Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Nơi trái tim quay về

Thứ Hai, 26/08/2013, 16:22

Thật buồn nếu chúng ta chẳng có một nơi để trái tim quay về mỗi khi mệt mỏi. Và nơi đó, tôi nghĩ, nhất thiết phải là tuổi thơ. Vì đó là quãng quá khứ đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người.

- Cứ từ từ mà đi, như người đàn bà chăm con nhìn chúng lớn lên từng ngày, không vội vàng, và cũng không thể vội vàng. Việc viết với chị có như vậy chăng, nhẩn nha từng bước…?

+ Thực ra tôi là người hấp tấp, làm cái gì cũng nhanh, ăn cũng nhanh, bây giờ càng "có tuổi" càng nói nhanh, nhưng không hiểu sao nhìn bề ngoài mọi người lại cứ bảo tôi là người thư thả, nhẩn nha (cười). Còn việc viết với tôi bây giờ không có cái gọi là nhanh, cũng chẳng có cái gọi là thong thả, mà chỉ nhăm nhăm mỗi một cụm từ "tranh thủ".

- Vẫn tràn ngập một không gian miền múi trong những trang viết của chị, ở hai cuốn sách mới, dù chị đã từ biệt cái không gian ấy để đi về thành thị cũng tương đối lâu rồi. Những gì đã qua trong tuổi thơ, tuổi trẻ dường như luôn luôn có cuộc “hành quân” quay ngược trở về trong trái tim người cầm bút thì phải….?

+ Thật buồn nếu chúng ta chẳng có một nơi để trái tim quay về mỗi khi mệt mỏi. Và nơi đó, tôi nghĩ, nhất thiết phải là tuổi thơ. Vì đó là quãng quá khứ đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Cái quãng thời gian mà bây giờ nghĩ lại thấy nó luôn trong veo, trong suốt, ngập tràn một thứ không khí tinh  khiết như nơi ở của các bà tiên.

- Vừa "đồng sàng dị mộng" với vùng văn hóa miền núi, lại vừa nỗ lực nhập vào cái đời sống hiện tại mình đang trôi chảy đi. Viết về đô thị, cái phần đời khi mình bắt đầu với nó thì mình không còn trẻ mấy nữa, thực sự nó gây khó dễ cho chị ở những điểm nào?

+ Tôi tự thấy mình thuộc tuýp người dễ thích nghi. Khi mới về Hà Nội, và còn ở độc thân trong một căn phòng tại cơ quan, sinh hoạt ăn uống tùy tiện, cứ nghĩ mình sẽ mãi mãi lạc lõng với mảnh đất này. Nhưng khi lấy chồng, sinh con, cả gia đình sáu, bảy người sống trong một căn hộ có 16 mét vuông, cơi chỗ nọ, nới chỗ kia lại thấy thật bình thường. Mỗi sáng ngồi ở vỉa hè để "đi chợ".

Mỗi chiều mang rau ra vỉa hè để nhặt, và trông con khi nó đang tập xe đạp cũng trên vỉa hè. Có những ngày đứng ở cửa hàng và là quần áo cho khách từ  8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Có những lúc phải vận dụng hết vốn ngôn ngữ cả đời thường cả văn chương ra để… cãi nhau với khách trong việc nhận hàng, trả hàng…

Trình diễn văn xuôi trong lễ ra mắt sách của nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Chính cái cuộc sống nó vận động một cách vừa rối rắm phức tạp vừa vô cùng đơn giản ấy đã cuốn tôi vào.

Tôi viết về đô thị trong cái tâm trạng không viết không chịu được nữa. Cái khó nhất là phải quên tất cả những gì các nhà văn đi trước đã viết. Vì có những cái mình đã thuộc trong lòng, như những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khải về Hà Nội này. Nhưng cũng có cái thuận là tôi vừa có thể chấp nhận được cái đời sống Hà Nội ồn ào, chật chội, bụi bặm, hỗn tạp, lại vừa được chứng kiến một đời sống Hà Nội thật sâu sắc, thật thâm trầm, thật nề nếp, trong chính cái gia đình, dòng họ nhà chồng.

Chồng tôi có một bà chị gái, năm nay bác ấy hơn bảy mươi rồi, bác ấy là người gợi cho tôi cái cảm nhận sâu sắc nhất, rõ nét nhất, xương thịt nhất về một người phụ nữ Hà Nội xưa. Bác ấy thực sự đã mang lại cho tôi quá nhiều cảm xúc, nhất là khi viết về Hà Nội.

- Trong tập truyện ngắn "Đàn bà đẹp" của chị, rõ ràng khi đặt cạnh nhau, người ta thấy một khoảng chênh đáng kể giữa những truyện chị viết về miền núi và những truyện chị viết về thành thị. Nó cũng phá vỡ không gian của người thưởng thức văn của chị.

Phải chăng đó là một sự sắp xếp cố tình, dần đẩy bạn đọc vào tình trạng đối diện với việc tiếp cận một Đỗ Bích Thúy của đô thị hơn là một Đỗ Bích Thúy của miền núi…

Tôi đã nghĩ về điều đó khi chuẩn bị bản thảo hai cuốn sách này. Nếu tôi để cả 45 tác phẩm (12 truyện ngắn và 33 tản văn) đều là những cái viết về miền núi thì tôi e độc giả sẽ phát ngán. Cho nên mấy cái truyện về đô thị là tôi cố tình gài vào đấy chứ. Có thể coi như một quãng nghỉ cho người đọc.

Còn việc tôi là một Đỗ Bích Thúy đô thị hay Đỗ Bích Thúy miền núi quả thực không quan trọng. Đời sống là đời sống, văn chương là văn chương. Bạn đọc thích món gì đó là quyền của bạn đọc.

- Chăm chút cho hình thức của 2 cuốn sách mới vừa xuất bản, với bìa của họa sĩ Lê Thiết Cương, minh họa của họa sĩ Thành Chương...Chị nghĩ hình thức có vị trí thế nào trong việc nó tác động đến xúc cảm của độc giả khi quyết định bỏ tiền mua một cuốn sách?

Việc này xuất phát từ chính tôi trong cương vị một người đọc. Suy từ việc ăn, mặc mà ra. Xưa thì "ăn chắc mặc bền", nay thì "ăn ngon mặc đẹp". Sách in ra ngoài nội dung có chất lượng thì người làm sách nghiêm túc không thể coi thường hình thức. Sách hay mấy nhưng giấy in xấu, trình bày tùy tiện, tranh bìa làm cho xong… đều ảnh hưởng tới thiện cảm của độc giả.

Tất nhiên, trình bày đẹp mà nội dung dở thì còn tệ hơn. Nhưng tôi tin chắc rằng nếu để bạn đọc chọn một trong hai cuốn, có minh họa và không có minh họa thì đa số sẽ chọn cuốn có minh họa...

- Đàn bà viết văn, làm quản lý, nội trợ, chăm con, tất tần tật trong một Đỗ Bích Thúy. Liệu chị có phải phân thân nhiều lần trong một ngày sống của mình?

+ Tôi có phân thân gì đâu. Trong ngày, giờ nào là của việc gì tôi đều có lịch rất chặt chẽ. Đôi khi chệch chọac vì công việc phát sinh thì có chồng chia sẻ. Tôi đã nói tôi là người dễ thích nghi mà

.
.
.