Nơi những "lão trư" được yêu thương

Chủ Nhật, 27/01/2019, 10:07
Từ xưa đến nay, người ta nuôi lợn với mục đích duy nhất là giết thịt. Tuy nhiên, trong một "ngóc ngách" nào đó của đời sống, có những "lão trư" hạnh phúc mang trên mình một danh phận khác… 


Nghĩa địa lợn 5 móng

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, khách thập phương đổ về chùa Dơi (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) hành hương và thăm khu nghĩa địa lợn 5 móng rất nhộn nhịp. Không biết từ bao giờ, bà con miền Tây quan niệm, lợn 5 móng xuất hiện ở nhà nào sẽ mang vận xui tới cho gia đình đó.

Người ta còn đồn rằng, nếu gia đình nào cố tình nuôi thì sẽ gặp chuyện lục đục chẳng lành, còn nếu giết thịt thì người xuống tay, thậm chí cả nhà đó sẽ phải đền mạng. Bởi vậy nhà nào có lợn 5 móng muốn bán cũng không có ai mua, cho không ai dám lấy, cứ phải nuôi đến khi nó chết, đem mai táng cẩn thận thì may ra mới thoát nạn.

Bà Nga chăm sóc chú lợn như chăm sóc con của mình.

Xung quanh vấn đề này có rất nhiều câu chuyện được dân gian thêu dệt, truyền tụng. Người ta cho rằng, lợn 5 móng là của một vị tướng của triều đình xa xưa. Vị này văn võ song toàn, được vua sắc phong danh tướng để giúp đỡ dân lành và trừng trị những kẻ ngang tàng bất trị trong triều đình.

Ngồi trên đỉnh cao quyền lực, có kẻ hầu người hạ, ông tướng đã không làm theo chỉ thị của nhà vua, tỏ thái độ hống hách, ức hiếp dân lành khiến cho cuộc sống họ khổ cực, đói kém. Dân tình oán thán đến tai vua. Nhà vua vô cùng tức giận đã lệnh chém đầu vị tướng tham lam.

Sau khi chết, ông này đầu thai làm kiếp lợn 5 móng mang lại điềm xấu cho gia chủ. Họ đành gửi lên chùa nhờ sư thầy rửa tội cho chú lợn vốn mang cốt của một ông tướng xấu xa.

Sư trụ trì bấm quẻ, xem thời vận của chú lợn thì phát hiện chính là hiện thân của vị thừa tướng nên dặn dò các sư trong chùa phải đối xử tốt với chú lợn, giống như đối xử tốt với một con người và đặc biệt là không nói nặng hoặc la mắng, đánh đập.

Từ câu chuyện li kỳ về lợn 5 móng, dần dần người dân có một cái nhìn khác về sự đặc dị của loài súc vật này. Thay vì ghét bỏ, sợ hãi, họ mang lợn 5 móng tới chùa Dơi gửi nuôi. Đây là ngôi chùa có tuổi đời trên 400 năm. Bên cạnh sự cổ kính và nét kiến trúc độc đáo, ngôi cổ tự này còn nổi tiếng bởi sở hữu một nghĩa địa lợn 5 móng có một không hai.

Ông Thái Văn Nha (phường 3, TP Sóc Trăng) kể: "Người Khmer tôn trọng lợn 5 móng bởi nó rất thông minh, biết nghe tiếng người. Trong tiềm thức từ thời ông bà chúng tôi đã xem lợn 5 móng chính là cốt tinh của người nên phải gửi lên chùa, khi chết thì mang chôn cất".

Một chú lợn 5 móng đang được nuôi tại chùa Dơi.

Ở trong chùa, lợn 5 móng trở thành người bạn thân thiết của các sư và phật tử, khi chết được lập mộ thờ cúng nghiêm trang. Tiếng lành đồn xa, dần dần chùa Dơi là địa chỉ cưu mang những "lão trư" 5 móng từ khắp nơi gửi về. Hàng ngày, phật tử địa phương thay nhau nấu cháo, mua sữa mang vào cho lợn.

Chú lợn 5 móng đầu tiên về chùa được đặt tên là "cô Năm". Khi "cô Năm" được hơn 30kg, sáng nào cũng ra khỏi chùa rồi đi thẳng ra hướng chợ Mùa Xuân kiếm ăn đến 12 giờ trưa thì tự giác về "ăn cơm ngọ" cùng với các sư.

Năm 1996, sau 7 năm quanh quẩn trong chùa, "cô Năm" đã từ giã cõi đời trong niềm xót thương của bà con. Các sư đào hố chôn rồi đắp mộ đất cho "cô Năm" giống như an táng một người quá cố. Phật tử và du khách về chùa hành hương thấy những ngôi mộ đất trồi sụt, tróc lở bèn góp tiền xây mộ đá cho lợn. Trên mỗi ngôi mộ đều được ghi tên, ngày tháng "cô, cậu" chết.

Nghĩa địa nằm cạnh khuôn viên ngôi chùa nổi tiếng, lại được chăm chút rất cẩn thận, nhiều người cảm giác linh thiêng, huyền bí nên mang lễ về thắp hương trước mộ "lão trư" cầu xin phù hộ gia đạo bình an. Đêm xuống, không ít "ma đề" cũng lẻn vào cầu số, xin lộc.

Nuôi lợn làm bạn

Gần 2 năm nay, tại một con hẻm nhỏ phường Bình Thọ (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) có một chú lợn gây "khuynh đảo" cộng đồng mạng với một danh phận rất đặc biệt, đó là thú cưng trong gia đình bà Nguyễn Thị Nga (55 tuổi).

Bà Nga cho biết, trong một lần đi chợ đầu mối, bà thấy chú lợn mới sinh bị nhốt trong lồng sắt nằm lăn lóc một góc để rao bán, tự nhiên bà có cảm giác thương xót. Trong nhà lúc này đang nuôi một chú chó nên bà quyết định mua con lợn với giá 200 ngàn về cho làm bạn với chó.

Chú lợn được bà Nga đặt tên là Ụt, được các thành viên trong gia đình yêu thương hết mực. Từ ngày có Ụt, cuộc sống của bà Nga đỡ tẻ nhạt hơn. Mỗi khi đi bán hàng về, bà lại sà vào ôm Ụt nựng nịu, trò chuyện vui vẻ. Bà thân thương xưng là mẹ với Ụt.

Ụt rất dễ tính, cho ăn gì thì ăn, không có cũng chẳng đòi hỏi. Mỗi khi tắm rửa sạch sẽ xong, Ụt thường lên nệm nhảy múa sảng khoái, xong là lăn quay ra ngủ. Bà con trong khu phố rất quý nên hay mang bánh mì sang cho chú "ỉn". Để đổi bữa, bà Nga thường làm món cơm chiên trứng cho Ụt ăn đỡ ngán. Nước ăn quá tốt nên Ụt lớn nhanh như thổi, mới 18 tháng mà đã nặng trên 150kg.

Nhiều lần bà Nga đi công việc, đóng cửa từ sáng tới chiều về vẫn thấy Ụt nằm im trên nệm ngủ. Lúc ấy, Ụt mới đứng dậy ra ngoài đi vệ sinh. Điều đặc biệt là chưa bao giờ Ụt "làm bậy" trong nhà, cũng không hề phá phách đồ đạc, Ụt ý thức rất cao trong tất cả mọi việc. 4 người con của bà Nga đều rất quý mến Ụt, ai cũng thích ôm Ụt ngủ và phụ mẹ chăm sóc "em út" trong nhà. 

Bà Nga tâm sự: "Chồng bỏ đi, tôi lúc nào cũng mang một nỗi buồn chơi vơi. Một mình nuôi 4 đứa con, khổ cực và tủi nhục lắm nhưng không hiểu sao từ ngày có Ụt tinh thần tôi thay đổi hẳn. Tôi không buồn rầu, đau khổ nữa. Nhìn thấy Ụt là mọi thứ vui vẻ trở lại".

Nhiều lái buôn rất "thèm" chú Ụt nhà bà Nga, họ thường xuyên tới gạ gẫm bà bán. Người ta nói với bà: "Lợn nuôi để giết thịt chứ ai nuôi làm cảnh. Bây giờ nó to rồi, bán đi rồi muốn chơi thì mua con bé mà chơi". Mới đây, có một người tới trả chú Ụt giá 8 triệu đồng để về làm thịt đãi cỗ. Bà Nga tuyên bố một câu xanh rờn: "Trả 100 triệu tôi cũng không bán".

Mặc dù cuộc sống của gia đình bà Nga vẫn còn nhiều khó khăn, trước kia bà làm đủ thứ nghề, đi vác xi măng, đi phụ hồ rồi buôn thúng bán bưng nhưng luôn trọng cái tình. Ụt chính là cái duyên trời định, kết nối tình yêu thương giữa con người với động vật.

Gắn bó với chú lợn gần 2 năm trời, vui buồn đều tỉ tê cùng nhau, bà Nga đã không còn xem Ụt là lợn nữa, mà nó chính là người bạn thân thương của gia đình bà. Bà đi đâu vài ngày là nhớ Ụt không chịu được, phải gọi điện về để nghe tiếng "ụt ụt" của nó.

Những tấm bia mộ lợn 5 móng.

Chú lợn trở thành "đặc sản" của xóm, cứ chiều về, hàng chục đứa trẻ bu tới nựng nịu, ngồi lên lưng đùa giỡn. Dường như Ụt rất hạnh phúc với sự quan tâm dành cho mình, nó luôn "chiều chuộng" các em nhỏ, chưa bao giờ làm chúng hoảng sợ. Ngày nào nhà bà Nga cũng có khách tới xem lợn, chơi với lợn đến 10 giờ đêm mới chịu về.

Ngày còn "mi nhon", Ụt đi lại chạy nhảy khắp nhà, dành chỗ nằm với người. Bây giờ thân hình sồ sề quá, bụng trễ sát đất không thể đi lại bình thường trên nền nhà được nữa, bà Nga phải rải tấm lót bằng vải cho Ụt di chuyển. Để giảm cân cho Ụt, bà Nga đã hạn chế đồ ăn tinh bột, chỉ cho ăn trái cây, canh rau là chủ yếu.

Sống với con người, lâu dần Ụt cũng có cảm xúc rất rõ rệt. Lúc nào vui thì nó chạy nhảy đùa giỡn, lấy mõm dũi dũi vào người âu yếm. Những lúc nhà bà Nga có chuyện buồn, Ụt lặng lẽ một mình, ai trêu ghẹo cũng mặc kệ. Ụt rất mau nước mắt, nó thường khóc khi bị ai đó chửi bới, quát nạt.  

Rất nhiều người ái ngại, hỏi sau này lợn chết thì xử lý thế nào? Bà Nga có chút bần thần, trả lời: "Nếu không có đất chôn thì tôi sẽ mang đi thiêu. Tôi nghĩ dù sao thì kiếp này Ụt cũng rất hạnh phúc rồi, nó chẳng đòi hỏi gì nhiều đâu".

Ngọc Thiện - Cát Tường
.
.
.