Nỗi đau mắt xanh trên xứ ngàn hoa

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:00

Cậu bé run run chạy chiếc xe máy rách bươm, lọc xọc ra đường đón chúng tôi. Cậu cười, đôi mắt xanh biêng biếc, lóng lánh như búp bê. Tôi nhìn thật lâu vào đôi mắt ấy, cố gắng tìm kiếm một điều gì đó bình thường. Tất cả đều xanh lét, đặc biệt hai cái lòng (tròng) mắt, màu xanh không tì vết. Chỉ có điều, màu xanh ấy đã mất đi sự hồn nhiên, trong trẻo tuổi thơ của cậu bé…

Mắt xanh giữa làng hoa

Cơn mưa phùn rủ cái lạnh tê cóng xuống thành phố sương mù, đường vào nhà mẹ con cậu bé mắt xanh Nguyễn Văn Hào (14 tuổi, P.15, TP Đà Lạt - Lâm Đồng) rợp bóng hoa dã quỳ, loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.

Tôi ngỡ ngàng bởi sự đối nghịch của những căn biệt thự ngạo nghễ, sang trọng giữa cuộc sống sung túc đủ đầy của cư dân làng hoa Vạn Thành lại có một ngôi nhà bé cỏn con, thấp lè tè bị những lùm cỏ hoang chườm lên tận nóc. Chủ nhà cho biết, bây giờ còn ấm áp chán, vì bốn bức đã được bao quanh bằng gạch kiên cố. Ngôi nhà ấy là sự ban ơn của những nhà hảo tâm, các "Mạnh Thường Quân" từ ngày mẹ con mắt xanh "xuất đầu lộ diện". Hào dẫn chúng tôi về nhà, cậu máy điện thoại cho mẹ đang nhổ cỏ thuê ở quả đồi bên cạnh chạy về. Hai mẹ con mắt xanh biêng biếc nhìn chúng tôi, cái nhìn tôi chưa bao giờ chạm phải, nó giống hệt người ngoài hành tinh hoặc nhân vật siêu nhân được hình tượng hóa trong các bộ phim hoạt hình.

Nhấp nháy đôi mắt xanh của mình, chị Vũ Thị Lựu (38 tuổi) thở dài: "Chả vui tí nào đâu, giờ mẹ con tôi lại ước giá như có một đôi mắt đen, hoặc nâu thì hạnh phúc biết mấy". Cả dòng họ nhà chị Lựu từ xưa tới nay không có ai mắt xanh như hai mẹ con. Ngày mới lọt lòng mẹ, bà đỡ đã phải thốt lên vì đôi mắt xanh như búp bê của Lựu. Không ai hiểu gì, mẹ Lựu thì nghĩ con gái có dị tật, chắc là nhiễm chất độc da cam vì ngày xưa bố đi bộ đội. Lựu được đưa đi bệnh viện, bác sĩ khám xét xong bảo, đôi mắt hoàn toàn bình thường, màu xanh ấy là do… lai Tây… Mẹ Lựu khóc nức nở, cả đời lam lũ ở xó vườn, cùng lắm là bước chân ra chợ rồi lại về, nào biết ông Tây là gì mà giờ con gái có mắt lai Tây. Bố Lựu chỉ cười, hơn ai hết ông hiểu được người bạn đời và đứa trẻ kia có phải giọt máu của mình không?

Đến nay, khoa học vẫn chỉ dừng lại ở việc phỏng đoán về nguyên nhân mắt xanh của mẹ con chị Lựu.

Lựu nhọc nhằn lớn lên bằng đôi mắt khác người, rồi Lựu rời quê hương Nam Định vào Đà Lạt cùng mẹ. Ở xứ sở của những loài hoa, của gió và mưa, mặc dù lam lũ tối mắt, nhưng Lựu vẫn sở hữu làn da trắng nõn nà. Tuổi 20, Lựu lọt vào mắt đen của một gã đàn ông đội lốt đào hoa, ga lăng. Đôi mắt xanh của Lựu chỉ biết mê đắm trong tình yêu, đôi mắt xanh hấp háy hạnh phúc "theo chồng bỏ cuộc chơi". Lấy chồng, không một cục đất chọi chim, Lựu kéo chồng về miếng đất 50m2 của mẹ dựng lều ở. Đứa con trai đầu lòng ra đời, Lựu hoảng hốt khi đôi mắt nó màu xanh long lanh. Lựu đã khóc hết nước mắt. Mắt xanh, như một lời nguyền đeo bám cuộc đời Lựu chưa hết, thì lại vận vào đứa con trai. Buồn vì mắt xanh là một nhẽ, Lựu phải gồng gánh nuôi con và ông chồng sớm xỉn chiều say, ngập ngụa trong cờ bạc, lô đề. Khi đứa thứ hai ra đời, nhà hoang hoác không còn một thứ gì ăn, người chồng không còn gì để vơ vét đã cuốn gói ra đi trong một buổi chiều mây mù, sương giăng nghẹn lối. May mà đứa thứ hai không bị mắt xanh, cũng là chút an ủi cuối cùng của người mẹ. Mắt xanh của Lựu đã quá dạn dĩ, chai sạn với thiên hạ. Rồi người ta cũng quen, cũng cảm thông và yêu thương cảnh mẹ góa con côi.

Nước mắt "xanh"

Cậu bé mắt xanh đẹp như thiên thần, như con búp bê biết nói. Nhưng cái nghèo vận vào tuổi thơ khiến đứa trẻ tiều tụy, hốc hác. Hào đến tuổi đi học, là lúc cậu phải hứng chịu sự gièm pha, trêu ghẹo của chúng bạn. Hễ thấy mắt xanh đến lớp là chúng nó ùa ra chỉ trỏ, cười nắc nẻ chọc: "Người ngoài hành tinh đến rồi". Có đứa ác hơn còn gắn cho Hào biệt danh: Mắt mèo, mắt cú vọ, mắt cọp… Hào khóc sưng hết mắt. Hào về trách mẹ: "Sao mẹ sinh con có đôi mắt xanh làm con khổ thế, sao em Đức không bị mắt xanh?". Chị Lựu nước mắt ngắn dài an ủi con: "Là do trời, chứ không phải lỗi tại mẹ. Ngày xưa bà ngoại cũng xinh ra mẹ mắt xanh đây mà mẹ có dám trách bà đâu".

Nhờ đôi mắt xanh, Hào đi bán bong bóng khá đắt hàng.

Sang cấp hai, trường mới bạn mới, Hào tiếp tục chịu đựng cơn bão mắt xanh. Cùng với sự phát triển về thể trạng, đôi mắt của Hào càng xanh ra, nổi bật giữa khuôn mặt tàn nhang vì sương gió. Hào là đứa trẻ phát triển về tư duy khá sớm, với đôi mắt xanh ấy, Hào vượt qua được mặc cảm, sống cùng với sự ồn ào của dư luận. Đoạn đường từ nhà đến trường cấp hai hơn 10 cây số, ngày nào Hào cũng cuốc bộ hai lượt như thế. Sau này quen hơn, Hào mạnh dạn xin quá giang xe của người đi đường. Suốt những năm cấp hai, đôi chân Hào nứt nẻ, mòn lì bởi nền đường. Chị Lựu đi làm thuê quần quật, tranh thủ đưa đón thằng con út đi học cấp 1, nên việc học hành đi lại của Hào chị Lựu không thể lo nổi. Con càng lớn, sức của người mẹ càng giảm, một năm trúng vài tháng thất nghiệp cả ba mẹ con phải ăn rau qua ngày.

Hào thương mẹ, một buổi đi học một buổi lấy vé số bán. Không thể cạnh tranh được với lực lượng vé số hùng hậu bên ngoài, Hào chuyển sang bán bong bóng. Buổi chiều, Hào hì hục thổi bằng miệng vài chục quả bong bóng, treo vào chiếc cây tự chế vác ra thành phố mời chào. Với lợi thế của đôi mắt xanh, Hào cũng kiếm được vài chục ngàn, có khi cả trăm ngàn trong một ngày. Hào kể: "Cứ thấy ông bố bà mẹ nào chở con đi chơi là em chạy tới mời chào. Có người chưa kịp nhìn em đã xua tay lắc đầu, lúc ấy đứa trẻ kéo áo mẹ nó quay lại, nhìn vào đôi mắt của em. Bà mẹ trợn mắt ngỡ ngàng, rồi cũng mua cho em một quả". Hào ra phố bán bong bóng gây sự chú ý đặc biệt của những đứa trẻ, chúng thích thú nhìn Hào, chạy theo Hào rồi nằc nặc đòi ba mẹ mua bóng bóng của anh chàng mắt xanh. Hào buôn may bán đắt, đám giang hồ bụi đời khu vực chợ đêm kéo đến dằn mặt. Chúng cho Hào cơ hội toàn thây nếu biết điều rút khỏi địa bàn. Bọn chúng loắt choắt, loai choai cỡ Hào nên Hào đâu có sợ. Hào cũng ngước mặt tuyên bố với chúng: "Tao đi bán bong bóng kiếm tiền chứ có làm gì đâu mà chúng mày hăm dọa. Chúng mày đánh tao thì bạn bè tao sẽ không để yên cho chúng mày đâu".

Những ngày nghỉ học, Hào chở mẹ đi làm thuê.

Mấy tháng giáp tết, trời lạnh căm căm, mưa phùn cộng sương mù nên chẳng ai mua bong bóng của Hào. Có hôm đi mỏi chân, mòn gót khắp thành phố mà không bán được quả bóng nào, về tới nhà người Hào lạnh tím tái, run cầm cập. Hôm sau, Hào ốm nằm liệt giường. Nhờ những ngày thất thểu bán hàng dạo, Hào lọt vào ống kính của một nhiếp ảnh gia. Sau đó, ông nhiếp ảnh đăng một loạt hình ảnh về cậu bé mắt xanh trên đường phố Đà Lạt lên trang mạng xã hội. Từ đó, cánh báo đài tìm gặp Hào phỏng vấn. Hào lên báo, trở thành nhân vật nổi tiếng. Một nhà hảo tâm ở Sài Gòn tặng Hào chiếc xe đạp, thế là Hào không phải cuốc bộ ròng rã vài chục cây số trong một ngày nữa. "Mạnh Thường Quân" ủng hộ tiền để Hào đi bệnh viện khám mắt, bệnh viện khẳng định, mắt của Hào hoàn toàn bình thường, do di truyền chứ không phải một loại bệnh. Căn nhà ốp ván gió đánh xiêu vẹo của ba mẹ con Hào bỗng chốc "lột xác" trở thành nhà bao tường, lợp tôn ấm áp. Chị Lựu bị bệnh đau đầu thần kinh mãn tính, phải dùng thuốc giảm đau kinh niên nên gánh vác cơm gạo phải san sẻ một phần qua vai Hào. Năm học lớp 9 này, Hào phải học cả ngày, không có nhiều thời gian đi bán bong bóng nữa. Nhưng hai ngày cuối tuần, Hào theo mẹ đi nhổ cỏ thuê cho các vựa hoa quả. Mẹ Hào được trả 110 ngàn đồng/ngày, còn Hào được có 20 ngàn đồng/ngày công. Đấy là nhà nào thương tình, còn không chỉ trả 10 ngàn đồng/ngày. Chị Lựu nói như mếu: "Hào cũng làm 8 tiếng/ngày, sức nó có thua gì tôi đâu, nhưng người ta chỉ cho có thế. Biết làm thế nào được".

Mấy tháng trước, có một ông trên thành phố mua xe mới, thải chiếc xe máy cũ cho mẹ con Hào. Chiếc xe không hơn gì cục sắt vụn, vừa rách xác xơ mà máy móc cũng tanh banh. Mẹ Hào đi sửa lại máy hết hơn một triệu. Hai mẹ con hý hửng ra khu đất trống tập xe. Mẹ chạy thử lần đầu tiên ngã rách mũi, chảy máu mồm, bong gân chân. Đến phiên Hào tập thì cứng hơn một chút, chỉ bị lao vào bụi, xây xước tí mặt. Biết đi xe máy, ngày ngày chị Lựu chở thằng út đến trường rồi về đi làm. Ngày nào được nghỉ học thì hai mẹ con chở nhau đi làm thuê.

Chiều nhập nhoạng tối, gió rít ầm ầm trên mái tôn, nồi cơm trong bếp vẫn lạnh tanh, hai mẹ con Hào đứng tựa cửa dõi ánh nhìn xanh thẳm theo bóng chúng tôi, cuộc sống của họ chẳng khác nào cơn mưa phùn quện sương giăng trắng lối về.

Một số chuyên gia về di truyền học ở Trường Đại học Đà Lạt nhận định rằng: Hiện tượng mắt xanh của hai mẹ con Hào rơi vào hai nguyên nhân. Một là do yếu tố di truyền. Có thể các đời tổ tiên trước kia của chị Lựu có đôi mắt xanh, đến đời chị Lựu mới khởi phát và di truyền sang Hào. Một nghi vấn khác là mắt của chị Lựu và Hào mang tế bào hình que. Với loại tế bào này, họ có thể nhìn rõ vào ban đêm mà không cần ánh sáng trợ giúp. Thực tế trường hợp này trên thế giới đã từng xuất hiện. Nhưng hai mẹ con Hào đều khẳng định là mắt họ không thể nhìn rõ vào ban đêm, nên yếu tố đột biến nhiễm sắc thể bị loại trừ.

Ngọc Thiện
.
.
.