“Nồi cháo tình thương” ấm lòng những phận người nghèo khó

Chủ Nhật, 10/09/2017, 14:25
Gần ba năm qua, “Bếp ăn tình thương” do sư thầy Thích Đàm Hằng, trụ trì chùa Pháp Vũ (thị trấn Ân Thi, Hưng Yên) luôn đỏ lửa vào mỗi sáng thứ 5 hằng tuần.


Sau khi được các tình nguyện viên đến cùng chuẩn bị thực phẩm và chế biến, hàng trăm suất cháo nghĩa tình này sẽ được đem đến Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ân Thi và Trung tâm Y tế huyện Ân Thi để phát miễn phí cho những bệnh nhân nghèo và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.

1.Dù còn sớm tinh mơ nhưng không khí oi ả của mùa hè đã làm các tình nguyện viên tại “Bếp ăn tình thương” nơi cửa chùa Pháp Vũ mướt mát mồ hôi. Trong khu vực bếp nấu ăn, khoảng 20 người đang tất bật chuẩn bị cho buổi nấu ăn từ thiện. Người vo gạo, người nhặt rau, người lúi húi nhóm bếp…

Không khí khẩn trương nhưng đầy ấm áp. Họ chính là những thành viên của Đội tình nguyện viên chùa Pháp Vũ – những người mà gần 3 năm qua đã cùng nhau chung tay duy trì “nồi cháo tình thương” để trợ giúp những người nghèo.

Nụ cười hạnh phúc của những người tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hưng Yên.

Sư thầy Thích Đàm Hằng chia sẻ: “Để có được một bữa ăn không chỉ ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn phải đủ cả dinh dưỡng thì các thành viên trong Đội phải lựa chọn thực phẩm tươi ngon, sau đó mới phân loại và chế biến. Vì là buổi sáng sẽ phải bắc bếp từ rất sớm nên hầu hết thực phẩm sẽ được các tình nguyện viên chuẩn bị từ chiều hôm trước mới kịp để phát cho những người nghèo”.

Xuất phát là những người của nhà Phật nên những quý thầy tại chùa Pháp Vũ với tất cả tấm lòng từ bi rất muốn làm được điều gì đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ ý tưởng đó, các quý thầy đã bàn bạc với các phật tử xây dựng nên mô hình “Nồi cháo tình thương”.

Khi mới thành lập, mô hình “Nồi cháo tình thương” đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo sư thầy Thích Đàm Hằng cho biết thì: “Cho tới thời điểm này, nghĩa là sau gần 3 năm đi vào hoạt động, khoảng gần 1 năm nay chúng tôi đã phải tự lập về ngân sách. Đó là một điều hết sức khó khăn. Đã rất nhiều lần các thầy tại chùa cùng các phật tử phát tâm để kêu gọi đóng góp, ủng hộ nhưng không phải lần nào cũng đều thành công. Có những người không những không giúp đỡ mà còn nói những điều rất khó nghe khiến chúng tôi buồn lòng lắm. Nhưng đã là người của nhà Phật thì không thể vì vài lời thị phi mà từ bỏ việc làm vốn rất ý nghĩa được. Những lúc như thế, chúng tôi lại động viên lẫn nhau và động viên các phật tử của mình, cùng nhau vượt qua khó khăn để giúp đỡ những người có hoàn cảnh bất hạnh”.

Bà Nguyễn Thị Tích (xã Hoàng Hoa Thám) là thành viên cao tuổi hoạt động tích cực nhất của đội từ khi mới thành lập cho biết: “Cứ đến hẹn, thứ năm hằng tuần, mọi người trong đội tình nguyện lại có mặt tại chùa từ ba giờ sáng, khẩn trương chuẩn bị hơn 200 suất ăn sáng, chủ yếu là cháo, ngoài ra còn có thêm xôi, bún hoặc bánh chưng để đúng sáu giờ đội sẽ mang và phát trực tiếp tại Trung tâm Y tế của huyện”.

Bà Tích kể rằng, trong một lần đi khám bệnh tại Trung tâm Y tế của huyện, bà Tích nhìn thấy một bà cụ dáng vẻ mệt mỏi, ngồi dựa vào chiếc ghế trong khuôn viên.

Thấy vậy bà Tích lân la đến hỏi chuyện thì được biết đã hơn một ngày bà cụ không có gì bỏ vào bụng, vì tiền thuốc còn chưa đủ nói gì đến tiền ăn. Kể từ hôm đó, bà Tích luôn bị ám ảnh về cái nghèo, cái khổ của cụ bà gặp trong bệnh viện.

Các tình nguyện viên chùa Pháp Vũ chia cháo cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Thế nên khi các quý thầy chùa Pháp Vũ, mà đứng đầu là sư thầy Thích Đàm Hằng đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình “Nồi cháo tình thương”, tôi đã đăng ký tham gia ngay. Giờ đây, dù đã nhiều tuổi nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hết sức của mình để góp một phần dù là nhỏ thôi tới những người có hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh hơn mình” – bà Tích tâm sự.

Cũng giống như bà Tích, chị Nguyễn Thị Hoàn – một trong số những tình nguyện viên của Đội tình nguyện chùa Pháp Vũ chia sẻ: “Mình có thể vất vả hơn một chút nhưng cứ được nhìn thấy những gương mặt phấn khởi và những lời cảm ơn chân thành của những người nghèo khi được nhận suất cháo từ thiện là tôi lại thấy vui lắm. Thấy mình có thêm nhiều động lực để cố gắng hơn”.

Không biết từ bao giờ, những người dân nơi đây khi nhắc đến chùa Pháp Vũ, ai nấy đều dậy lên một sự trìu mến bởi tấm lòng nhân ái của sư thầy Thích Đàm Hằng và đội thiện nguyện.

Chia sẻ tâm niệm của mình, sư thầy Thích Đàm Hằng nở một nụ cười hiền từ: “Không có niềm hỉ lạc nào sánh bằng việc mang đến niềm vui cho những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn”.

2.Bà Nguyễn Thị Tầm, 80 tuổi, một trong những thành viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ân Thi bộc bạch: “Những bát cháo không chỉ ấm áp tình thương mà còn giúp các gia đình người bệnh giảm một phần chi phí và điều đặc biệt hơn cả là chúng tôi thấy ấm lòng bởi tình người ở trong đó”.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Thu, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Ân Thi cho biết: “Đây là một hoạt động rất ý nghĩa của sư thầy Thích Đàm Hằng và các tình nguyện viên của chùa Pháp Vũ.

Cháo chay của chùa có hương vị đặc biệt, vừa thơm ngon lại bổ dưỡng, rất phù hợp sức khỏe của các bệnh nhân. Mỗi khi người nhà người bệnh xuống nhận được cháo đều cảm thấy phấn khởi và cảm kích trước tấm lòng thơm thảo của các tình nguyện viên”.

Ngoài việc tổ chức nấu bữa sáng vào thứ năm hằng tuần, mỗi năm từ ba đến bốn đợt, Đội còn hỗ trợ, tặng đồ ăn, uống nhân các dịp lễ lớn cho bệnh nhân đang điều trị ở Trung tâm Thần kinh tỉnh Hưng Yên, trợ cấp tiền mặt có giá trị 200 nghìn đồng/tháng cho một số người già cô đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, đồng thời phát hàng nghìn bát cháo và suất ăn miễn phí cho những đối tượng khó khăn ở Trung tâm Bảo trợ tỉnh Hưng Yên.

Ông Quách Xuân Quang, Trưởng phòng Nuôi dưỡng đối tượng xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Tại Trung tâm hiện có khoảng 120 đối tượng bảo trợ xã hội. Những suất ăn sáng mà đội tình nguyện viên của chùa Pháp Vũ mang tới, không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe mà còn là món quà tinh thần làm sưởi ấm những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội”.

Tính ra, gần ba năm qua, mô hình “Nồi cháo tình thương” của chùa Pháp Vũ đã tổ chức hơn 3.000 lượt với khoảng hơn 30 nghìn suất cháo miễn phí, mang đến cho hàng nghìn lượt bệnh nhân những bữa ăn sáng giàu dinh dưỡng, ấm tình người, giúp họ và gia đình giảm đi một phần chi phí.

Khu bếp nhỏ tuy đơn sơ giản dị của chùa Pháp Vũ trở thành nơi mà ngọn lửa được nhóm lên thứ năm hằng tuần mang lại những bữa ăn thấm đượm lòng chân thành.

Sư thầy Thích Đàm Hằng, trụ trì chùa Pháp Vũ tặng quà cho người nghèo.

Chứng kiến những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vui mừng khi nhận những bát cháo nóng hổi, ấm áp tình người, chúng tôi không khỏi xúc động. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” có lẽ đúng hơn bao giờ hết trong trường hợp này.

“Với những người nghèo như chúng tôi, được ăn một bát cháo có thịt thơm phức thật chẳng dễ chút nào. Mang tiếng là đi bệnh viện, là phải được ăn uống tẩm bổ, đủ chất nhưng tiền thuốc thang đã đắt lắm rồi nên nhiều khi cũng chỉ dám ra ngoài mua một ít cơm trắng ăn cùng muối lạc mang theo thôi” – ông Nguyễn Văn Tiến, một bệnh nhân đang chữa bệnh tại Trung tâm Y tế tâm sự.

Nói về dự định của Đội tình nguyện chùa Pháp Vũ, sư thầy Thích Đàm Hằng chia sẻ: “Với tinh thần “Từ bi – Hỷ xả” của đạo Phật, góp phần chia sẻ với cộng đồng, quan tâm chăm sóc những mảnh đời kém may mắn.

Mặc dù mọi thành viên ai cũng bận việc cá nhân, việc gia đình, việc xã hội, nhưng với trái tim nhân hậu, tấm lòng nhân ái và trên hết là tinh thần người với người sống để yêu thương, để chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền vận động từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các tăng ni, phật tử để tạo nguồn lực duy trì nồi cháo bền vững, đảm bảo nồi cháo lúc nào cũng đầy chứ không bao giờ vơi, bởi vì chúng tôi làm từ thiện cũng là đang gieo duyên lành…”.

Song Anh
.
.
.