Nỗi ám ảnh về sự… hung hãn

Chủ Nhật, 17/02/2019, 13:02
Ngay trong ngày mùng 1 Tết, mạng xã hội đã dậy sóng khi xuất hiện đoạn clip cảnh một xe ô tô 7 chỗ màu trắng dừng lại trên đường, một cậu bé từ bên trong xe mở cửa chạy vào ngôi nhà đối diện. Gần 30 giây sau, cậu bé từ bên trong ngôi nhà lao ra.


Đúng lúc này, một cô gái chạy xe máy tới không tránh kịp đã va chạm với đứa trẻ. Sau cú va chạm, cậu bé cũng đã bị vấp ngã ra đường và nhanh chóng đứng lên chạy lại bên đường. Tuy nhiên, thay vì kiểm tra đứa trẻ xem có sao không thì người đàn ông từ trên ô tô lao đến vung tay tát thật mạnh cô gái.

Chứng kiến sự việc này, một người phụ nữ chạy đến can ngăn. Nhưng người đàn ông vẫn tiếp tục hung hăng đòi lao vào tấn công cô gái. Sự việc được xác định xảy ra trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Xuân An, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai

Hai ngày sau, trước sức ép của cộng đồng mạng khi nhiều người đã truy lùng và tìm ra địa chỉ người đàn ông có hành vi côn đồ này, Nguyễn Thành Tuấn (36 tuổi, thường gọi là Đớm), ngụ phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, Đồng Nai đã phải lên mạng thừa nhận mình chính là người đã tát người phụ nữ đi xe máy trong clip và nói lời xin lỗi.

Bình luận về việc này, nhiều người cho rằng, nếu hôm đó người đi xe máy là một nam thanh niên thì rất có thể đã xảy ra một vụ ẩu đả, thậm chí án mạng. Vì vậy dù đã xin lỗi nhưng hành vi của Nguyễn Thành Tuấn vẫn cần phải bị xử lý.

Nhưng đó chỉ là một trong số hàng nghìn vụ việc xảy ra trong dịp Tết vừa qua. Theo thống kê từ Bộ Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, các bệnh viện trong cả nước tiếp nhận gần 5.500 trường hợp phải đi viện cấp cứu do đánh nhau.

Số trường hợp nhập viện do đánh nhau chiếm gần 2% tổng số ca cấp cứu tại các bệnh viện trong 9 ngày nghỉ Tết nguyên đán Kỷ Hợi, trong đó hơn 3.000 trường hợp phải điều trị nội trú và có 15 người đã tử vong.

Các ca thương vong do đánh nhau chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Đa số người vào viện vì lý do đánh nhau là nam. Một tỉ lệ đáng kể địa điểm xảy ra vụ việc là ở nhà. Theo đánh giá chung, rượu bia là nguyên nhân chủ yếu gây nên những xung đột này.

Vậy là trong khi mọi người vui xuân thì đã có hàng nghìn gia đình mất Tết vì phải đưa người thân đi viện vì đánh nhau, thậm chí là 15 gia đình phải làm đám tang.

Thực tế, chuyện đánh nhau trong ngày Tết không còn là chuyện lạ, bởi trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi dịp Tết luôn có hàng nghìn người phải nhập viện do đánh nhau.

Thực tế này khiến nhiều nhà nghiên cứu xã hội bày tỏ lo ngại. Con số hàng nghìn người nhập viện vì đánh nhau trọng dịp Tết là điều cảnh báo xã hội đang ngày càng mất đi tính bao dung, bởi truyền thống của người Việt là ngày Tết thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, thậm chí mọi mâu thuẫn trong năm cũ đều được bỏ qua để mang niềm vui chung và tha thứ để đón những điều tốt đẹp trong năm mới.

Thay vào truyền thống tốt đẹp đó, giờ đây một bộ phận người Việt ngày càng hung hãn, một bộ phận người trẻ thường hay bốc đồng, nóng tính, mất kiểm soát, nhất là sau khi họ có men rượu trong người nên muốn dùng vũ lực để giành phần thắng trong các cuộc tranh cãi.

Tình trạng này cũng phản ánh thực trạng luật pháp đã quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, những việc được làm và những hành hành vi bị cấm. Tuy nhiên nhiều người dù trưởng thành nhưng không có kiến thức pháp luật nên sẵn sàng "tự xử" khi có mâu thuẫn, vì thế nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tạo ra những hiệu ứng nguy hiểm cho xã hội.

Nhìn nhận từ góc độ một chuyên gia xã hội học, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, ngoài những nguyên nhân có thể nhìn thấy trước mắt như say xỉn, rượu bia, thì nguồn cơn sâu xa chính là do sự thiếu kiểm soát trong lối sống, hành vi ứng xử... trong một bộ phận người dân. Nhiều người có hành vi ứng xử, giao tiếp kém, nên khi có mâu thuẫn là sẵn sàng xông vào đánh đấm.

Vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề cần có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến vấn đề giáo dục, trong đó có cả giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và xã hội. Ở đây có vấn đề của xã hội, có cả vấn đề của gia đình, nhà trường. Và giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội, ba môi trường giáo dục này có hạn chế. 

Để tiết chế được sự hung hãn trong cách ứng xử giữa con người với nhau, cần tích cực xây dựng một xã hội tôn trọng pháp luật, đề cao tính tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân trước yêu cầu của cộng đồng.

Tân Lương
.
.
.