Nơi buôn làng, phum sóc bình yên

Thứ Sáu, 20/11/2015, 09:56
Cứ mỗi lần có dịp vào buôn làng ở Tây Nguyên hay vào phum sóc ở Tây Nam, tôi lại tưởng tượng một cuộc sống yên bình. Nơi ấy con người gắn bó với nhau như rừng và đất, nơi ấy được ngồi bệt xuống sàn nhà cười nói rồi được thưởng thức món ăn dân dã của núi rừng.

Nhưng từ khi Nhà nước chuyển sang kinh tế mở, nhiều người dân bản địa trở nên giàu có, cuộc sống núi rừng cũng dần thay đổi, có nơi bất chấp cả luật pháp.

Ở Tây Nguyên cũng như biên giới Tây Nam, bà con dân tộc đã chuyển sang trồng cây cà phê và cao su nên cuộc sống nâng cao rõ rệt. Nhiều buôn làng, phum sóc bây giờ trở thành thôn văn hóa mới, chuyện gia đình mua xe máy hay xây nhà cấp 4 không còn là điều hệ trọng. Tất cả cũng từ cà phê, cao su mà có. Tại Tây Nguyên, những đôi vợ chồng trẻ đã lần lượt gắn nụ hôn từ biệt lên ngôi nhà dài ong ong mùi khói, còn ở Tây Nam ngôi nhà chằm lá dừa nước cũng từ từ biến mất...

Phó Công an xã Lộc Nga.

Thời mở cửa cũng giống như gió thổi qua miền tối sáng, một số thanh niên đua đòi vô tình rơi vào vòng phạm luật như trộm cà phê, cao su đi bán. Đối với đồng bào ở vùng cao ngày xưa việc trộm cắp được xem như là một trọng tội, bị phạt trâu tán gia bại sản, bây giờ phải ra đứng trước tòa. Thực ra các em bị bạn bè kích động chứ không phải xuất phát từ lòng tham. Nhớ năm trước tại buôn Bờ Su Mang Ly, một phụ nữ Kờ Ho lên xã báo bị mất trộm 2 triệu, Công an xuống hiện trường xác minh, khi đến nhà nhấc chiếu  lên phát hiện một lượng tiền khá lớn nhưng không được cất giữ cẩn thận. Khi được góp ý, bà ấy trả lời: “Tiền phải ngủ với mình chớ, nó nuôi mình mà”. Sự quản lý tiền theo thời kỳ hái lượm có thể biến người thật thà trở thành kẻ trộm.

Yên bình của buôn Naosêri

Tuần rồi, một già làng Kờ Ho điện thoại bảo tôi vào buôn chơi. Nơi mà bốn năm trước tôi theo một nhà báo địa phương ghé thăm. Ngày ấy, một số bà con đã xây biệt thự vườn. Người Tây Nguyên chiếm một số lượng không ít là thường chạy theo phong trào, thấy người khác trồng cây gì, nuôi con gì có hiệu quả cũng xắn tay áo nhảy vô. Việc trồng các loại cây công nghiệp cũng không phải dễ dàng, từ nền văn minh lúa rẫy chuyển sang cây trồng mới không phải như chọc lỗ thả hạt rồi canh giữ cho đến mùa thu hoạch. Năm trước ghé buôn BSar Đạ Ryal thấy vườn cà phê khô lá cành xơ xác, tôi hỏi bà chủ: “Chị để cà phê thế này làm sao có trái?”. Bà ấy trả lời một cách thản nhiên: “Ḿnh trồng như lúa thôi, chứ đâu có tiền mua phân, mướn người ta tưới nước”.

Lần này gặp lại già làng, ông mang một quyển vở ra đọc như báo cáo thành tích: “Đã tổ chức họp bà con 2 lần về chăm sóc cà phê đợt 2, bắt được 4 vụ trộm cà phê, 5 vụ trộm chó, đang truy tìm ai dẫn đường vào đây mở ngoặc chắc có tay trong tay ngoài đóng ngoặc…”. Ông đọc một hơi dài trong niềm kiêu hãnh. Tôi hỏi: “Thế buôn mình trộm cắp đã vào thăm rồi à!?” “Thăm rồi, bắt được rồi, do Công an xã chỉ đạo bằng hình thức rung chuông hay lắm. Ở đây ăn với già bữa cơm rồi ra xã Lộc Nga mà hỏi”.

Xã Lộc Nga, thuộc Bảo Lộc, Lâm Đồng, trước kia là vùng đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên gồm có 4 buôn người Kờ Ho, Mạ nằm ven suối Đạ Rnga. Sau này dân di cư tự do đổ về lập nghiệp đến 2.900 hộ đủ các thành phần xã hội sống bằng nghề làm mướn trồng chè và cà phê, đặc biệt xã nằm trên trục lộ 20 nối liền Sài Gòn, Đà Lạt nên việc di chuyển của các loại tội phạm khó lường. Cứ đến mùa thu hoạch cà phê, an ninh trật tự có chiều hướng xấu vì nạn trộm cắp ban đêm thường diễn ra. Bằng biện pháp áp dụng công nghệ thông tin, Công an xã Lộc Nga đã sáng tạo phương cách truy bắt tội phạm một cách có hiệu quả.

Tổ phòng chống tội phạm sóc Rul.

Anh Thiều Hữu Quân, Trưởng Công an xã tiếp tôi tại phòng làm việc một cách vui vẻ. Anh Quân sinh năm 1967 với dáng người cao ráo, nước da trắng trẻo và nói năng nhỏ nhẹ như một tu sĩ. Anh cho biết: “Mấy năm trước tình trạng trộm cắp chó, cà phê, đánh lộn, bạo lực gia đình… thường xuyên xảy ra. Với vai trò làm nòng cốt phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, Công an xã đã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể trong xã xây dựng ba mô hình phòng chống tội phạm như “Rung chuông báo động”, “Khu dân cư tự quản” (theo hình thức “dân cử, dân nuôi”) và “Chốt chặn an ninh”. Từ khi được triển khai đến nay phát huy khá hiệu quả. Qua các mô hình này, chúng tôi đã xây dựng được phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” thật sự vững mạnh. Nhờ vậy, thời gian qua, các tệ nạn xã hội như trộm cắp, chích hút ma túy, bài bạc, gây gổ đánh nhau… đã giảm hẳn. Lực lượng Công an và dân quân xã thường xuyên bám sát cơ sở nên nhận được nhiều nguồn tin có giá trị”.

Chia sẻ thêm, anh nói: “Nhớ thời tiếng kẻng thông báo máy bay ngày xưa nên áp dụng để chống trộm chó. Lúc phát hiện cẩu tặc, ai đó báo động là cả xóm vào cuộc đầu trên xóm dưới. Lần đầu tiên cẩu tặc phải thả chó tháo chạy thoát thân, kể cả ai khuân vác hoặc chở cà phê đêm cũng bị xếp vào thành phần bất hảo. Việc đánh kẻng rất dễ dàng, người lớn, trẻ con đều làm được. Sau này hiện đại hơn là phương cách rung chuông. Chuông ở đây là chuông điện có tiếng vang xa, một gia đình có thể phụ trách ba bốn chuông, chỉ cần ngồi trong nhà bấm nút là hàng loạt chuông reo vang trời. Cứ thế tội phạm giảm bớt thấy rõ”.

Nói có sách mách có chứng, anh Quân nhờ một Công an viên người Kờ Ho dẫn tôi đi 3/5 thôn đã sử dụng loại mâm xe và chuông điện xua đuổi truy bắt tội phạm. Dọc đường, anh Công an viên vui vẻ kể: “Cứ ngã ba, ngã tư mình treo hai-ba cái chuông, khi nghe chuông reo, bà con nhào ra bắt, mấy thằng trộm chạy “vãi ra quần” thành công lắm đó. Một mặt bà con tự bắt, một mặt điện thoại cho Công an xã phối hợp nhịp nhàng như đã bàn bạc thống nhất trước. Việc Lộc Nga sáng tạo ra kiểu chuông này được cấp trên khen thưởng, năm 2014 được Bộ Công an tặng cờ thi đua đó ông ơi!”.

Hai vợ chồng Kờ Ho.

Được đi một số thôn trong xã mới thấy dân làm vườn xã Lộc Nga khá giàu có, nhiều biệt thự vườn ẩn hiện trong vườn cà phê trước nhà có sân xi măng rộng thênh thang để phơi cà phê vào mùa vụ. Anh KTẻh, chủ một chiếc máy cày dừng xe hỏi thăm anh Công an viên Kờ Ho đến bắt tay tôi cho biết: “Mấy năm nay buôn Naosêri êm rồi, để bà con lo làm ăn chớ, suốt đêm canh trộm chịu sao nổi”. Anh lên xe nổ máy không biết chạy đi đâu nhưng rất vội. Chú Công an Kờ Ho nói với tôi: “Nó đang chở phân đi bón cà phê đợt 2”. Nhìn theo chiếc máy cày to đùng do người gốc Tây Nguyên điều khiển cũng là nỗi mừng cho bà con mình.

Vui buồn ở ấp sóc Rul

Ba ngày trước trên đường đến vùng biên giới Campuchia ở Bình Phước, ghé thăm anh Năm Hồ, một người bạn lính cùng thời, thực ra anh là sĩ quan dạy môn võ thuật thuộc lớp đàn anh. Anh Năm dân gốc Tây Ninh nhưng sinh ra và lớn lên từ xứ cao su Bình Long. Là dân Nam Bộ với nhau nên tôi thuộc lòng câu “Thương người uống rượu, hận kẻ phá mồi”. Anh Năm thương tôi đến mức tàn cuộc phải đi bằng bốn chân, đến khi tỉnh rượu, anh đập vai tôi chửi thề: “ĐM! Mày lên xe, tao chở mày đến nhà Út Đức, Bí thư chi bộ kiêm dân anh chị sóc Rul ở vùng biên, nhưng làm anh chị theo tinh thần thượng võ chứ không phải xã hội đen nghe mày!”. Anh kéo cổ tôi lên xe máy chạy như bay trong vườn su, sợ đến mức nổi da gà.

Ấp sóc Rul thuộc xã An Phú, huyện Hớn Quảng, Bình Phước. Chúng tôi khởi hành từ Bình Long đi về hướng Tây Ninh, sau đó luồn theo vườn cao su mới đến phum sóc của đồng bào dân tộc Stiêng. Ấp sóc Rul có 206 hộ trong đó chỉ có 146 hộ chính thức còn lại là xâm canh. Ở Tây Nguyên người ta gọi là buôn làng, còn biên giới Tây Nam gọi là phum sóc. 

Ngày xưa, mỗi buôn ở Tây Nguyên có khoảng 10 nhà dài, mỗi nhà dài có khoảng 5-7 gia đình trong cùng một dòng tộc. Các nhà dài sống quần cư với nhau, trung tâm là nhà rông do già làng quản lý dùng để hội họp, tiếp khách kiêm tòa án xử theo luật tục. 

Đối với đồng bào Stiêng, họ sử dụng theo mô hình của người Kh’mer gọi là phum sóc. Phum là một cụm dân cư, nhiều phum hợp thành sóc, phum có nghĩa là vườn. Trong  một phum có 4, 5 gia đình cùng huyết thống cư trú, mỗi phum có hàng rào tre xanh bao quanh, bên trong là nhà ở, chuồng gia súc, có nơi nhà sàn có nơi nhà trệt không có nhà rông.

Tác giả (phải) và vợ chồng Kh'mer ở biên giới.

Anh Năm Hồ vừa chạy xe vừa giới thiệu người bạn của mình: “Thằng cha này tên là Lê Văn Út, đi tham gia cách mạng đổi tên là Lê Văn Đức, nên thường gọi là Út Đức. Chả là võ sư có tiếng tăm, năm 1971 làm cận vệ cho ông Phan Văn Lâm, Trưởng ban Binh vận khu miền Đông, sau này ông Lâm làm Phó ty Công an Sông Bé, Út Đức theo sang làm giáo viên võ thuật mang hàm Trung úy Công an. Út Đức là dân Tân Uyên quê của ông Tám Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ) cộng với nghề võ nên mang nghĩa khí của các bậc anh hùng tụ nghĩa, nó là võ sư thứ thiệt nên biết luật giang hồ không bao giờ đánh người ngã ngựa. Tí nữa chú mày gặp phải nói chuyện rành mạch, dân  nghĩa khí họ ghét mấy thằng nịnh bợ lắm. Sở dĩ tao rành vì hồi chiến tranh hai thằng ở chung với nhau cho đến năm 1980”. Nghe anh Năm Hồ giới thiệu về Út Đức, tôi bái phục hai ông sát đất.

Sóc Rul hiện ra trước mắt, ven theo đường su, có nhà xây có nhà ton vách ván. Mang tiếng là sóc của người Stiêng nhưng chỉ có 26 hộ đồng bào sống chung với người Kinh. Người Stiêng ở đây không giàu có bằng người Kờ Ho, Ra Đê, Ba Na ở Tây Nguyên. Họ chỉ ở nhà trệt trồng cao su và đi làm mướn. Đứng đầu 26 hộ Stiêng là ông Điểu Anh, 42 tuổi, đảng viên kiêm Công an của xã An Phú.

Nhà ông Út Đức nằm trong đường hẻm, trước mặt là vườn cao su lộng gió. Ngôi nhà xây cấp 4, được rào cẩn thận, ngoài cổng treo tấm bảng to tướng mang hàng chữ “Nhà có chó dữ”, trong sân có đến 3 con chó nằm dài yên lặng. Năm giờ chiều chúng tôi mới đến nơi, do anh Năm Hồ điện thoại trước, nên khi dừng xe, ông Bí thư Út Đức ra mở cổng. Thấy những con chó có vẻ hiền lành, tôi hỏi: “Nhà Bí thư kiêm võ sư mà kín cổng cao tường, 3 con chó của ông hiền khô lại treo bảng chó dữ”. Ông Út vừa bắt tay khách vừa giải thích: “Có chủ ở nhà, nó chuyển sang canh gác bảo vệ thôi”.

Ông Út Đức 63 tuổi, dáng người cao ráo, nhanh nhẹn, vầng trán rộng, đôi mắt tinh anh của con nhà võ nhưng ẩn chứa nỗi buồn của thời xa vắng. Lúc sắp bước vào nhà, ông hỏi: “Hai anh em ăn gì chưa?”. Năm Hồ chần chừ: “Ăn rồi”. Biết là con nhà võ trung thực nên tôi phân bua: “Cha Năm Hồ nói láo đó, chưa ăn gì đâu, đói rã ruột chỉ có rượu đầy bụng thôi”. Ông Út quay mặt vào trong nói: “Má mầy cho làm hai con gà nấu cháo, xé phay!”.

Chiều ở rừng cao su biên giới lặng lẽ đến mức thấy buồn. Trước mặt chúng tôi hàng cao su đứng hiên ngang như những người lính thiện chiến đang canh giữ vùng biên. Vẫn biết chiến tranh hiện đại, dù số lượng quân đông không có nghĩa là làm chủ chiến trường, nếu không có chiến lược ngoại giao, lòng dân và khí tài quân sự thì số đông chỉ làm bia đỡ đạn. Tuy nhiên có hàng hàng lớp lớp như rừng su vẫn thấy yên lòng hơn.

Xe Jeep của đội dân phòng sóc Rul.

Ba anh em ngồi uống trà kể lể, khi chuyện trở nên nồng ấm, tôi hỏi anh đề từ con nhà võ trong ngành Công an chuyển sang bảo vệ an ninh vùng biên, kết quả là sóc Rul được báo cáo điển hình trong tỉnh, ông Út Đức chia sẻ: Ấp sóc Rul được yên lành như bây giờ không phải công cán của một người. Đó là thế trận của lòng dân, vì bất cứ người dân nào cũng muốn yên lành để làm ăn. Đây là vùng đất biên giới xa thị trấn lại đất rộng người thưa, mấy chục năm trước tôi là một trong những người đầu tiên khai phá, vì hồi đó tôi từ Công an chuyển sang làm phó giám đốc trại cưỡng bức lao động. Lúc ấy chỉ có rừng và rừng. Khi có người ở đông hơn, dân giang hồ tứ chiến đến tìm chốn nương thân, lo làm ăn thì ít, lo kết bè ăn nhậu phá phách thì nhiều. Khi đã có rượu chúng thường uy hiếp hàng xóm, nhất là hàng ngũ cán bộ kháng chiến.

Bà con Stiêng không thích đụng chạm nên co cụm lại để bảo vệ nhau, đã có trên 5 lần bọn giang hồ đến nhà tôi gây chuyện từ việc kích động trong lúc say mèm. Lần thứ nhất, 2 thằng to con khệnh khạng vào hỏi: “Sao ông nói chúng tôi trộm gà hàng xóm?”. Tôi chưa kịp giải thích đã bị chúng nhào tới tấn công, mình là Bí thư chi bộ ai lại dùng võ lực với dân nhưng ở rừng biên giới này lý luận với kẻ say không kết quả, tôi tung cước đá hai thằng văng ra sân rồi chống nạnh đứng xem, cuối cùng bắt xin lỗi mới cho đứng dậy ra về. Sau này vẫn kịch bản đó nhưng ác liệt hơn, chúng dùng dao rựa, mã tấu uy hiếp, rồi cũng như lần trước phải xin lỗi mới được về. Mới đây một thanh niên xông vào nhà tuyên bố là cảnh sát hình sự, tôi yêu cầu cho xem thẻ, chẳng những ông “cảnh sát hình sự” không đưa thẻ còn chửi tục, tôi rút súng bắn chỉ thiên, khóa tay cạch luôn còng số tám, thì ra là công an giả.

Trước tình hình đó, được sự thống nhất của Đảng ủy và Công an xã An Phú, sóc Rul lập tờ trình xin thành lập đội tự quản do một đảng viên làm đội trưởng. Được Công an tỉnh đồng ý, chúng tôi tự bỏ tiền túi mua quần áo, mũ bảo hiểm in hàng chữ dân phòng ấp Sóc Rul. Ngoài ra còn trang bị cho đội 5 khẩu súng bắn đạn nhựa, 3 roi điện, 13 đèn pin, 1 loa phóng thanh, 3 áo chống đạn, 3 còng số 8. Những lúc có vụ việc lớn, đội sử dụng luôn xe Jeep phát loa phóng thanh xông vào. Chỉ trong vòng 6 tháng làm đúng theo luật, các phần tử tham gia đánh bạc, trộm cắp, nhậu nhẹt phá làng phá xóm đều êm re, trả lại an bình như tên gọi của xã. Hiện nay sóc Rul là một ấp vùng biên với tình hình an ninh trật tự rất tốt”.

Lúc ấy đã là 9 giờ đêm, để minh chứng việc làm, ông Út điện thoại anh em dân phòng đến, tôi giả vờ hỏi: “Giờ này anh em đang say xỉn rồi, chắc gì họ đến!”. Ông đưa tay chém gió: “Quy ước với nhau 13 anh em trong đội dân phòng đêm không được uống rượu để chung tay giải quyết sự cố”. 15 phút sau đã thấy tiếng xe và ánh đèn chấp chóa từ các vườn cao su đổ về nhà ông Bí thư. Tiếp chuyện với ông Tống Văn Nhàn Đội trưởng và ông Lưu Thanh Điệp Đội phó dân phòng ấp Sóc Rul cho biết: “Công việc của đội đã không có lương mà còn bỏ tiền ra mua tất tần tật mọi thứ nhưng anh em ai cũng vui vì giữ an ninh cho sóc trong đó có mình. Đôi khi phải làm quân “viễn chinh” đi dẹp loạn ở ấp khác khi họ nhờ. Mới đây Đại hội Đảng bộ xã, dân phòng sóc Rul còn mang cả xe Jeep đến bảo vệ, được bà con vỗ tay rần rật, mình bảo vệ an ninh trật tự cho bà con mà”.

* * *

Chia tay sóc Rul vào lúc nửa đêm, len lỏi trong vườn rừng su đen nghịt  nhưng chúng tôi không lo sợ, Trên đường đi tôi nhớ đến tiếng chuông báo động ở Tây Nguyên, nhớ đến những gương mặt hiền lành của 13 anh em dân phòng vừa gặp, Tất cả vì an ninh buôn làng phum sóc trong đó có mình. Tôi bỗng lại nhớ câu nói của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Như Long
.
.
.