Tràng Tiền Plaza:

Nỗi ám ảnh của "bóng ma" thất bại

Thứ Bảy, 04/05/2013, 23:24

Hơn 100 năm lịch sử, qua bao lần thay tên đổi chủ, nằm ở một vị trí không thể đẹp hơn, Bách hóa Tràng Tiền không chỉ được coi là biểu tượng thương mại mà còn là biểu tượng văn hóa của người Hà Nội. Sau 2 năm đóng cửa, liệu sự trở lại của Tràng Tiền Plaza có phá đi được cái lớp bụi mờ bao phủ bấy lâu?

"Bóng ma" thất bại!

Trước đây, Bách hóa Tổng hợp được người ta quen gọi là "Nhà Godard". Tòa nhà được đặt theo tên của người chịu trách nhiệm quy hoạch lại thành phố theo lệnh của chính phủ Pháp lúc bấy giờ, ông Sebastien Godard (1839 - 1940).

Khu vực Tràng Tiền được coi là con phố "kim cương" bởi nó có địa thế cực kỳ đẹp. Trong khi mọi giao dịch, buôn bán của người dân chủ yếu là họp chợ qua các phiên. Mặt hàng chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, lương thực được bày bán tại các vỉa hè. Sự kiện ra đời nhà Godard như một bước ngoặt lớn lao cho thương mại Hà Nội lúc bấy giờ. Các mặt hàng được đưa về Hà Nội đa dạng hơn và được chuyển từ nhiều nước trên thế giới.

Có nhiều ghi chép để lại thì nhà Godard chỉ phục vụ người Pháp và giới thượng lưu lắm tiền nhiều của lúc đó. Thậm chí không phải có tiền là mua được hàng ở đây. Thế rồi thực dân Pháp lép vế ở Đông Dương, nhà Godard được bán lại cho một số thương nhân đến từ những nước khác. Để rồi chẳng còn ai biết chủ cuối cùng của nhà Godard là ai, chỉ nghe đồn đó là một thương nhân người Ấn Độ.

Chỉ đến cuối những năm năm mươi Bách hóa Tràng Tiền mới thực sự trở nên thân thương với người Hà Nội. Nhà nước có chủ trương "công tư hợp doanh", cái tên nhà Godard dần chìm sâu vào quá khứ.

Đúng ngày 28/8/1960, Bách hóa tổng hợp chính thức đi vào hoạt động, trở thành cửa hàng lớn nhất thủ đô và cả miền Bắc lúc đó. Có người còn ví von Bách hóa tổng hợp như "tủ kính của XHCN". Những người ở nông thôn lên Hà Nội nếu chưa qua Bách hóa tổng hợp coi như chưa đến Hà Nội. Với họ, chỉ cần vào đó và chiêm ngưỡng hàng hóa chứ chẳng cần mua gì.

Năm 1993, Bách hóa tổng hợp được chuyển giao cho một doanh nghiệp nhà nước. Đơn vị này cũng chỉ đơn giản là tái cấu trúc cửa hàng. Hướng đi này không phù hợp nên chỉ tồn tại vỏn vẹn 2 năm.

Năm 2002, một lần nữa Bách hóa tổng hợp, cửa hàng nổi tiếng gắn liền với tâm trí người Hà Nội lại được thay chủ mới. Với cái tên hoành tráng, mang một diện mạo hoàn toàn mới - Tràng Tiền Plaza. Biết bao hy vọng, bao hồi hộp của người Hà Nội đặt cả vào hòn ngọc thủ đô lúc bấy giờ. Mặt hàng bày bán ở Tràng Tiền Plaza rất đa dạng, từ nhu yếu phẩm cho đến xa xỉ phẩm. Những tưởng hướng đi của Tràng Tiền Plaza là hợp thời, là đúng hướng.

Thế rồi cũng chỉ tồn tại được 10 năm không hơn không kém. Lúc đó đã có nhiều chuyên gia mổ xẻ về thất bại đớn đau này. Tuy có địa thế đẹp nhưng với cách quản lý vận hành lỗi thời của Công ty TNHH Tràng Tiền (trực thuộc Tổng Công ty Vinaconex, sau này chuyển giao cho Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước - SCIC) đã dẫn đến thất bại. Nhiều khách hàng lúc đó ví Tràng Tiền Plaza lộn xộn như một cửa hàng bách hóa tổng hợp thời bao cấp hoặc những chợ bán lẻ bình dân.

Hàng hóa nghèo nàn, tốt xấu lẫn lộn, phẩm chất, chất lượng, giá cả không đảm bảo... Người ta còn chưa quên những giai đoạn báo chí rầm rộ đưa tin về hiện tượng hàng giả, hàng nhái, những thương hiệu lớn. Chính cái nơi được gọi là "kinh đô mua sắm" đã trở thành "kinh đô bỏ trống".

Phá dớp thất bại trong tình hình kinh tế khó khăn?

Mới đây, người ta lại bắt đầu hồi hộp, chờ đợi sự trở lại của Tràng Tiền Plaza, lần trở lại này thực sự là một cuộc thay đổi cả về chất và lượng. Có lẽ những bài học thất bại từ trước cùng với hiện thực nền kinh tế thì Tràng Tiền Plaza đã có những phương án đầu tư, kinh doanh kín kẽ?

Trong rất nhiều phương án, liên doanh với đối tác nước ngoài được lựa chọn bởi kinh nghiệm và tiềm lực cũng như khả năng làm việc với những thương hiệu lớn. Và, Tràng Tiền Plaza đã trở thành trung tâm mua sắm với các thương hiệu lớn, phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao và khách du lịch nước ngoài.

Ông chủ mới không ai khác là một doanh nhân đầy tiềm lực Jonathan Hạnh Nguyễn được lựa chọn. Để thổi một luồng gió mới cho "kinh đô mua sắm" nhưng cũng không làm mất đi sự thân quen, chủ nhân của Tràng Tiền Plaza đã chi 400 tỷ đồng để tu sửa. Đồng thời phía đối tác nước ngoài cất công sang tận Pháp, nơi lưu giữ bản thiết kế những ngày đầu của Tràng Tiền Plaza để có những thông số phục dựng lại nơi đây theo lối kiến trúc thanh lịch, sang trọng và cổ kính.

Việc tu sửa này đã được UBND thành phố Hà Nội giám sát hết sức chặt chẽ. Do tầm quan trọng về ý nghĩa lịch sử, văn hóa nên yêu cầu của người dân thủ đô, công trình phải giữ nguyên kiến trúc vốn có, chỉ làm mới hoặc thay thế vật liệu, màu sắc và một vài chi tiết kiến trúc; không làm biến dạng về hình thức, kết cấu hiện có.

Với vẻ bề ngoài không có gì thay đổi, nhưng sự vận hành kinh doanh của Tràng Tiền Plaza đã đổi khác. Bằng khả năng thuyết phục, quan hệ, uy tín, ông chủ mới đã đưa về hàng loạt những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới: Luis Vuitton, đồng hồ Rolex, mỹ phẩm Chanel... Các thương hiệu cao cấp của Việt Nam cũng có mặt, song chiếm tỷ lệ thấp bởi giá thuê tại đây không hề dễ chịu, trung bình khoảng 150 USD/m2/tháng.

Mới đây vào ngày 6/4, Tràng Tiền Plaza chính thức được khai trương. Trong ngày khai trương hoành tráng, nhân vật được người ta quan tâm nhất lại chính là cô con dâu xinh đẹp của ông chủ Jonathan Hạnh Nguyễn là Tăng Thanh Hà. Tầm ảnh hưởng, mối quan hệ với giới doanh nhân và showbiz, có lẽ đây là đối tượng khách hàng chính của hàng hiệu mà Tràng Tiền Plaza lựa chọn.

Trong lúc phải đối mặt với nền kinh tế khó khăn, Tràng Tiền Plaza lại đầu tư vào hàng hiệu, hàng xa xỉ. Nhiều người ví von đây lại là một canh bạc, thất bại nhiều hơn thành công. Thực tế, rất nhiều nhãn hiệu giảm giá tới 50%, thậm chí 70% trong dịp cuối năm tại các trung tâm thương mại cao cấp như Vincom, Parkson nhằm kích cầu, vậy mà doanh số không như mong đợi.

Tại Parkson, có duy nhất 1 ngày giảm giá tới 40% cho tất cả các loại sản phẩm (vào ngày 25 tháng chạp âm lịch), nhưng lượng người mua vẫn không tăng, điều này cho thấy khách hàng đã toan tính, dè chừng cho việc chi tiêu như thế nào. Nói như vậy không phải những mặt hàng xa xỉ không có chỗ đứng ở thị trường Hà Nội. Thực tế những địa chỉ mua sắm như Vincom Bà Triệu hay Parkson Thái Hà vẫn được coi là thành công.

Vậy phải chẳng lời giải của bài toán hàng "xa xỉ giữa thời kỳ khó khăn" lại là yếu tố con người? Nếu vận hành không tốt, khai thác mạng lưới khách hàng không ổn thì "bóng ma" thất bại của Tràng Tiền sẽ lại hiện hữu bất cứ lúc nào.

Tôi tin những tâm hồn Hà Nội xưa sẽ mở rộng vòng tay với một Tràng Tiền hiện đại

Trước những câu hỏi: Tràng Tiền không chỉ là nơi mua sắm mà còn là nét văn hóa riêng của Hà thành. Với một Tràng Tiền Plaza xa hoa toàn thương hiệu liệu có làm vừa lòng người Hà Nội hay không?

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã trả lời trước truyền thông rằng: Tràng Tiền ngày nay tuy có sự thay da đổi thịt so với trước đây, hình ảnh hiện đại, sang trọng và kiêu sa hơn nhưng rất phóng khoáng trong cung cách phục vụ. Nếu cửa hàng bách hóa tổng hợp ngày xưa có phong cách bình dân thì ngày nay trung tâm thương mại Tràng Tiền đa phong cách hơn. Ở đó đủ sức đáp ứng được nhu cầu của mọi giới. Người có thu nhập cao hay khả năng tài chính khiêm tốn đều có thể tìm cho mình hàng hóa vừa túi tiền trong khu mua sắm này.

Tầng 1 - 3 chuyên về hàng hiệu đắt tiền nhưng các tầng trên cũng không thiếu hàng hiệu giá vừa phải, rất nhiều sự lựa chọn. Thậm chí Tràng Tiền còn có cả khu ẩm thực, giải trí đa dạng.

Sự khác biệt giữa xưa và nay chính là khả năng khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ hơn, cộng hưởng của nhiều thương hiệu thuộc mọi phân khúc sẽ giúp cho Tràng Tiền đầy màu sắc. Tôi tin những tâm hồn Hà Nội xưa sẽ mở rộng vòng tay với một Tràng Tiền hiện đại được mài giũa tinh xảo thành viên ngọc sáng. Người Hà Nội sẽ tự hào vì có một Tràng Tiền hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, vừa thời thượng nhưng cũng rất bình dân.

Với những người yêu Hà Nội thì sự thành hay bại của Tràng Tiền Plaza đã vượt qua hẳn mục tiêu lợi nhuận kinh tế. Nó còn là niềm tự hào cho một Hà Nội hiện đại nhưng đậm văn hóa truyền thống.

Phong Anh
.
.
.