Nỗi oan ức của thằng ăn trộm

Thứ Năm, 12/10/2017, 07:19
Tôi hành nghề trộm cắp hơn 10 năm, đã thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm lớn nhỏ, nhưng chưa bao giờ lại chôm được nhiều tiền như ngày hôm nay.


Tôi phải còng lưng vác bao tiền, vất vả lắm mới chất được lên xe máy chạy về đại bản doanh.

Trong lòng tôi trào dâng nhiều cảm xúc, vừa vui mừng vì vớ được một “mẻ lớn”, vừa lo sợ vì chưa bao giờ tôi thấy được nhiều tiền như thế.

Từ nhỏ, tôi là một đứa trẻ bất hạnh. Cha mẹ mất sớm, tôi phải ở cùng bà ngoại. Được vài năm bà mất, tôi lại ăn nhờ ở đậu nhà dì dượng. Dì rất thương tôi nhưng ông dượng rất tàn ác, tôi chịu không nổi đã bỏ nhà ra đi.

Và dòng đời đưa đẩy, tôi trở thành một tên móc túi, ăn trộm chuyên nghiệp lúc nào không hay.

Ảnh minh họa.

Nhiều khi lương tâm cắn rứt, tôi muốn bỏ nghề, nhưng cũng không biết làm gì để kiếm sống. Trừ các quan tham nhũng ra, thì trên đời này không có công việc nào nhàn hạ mà thu nhập khá bằng nghề ăn trộm.

Băng trộm của tôi chỉ gồm 3 người, do đại ca Q làm thủ lĩnh, tất cả chúng tôi đều xuất thân là trẻ mồ côi, nên rất gắn bó với nhau. Chúng tôi không kết nạp thành viên mới, vì sợ đông người sẽ dễ lộ.

Và dù là phường trộm cắp, chúng tôi vẫn giữ được “nghĩa khí”, vẫn có nguyên tắc riêng của mình. Thứ nhất, chúng tôi chỉ ăn trộm chứ không ăn cướp, ăn cướp thì có thể làm nguy hại tính mạng của người khác. Nếu nghề ăn trộm khó khăn quá, chúng tôi sẽ chuyển qua ăn xin. Chúng tôi đã cắt máu ăn thề là thà đi ăn xin hoặc làm ăn trộm, chứ nhất định không ăn cướp.

Nguyên tắc thứ hai, chúng tôi cũng đã thề là không trộm của người nghèo. Và lấy trộm của người nghèo là một sự sỉ nhục của thằng ăn trộm. Địa điểm kiếm ăn của chúng tôi thường những khách sạn, vì dân ở được trong khách sạn là thuộc dạng lắm tiền, như vậy lương tâm của chúng tôi đỡ cắn rứt hơn.

Địa bàn chiến lược của băng nhóm tôi là Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Cứ vài ngày là chúng tôi di chuyển qua địa bàn khác, chứ không lưu lại một khu vực nào lâu, như vậy sẽ qua mặt được các trinh sát hình sự.

Thủ đoạn của nhóm tôi là đến các khu nhà nghỉ, khách sạn “khảo sát địa hình” trước khi đột nhập. Và vào khoảng từ 1-2 giờ sáng, khi du khách ngủ say, chúng tôi cạy cửa sổ hoặc ô thông gió nhà vệ sinh rồi đột nhập vào khách sạn lấy trộm tài sản.

Vụ trộm đợt này của tôi là một khách sạn thuộc tỉnh Long An. Một tỉnh không giàu có, nhưng người ở trong khách sạn lại là một người quá giàu có, tiền nhiều đến nỗi phải bỏ trong bao tải.

Vừa thở hổn hển vừa bỏ bao tiền xuống đất, tôi chưa kịp nói gì thì đã bị đại ca hỏi ngay: “Chú mày trộm ở đâu mà tiền cả bao vậy?”. Tôi hí ha hí hửng đáp ngay: “Dạ tại khách sạn T.V 2, trung tâm thành phố T.A đó đại ca”.

Đại ca nghe xong, mặt đỏ rực giận dữ quát mắng: “Chú mày phải thấy nhục chứ, ông ấy là quan ở ngoài bộ vào đây công tác, nên tiền này là tiền xương máu, mồ hôi nước mắt của người dân, mày hiểu chưa?”.

Tôi lắp bắp: “Sao quan ngoài bộ… mà tiền lại của dân nghèo?

“Mày dốt quá!”, đại ca Q nói. “Giữa cái thời của thanh toán qua thẻ, từ Hà Nội vào Sài Gòn xuống Long An đều có cả khối ngân hàng, lại đi công vụ từ Bắc vô Nam cả ngàn cây số, vậy mà tại sao vị quan này lại ôm theo nhiều tiền mặt đến vậy? Là vì ông ấy dùng tiền này để giúp dân nghèo. Cho nên nó là tiền của người dân”.

“Thế ngộ nhỡ đó là tiền ông ấy hạch sách, tham nhũng của dân địa phương?”, tôi chống chế.

“Thì nó càng đúng là tiền của người dân còn gì!”, đại ca đáp.

Nghĩa Nam
.
.
.