Nói xấu chồng!...

Thứ Ba, 08/12/2020, 08:16
Gia đình là tế bào của xã hội. Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nói lên câu ấy, nhưng để có một tế bào khỏe, một gia đình, xã hội tốt đẹp, người ta cần sự cố gắng, từ nhiều phía. Bài viết này của chúng tôi đề cập đến một khía cạnh đang diễn ra trong đời sống hiện nay đó là hiện tượng vợ chồng nói xấu nhau, gây nên những năng lượng tiêu cực cho hôn nhân, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến trạng thái lành mạnh, gắn kết của gia đình, xã hội.

Chúng ta có thể bắt gặp hiện tượng nói xấu chồng ở đâu? Thôi thì đủ mọi nơi, cứ có hai bà vợ ngồi với nhau, bên cạnh những chuyện công việc, con cái, xu hướng thời trang son phấn váy áo, hẳn sẽ có ít nhiều thông tin liên quan đến "lão ấy nhà tao". Lão ấy nhà tao á, lười, bẩn, hay nhậu nhoẹt, không giúp ích gì được cho vợ con, lại còn gia trưởng, nạt nộ, đòi hỏi.

Chưa hết, những chuyện mâu thuẫn gia đình, chồng mải vui bạn bè, nghe lời mẹ đẻ, bênh anh em đàng nội chằm chặp, đã thế lại còn hay liếc con bé hàng xóm… cũng được nhắc đến với thái độ "không nói đến thì thôi, nói đến là bực bội, khó chịu". Người ta động viên, an ủi nhau bằng cách, "thôi mày ạ, lão ấy nhà mày thế còn khá, lão nhà tao á!...". Thế rồi, chị này nói, chị kia than, chị khác bình phẩm, thêm mắm dặm muối, khiến hình ảnh "lão chồng" trở nên méo mó, dị dạng và xuống giá một cách thê thảm.

Không chỉ nói xấu, kể tội chồng, hội chị em còn bày cho nhau những chiêu trị chồng, ứng xử với gia đình nhà chồng. Kinh nghiệm quản trị gia đình về thực chất rất nên bàn luận, trao đổi, nhưng hội chị em lại hào hứng rỉ tai nhau những quái chiêu đưa chồng vào khuôn khổ. Từ chiến tranh lạnh, cấm vận cho đến cả việc "bật lại chồng", hòn bấc ném đi hòn chì ném lại, quản lý thâu tóm tài chính, tận thu các nguồn lực khiến cho ông chồng không còn cơ hội nào mà cựa quậy vùng lên được nữa.

Lấy việc nói xấu chồng làm trò cười (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, tệ hại hơn là nói xấu chồng với gia đình mình (gia đình vợ), đặc biệt là nói xấu chồng - bố với con cái, lôi kéo con cái về phía mình, tạo áp lực, cô lập người cha, buộc anh ta phải nghe theo, thỏa hiệp hay nhượng bộ… Đây là nguy cơ dẫn đến xung đột gia đình rất sâu sắc, đồng thời ảnh hưởng nặng nề đến nhận thức, tình cảm của con cái dành cho bố mẹ. Chưa nói, tính cách, ứng xử, thái độ của con sẽ bị ảnh hưởng, nhen nhóm và định hình một cách thiên lệch. Nếu sự giảm giá, thấp kém của người chồng trong mắt vợ đã hàm chứa những nguy cơ cho hôn nhân gia đình, thì điều đó lại càng tệ hại trong mắt con trẻ. Chúng sẽ nghĩ sao về người cha của mình, từ đó, trẻ sẽ lớn lên và nhìn vào cuộc sống, tình yêu, hôn nhân gia đình như thế nào mai sau? Mầm họa, biết đâu chẳng đã được tưới tẩm từ câu chuyện nói xấu chồng với con cái, bạn bè hôm nay.

Điều đáng nói là không phải lúc nào những cuộc tán gẫu, dưa cà của chị em cũng cho thấy bản chất sự việc hoặc là mang đến ích lợi cho hạnh phúc gia đình. Ông cha ta bảo rằng, chọn bạn mà chơi là thế? Chưa chắc câu chuyện gia đình mà bạn chia sẻ đã được cảm thông, được khuyên bảo bằng sự hiểu biết hay từ sự chân thành. Lắm khi, chính người mà bạn tưởng rằng mình đang được chia sẻ kia, trong thâm tâm lại hoan hỉ vì chuyện cơm không lành canh không ngọt của gia đình bạn. Nếu ngay bản thân mình còn nói xấu chồng, xem thường chồng, thì trong mắt bạn bè, người đàn ông mà mình lựa chọn, xây dựng gia đình, vun đắp hạnh phúc sẽ hiện ra thế nào? Người ta xem thường, nghĩ xấu, thậm chí, đằng sau vẻ cảm thông lắng nghe kia, rất có thể là một sự tọc mạch hoặc âm thầm hả hê. Chưa kể, từ câu chuyện ấy, những thêu dệt, lan truyền sẽ đưa câu chuyện đi xa hơn lúc đầu rất nhiều.

 Quan sát cuộc sống chung quanh, nhìn vào một nhóm bạn bè nào đó, tôi không thể hiểu được, với cách đi lại, ăn nói, ứng xử như thế, họ sẽ có ích gì cho nền nếp, gia phong của gia đình mình. Việc chao chát, chỏng lỏn, chê chồng, kể tội chồng, thậm chí là lớn tiếng kể - như là khoe khoang việc trị chồng, bắt chồng phải thế này, phải thế kia, phục tùng vợ vô điều kiện… đôi khi lại được xem là một dạng thành tích, một thành quả "dạy chồng", một chiêu cao tay để áp dụng trong gia đình. Vấn đề ở đây là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Không thể đem cách ứng xử với chồng của một chị hàng chợ để áp dụng cho một gia đình trí thức, nghệ sĩ. Nếu bạn muốn yên tĩnh để đọc một cuốn sách, nghe một bản nhạc và bạn muốn con mình đừng ngồi cho chân lên ghế oang oang buôn chuyện, thì tôi nghĩ rằng, bạn cần những người biết im lặng, tinh tế trong không gian của gia đình mình.

Còn nhớ, có lần tôi đến thăm một nhà văn lớn, ông bà đã ngoài 80, nhưng vẫn dành cho nhau những câu chào hỏi, thưa gửi, cảm ơn rất lịch sự. Căn nhà tĩnh lặng nhưng qua cách nói năng đi lại của chủ nhân, khách nhận ra một gia phong nền nếp, biết tương kính trân trọng lẫn nhau, dẫu họ đã nếm trải cùng nhau mọi chuyện hay dở của đời sống hôn nhân gia đình.

Tại sao phụ nữ lại nói xấu chồng? Tôi không quả quyết rằng tất cả phụ nữ đều nói xấu đức ông chồng của mình, nhưng hiện tượng đó chắc chắn có. Nói xấu chồng có thể xuất phát từ những ấm ức không được giải tỏa trong hôn nhân gia đình. Người phụ nữ phải chịu đựng, kìm nén, và khi gặp hội chị em, có dịp được trút xả, được bung ra. Về mặt nào đó, hành vi này có thể là một dạng van xả để đảm bảo "an toàn tinh thần" cho người vợ. Chia sẻ với nhau chuyện nhà chuyện cửa, chồng con, nội ngoại, vốn cũng là đề tài chính trong các cuộc tán gẫu của hội chị em. Điều ấy là hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, nói xấu chồng sẽ dẫn đến những nguy hại, mà đôi khi tưởng chỉ là cho vui miệng. Một ông chồng tệ hại với những thói hư tật xấu không thể chấp nhận, có thể cần phải được phê phán, thậm chí lên án. Khi câu chuyện đã đến mức ấy, khó lòng có thể trách được người vợ việc than vãn,  kể lể, nói xấu về chồng mình. Tuy nhiên, điều chúng ta đang nói đến ở đây, có thể không hiển hiện một cách nghiêm trọng như thế.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm (Tamvvh@gmail.com).

Chỉ là vui miệng, là thói quen, là tán gẫu cho qua thời gian, thậm chí chỉ là một cách "yêu" chồng, nhưng đâu đó sẽ có những hạt nhân nảy mầm thành bi kịch. Không ít những câu chuyện cái sảy nảy cái ung, dẫn đến vợ chồng khúc mắc, mâu thuẫn từ chính những lần tán gẫu cho vui miệng ấy. Chưa kể, từ việc nói xấu chồng, chị em bàn tán, lại so sánh chồng với người khác, có khi trong đầu còn nghĩ đến anh bạn trai cũ ngày xưa với vẻ tiếc nuối. Liệu có không? Nếu có, thì tôi e rằng hôn nhân đã mấp mé miệng vực của sự tan vỡ. Thậm chí, nó đã tan vỡ trong hình hài có vẻ nguyên lành mà thôi! Nói xấu chồng lắm khi kéo theo là việc nói xấu gia đình nhà chồng. Đã nói xấu, nghĩ xấu, dĩ nhiên là sẽ xem thường chồng và xem thường gia đình nhà chồng. "Yêu nhau yêu cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng; Thương nhau củ ấu cũng tròn/ Ghét nhau thì củ bồ hòn cũng vuông…". Các cụ ta từ xưa đã rút ra điều đó. Bởi vậy, ghét chồng, nói xấu chồng, gia đình họ hàng nhà chồng là nguồn năng lượng sẽ hủy diệt hạnh phúc hôn nhân.

Có hay không cái gọi là "khoái cảm" từ việc nói xấu chồng? Tôi nghĩ rằng, trong những lời nói xấu kia, có phần nào đó là để nhấn mạnh vai trò của người vợ: Khả năng chịu đựng, gìn giữ gia đình, khả năng gánh vác hay lòng vị tha trước những người chồng không được như mong đợi. Có đấy! Hội chị em, nếu có chia sẻ với nhau những điều chưa hài lòng, ấm ức về chồng mình, đâu đó còn thể hiện một kiểu yêu chồng theo dạng "bất chấp". Nghĩa là, lão ấy nhà tao như thế, mà chúng mày xem, tao vẫn thế này, thế kia, vẫn duy trì vun vén được cơ ngơi tổ ấm như thế. Đôi khi, nói xấu không hẳn là để bỉ bôi, miệt thị hay phê phán, đả kích chồng, mà nó là hình thái của một sự khiêm tốn. Chẳng lẽ lại khoe chồng giỏi giang chu toàn mọi sự, khéo lại bị lườm nguýt là: "Con hát mẹ khen hay". 

Và, biết đâu đấy, khoái cảm của việc nói xấu chồng lại là: "Ôi dào! Lão ấy nhà mày như thế mà còn kêu ca gì nữa…" Sự tự hào đôi khi lại ẩn giấu một cách trái ngược, kỳ lạ như thế trong câu chuyện của những người phụ nữ. Phụ nữ, làm sao mà hiểu được họ.

Nguyễn Thanh Tâm
.
.
.