc chỉ tới mức là ăn cắp một con gà.

Quốc Việt
.
.
.