Nơi núi rừng đang khởi dậy...

Thứ Năm, 13/04/2017, 09:22
Người ta lên Đà Lạt để làm gì, cần gì ở trên đó? Chơi hả, có gì để chơi? Ngắm hả, có gì để ngắm? Đúng ra có vài ba chỗ, chưa đi thì là lạ, đi lại chả thấy gì ngồ ngộ.


Bao năm lờ vờ, Đà Lạt có vẻ đang nổi tín hiệu khởi dậy làm ăn…

Gần như ai cũng bảo, lên Đà Lạt cũng giống như ở nhà “mở cái tủ lạnh” ra một chút vậy thôi. Có tý hơi lạnh hít hà, có tý rau, có chút cảm giác tươi tươi thế thôi, cảm giác Đà Lạt.

Những “máy chém” làm đìu hiu phố thị

Atiso, được coi là một sản phẩm đại diện cho xứ Đà Lạt. Xếp nó vào một thứ vừa là rau, vừa là hoa cũng được, vừa là cái hương vị riêng vùng này.

Thử uống một tách trà atiso trong một quán giữa trung tâm đông du khách. Nhàn nhạt, nhưng uống xong, tính tiền, mới thấy vị nó cũng đăng đắng…

Cho một túi trà nhỏ như trà lipton có dây buộc, vào ly nước sôi. Hương tỏa lắng thoảng, chăm chú lắm mới bắt thấy chút vị của trà. Cô chủ quán lầm lừ liếc, phán 32.000 đồng.

Uống cho biết đặc sản thế thôi, hôm sau ra chợ, mua cả gói trăm túi, tính ra, mỗi túi 600 đồng.

Nhẩm ra mới biết “máy chém” này cỡ nào. Tý nước sôi, tý công, tý lãi, bất quá đến vài ngàn đồng. Thế số còn lại rõ là “chém” à? Chẳng dám cãi một câu, chỉ bụng bảo dạ, thôi chào nhé.

Đêm, ra chợ xưa, nổi tiếng chợ Âm phủ. Vắng, thưa, lèo tèo. Hàng dãy quần áo, giày dép hàng sida lèo bèo giá rẻ, hàng lô đồ dụng cụ gia đình linh tinh. Tìm mãi mới thấy một chỗ bán hàng lưu niệm. Nhưng chỉ có những bức tranh vẽ bằng bút lửa trên gỗ thông, trông chẳng có gì nghệ thuật. Loại này ở đâu cũng có, còn gọi là đẹp hơn.

Vài du khách phương Tây lơ đễnh lướt qua. Họ xì xồ nói với nhau rằng “Thất vọng, chẳng có gì, chỉ như chợ quê, hàng hóa phục vụ nhu cầu hằng ngày của dân địa phương”.

Một đám du khách Trung Quốc ồn ào kéo vào gian hàng, vừa bi bô vừa vung tay chỉ quáng quàng. Cô phiên dịch vất vả quay cuồng với mấy bà khách phốp pháp liên tục trề môi bĩu miệng, quay quắt ngoắt ra.

Họ nói gì vậy? Cô phiên dịch mệt mỏi thở hắt ra: Họ chê chả có cái quái gì, toàn mấy hàng địa phương… Tung Của.

Không còn chợ đêm phục vụ du lịch, chỉ là chợ quê rau dưa, áo quần. Một bà đang tất tả dọn hàng bảo: Chợ đêm xưa chỗ này nè, nhưng giờ hết rồi, giờ chợ chỉ có vầy thôi…

Teo lại, tắt nụ cười. Làm gì giữa đêm lạnh tối tăm xứ núi này? Chẳng có gì chơi, chẳng có gì xem, lang thang ngoài đường lạnh gai như cảm cúm, thôi thì vào xông hơi, mát-xa.

Trước khi ra tay tẩm quất, cô gái giương to mắt, giơ tay như giơ dao, ra giá tiền bo: ít nhất phải 300.000 đồng nhe. “Chỗ này là rẻ nhất rồi đấy, không thì anh cứ đi chỗ khác mà coi. Có không thì để em còn làm…”.

Thôi, sợ luôn.

“Chảnh cục gạch”, thói quen hay phong cách?

Đà Lạt, thêm một lần cảm giác rõ hơn đất này như cô gái đẹp nhưng chảnh. Chảnh mà duyên nói làm gì, “chảnh cục gạch” mới nản.

Một lối nghĩ cứ như ăn thành nếp: người ta thích Đà Lạt nổi tiếng, khí hậu, cảnh quan này nọ, nên họ phải đến, phải chịu chém, và cứ chém người ta vẫn đến…

Làm gì để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch là câu hỏi đặt ra trong lúc café với vài quan chức hàng tỉnh vừa nghỉ hưu. Các ông này hơi nhăn khi nói về nhiều cái khó.

Cái cần nhất, được gút lại, là phải làm giao thông, cả đường bộ, đường không. Không phải chưa có, mà có rồi vẫn “sao đó”… Đường bộ, dân Đà Lạt hàng ngày vẫn đưa rau, đưa hoa xuống các thành phố. Dân Đà Lạt quen leo xe đò, tất tưởi lên xuống. Sân bay đón được cả máy bay lớn…

Nhưng khách vẫn chưa nhiều như ý. Thích, nhưng khách vẫn ngại. Sài Gòn - Đà Lạt, bay chỉ 40 phút nhưng chờ đợi các thủ tục gấp vài lần thời gian ấy, ngại. Đường bộ chỉ hơn 300 cây, nhưng đi cũng mất 5-6 giờ, đại gia nào có xe xịn cũng ngại đi, mất buổi. Vấn đề vì thế, cao tốc là giải pháp được đề xuất.

Mở rộng xã hội hóa làm cao tốc, được thôi, nhưng chưa mấy nhà đầu tư hăng hái. Đầu tư phải tính thu. Đất không còn để đổi lấy hạ tầng. Tính vào đâu khi thấy khách mới chỉ lèo tèo?

Luẩn quẩn, tại sao khách lèo tèo? Mấy ai thích đến chốn đìu hiu tìm đỏ mắt mới thấy nụ cười, còn các loại “máy chém” lúc nào cũng giương ra rình sẵn?

Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội du lịch, cái nào làm trước và làm như thế nào? Đặt được vấn đề, thôi cũng đã là một thắng lợi, còn lại giao thế hệ sau…

Những khu nhà hoành tráng đắp chiếu, dần dần biến thành “nhà ma”. Cả khu đầu tư to vật, cứ dở dang oằn oại, chết yểu. Khu biệt thự nghĩ dưỡng này lỗ 27,5 triệu đồng, khu kia nợ 1,6 đô… nghe chóng cả mặt.

Có vẻ Đà Lạt loay hoay đã lâu đời. Có thể khí hậu, thiên nhiên làm con người nhẹ nhàng, toan tính mất phần quyết liệt, cứ vật vờ cái khó bó cái khôn.

Loanh quanh tính hoài, cần cao tốc, cần sân golf, nghỉ dưỡng. Chưa thấy đầu vào để nối đầu ra.

Kiểu xưa tứ xứ

Những cô gái sơn cước thời xưa, má ửng hồng dưới trời se lạnh, lũn cũn bước cúi trên những sườn dốc, nay thành “người thành phố thướt tha”.

Hơn 300 năm trước, khi những người Pháp - Thụy Sĩ đầu tiên đi săn voi tình cờ tìm ra cái “tủ lạnh” Đà Lạt, quyết định xây dựng thành phố nghỉ dưỡng - du lịch. Họ mang những người phụ bếp, làm vườn từ Hà Nội vào giúp việc, trở thành những người định cư đầu tiên. Với nghề làm vườn, trồng hoa ở Ngọc Hà, Thụy Khuê, gặp khí hậu mát bốn mùa, họ trồng rau, hoa cho người Pháp thích ăn xà lách.

Rồi Đà Lạt thành nơi chuyên tâm, chuyên tu, đào tạo học hành, kiểu lên núi “luyện chưởng”. Các trường đào tạo, chuyên tu các ngành mở ra, các đạo giáo cũng lấy nơi này tu luyện chánh quả…

Đà Lạt từng là điểm đến của nhiều làng từ vùng núi miền Bắc đi “kinh tế mới”. Cũng mát lạnh, nhưng đất đai phì nhiêu. Thời ấy, nhiều làng người dân tộc phía Bắc đi cả làng, lập quê mới với con dấu xã cũ, với những cái tên mới thấp thoáng gợi nhớ quê cũ.

Dân từ khúc ruột miền Trung nay lên lập nghiệp nhiều hơn cả. Đà Lạt như một “hợp chủng quốc” thu nhỏ với nhiều sắc dân chung sống, với những văn hóa giao tiếp, giọng nói đa sắc.

Mỗi người mỗi kiểu thì đa dạng rồi, nhưng mười phân lại chưa vẹn mười. Dân di cư, mang theo cả đất lề quê thói, cứ thế hành xử ở vùng quê mới như chốn không người.

Giao thông, văn minh đô thị, giao tiếp, thương mại, làm ăn… pha trộn những tập tục, cách làm. Tại sao nhiều đô thị, cả ở ta lẫn ở Tây, thiếu gì dân di cư kiểu “hợp chủng quốc” nhưng vẫn gọn gàng, nền nếp, trong khi Đà Lạt phố thị vẫn “ngúng nguẩy vung ra thụt vào” tùy ý?

Mấy ông già sống lâu năm trên Đà Lạt lắc lắc đầu quầy quậy, phán: quản lý đô thị mà cứ theo kiểu quê xưa thì nó phải vậy thôi. Mấy đời rồi vẫn vậy.

Muốn làm du lịch phải có con người du lịch. Và cả một môi trường du lịch. Không ý thức xây dựng môi trường ấy, còn tự phá hoại môi trường ấy không biết sợ th́ làm sao du khách không sợ?

Dạo quanh thành phố, hiếm nụ cười. Vào chợ, chẳng lời chào mời, bán hàng vẫn tư duy thời “mậu dịch”, chỉ lạnh lườm, dưới cỡ phở quát, miến mắng, cháo chửi…

Núi rừng đang khởi dậy

Ngay cả thời chiến tranh, Đà Lạt từng là một nơi để “đổi gió” của người Sài Gòn. Cả vùng phía Nam chỉ có một cái “tủ lạnh” mát mẻ. Có lúc, từng có ý tưởng ngông làm đường ống dẫn không khí mát mẻ từ Đà Lạt xuống “tưới” cho Sài Gòn. Nhắc lại thế, để thấy cái quý đến thế nào.

Rộng hơn nữa, cả khu vực Đông Nam Á, chỉ có hai nơi mát là Đà Lạt và cao nguyên Genting ở Malaysia. Và người ta cũng nghĩ đến cách giao lưu chuyển khách cho nhau để du khách hưởng mát mà vẫn hưởng cả những nét riêng thú vị…

Nam Tây Nguyên còn nhiều điều kỳ thú của hệ động thực vật, pha trộn các loại rừng… chưa khai thác hết. Đà Lạt vẫn cam phận làm cái “tủ lạnh” chơ vơ, có vẻ vẫn chưa xốc tới móc vào “một tuyến đi nhiều điểm đến”.

Những đoàn phượt tự rủ nhau làm chuyện ấy, lên Đà Lạt rồi ngoặt rừng xuống Nha Trang, xẻ đường chĩa ra Đà Nẵng... Ta phượt rồi Tây phượt, tự nghiên cứu, tự làm tour, tự hưởng.

Ở tầm Đông Nam Á, nhiều ý tưởng xây dựng các tuyến hành lang từ Thái Lan qua Đà Nẵng, tổ chức các hội nghị ngành cấp khu vực.

Ngoài các cuộc họp hành, quan khách cũng tranh thủ làm du khách. Nhưng mới chỉ loanh quanh Hội An, Bà Nà…

Một tuyến tour liên kết các điểm này với Tây Nguyên, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột chưa hình thành rõ nét, thu hút du khách trong và ngoài nước. Các Tây phượt vẫn tự đi, thuê xe máy đi, núi - biển đánh vòng ngao du.

Lên Đà Lạt có gì? Câu hỏi thường gặp này bao lâu vẫn chỉ đừng lại ở khí hậu và cảnh núi rừng. Còn lại, vẫn là câu trả lời “không” cho các câu hỏi về casino, đêm vui, giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp, các món đặc sản, các trại phượt, dịch vụ du lịch kèm theo…

Một hy vọng mới đang mở ra. Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ khởi công trong năm 2017 này. Một cò nhà đất ở Đà Lạt hối hả trả lời điện thoại ai đó rồi hớn hở kể đang vô mánh: một đại gia từ Sài Gòn đang quan tâm mua miếng đất lớn với 14 tỷ đồng…

Làm khách sạn, phong trào làm Homestay đang khởi dậy nơi núi rừng…

Ngọc Tuyết
.
.
.