Không có gì mà ầm ĩ cả

Nịnh phải có trình độ

Thứ Tư, 20/05/2020, 07:04
Thời buổi bây giờ, chức tước vai vế, bằng cấp hoành tráng, đường vinh thân đang thênh thênh, bỗng nhiên cắm đầu xuống vực chỉ vì có ai đó bí mật nâng điểm cho 1 kỳ thi nào đó trong đời.


Công cuộc "đốt lò" không có dấu hiệu nguội đi. Củi gộc với củi cành thành than cả. Những bộ phận cán bộ tưởng như có "miễn tử kim bài" tới dạng con sâu cái kiến đều vướng vòng lao lý. Tất cả mọi sự bí mật ưu tiên trong quá khứ đều có thể hạ gục cán bộ trong hiện tại.

Đấy, như phiên tòa xử lý vụ điểm thi vừa rồi, một phụ huynh có con một thí sinh được nâng 8,2 điểm, liên tục khẳng định gia đình mình không hề có nhu cầu chạy điểm, mua điểm, xem điểm hay bất cứ điều gì cho con.

Phụ huynh này khi biết đã sai chồng mình gọi điện cho vị cựu hiệu trưởng đã tổ chức nâng điểm cho con trai để làm rõ, thì cựu hiệu trưởng nói rằng đã "tự ý lấy thông tin để nâng điểm cho cháu". Hai vợ chồng rất không vui lòng. 

"Tôi đề nghị thu thập chứng cứ và sớm trả lại danh dự cho gia đình tôi vì không có nhu cầu mua điểm, chạy điểm, nâng điểm, xem điểm. Đề nghị sớm trả lời câu hỏi ai là người nâng điểm cho con tôi, xem nâng nhầm hay nâng vì mục đích gì. Gia đình rất bức xúc vì bị xúc phạm danh dự...", vị phụ huynh nói. 

Minh họa Tả Từ.

Hiệu trưởng nâng điểm đã xin lỗi gia đình. Thật là thiên la địa võng. Nghĩ kỹ mà xem. Thời cắp sách suýt lưu ban, tự nhiên bị ai đó nâng điểm. Thi tốt nghiệp rồi đại học, dù dốt đặc cán mai vẫn có kẻ nào đó âm thầm nâng điểm để sau này có khi thành trí thức. Rồi bảo vệ luận án tiến sĩ, tự nhiên có những kẻ luôn bảo vệ hộ mình bất chấp mình là con bò đội nón.

Ra trường xin việc làm, tự nhiên có những cơ quan trải thảm đỏ. Rồi lại có những kẻ âm thầm cất nhắc đặt mình vào vị trí “thơm tho”. Ờ thì nếu nó xăng xái bảo: "Chị ơi, anh ơi, em nâng điểm cho cháu nhá thì có phải dễ không". Đằng này âm thầm làm khác gì thằng trộm, lại còn gây hậu quả về sau ai mà ngờ.

Trước tòa, hiệu trưởng thừa nhận đã "tự lấy thông tin" con trai của bà phụ huynh nói trên để đưa cho người khác sửa bài, nâng điểm. Động cơ thì bị cáo chỉ thấy thương con bà kia học không tốt nên mới tự ý giúp đỡ. Chứ có biết phụ huynh mồm ngang mũi dọc thế nào đâu mà quen biết.

Hối hận, người nâng điểm đã gửi lời xin lỗi đến gia đình bà phụ huynh nọ vì vô tình khiến họ bị kỷ luật và bị xúc phạm. Cũng có thể phụ huynh có con học dốt kia là một thế lực cần phải tiếp cận để bí mật nịnh bợ cầu lợi. Biết lấy gì chống lại những hành vi nịnh bợ đê hèn này?

Có vẻ như đã có thuốc giải khi Bộ Nội vụ đề xuất đề án văn hóa công vụ. Trong đó có các quy định "không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng". Nhưng mổ xẻ xem thế nào là trong sáng, thế nào là trong tối thật nhức đầu.

Trong cuộc họp mà cấp dưới nói thẳng vào mặt thủ trưởng là "khuyết điểm của thủ trưởng là làm việc nhiều quá, không giữ gìn sức khỏe". Không phải tự nhiên mà có vị bảo vệ tiến sĩ bằng luận án "hành vi nịnh trong tiếng Việt".

Phê đông bình tây rồi cũng thấy rằng có một thứ nịnh duy nhất được thừa nhận sự mang lại năng lượng tích cực, đó là nịnh đầm, nịnh vợ…

Còn bạn! Bạn từng có thói quen nịnh đầm chưa?

Lê Tâm
.
.
.