Nơi chiến tranh chưa kết thúc

Thứ Ba, 05/05/2015, 22:00
Trước tiên cho người viết xin được gọi các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam) là "các anh". Bởi với chúng tôi các bác, các chú vẫn mãi ở tuổi hai mươi. Với họ, nhiệt huyết, những ký ức của tuổi hai mươi chưa bao giờ vơi cạn. Bốn mươi năm qua là thời gian quá đủ để người ta quên đi bao nỗi đau, mất mát.

Ký ức còn mãi

Thế nhưng với những thương bệnh binh ở đây chưa bao giờ nguôi ngoai. Các anh hàng ngày phải chiến đấu với bệnh tật và di chứng từ mảnh bom đạn. Trong số hàng trăm thương bệnh binh của trung tâm có hơn 30 thương bệnh binh điều trị tại khoa kích động. Với họ, "tinh thần" mới là liều thuốc tốt nhất để vơi bớt nỗi đau.

Những ký ức chiến tranh đôi lúc lại hiện về, khiến các anh không kiểm soát được hành vi của mình. Tinh thần trở nên điên loạn, người thì la hét, hô hào như thể đang chiến đấu. Người thì ngồi bất động như thể đang nghiền ngẫm chiến thuật tác chiến. Có anh nửa đêm đùng đùng đứng dậy, hô điều lệnh cả phòng rồi chào cờ và hát quốc ca… Các anh chẳng thể nhớ mình là ai, quê ở đâu nhưng lại nhớ rất rõ những ký ức trong chiến tranh. Và rồi những giây phút hiếm hoi tỉnh táo họ lại coi những đồng đội mình như người thân trong gia đình.

Bệnh binh Nguyễn Vũ Tư (quê Phúc Thọ, Hà Nội) là một trường hợp khá đặc biệt. Anh được bác sĩ kết luận bị loạn thần, chân tay run do ảnh hưởng của mảnh đạn trong đầu. Hàng ngày không giao tiếp với ai, chỉ giam mình trong phòng với cuốn sổ và chiếc bút, anh viết đủ thứ chuyện những ngày còn ở đơn vị. Nào là chuyện hành quân mệt lả, nào là chuyện đột kích giết giặc, rồi đến cả chuyện thầm yêu trộm nhớ cô văn công hỏa tuyến…

Thế nhưng cứ mỗi lần viết xong anh lại xé nát, tung khắp phòng. Chị Lê Thị Thúy, y tá tại Trung tâm chia sẻ: "Bác Tư là người trầm lắng, hỏi gì thì nói vậy. Chắc chắn bác có ám ảnh gì đó về cuốn nhật ký nên mới có hành động như vậy. Mấy chục năm nay ngày nào bác ấy cũng chỉ làm có một việc như vậy thôi".

Được chăm sóc các anh là niềm tự hào của bác sĩ và nhân viên tại đây.

Bệnh binh Lê Trung Thủy (50 tuổi), quê gốc Hải Phòng cũng là một trường hợp rất đặc biệt tại trung tâm này. Vốn là một lính thủy, sau một tai nạn trong lần công tác, tinh thần và trí nhớ của anh không còn được tỉnh táo. Lúc tỉnh lúc mê, khi lại hét toáng chạy khắp trung tâm. Có những lúc lên cơn hoang tưởng anh cho mình là một vị chỉ huy nên áp đặt và bắt mọi người phải tuân lệnh mình. Những lúc như vậy chỉ có các y bác sĩ mới có thể làm lính, tuân lệnh của "vị chỉ huy lính thủy" kia. Vất vả nhất là việc cho "vị chỉ huy" này uống thuốc, anh chỉ ngậm vào miệng rồi dùng mọi cách để nhả thuốc ra ngoài…

Hay trường hợp của bệnh binh Nguyễn Văn Việt (Đoan Hùng, Phú Thọ). Anh bị thương vào đầu và chân sau một lần địch tập kích. Anh có thể ngồi kể vanh vách diễn biến, ngày giờ cụ thể lúc anh bị thương. Đang kể chuyện chiến trường cho chúng tôi nghe, anh Việt cười nắc nẻ: "Ngày xưa tôi phải dùng cưa máy Thụy Điển mới cưa được Thanh đấy. Cô ấy đẹp lắm, nhiều anh cưa cẩm nhưng Thanh không thích. Chỉ thích tôi thôi!".

Thế rồi anh lại buồn được ngay, châm điếu thuốc anh lí nhí: "Có 5 đứa con với nhau rồi đấy. Bao năm chả về thăm. Các con lớn cả rồi, bà ấy ở nhà một mình. Tết vừa rồi cũng chả về được". Bệnh binh Nguyễn Văn Việt nổi tiếng khắp trung tâm bởi tính nhẹ nhàng, hài hước, không làm hại ai bao giờ, lại có tài ca hát.

Anh có thể hát cả ngày, hát hết phòng này sang phòng khác, ai yêu cầu là có thể cất giọng ngay tức thì. Các y tá ở đây kể rằng, anh Việt đã từng đi thi văn nghệ do các trung tâm tổ chức và đã từng đoạt giải cao. Chia tay chúng tôi, anh Việt cười hiền hậu: "Mẹ tôi quê Bắc Ninh đấy, tôi hát quan họ rất hay chứ chả đùa". Anh hát tặng chúng tôi bài "Người ở đừng về".

Với các anh, nhiệt huyết, ký ức tuổi hai mươi vẫn chưa bao giờ vơi cạn.

Được chăm sóc các anh là niềm tự hào

Cả Trung tâm Kim Bảng đang nuôi dưỡng 108 thương bệnh binh. Trong đó có 41 thương binh nặng, tất cả đều thương tật từ 81- 95%, bị tổn thương về tinh thần (bệnh tâm thần thực tổn) do vết thương chiến tranh, chủ yếu là trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1976, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng được thành lập, chia ra làm 3 khoa gồm: Khoa Kích động, khoa Xã hội và khoa Thuyên giảm. Kể từ ngày thành lập cho đến nay, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng đã đón hơn 500 lượt thương bệnh binh nặng vào điều trị.

Trong 3 khoa của trung tâm, Kích động là khoa được quản lý và chăm sóc chặt chẽ nhất, vì hầu hết bệnh nhân trong khoa đều là người có bệnh nặng nhất (chủ yếu là bệnh tâm thần mãn tính, sa sút trí tuệ). Ông Chu Ngọc Trác, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Hiện nay tại khoa Kích động có 38 thương bệnh binh, độ tuổi chủ yếu của các chú, các bác là 60 đến 65 tuổi, đa phần đều tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có người thì có gia đình, người thì không, có người chưa vợ, chưa con lại không biết mình là ai và ở đâu. Tội lắm!".

Khoa 1 chỉ có 13 y bác sĩ chia làm 2 kíp thay nhau chăm sóc, điều trị các thương bệnh binh, trong đó có 3 y sĩ chuyên điều trị về tâm thần. Việc chăm sóc các bệnh nhân cũng gặp vô vàn khó khăn, ngoài cái tâm của nghề còn phải kể đến sự kính trọng, nhẫn nại của tập thể y bác sĩ nơi đây mới có thể vượt qua được vô vàn khó khăn để chăm sóc các thương bệnh binh. Chuyện các y bác sĩ bị các thương bệnh binh phát bệnh hành hung cũng chẳng lấy gì làm xa lạ ở nơi đây.

Chẳng phải kể ai cũng hiểu việc chăm sóc, điều trị các thương bệnh binh ảnh hưởng đến tâm thần tại đây vất vả đến nhường nào. Sự thực là, nhiều năm nay rất hiếm các bác sĩ, y tá muốn về trung tâm công tác.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà tâm sự: "Bố tôi cũng là một thương binh bị bom đạn làm ảnh hưởng đến tâm thần, mẹ tôi lại là y sĩ, từ Phú Thọ về đây chăm sóc bố. Khi lớn lên học hành xong tôi lại xin về đây công tác. Ban đầu cũng rất sợ, bởi chỉ mình bố tôi cũng đã thấy vất vả lắm rồi, đằng này chăm sóc cả một tập thể như vậy, thực sự đó là thử thách không hề nhỏ. Nhưng rồi, sau nhiều năm chăm sóc, điều trị cho các chú, các bác mới thấy thật tự hào. Các bác sĩ, y tá, điều dưỡng ngoài làm việc bằng tình yêu thương còn cả lòng kính trọng đối với các bậc cha anh. Họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước".

Các thương bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng được chăm sóc đầy đủ, hiện đại.

Trong số 38 thương bệnh binh đang điều trị tại khoa Kích Động, có người đôi lúc nhớ được gia đình người thân, nhưng nhiều người trong số họ không thể nhớ nổi mình là ai, tại sao lại có mặt ở nơi này và đã sống ở đây được bao lâu. Và với họ nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai, đồng đội như anh em trong nhà, còn các y bác sĩ, điều dưỡng đều là các con của mình vậy.

Chị Đỗ Thị Thúy (y tá hơn 20 năm công tác tại trung tâm) tâm sự: "Các chú đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình để đối lấy hòa bình cho đất nước. Có người vào đây còn chưa kịp có lấy một mảnh tình vắt vai, các chú quên cả lối về, quên cả người thân. Chúng tôi ở đây như con em của các chú vậy".

Những kỷ niệm "để đời" của các y bác sĩ ở đây không phải là hiếm. Việc chăm sóc các bệnh binh tâm thần không chỉ vất vả mà còn khá nguy hiểm. Chị Thúy kể: "Có lần tôi cho một chú uống thuốc, chú ấy bỗng nhiên tát một cái như trời giáng khiến tôi choáng váng, suýt ngã. Hay vài năm trước, trường hợp của bác sĩ Tần, chú Thức bị các bệnh binh đánh, bác sĩ Tần còn bị thương tật tới 21%.Năm ngoái một y tá trẻ về đây công tác, chưa nắm bắt được thói quen và sở thích của các chú, các bác nên đã bị đuổi đánh. Cô y tá đó chạy quanh trung tâm mà các bác không buông tha. Sau lần đó mọi người có mách nếu bị đuổi thì phải rẽ sang trái hoặc phải, lúc đó các bác vẫn cứ chạy thẳng thì mới thoát được".

Ông Chu Ngọc Trác, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng chia sẻ :

Rõ ràng môi trường làm việc ở đây có những đặc thù rất riêng. Các bệnh binh ở đây toàn là những người bị ảnh hưởng tâm thần do chiến tranh. Việc điều trị không chỉ đơn giản như các bệnh nhân bình thường. Mà ở đây chúng tôi chăm sóc bằng những liệu pháp tâm lý, đặc biệt là bằng tình cảm của các y bác sĩ, điều dưỡng viên.

Nhân viên ở đây phải thực sự coi các chú, các bác như người thân trong gia đình mới có thể bám trụ và làm việc được. Đây thực sự không còn là công việc mà còn là nhiệm vụ, bởi qua chiến tranh các đồng chí đã mất hết giờ chỉ còn nỗi đau và thể xác.

Hiện nay cũng được nhà nước quan tâm nên cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng tốt hơn rất nhiều. Các y bác sĩ cũng không còn quá vất vả và thiếu thốn như trước đây.

Phong Anh
.
.
.