Việt Phủ Thành Chương: Nỗi âu lo sau 15 năm

Thứ Tư, 11/05/2016, 11:39
15 năm miệt mài và đắm đuối với Việt Phủ của họa sĩ Thành Chương đã mang đến cho chúng ta một không gian văn hóa Việt thuần khiết, để ai đến đó cũng có thể tìm thấy một chốn trở về. Nhưng sau 15 năm, nỗi lo dường như lớn hơn khi họa sĩ Thành Chương thú nhận: “Tôi đã già, và câu chuyện duy trì, bảo dưỡng và phát triển Việt Phủ còn là bài toán khó khăn hơn nhiều công việc của người đã sáng tạo ra nó”.


Hành trình đơn độc

Không ai có thể phủ nhận những giá trị mà họa sĩ Thành Chương, người đã dành một phần lớn cuộc đời và tài sản của mình để xây dựng Việt Phủ. Một không gian thuần Việt mà ở đó, mỗi người Việt trong chúng ta, khi bước qua cánh cổng nhuốm màu rêu phong ấy sẽ có cảm giác được trở về với ngôi nhà quen thuộc của ông bà, bố mẹ, những ngôi nhà chỉ còn lại trong ký ức. 

Họa sĩ Thành Chương làm Việt Phủ bởi tình yêu đối với văn hóa truyền thống trong huyết quản ông không bao giờ nguội lạnh, ngừng nghỉ. Việt Phủ là kết quả tất yếu của tình yêu ấy. Đất nước ta trải qua quá nhiều thiên tai, địch họa, di sản bị tàn phá, những năm gần đây, phong trào bảo tồn đang làm biến mất những giá trị văn hóa xưa.

Di sản còn lại rất ít nếu không nói chúng ta mất mát quá nhiều. “Ngoài tình yêu, tôi muốn truyền cho mọi người ý thức về tình yêu đó, trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn những di sản của ông cha, có được ý thức đó thì di sản mới tồn tại”, họa sĩ Thành Chương nói.

15 năm, một hành trình đơn độc của ông và gia đình bé nhỏ. 15 năm, nếm đủ những “mùi ca ngâm”, có lúc “lên bờ xuống ruộng” vì những đồn đoán, dị nghị khi câu chuyện kinh doanh văn hóa được đặt lên bàn cân. Thành Chương dường như đã... oải. Bởi ông đang mang vác trên mình một gánh nặng di sản của ông cha mà chưa biết tương lai sẽ thế nào, rồi sẽ trao truyền cho ai. 

Nhiều người đã hỏi ông rằng, vì sao ông bỏ ra tiền tấn chỉ để thu lại những đồng tiền lẻ. Thực tế, bắt đầu từ niềm say mê, Thành Chương xây Việt Phủ chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Nhưng rồi phủ cứ lớn dần lên, và khách tham quan cũng kéo về nhiều. Sau nhiều năm mở cửa miễn phí, từ 2009, Phủ Thành Chương bắt đầu bán vé, mà vé cũng không hề rẻ. 

Vì đơn giản, ông muốn những vị khách thực sự yêu và có nhu cầu tìm hiểu. Họ sẽ thấy, giá vé đó không hề đắt. Hơn nữa, Việt Phủ không thể là nơi đại trà, ồn ào với lượng khách du lịch quá lớn. Họ chọn ít và tinh bởi con đường làm văn hóa là một hành trình dài.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: “Cả đời lao tâm khổ tứ để có được một di sản lớn như Việt Phủ. 15 năm qua, chúng tôi đã làm thế nào để nó tồn tại và có kinh phí duy trì, bảo tồn, để Việt Phủ có một vị thế xã hội như hôm nay. Đó không còn của cá nhân chúng tôi nữa mà của cả cộng đồng, xã hội. 

Vợ chồng họa sĩ Thành Chương- Ngô Hương.

Tôi già rồi, các con còn bé, Việt Phủ sẽ phát triển như thế nào không còn là câu chuyện của riêng gia đình tôi mà là trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội. Cho nên, khi chúng tôi hoạt động và lấy chút ít kinh phí của khách tham quan cũng là cách trao di sản này vào tay cộng đồng. Số tiền thu được giúp chúng tôi duy tu, bảo dưỡng, thể hiện trách nhiệm công dân của mọi người, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của cha ông”.

Ca sĩ Mỹ Linh, hàng xóm của Thành Chương chia sẻ rất chân thành: “Anh Chương không định làm cho mọi người, Việt Phủ thành thế này cũng ngẫu nhiên và do nhu cầu của mọi người. Chưa bao giờ anh làm vì mục đích kinh doanh, kiếm tiền, vì tôi biết số tiền anh bỏ ra ở đây không thể thu lại được. Đây là cố gắng đơn độc của anh Thành Chương nhưng cứ đi một mình sẽ oải. 

Nhiều khách du lịch đến thăm Việt Phủ.

Anh cũng có vợ, có con, và những chi phí cho gia đình, tôi biết anh chị đang phải cân đong đo đếm rất nhiều. Nhưng khi anh Thành Chương oải thì sự mất mát không phải của riêng anh mà của toàn xã hội''. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thẳng thắn: “Có những lúc Chương trong túi không có đồng nào. Chương cũng gần 70 tuổi rồi, chúng tôi cũng giống như tất cả mọi người, rồi sẽ trở về với cát bụi. Phủ Thành Chương này Chương xây ra bằng cả tình yêu của mình với văn hóa Việt, nó thuộc về người Việt. 

Không ai bỏ ra tiền cả đời mình để mong việc thu hồi vốn ở đây. Rồi đây Chương cũng sẽ mất đi, cũng giống như mọi người. Nhưng văn hóa thì sẽ tồn tại, giống như tình yêu của bạn tôi sẽ tồn tại. Và liệu Việt Phủ có tồn tại được hay không cũng phụ thuộc vào cộng đồng, vào chính tất cả chúng ta, những người vẫn đến đây để tìm sự bình yên, để cảm nhận về một ngôi làng Việt đã chỉ còn trong tâm tưởng”.

15 năm, Việt Phủ đã chứa đựng trong nó những giá trị vô giá. Nhưng cũng sau 15 năm, tôi thấy chủ nhân của Việt Phủ đang phải đối diện với những nỗi bất an, lo lắng về tương lai. Thành Chương, như một lữ hành đơn độc, cứ bước đi trên con đường của mình. Ai có thể hình dung ông như một người thợ thủ công, một người làm vườn đúng nghĩa, chăm bẵm, sắp đặt từng gốc cây, ngọn cỏ, từng bức tượng, từng con chó trong khu vườn này. 

Tôi thấy nỗi buồn của ông, Thành Chương đã già, và việc bảo tồn, duy tu Việt Phủ sẽ như thế nào. Di sản ấy sẽ trao truyền cho ai. Tôi hỏi ông, ông sẽ nghĩ gì về 30-50 năm tới. Ông nói rằng, nỗi lo của ông về việc gìn giữ, bảo tồn Việt Phủ cho cả trăm năm sau. Bởi thực tế, người Việt chưa có thói quen thưởng thức văn hóa, và cả xã hội đang hướng sự quan tâm của mình đến những điều khác chứ không phải văn hóa. 

Một di sản ông đã dồn cả tình yêu, tiền bạc của đời mình vào đó mà không biết sẽ trao truyền cho ai cũng là một nỗi buồn. Không chỉ là nỗi buồn của Thành Chương mà là nỗi buồn của xã hội chúng ta. Số phận của Việt Phủ sẽ thế nào trong tương lai???

Bà Ngô Hương - Giám đốc điều hành Việt Phủ Thành Chương: Tôi mong sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng

Việt Phủ được xây dựng không phải vì mục đích kinh doanh, nhưng việc mở cửa miễn phí có nguy cơ tạo thói quen không tốt và ảnh hưởng không tốt cho chủ và khách. Trước nhu cầu xã hội mong muốn được chia sẻ, thưởng thức giá trị tinh thần của Việt Phủ tạo nên, và bản thân công trình cũng cần chia sẻ để tồn tại, sau 2 năm nỗ lực thuyết phục họa sĩ Thành Chương, năm 2009, Việt Phủ mới chính thức phục vụ công chúng. 

Chủ trương ban đầu không xây lên để đón khách du lịch, tôi không nghĩ chúng tôi làm nên một công trình lớn như vậy, nhưng bằng tâm huyết và tình yêu, nó đến như một sự tự nhiên. Năm 2009, chúng tôi phải làm quỹ riêng, hoạt động độc lập. 

Đến nay, quỹ chưa kêu gọi hoặc nhận tài trợ của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Nguồn tài chính chủ yếu từ việc bán sách, kinh doanh nhà hàng và cửa hàng quà tặng phục vụ du khách và tiền bán vé. Doanh thu chỉ có thể nuôi nhân viên và dư ra một chút để tái đầu tư, bảo trì các công trình ở đây, vì mức chi phí để duy trì hoạt động của Việt Phủ khá lớn.

 Để tạo sự cân bằng giữa bảo vệ di sản với việc có nguồn tài chính dành cho hoạt động phát triển là bài toán khó với các nhà quản lý trong lĩnh vực di sản. Ở nước ngoài, người ta luôn nhận được sự đầu tư, tài trợ của các tổ chức, cá nhân giàu có. Còn ở Việt Nam thì chưa. Nhiều năm qua, chúng tôi chưa có kinh phí để đầu tư cho truyền thông, mọi thứ chỉ là hữu xạ tự nhiên hương mà thôi.

Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể về lượng khách thăm quan, bởi mục đích của chúng tôi là giữ không gian cân bằng, không bị quá tải, chỉ cần nguồn thu để có thể tự trang trải các chi phí là ổn. Tôi nghĩ, làm văn hóa là một con đường dài, không vội vã, ồn ào được. Chúng tôi muốn Việt Phủ là nơi mọi người đến để cảm nhận, để hưởng thụ một không gian thuần Việt chứ không ồn ào, xô bồ như một địa chỉ tham quan bình thường. 

Vì thế, tôi cũng hạn chế lượng khách hàng ngày. Hành trình 15 năm hạnh phúc nhưng cũng khá nhọc nhằn. Tôi mong rằng, sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng với những nỗ lực khá đơn độc của chúng tôi, vì không phải lúc nào chúng tôi cũng có đủ tiền để chi trả cho mọi hoạt động ở đây. Đó không chỉ là sự ủng hộ cho một cá nhân mà thông qua cá nhân đó, xây dựng nền tảng văn hóa cho thế hệ mai sau. 

Tôi hiểu, người Việt chúng ta chưa có thói quen thưởng thức văn hóa, như đưa con đi bảo tàng, thăm thú các di tích. Chừng nào chúng ta vẫn hứa với những đứa trẻ rằng, học giỏi, rồi bố mẹ cho đi siêu thị, thì chừng đó, văn hóa chúng ta chưa thể phát triển được. Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có nói rằng, chúng ta chỉ chăm chăm lo thực phẩm bẩn, nhưng sự nghèo nàn về tâm hồn, sự đầu độc về tâm hồn còn kinh khủng hơn. Đó cũng là một vấn đề khiến Việt Phủ khó khăn khi tiếp cận rộng rãi công chúng.

Nhóm PV
.
.
.