Nỗi niềm giáo viên cắm bản

Thứ Hai, 20/11/2017, 12:52
Nằm sâu hun hút giữa núi đồi, băng qua những con đường lởm chởm đất đá do mưa lũ để lại, trường Làng Nhì (xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) hiện ra giống như một vườn hoa nổi lên giữa bạt ngàn cây cối của núi rừng. Vườn hoa đó là nơi học chữ của hơn 500 em nhỏ và là nơi "trồng người" của gần 50 giáo viên. Họ đã băng rừng, vượt núi bất chấp những khó khăn vất vả để mang đến nơi này kiến thức, giúp những đứa trẻ có thêm cơ hội thay đổi cuộc đời…

Cách đường quốc lộ 32 gần 20km, điểm trường Làng Nhì như nằm tách biệt khỏi cuộc sống hiện đại. Theo các giáo viên của trường cho biết, cách đây vài năm, khi con đường lên trường chưa được sửa chữa, dù là vào mùa khô thì đường sá cũng rất khó đi, hầu hết là đèo dốc là đá vỉa.

Từ trung tâm xã Phình Hồ, muốn đi vào Làng Nhì phải mất hơn 3 tiếng vượt dốc, vượt đèo. Còn vào mùa mưa, con đường trở nên lầy lội, chưa kể đến những điểm nguy hiểm có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Khi đó, những giáo viên cắm bản muốn đến trường chỉ có thể đi bộ và quãng đường đó phải đi mất nguyên một ngày.

Vào thời điểm hiện tại, được sự quan tâm của chính quyền, con đường vào Làng Nhì đã được tu sửa. Tỉnh, huyện đã đầu tư khá nhiều tiền của để xây dựng hạ tầng kinh tế như điện lưới, xây dựng trường rộng rãi, sạch đẹp hơn giúp xã nghèo này vượt qua được khó khăn, bà con dân tộc có đời sống tốt hơn.

Thầy Lê Quốc Toản và các học sinh.

Thế nhưng, thiên tai bão lũ không thể lường trước được. Trong đợt lũ quét cách đây không lâu, con đường độc đạo từ Phình Hồ vào Làng Nhì cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Tại một số điểm sạt lở, đoạn đường bê tông mới được làm cách đây 3 tháng bị tàn phá, chỉ còn trơ lại miếng bê tông mỏng vô cùng nguy hiểm.

Là một thầy giáo có 20 năm kinh nghiệm làm giáo viên cắm bản và cũng dạy ở Làng Nhì được hơn 2 năm, thầy Lê Quốc Toản cho biết: "Khi nào có sạt lở là giao thông bị đình trệ, các thầy cô giáo đi xe máy ra vừa đi vừa nín thở. Nhưng điều kiện vẫn khá hơn những năm trước đây bởi có những khi chúng tôi phải đi bộ 4-5 tiếng mới vào được trường".

Các thầy cô đang giảng dạy tại Làng Nhì hầu hết đều là người ở Nghĩa Lộ, xa nhất là ở thành phố Yên Bái. Thế nhưng, dù xa hay gần thì các thầy cô đều phải sống tập trung tại trường do điều kiện đường sá chưa được tốt. Những người ở Nghĩa Lộ cuối tuần có thể về thăm gia đình nhưng với những ai ở tận thành phố Yên Bái thì có khi hàng tháng không được về thăm nhà.

Chúng tôi ấn tượng với cô giáo dạy nhạc của trường Làng Nhì là cô Đỗ Thị Hà, dù đang mang bầu 5 tháng nhưng cô vẫn hết sức nhiệt tình dạy các học trò của mình múa, hát. Bởi theo cô Hà, âm nhạc là một thứ văn hóa không thể thiếu để giúp các em phát triển, cảm thụ cuộc sống được tốt hơn.

Theo như cô Hà chia sẻ, chồng của cô làm việc ở tận xã Chế Tạo (Mù Cang Chải, Yên Bái) cách trường 160km. Mỗi khi được nghỉ, cô lại chạy xe máy đi thăm chồng hoặc ngược lại. Con đường đến Chế Tạo cũng khó khăn không kém so với lên Làng Nhì nhưng để thăm gia đình thì không còn cách nào khác.

Nhưng điều đó cũng thể hiện được nghị lực, lòng yêu nghề, yêu những học sinh bé nhỏ của các giáo viên nơi đây. Họ phải vượt qua bao gian nan, vất vả để có thể mang chữ lên non. Dẫu có những lúc, khó khăn ấy khiến họ nản lòng, khiến họ nghĩ đến chuyện nghỉ việc để trở về với cuộc sống nơi thành phố, sung túc, hiện đại hơn.

Con đường dẫn đến điểm trường Làng Nhì.

Tuy nhiên, theo các thầy cô giáo của trường Làng Nhì thì con đường lên tới đây vẫn chưa là gì so với điểm trường ở bản Trống Tàu cách đó chừng 10km nữa. Trống Tàu là một trong hai bản khó khăn và xa nhất nhì của xã Làng Nhì. Bản nằm vắt vẻo lưng chừng núi, để tới được nơi đây thì chỉ có thể đi xe máy.

Thế nhưng nếu không phải người địa phương thì chắc chắn không thể đi nổi bởi con đường lên tới Trống Tàu vô cùng gian nan. Nếu vào ngày mưa gió, các thầy cô giáo chỉ có thể vác đồ đi bộ 4 tiếng đồng hồ để vào đến trường.

Theo thầy Lê Doãn Quảng cho biết: "Người dân tộc ở đây họ đi bộ quen rồi nên vào đến Trống Tàu hay ra đường lớn với họ chỉ là điều đơn giản. Nhưng với chúng tôi, việc đi bộ như vậy quả thực cực kì vất vả bởi không chỉ đường xấu mà còn có những con dốc dựng đứng, trơn trượt và có thể sạt lở bất kì lúc nào".

Một bữa ăn của các học sinh nội trú.

Đường sá, di chuyển là vậy, những khó khăn của các thầy cô giáo còn từ nơi ăn chốn ở. Như đã nói ở trên, với 50 giáo viên của hai điểm trường, không phải ai cũng có điều kiện về nhà sau khi giờ học kết thúc, nhiều thầy cô phải sinh hoạt tại trường cho đến tận cuối tuần.

Mặc dù hiện tại, cơ sở vật chất của Làng Nhì cũng đã khang trang, sạch sẽ hơn trước nhưng vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Mỗi căn phòng chỉ hơn 10m2 được dành cho từ 6 đến 8 giáo viên cùng sinh hoạt ngủ nghỉ, nấu nướng tại chỗ.

Khó khăn, vất vả nhưng khi đã nhận nhiệm vụ mang chữ lên non, hầu hết các thầy cô giáo đều xác định trước tâm lý để dạy dỗ các em nên người. Thầy Lê Quốc Toản cho biết: "Những ngày đầu, do chưa quen với phong tục tập quán của người Mông nên chúng tôi đều phải tự thích nghi, làm quen với các học sinh của mình. Chúng tôi không chỉ dạy mà còn phải học, học cách nói chuyện, học tiếng của các em để mình có thể giao tiếp dễ dàng và thuyết phục các em học được tốt hơn".

Cũng theo thầy Toản, các em nhỏ được dạy học bằng tiếng Kinh, dạy chữ quốc ngữ nhưng khi giao tiếp với nhau vẫn nói bằng tiếng Mông. Ban đầu các thầy cô phải khuyên nhủ để các em sử dụng tiếng Kinh nhiều hơn, như vậy sẽ tốt hơn cho các em.

Bởi lẽ, sau này khi giao tiếp với xã hội, để có thể thay đổi cuộc sống hòa nhập với cộng đồng và có cuộc sống tốt hơn thì tiếng Kinh không thể nào thiếu. Nhưng để được như vậy, các thầy cô cũng phải cố gắng hết sức để học tiếng của các em, để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các học trò của mình vì hầu hết những em nhỏ mới vào trường đều rất nhút nhát.

Thêm nữa, vì hai điểm trường của Làng Nhì đều là trường nội trú, ở tại trường vào lúc cao điểm nhất đó là hơn 500 học sinh. Có những em còn rất nhỏ, chỉ 6-7 tuổi nên ở đây, các thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách sống, cách làm người và biết tự chăm sóc mình dù còn rất bé. Mỗi sớm, nghe tiếng trống trường, các em bắt đầu gọi nhau dậy để tập thể dục cùng các thầy cô sau khi đã gấp gọn chăn gối.

Một lớp học tại Làng Nhì.

Sau đó, mọi người phân công nhau đi quét dọn trường rồi vào bếp ăn sáng. Có một điều đặc biệt là trong mỗi bữa ăn, các em đều hết sức tự giác ăn phần của mình và biết chia sẻ cho các bạn. Kết thúc mỗi bữa ăn, các em tự thu dọn chỗ ngồi rồi mang khay, bát đi rửa và cất vào chỗ theo quy định sau đó lên lớp học.

Để có được tính tự giác như trên đối với cả những em nhỏ nhất đó là cả một quá trình các thầy cô giáo rèn luyện, nhắc nhở và dùng sự ân cần để khuyên nhủ các em. Các thầy cô giáo cho biết, với sự tự giác ấy sẽ giúp cho các em sau này rất nhiều khi ra ngoài xã hội bươn chải, biết tự lo cho bản thân. Nói không ngoa, các thầy cô đã chăm sóc cho các em từ miếng ăn cho đến giấc ngủ như một người cha, một người mẹ thực thụ.

Nói về các học sinh của mình, thầy Lê Quốc Toản cho biết: "Các em học sinh được dạy dỗ về ý thức sinh hoạt tập thể, ăn uống vệ sinh và biết lễ phép với người lớn. Mỗi cuối tuần, các em lại tự đi bộ về thăm gia đình nhưng với những em ở xa thì có khi vài tháng mới về một lần. Những em đó vào dịp cuối tuần được nghỉ học thì lại cùng các thầy cô sinh hoạt như một gia đình…".

Nhìn hình ảnh những cậu bé lớp 1, lớp 2 tay xách cặp đi bộ qua những con đường lầy lội, bụng vẫn còn găm con dao rừng để phạt lá thật là thương cảm. Có lẽ, cũng vì tình thương ấy mà những thầy cô giáo nơi đây mới có thêm quyết tâm bám bản, bám trường để dạy dỗ các em.

Với họ, mỗi nụ cười, mỗi cái vẫy tay hay lời chào thỏ thẻ của các em nhỏ mỗi lần về nhà là một nguồn động lực giúp họ tiếp thêm sức mạnh bám trụ nơi vùng núi hoang vu trăm đường thiếu thốn này. Và cũng từ đó, họ "trồng" được hàng trăm, hàng ngàn cuộc đời đơm hoa kết trái.

Phong Trâm
.
.
.