Nỗi đau từ những vòng xe

Chủ Nhật, 15/10/2017, 20:02
Ước mơ tan tành sau một buổi chiều mưa và đêm giao thừa định mệnh đã làm thay đổi cuộc đời hai cô gái. Họ phải sống trong nỗi đau cơ thể và mặc cảm hình hài. "Hung thần xa lộ" chẳng chừa một ai, nếu có phép mầu thì mong những người cầm vô lăng hãy quý cuộc đời của mỗi con người như chính bản thân mình.

Ước mơ gãy vụn trong buổi chiều mưa

Ngôi nhà nằm nép mình bên dòng kênh Thao (quận 9, TP Hồ Chí Minh) của mẹ con Lê Thị Tâm (23 tuổi) bị phủ kín bởi rặng dừa nước và lục bình xanh. Tâm ngồi thẫn thờ trên bậu cửa, đôi mắt xa vời vợi, mông lung và dại khờ. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt quệt nước mắt: "Từ ngày xuất viện nó ngơ ngác như vậy đó. Lúc nào cũng phải có người trông nom, sợ nó ra sông chết đuối".

Hơn một năm trước, cô gái trẻ Lê Thị Tâm háo hức cầm tấm bằng cử nhân chuyên ngành Văn hóa du lịch vào đời, với bao mơ ước, hoài bão. Tâm được một công ty du lịch lữ hành nhận vào làm nhân viên khai thác thị trường. Công việc đúng với chuyên ngành nên em rất hãnh diện với bạn bè.

Một vụ tai nạn trong đêm.

Tuổi trẻ xông pha đầy nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc, Tâm xách xe máy chạy khắp các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ tìm kiếm những điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Thế nhưng đôi chân không mỏi của cô gái trẻ đã phải dừng lại sau vụ tai nạn bất ngờ.

Vào buổi chiều một ngày giữa tháng 10 năm 2016, Tâm đang chạy xe từ Bình Dương hướng về Thủ Đức thì cơn mưa đen trời ập tới. Cô tấp xe vào lề đường lấy áo mưa. Giữa dòng người bát nháo trong cơn mưa, một chiếc xe tải lao tới, đánh tay lái tránh một người đi đường đã quệt vào người Tâm. Cô gái bị ngã về phía trước, cùng lúc một chiếc xe máy không kịp giậm phanh đã phi ngang qua người Tâm.

Cô nằm ngất lịm giữa trời mưa, máu từ cơ thể túa ra. Mọi người đưa Tâm vào bệnh viện cấp cứu. Trải qua hết các xét nghiệm, chẩn đoán, bác sĩ kết luận Tâm bị gãy xương ngón chân cái, rách quai hàm, tổn thương vùng đầu, có máu tụ.

Điều trị gần một tháng, Tâm được xuất viện. Thời gian đầu Tâm tỉnh táo, nói chuyện bình thường, sau đó ba tháng bắt đầu có biểu hiện hoảng loạn, hay thét trong đêm. Lại trải qua các cuộc khám, bác sĩ kết luận do vụ tai nạn đã làm Tâm tổn thương não, cộng với việc suy nghĩ tiêu cực nên Tâm bị chấn thương về tâm lý.

Bà Nguyệt lại khóc nghẹn lên: "Con bé chăm làm lắm, tự nhiên bị tai nạn như vậy nên sốc, suy nghĩ lung tung thành ra bị trầm cảm, có dấu hiệu tâm thần. Từ ngày ở nhà nó cứ thẫn thờ, thi thoảng đòi đi ra đường".

Chạy chữa cho con kiệt quệ kinh tế, bà Nguyệt bàn với chồng bán căn nhà ở Thủ Đức chuyển về ngoại thành quận 9 mua đất. Còn dư chút tiền để chữa bệnh cho con. Ngày trước bà Nguyệt bán nước giải khát ở khu chế xuất Linh Trung. Từ ngày con bị tai nạn chuyển nhà bà nghỉ hẳn để chăm sóc. Chồng bà đi làm bảo vệ lương chỉ đủ rau cháo qua ngày.

Người gây tai nạn có đến hỏi thăm hay bồi thường gì không? Bà Nguyệt ngậm ngùi: "Ngày còn trong bệnh viện thì họ tới đưa cho chút tiền gọi là an ủi, chứ họ cũng nghèo, năn nỉ mình bỏ qua. Sự việc đã vậy rồi, bắt ép nhau con mình không lành lặn lại được. Thôi để lấy phước, biết đâu có phép màu".

Hy vọng vào điều kỳ diệu, bà Nguyệt mỗi ngày vẫn phải canh chừng cô con gái từ miếng ăn đến giấc ngủ.

Đêm giao thừa thay đổi cuộc đời

Trần Tú Oanh (27 tuổi, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) xinh đẹp, giỏi giang, đã có bạn trai và đang có công việc nhiều người mơ ước ở một ngân hàng. Cuộc đời Oanh tràn đầy hoa và nụ cười. Tương lai, sự nghiệp ngọt ngào đón đợi cô gái phía trước nếu không có chuyến xe định mệnh đêm 30 Tết 5 năm về trước.

Đêm ấy, Oanh và bạn trai chở nhau đi đón giao thừa cùng đám bạn. Mừng năm mới, họ tụ tập tại một quán ăn, mỗi người uống vài lon bia cho thêm phần phấn khích. Khi tiếng pháo hoa rộn rã chào Xuân kết thúc, Oanh và bạn trai chở nhau về nhà. Đoạn đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) rộng thênh thang, đêm vắng ngắt bóng người.

Chiếc xe máy lao như tên lửa, Oanh ôm chặt bạn trai trong hơi men cay nồng phảng phất trong gió. Bỗng một tiếng động rất lớn, sau đó Oanh không biết gì nữa. Tỉnh dậy trong bệnh viện với toàn thân trắng toát băng cuốn, Oanh đau đến tận cùng. Bên giường bệnh là người mẹ hốc hác, mắt đỏ hoe. Oanh không thể nói nên lời bởi cơ thể đau thấu tim gan.

Đường vào nhà mẹ con Tâm heo hút.

Sau này Oanh mới biết mình đã hôn mê 3 ngày, bác sĩ tiên lượng xấu. Oanh tỉnh lại là điều kỳ diệu. Bạn trai của Oanh tử vong tại chỗ, Oanh bị vỡ hộp sọ, dập phổi, gãy xương sườn. Nghe mẹ kể, Oanh không thể tin mình vừa trải qua vụ tai nạn khủng khiếp đến vậy.

Qua khám nghiệm hiện trường, đây là vụ tai nạn do người điều khiển có nồng độ cồn quá cao, chạy với tốc độ kinh hoàng đã tự tông vào gốc cây. Chiếc xe máy nát nhừ, biến dạng.      

Oanh phải trải qua nhiều ca phẫu thuật chỉnh hình, nặng nhất là phải mổ hộp sọ, lấy một phần não ra ngoài do tổn thương quá nặng. Gần một năm điều trị, Oanh trở về nhà với cơ thể và khuôn mặt hoàn toàn khác.

Thất nghiệp, mất người yêu, ngoại hình xấu xí, tàn tật... là viễn cảnh tương lai của Oanh. Mỗi ngày nhìn vào gương, Oanh sợ hãi với chính hình hài của mình, rồi tự trách bản thân. Giá như đêm ấy không uống bia thì đã tỉnh táo và làm chủ được lý trí. Bây giờ cuộc đời tàn tạ, ăn bám cha mẹ, làm khổ biết bao người. 

Gần 2 năm chìm đắm trong nỗi đau cơ thể và sự mặc cảm thân hình, Oanh quyết chí lấy lại chính mình. Cô nhờ cha đóng cho một chiếc ghế đặc biệt để ngồi dậy tập vận động. Chiếc ghế có gắn bốn bánh xe, có khả năng giữ thăng bằng và di chuyển nhẹ nhàng. Oanh nhốt mình trong chiếc ghế ấy, bắt đầu tập vận động chân tay.

Từ ngày bị tai nạn, Tâm luôn thu mình vào góc tối.

Lúc đầu đau lắm, nhức buốt suốt đêm. Rồi cả đầu nữa, hình như máu từ vết thương chảy ra, đau ứa nước mắt. Oanh cảm nhận trọn vẹn nỗi đau cùng những biến chuyển của cơ thể. Vận động được khoảng 3 tháng, Oanh thấy chân tay nhanh nhẹn hẳn lên, mỗi bữa cơm ăn thêm được nửa chén và giấc ngủ không bị cơn đau hành hạ nữa. Oanh nhờ mẹ đi mua len về đan.

Cô tỉ mỉ mỗi ngày vừa luyện tay vừa khống chế nhúm não còn lại không nghĩ về điều tiêu cực nữa. Oanh hoàn thành xong chiếc mũ mùa đông trong vòng 2 tháng. Dự định của Oanh là sẽ đan thật nhiều mũ len, gửi tặng những đứa trẻ vùng cao Tây Bắc trong mùa rét mướt.

Sau biến cố cuộc đời, Oanh mong muốn những người cầm lái hãy nhìn vào nỗi đau của người ở lại để rút kinh nghiệm cho mình, hãy đừng để nhanh một giây mà chậm cả đời. Cuộc đời này sống có nghĩa sẽ rất đẹp, vì thế hãy biết trân trọng nó, hãy biết yêu mình và yêu người.

Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Thiện, người có trên 30 năm làm tài xế chạy tuyến xe khách Bắc Nam. Giới trong nghề nhận xét, tài xế Thiện là người giàu kinh nghiệm, tôn trọng nghề, cẩn thận trên từng centimet đường.

Thế nhưng, trong cái nghề này, ranh giới rủi ro mong manh như sợi chỉ. Không ai đoán trước được và cũng không ai chủ động được tất cả tình huống.

Giơ một cánh tay đã bị cắt lên tận khuỷu, anh Thiện bậm môi kể: "Mình chạy rất cẩn thận mà còn bị thế này. Thật là oan trái". Ngày cuối tháng 5 năm 2015, anh Thiện chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Thái Bình khi xe qua địa phận Hà Tĩnh thì gặp hai thanh niên say rượu phóng với tốc độ bạt mạng ngược chiều trên quốc lộ, mặc cho tiếng còi bấm inh ỏi của cánh tài xế.

Cách vài chục mét, anh Thiện đã chủ động cho xe chạy chậm, ra hiệu cho xe phía sau không vượt. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà tài xế chạy sau cố tình vượt qua, chặn đầu hai thanh niên khiến người điều khiển lạng sang đầu xe anh Thiện. Tình huống quá bất ngờ, anh Thiện đánh tay lái tránh khẩn cấp khiến chiếc xe lao vào cột bê tông địa giới, đâm xuống ruộng.

Hành khách trên xe la hét, đập cửa kính choang choác. May là chiếc xe chỉ bị nghiêng, một số khách bị văng xuống sàn chấn thương nhẹ. Riêng anh Thiện do cú bẻ vô lăng quá nhanh quá mạnh, cộng với lực va chạm của đầu xe khiến anh bị dập xương cánh tay trái. Sau biến cố, anh Thiện bị cưa một bên tay, từ giã nghề lái xe.

Anh đưa vợ con vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Vì không còn lành lặn nên anh Thiện không thể xin việc làm. Anh ở nhà phụ vợ bán rau và chăm sóc cháu ngoại. Nói về nghề lái xe, anh Thiện vẫn có chút gì đó hoài niệm, nuối tiếc.

Anh chia sẻ: "Nếu không bị tai nạn thì mình đã không phải bỏ nghề. "Hung thần xa lộ" chẳng chừa một ai, đã có bao nhiêu số phận thay đổi sau một giây định mệnh. Chỉ mong người cầm lái hãy thận trọng vì cuộc đời của mình và của mọi người, mong nhà chức trách mạnh tay hơn với quái xế và quyết liệt xử lý sai phạm giao thông".

Ngọc Thiện
.
.
.