Nơi thắp sáng niềm tin cho trẻ khuyết tật trí tuệ

Thứ Hai, 10/12/2018, 15:33
Nằm sâu trong con ngõ 192, phố Kim Mã. Trung tâm Hy vọng trực thuộc Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội là nơi tập trung những tấm lòng nhân ái, cùng sẻ chia với các gia đình có con nhỏ kém may mắn, sinh ra phải chịu nhiều thiệt thòi. Bằng tình yêu thương, sự chăm sóc của thầy cô, các em nhỏ nơi đây đã được đi học, đi chơi như các bạn cùng trang lứa.


Tâm huyết của bác sĩ khoa nhi

Từng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, sau đó học chuyên sâu và làm bác sĩ nhi khoa, bác sĩ Đỗ Thúy Nga về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và chăm sóc trẻ em, rồi làm Phó trưởng Phòng Giáo dục quận Ba Đình. 

Tâm huyết với việc chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ, sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Nga mở Trung tâm Hy vọng. Tất cả kiến thức và tình yêu thương trẻ thơ, bác sĩ Đỗ Thúy Nga dồn hết cho Trung tâm Hy vọng.

Nhận biết những loại quả cũng là bài học khó đối với các em.

Trung tâm Hy vọng được thành lập tháng 6 năm 2002. Ban đầu chỉ là nhóm nhỏ với 6 trẻ khuyết tật từ 3 đến 7 tuổi, đến nay Trung tâm đã tiếp nhận và giúp đỡ cho gần 500 trẻ. Đối tượng trẻ cũng đa dạng hơn, ngoài 8 nhóm bệnh như: Down, bại não, hẹp sọ não, não úng thuỷ, di chứng viêm màng não, di chứng đẻ khó do trẻ bị ngạt hay tăng động giảm trí nhớ, động kinh, Trung tâm còn nhận dạy và can thiệp cho trẻ tự kỷ, trẻ bị nhiễm chất độc dioxin… Tất cả các nhóm bệnh trên đều có chung một bệnh chứng là chậm phát triển trí tuệ. Trẻ được nhận vào Trung tâm ở lứa tuổi từ 3 đến 11, cá biệt có những em trên 15- 16 tuổi cũng đang theo học tại nơi này.

Lúc đầu chỉ có 3 giáo viên, đến nay Trung tâm đã có hơn 20 cán bộ, giáo viên cùng hơn 200 tình nguyện viên trong và ngoài nước. Tất cả các giáo viên đứng lớp đều đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng sư phạm khoa Tiểu học, Mẫu giáo và Khoa Giáo dục đặc biệt. Hằng năm, giáo viên của Trung tâm được tạo điều kiện tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tổ chức.

Hiện ở Trung tâm có khoảng 70 trẻ, chia làm 4 lớp từ A1 đến A4. Không chỉ tiếp nhận trẻ em ở địa bàn Hà Nội, Trung tâm còn tiếp nhận trẻ em ở hơn 20 tỉnh, thành như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…

Bác sĩ Đỗ Thúy Nga chia sẻ: "Để trẻ cất tiếng gọi bố, mẹ hai từ vô cùng đơn giản mà trẻ bình thường có thể phát âm từ khi 7-8 tháng tuổi, nhiều ông bố, bà mẹ phải chờ đợi suốt 2-3 năm. Thậm chí, có trẻ 6-7 tuổi mới gọi được tiếng "Mẹ ơi". Khi đó, không chỉ người mẹ khóc mà chúng tôi cũng khóc theo. Tôi coi đó là phần thưởng vô giá với bản thân mình và đối với các cô giáo ở Trung tâm Hy vọng".

Những chuyển biến tích cực của các con khiến nhiều bậc cha mẹ mừng rơi nước mắt. Chị Lê Huệ cho hay: "Mình biết tới Trung tâm Hy vọng qua giới thiệu của một người bạn thân có con bị bệnh bại não. Khi đến trung tâm thấy các cô chăm sóc, chỉ dạy các con rất cần mẫn, dịu dàng, mình thấy có niềm tin để trao con cho các cô. Mình quyết đinh cho con theo học ở đây. Lúc con mình đến Trung tâm học thì các kỹ năng, tư duy chỉ đạt một phần ba so với các bạn bình thường. Nhưng qua quá trình học, mình thấy con tiến bộ từng năm, các chỉ số đều phát triển vượt bậc. Về nhà, con tự làm được những việc nhỏ trong gia đình. Mình cảm ơn các cô giáo, cảm ơn Trung tâm Hy vọng nhiều lắm".

Camill - Tình nguyện viên đến từ Canada dạy trẻ nhận biết màu sắc.

Dạy trẻ khuyết tật cần sự kiên nhẫn

Mỗi chữ cái, mỗi phép tính đơn giản, có trẻ phải học cả tuần. Một bài thơ, các em phải học nhiều tuần mới thuộc. Đang ngoan ngoãn, có trẻ bất ngờ la hét, lên cơn giật, nôn trớ, phá phách... Vì thế, phương châm của các cô giáo ở đây là "Kiên trì, thấu hiểu và chia sẻ".

Theo cô Đoàn Tố Quyên, người gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu tiên, việc dạy và chăm sóc phải dựa vào tâm sinh lý của từng trẻ: "Khi nắm bắt được tâm sinh lý của trẻ thì mình biết trẻ cần mình cái gì và mình luôn luôn thay đổi hình thức dạy cho phù hợp với từng trẻ".

"Dạy cho trẻ khuyết tật trí tuệ vất vả lắm, vì các cháu không có khả năng nhận thức nhanh như trẻ bình thường. Có khi mất một ngày dạy được cho trẻ một chữ cái, nhưng cũng có khi mất cả tuần, cả tháng… Nhiều khi, các con không nhớ được, mà cứ nhắc lại y nguyên lời cô. Cô hỏi "Đây là cái gì?" thì trò cũng nhắc lại "Đây là cái gì?" chứ không trả lời được.

Nên chúng tôi phải thật kiên nhẫn. Nhưng khi dạy được cho các con biết thêm một điều gì thì thấy mừng không tả xiết. Cách đây 2 tháng, vào một buổi sáng, khi tôi đang chải tóc cho các em nữ, bỗng dưng T.U, cô bé mắc chứng bệnh tự kỷ cả ngày chỉ ngồi một chỗ nơi lớp học đứng lên cầm lược chải tóc cho các bạn, rồi chải tóc cho mình và nói "tóc tóc đẹp". Mình ôm em vào lòng, vui sướng mà nước mắt cứ chảy hoài!" - đó là tâm sự của cô Hương, giáo viên lớp A4.

Với sự kiên trì của các cô giáo, trẻ được nuôi dạy ở Trung tâm đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều trẻ ban đầu không biết nói rõ lời, gọn ý, không cầm được thìa, bút hay mất hằng tuần vẫn không nhớ được mặt chữ… đến nay đã có 60% học sinh lớp A1 biết đọc, biết viết; 90% biết giao tiếp như chào hỏi lễ phép, biết mặc quần áo gọn gàng và giữ vệ sinh sạch sẽ.

Cháu Đỗ Hoàng Thục Anh 13 tuổi, bị liệt nửa người, đi lại khó khăn. Cô giáo đã dạy cháu cầm bút bằng tay trái, đến nay Thục Anh viết, vẽ khá đẹp. Cháu bị động kinh cục bộ, có ngày bị co giật tới 10 lần, mặc dù vậy cháu rất ham học, ngay cả khi bị ốm vẫn đòi đến lớp.

Cháu Nguyễn Anh Phong 14 tuổi, bị động kinh, bại não. Khi mới đến Trung tâm, cháu chỉ nói được duy nhất một từ "mẹ". Đến nay, cháu đọc, viết được và làm toán ở trình độ lớp 4, mặc dù trong phát âm thường mất dấu hỏi, ngã…

Mỗi trẻ ở Trung tâm đều có sổ theo dõi sức khoẻ và một kế hoạch giáo dục cá nhân. Mọi diễn biến về sức khoẻ thể chất và tâm lý của bé đều được giáo viên và bác sĩ của Trung tâm theo dõi, điều chỉnh kịp thời. Việc rèn kỹ năng sống cho trẻ được đặc biệt coi trọng, với sự kiên nhẫn của các giáo viên. Các cháu biết tự chăm sóc bản thân, cha mẹ và gia đình sẽ bớt phần gánh nặng và sự lo lắng.

Cho các em ăn cũng là công việc không đơn giản đối với các cô.

Năm học 2017-2018 là năm thứ 16 Trung tâm Hy vọng tồn tại và phát triển. 16 năm với hơn 500 lượt trẻ đến và đi. Không ít trẻ qua quá trình can thiệp, đã trưởng thành và có được cuộc sống ổn định, xây dựng gia đình, tham gia một số ngành, nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Những trẻ được can thiệp sớm trước 5 tuổi đã hòa nhập với cuộc sống, mang lại niềm vui vô bờ cho các gia đình.

Một trường hợp đáng kể như em Nguyễn Mạnh Minh Quang, sau 12 năm học ở đây, giờ Quang đã trở thành nhân viên của một cơ sở sản xuất hộp giấy ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Thỉnh thoảng, Quang vẫn về Trung tâm Hy vọng thăm bác sĩ Nga và các cô giáo nơi đây.

Bác sĩ Đỗ Thúy Nga chia sẻ, là một người mẹ và cũng vì hạnh phúc của nhiều bà mẹ khác mà bà đã gắn bó với công việc vất vả nhưng cũng đầy tính nhân văn này. Đã trải qua công việc ở lâm sàng nhi, từng điều trị những trẻ bị viêm màng não nên bà thấu hiểu nỗi vất vả, nỗi đau của nhiều gia đình khi có con thiểu năng trí tuệ.

Khi nghỉ hưu, bà xác định đây là món nợ phải trả cho cuộc đời, chia sẻ gánh nặng với các gia đình, giảm bớt những khuyết tật của trẻ. Bác sĩ Nga luôn tâm niệm: "Các bé như những mảnh trăng khuyết, và trách nhiệm của chúng ta là làm cho những vầng trăng đó tròn hơn".

Tuấn Trình
.
.
.